04/03/2015

Ngang nhiên chiếm nhà người khác

Ngoài việc bị chiếm nơi ở, khổ chủ còn phải trả tiền thuê nhà hằng tháng. Trong khi đó, Công ty Dịch vụ công ích quận 5, TP HCM (đơn vị cho thuê) chẳng hay biết về vụ khách hàng của mình bị chiếm dụng chỗ ở trái luật

“Tôi ký hợp đồng thuê nhà với Công ty Dịch vụ công ích quận 5; mỗi tháng, tôi phải trả tiền thuê nhà 3,7 triệu đồng nhưng không được ở vì người khác đã chiếm nhà. Tôi khiếu nại rất nhiều nơi nhưng không được giải quyết. Mong cơ quan chức năng sớm can thiệp để tôi được trở về nhà”. Ông Lương Tô Hà (ngụ số 44 Phú Hữu, phường 14, quận 5, TP HCM) trình bày.

Đi làm ăn xa, trở về mất nhà

Theo đơn của ông Lương Tô Hà, ông và ông Lương Cẩm cùng ở tại căn nhà số 44 Phú Hữu từ năm 1983 đến 1991. Sau khi ông Cẩm mất vào năm 1991, ông Hà là người được tiếp tục thuê căn nhà trên của nhà nước.

Sau đó, ông Lương Văn Thành (con ông Lương Cẩm) ở Hồng Kông về ở nhà 44 Phú Hữu cùng ông Hà. Để ông Thành ở đó một mình, ông Hà đi làm ăn xa.

Sau một thời gian, ông Hà trở về thì ông Thành đã chết, người bỗng dưng vào căn nhà này sinh sống là ông Phạm Kim Tấn! Ông Hà liền gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng. “Căn nhà 44 Phú Hữu, nhà nước đã bán hóa giá cho tôi 30 m2 trong tổng diện tích hơn 100 m2, tôi đã trả tiền mua nhà. Phần diện tích còn lại, tôi đóng tiền thuê mỗi tháng cho đến bây giờ. Vậy mà tôi không được ở vì đã bị người khác (ông Tấn) chiếm nhà” – ông Hà bức xúc trình bày.

Làm việc với chúng tôi, ông Phạm Kim Tấn cho rằng ông Lương Văn Thành đã bán căn nhà 44 Phú Hữu cho ông vào ngày 13-10-2011, giá theo hợp đồng là 2,6 tỉ đồng, ông Tấn đã trả cho ông Thành 1,7 tỉ đồng. Việc mua bán không qua công chứng nhà nước.

Nhà ông Lương Tô Hà thuê của nhà nước nhưng bị người khác đem bán

Nhà ông Lương Tô Hà thuê của nhà nước nhưng bị người khác đem bán

Những giấy tờ chứng minh ông Hà là người mua 30 m2 diện tích và thuê phần diện tích nhà còn lại của nhà nước

Những giấy tờ chứng minh ông Hà là người mua 30 m2 diện tích và thuê phần diện tích nhà còn lại của nhà nước

Xâm phạm chỗ ở bất hợp pháp

Về trường hợp này, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, phân tích: Hợp đồng mua bán nhà giữa ông Phạm Kim Tấn và ông Lương Văn Thành là trái pháp luật. Ông Thành không phải là chủ sở hữu căn nhà số 44 Phú Hữu nên không có quyền chuyển nhượng căn nhà này. Theo quy định tại điều 128 Bộ Luật Dân sự, giao dịch dân sự có nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật thì vô hiệu. Do đó, hợp đồng chuyển nhượng căn nhà số 44 Phú Hữu giữa ông Tấn và ông Thành là vô hiệu vì nội dung hợp đồng trái pháp luật.

“Với căn nhà 44 Phú Hữu, nhà nước đã bán hóa giá cho ông Lương Tô Hà 30 m2 trong tổng diện tích hơn 100 m2, phần còn lại vẫn thuộc sở hữu nhà nước và ông Hà vẫn trả tiền thuê hằng tháng. Như vậy, trước hết, đối với phần diện tích nhà ở thuộc sở hữu nhà nước mà ông Hà thuê của Công ty Dịch vụ công ích quận 5, ông Hà cần yêu cầu Công ty Dịch vụ công ích quận 5 can thiệp, buộc ông Tấn ra khỏi phạm vi nhà ở cho thuê, bảo đảm quyền sử dụng ổn định nhà ở của bên thuê (ông Hà) trong thời hạn thuê. Riêng đối với phần 30 m2 mà ông Hà đã được nhà nước hóa giá, với tư cách là chủ sở hữu phần diện tích này, ông Hà có quyền yêu cầu ông Tấn ra khỏi phạm vi nhà ở thuộc sở hữu của mình và bồi thường thiệt hại cho mình. Trường hợp ông Tấn không thực hiện, ông Hà có thể tố cáo tới Cơ quan CSĐT Công an quận 5 về hành vi xâm phạm chỗ ở bất hợp pháp theo quy định tại điều 124 Bộ Luật Hình sự 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009. Nếu Cơ quan CSĐT Công an quận 5 khởi tố vụ án, ông Hà có quyền yêu cầu cơ quan này giải quyết vấn đề yêu cầu bồi thường thiệt hại của mình đối với ông Tấn và chủ thể có liên quan” – luật sư Hậu phân tích.

Theo NLĐ