17/03/2020

Giới thiệu Sách “Hà Nội trong mắt người Sài Gòn”

Trong dịp đầu xuân 2020, Kiến trúc sư – đô thị gia, nghiên cứu Việt Nam học Nguyễn Hữu Thái đã cho ra mắt cuốn sách Giới thiệu sách “Hà Nội trong mắt người Sài Gòn”. Không có Hà Nội đẹp, Hà Nội xấu. Chỉ có Hà Nội như một tấm gương”. Cuốn sách là sự chia sẻ cách nhìn “Không có Hà Nội đẹp, Hà Nội xấu. Chỉ có Hà Nội như một tấm gương” bằng cái nhìn của một người Sài Gòn về Hà Nội yêu quý của mọi chúng ta.

Lời giới thiệu 

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Anh Nguyễn Hữu Thái, tác giả cuốn sách này, hơn tôi 7 tuổi, tôi vẫn coi là bậc đàn anh về tuổi tác, nhưng được anh đối xử như bạn và khi quen anh đã lâu thì nhận ra một tính cách rất trẻ ở con người hôm nay đã bước vào ngưỡng tuổi 80.

Tính cách ấy tôi không chỉ nhận ra ở cách ứng xử, nói năng, đi lại…hay lúc chia sẻ những điều đang nghĩ mà gây ấn tượng hơn hết lại là những trải nghiệm đã đi qua cuộc đời của anh mà tôi được biết. Anh sinh ra ở Đà Nẵng (1940) nhưng sống và gắn bó hầu như cả đời mình với thành phố Sài Gòn sôi động. 23 tuổi anh đã trở thành Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (1963), 31 tuổi đã ra ứng cử Quốc hội Việt Nam Cộng hòa… và ở tuổi 35, vào thời khắc lịch sử của buổi trưa ngày 30-4-1975 Nguyễn Hữu Thái có mặt ở Dinh Độc Lập chứng kiến sự kết thúc “hoàn hảo” cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng là phút lâm chung của chế độ Việt Nam Cộng hòa.

Và chính Nguyễn Hữu Thái trở thành “MC”, người giới thiệu Tổng thống Dương Văn Minh lên Đài phát thanh Sài Gòn tuyên bố đầu hàng Quân Giải phóng. Chính cuốn băng ghi âm tiếng nói của anh đã giúp giới sử học chúng tôi có bằng chứng để phục hồi lại bức tranh trung thực nhất liên quan đến một số chi tiết quan trọng về sự kiện lịch sử này. Và đó cũng là cái duyên để tôi quen biết, rồi thân thiết với Nguyễn Hữu Thái và được đọc nhiều điều anh đã viết và công bố.

Lần này, Nguyễn Hữu Thái cho tôi đọc bản thảo để viết lời giới thiệu  cho cuốn sách mà bạn đang đọc. Thật khó định danh thể loại của cuốn sách này, nhưng như tên gọi của sách, có thể coi đây là tập hợp những mảnh ghép trong nhận thức của tác giả về Hà Nội với hai chất liệu chủ yếu là con người và kiến trúc. Những chân dung được anh chấm phá bằng những kỷ niệm ấn tượng liên quan đến Hà Nội. Những công trình kiến trúc mà anh có ấn tượng liên quan đến nghề nghiệp của anh. Qua những mảnh ghép bằng ngôn ngữ và hình ảnh minh họa ấy, Nguyễn Hữu Thái chia sẻ cái “biết” và cái “hiểu” của anh về Hà Nội qua con mắt của một người sống và trải nghiệm chủ yếu ở Sài Gòn. Cái vốn sống ở Sài Gòn (và có thể được bổ sung thêm một thời gian khá dài anh cư ngụ ở Canada, Pháp và Mỹ) cùng với con mắt nghề nghiệp của một kiến trúc sư tạo nên một nét riêng để chia sẻ không chỉ với người Hà Nội mà với tất cả những ai có lòng yêu với mảnh đất “hội tụ và tỏa sáng” tiêu biểu nhất của đất nước ta.

Nguyễn Hữu Thái tâm đắc với lý giải của một đồng nghiệp đã quá cố của tôi, Tiến sĩ Nguyễn Hải Kế “Không có Hà Nội đẹp, Hà Nội xấu.Chỉ có Hà Nội như một tấm gương”. Tôi cũng tâm đắc với câu nói hay đó và nhận ra cuốn sách của Nguyễn Hữu Thái là sự chia sẻ cách nhìn đó bằng cái nhìn của một người Sài Gòn về Hà Nội yêu quý của mọi chúng ta.

Xin được trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc

Thu Hà Nội 2019

image003

Lời nói đầu

ĐIỂU GÌ THÔI THÚC TÔI VIẾT VỀ HÀ NỘI?

Bản thân tôi lớn lên và trưởng thành ở miền Nam suốt 30 năm thời chiến tranh Việt – Pháp rồi Việt – Mỹ. Sau 1954 đất nước bị chia cắt thành hai miền Nam Bắc tưởng như không bao giờ có ngày sum họp.

Hà Nội đối với tôi chỉ mơ hồ qua các câu chuyện của cha tôi từng ra đó học hành vào giữa những năm 1930 và mẹ tôi ra Hà Nội thăm chú tôi tập kết ra Bắc năm 1954. Trong tuổi thơ, tôi mãi không thể quên hình ảnh đoàn quân Nam tiến Hà Nội xung phong vào tham gia kháng chiến Nam Bộ đã ghé tạt ngang ga Đà Nẵng quê tôi năm 1945.

Tôi cũng nghe các lời kể của bạn bè gốc Bắc cùng trường, đọc và nghe các bài viết, lời ca tiếng hát của các nhà báo, nhà văn, nhạc sĩ miền Bắc di cư vào Nam năm 1954.

Do tranh đấu sinh viên với mấy lần vào tù, tôi lại rất ấn tượng với các câu chuyện bạn tù lớn tuổi gốc Hà Nội thường kể về Thủ đô. Giấc mơ ngày thống nhất đất nước lại nung nấu trong tôi lòng quyết tâm hoạt động cho độc lập, hòa bình và thống nhất đất nước.

Sau ngày giải phóng và thống nhất đất nước, mãi đến năm 1986 tôi mới lần đầu tiên ra Hà Nội để thực hiện một gian hàng trưng bày thành tựu  kinh tế miền Nam ở khu triển lãm Giảng Võ, nhằm ngay vào dịp đại hội Đảng “Đổi Mới”.

Từ đó, tôi gắn bó với Hà Nội nhiều hơn qua các hoạt động ở Hội Kiến trúc sư Việt Nam và thường xuyên viết bài cho báo chí trung ương, trả lời phỏng vấn truyền thanh – truyền hình Hà Nội, tham dự các cuộc họp mặt và hội thảo cấp quốc gia và quốc tế diễn ra tại Thủ đô.

Một điều đặc biệt khác là trên 10 năm qua, con trai của tôi là chuyên gia chiến lược phát triển Nguyễn Hữu Thái Hòa ở nước ngoài về lại định cư và làm việc ở Hà Nội tạo một cơ hội khác cho tôi được đi lại và sinh hoạt ở nơi đây nhiều hơn.

Chắc bạn đọc sẽ hỏi điều gì khiến tôi mong muốn viết về Hà Nội.

Không ai có thể phủ nhận một sự thật lịch sử là giữa Hà Nội và Sài Gòn đã tồn tại không ít khác biệt, từ vùng đất, lối sống, tính cách hành xử và suy nghĩ.Chúng còn bị bóp méo bởi không ít thành kiến và ngộ nhận, gồm cả xuyên tạc ác ý. Nguyên do là đã có một thời gian khá dài tất cả người Việt chúng ta trong Nam lẫn  ngoài Bắc, từng bị đẩy vào các thế đối nghịch, tạo ra những mặc cảm tự ty lẫn tự tôn giả tạo: ‘Bắc-Nam’,‘bên thắng-bên thua’, ‘cách mạng-phản động’, ‘cộng sản-tư bản’, ‘dân tộc-giai cấp’, ‘ái quốc-phản quốc’, ‘trung ương-địa phương’, ‘kỳ thị chính trị, văn hóa vùng-miền’,…

Làm sao lý giải và vượt qua các khác biệt và mặc cảm đó, nhắm san lấp hố sâu ngăn cách tâm lý phân chia dai dẳng không đáng có, sau gần nửa thế kỷ đất nước đã thực sự độc lập và thống nhất. Đây chính là lý do  thúc đẩy tôi viết cuốn sách này.

Nội dung cuốn sách chủ yếu là một cuộc hành trình phát hiện và tìm hiểu lại vùng đất, con người Hà Nội bước vào thời đại mới, mong được khách quan và thấu tình đạt lý, không tô hồng hoặc bôi đen, về các mặt lịch sử, văn hóa – xã hội. Đặc biệt là các vấn đề Thủ đô phải đối mặt trong một đất nước thống nhất sau chiến tranh và đang hội nhập tích cực vào thế giới đa dạng ngày nay.

Trong quá trình tìm hiểu về Hà Nội, tôi đã ghi nhận được khá nhiều trải nghiệm và cảm nhận, đặc biệt từ anh chị miền Nam tập kết ra Bắc từng sinh sống nhiều năm ở Hà Nội trước và cả sau 1975, khá đông bạn bè gốc Hà Nội cũ lẫn mới đang làm ăn sinh sống xa Thủ đô.

Thành thực mà nói, bản thân tôi nhiều khi cũng hoang mang trước những nhận định trái chiều, không ít phê phán rất gay gắt của chính người Hà Nội về thành phố của mình. Và tôi cũng đã không ít lần tranh luận và bác bỏ các luận điểm mang tính “cực đoan”, hoặc nặng “thành kiến” lẫn “xuyên tạc ác ý” của không ít người về Hà Nội.

Tôi mong được bạn đọc xem đây là một cuốn sách xuyên thế hệ dành cho nhiều lứa tuổi, nhiều giới, gồm cả người trong Nam lẫn ngoài Bắc, người Việt ở nước ngoài. Do đó nội dung mở rộng, không giới hạn trong việc chỉ ghi chép lại các trải nghiệm, cảm nhận,cảm xúc cá nhân, thế hệ…mà đan xen cả những luận bàn về văn hóa, lịch sử, kinh tế. Nào so sánh sự khác nhau khá rõ nét trong sinh hoạt giữa Hà Nội và Sài Gòn, đề cập đến các nhân vật đang thực sự hội tụ và tỏa sáng ở Thủ đô, đóng góp tích cực cho cả nước đa phần lại là người nhập cư vào Hà Nội. Tôi cũng đánh giá cao các công trình di sản Hà Nội mà cả nước trân quý, mong muốn thành phố quan tâm gìn giữ, đồng thời cũng nêu bật lên các bài học đắt giá về hệ quả của một Hà Nội mở rộng, hiện tượng ‘băm nát’ quy hoạch đô thị từng gây tranh cải suốt nhiều năm qua.

Tập tản văn trên dưới 200 trang này chia làm 3 phần: (1) tìm hiểu về bản sắc và hồn cốt Hà Nội (2) ghi lại các chặng đường phát triển thành phố Thủ đô, và cuối cùng là (3) lý do khiến nhiều người thích sống ở Hà Nội.

Trong quá trình soạn thảo sách, phải thú nhận là đã từng nổ ra nhiều tranh luận trong đánh giá về Hà Nội, có lúc tưởng chừng như bế tắc và khó hy vọng đi đến phần kết hợp tình hợp lý.

Nhưng may mắn thay, tôi đã bắt gặp được nhận xét và lý giải vừa sâu sắc vừa thấu tình đạt lý của nhà sử học Nguyễn Hải Kế về thành phố Thủ đô: Không có Hà Nội đẹp, Hà Nội xấu. Chỉ có Hà Nội như một tấm gương!”

Xin mạn phép ghi lại lời lý giải đó của Tiến sĩ Nguyễn Hải Kế xem như  lời kết đẹp cho tập tản văn này.

Tác giả

Về tác giả Nguyễn Hữu Thái

image005

Kiến trúc sư – đô thị gia, nghiên cứu Việt Nam học, nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (1963-1964)

Gần 50 năm hợp tác nghiên cứu, giảng dạy và viết sách báo tại Việt Nam, Đông Á, Tây Âu và Bắc Mỹ

Sách đã in :

Ngôi nhà Việt (2019), Sài Gòn, có một thời như thế (2018), Sài Gòn từ Hòn ngọc Viễn Đông đến Thành phố Hồ Chí Minh (2017); 30/04/75, Saigon – sự kiện & đối thoại (2015); Hành trình của một sinh viên Sài Gòn từ chiến tranh đến hòa bình (2013); Chuyện ít biết về ngày giải phóng Sài Gòn 30/4/1975 (2013); Thư gửi bạn trẻ – khơi dậy nguồn lực để vươn lên (2007); Xu hướng mới kiến trúc-đô thị thế giới & Việt Nam thời hội nhập (2003); Những vấn đề kiến trúc đương đại Việt Nam(2002); Hành trang bước vào thiên niên kỷ (2001).

Đồng tác giả: Nửa thế kỷ kiến trúc Việt Nam (2010); Thế hệ kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên (2008); Nhà ở nông thôn Nam Bộ (1984).