06/02/2018

Thiết kế điển hình cho nhà ở trong vùng núi chịu ảnh hưởng của thiên tai

Qua các nghiên cứu, đánh giá từ trước đến nay để có thể thấy rằng, ngay tại những khu vực được coi là ít nhạy cảm ở Việt Nam thì biến đổi khí hậu cũng vẫn là một vấn đề nổi cộm, cần được tiếp tục tìm hiểu sâu hơn cả dưới góc độ khoa học cũng như thực tiễn. Trước tình trạng đó, Viện Kiến trúc quốc gia – Bộ Xây dựng đã có một số thiết kế điển hình cho nhà ở trong vùng núi chịu ảnh hưởng của thiên tai.


Một trong những thiết kế điển hình cho nhà ở trong vùng núi chịu ảnh hưởng của thiên tai.

Đối với nhà ở trong vùng thung lũng, lòng chảo thấp, vùng núi ven biển: Thường tập trung đông các hộ gia đình, nhờ điều kiện tự nhiên tương đối thuận lợi, nên các điều kiện về cơ sở hạ tầng được coi là phát triển nhất trong toàn vùng.

Đặc điểm thiên tai tại khu vực này là hay bị ảnh hưởng của bão lũ, kèm theo ngập lụt dài ngày do nước từ thượng nguồn đổ về. Vì vậy, giải pháp xây dựng nhà ở dựa trên nguyên tắc chú trọng đến khả năng chống lũ và gió bão ven biển, do đó tập trung vào các đề xuất như sau: Lựa chọn địa điểm trên cao, cách xa các con suối, sông để xây dựng nhà ở; hướng nhà bố trí xuôi theo hướng thoát nước lũ, kiến trúc nhà sàn thường để trống tầng 1, giảm thiếu tối đa khả năng cản dòng nước lũ; kết cấu theo tiêu chí 3 cứng, gia cố vững từ móng, thân đến mái. Bên cạnh đó nên bố trí gác lửng và cửa sổ thoát mái đối với những nơi có mức lũ, lụt hằng năm cao.

Với một số vùng núi ven biển, xây nhà hạn chế sự đua dài của mái và hạn chế cửa sổ mở rộng, nhằm giảm thiểu thiệt hại của bão tới kết cấu nhà; dùng bao đất, cát chắn che nền nhà. Chuẩn bị lương thực, nước uống đầy đủ. Kho an toàn có thể thoát ra từ mái khi cần thiết.

Với các lưu ý đó thì 3 kiến trúc nhà mẫu được đưa ra là: Kiến trúc nhà sàn truyền thống, trống tầng 1 phòng chống lũ lụt; kiến trúc nhà sàn trống tầng 1, mái nhà phụ kết nối với tầng 2 nhà chính làm sân phơi, sân cứu trợ khi có lũ lụt; nhà nửa sàn nửa trệt, tầng trệt bố trí các không gian phụ, được gia cố bằng đá hộc tự nhiên, đảm bảo vững chắc. Hệ mái sử dụng seno bê tông, mái tôn neo chặt vào xà gồ thép, hạn chế tối đa tốc mái khi có lốc, bão. Nhà ở phù hợp với khu vực miền núi ven biển.


Kiến trúc nhà sàn trống tầng 1, mái nhà phụ kết nối với tầng 2 nhà chính làm sân phơi, sân cứu trợ khi có lũ lụt.

Đối với nhà ở vùng giữa hay các sườn núi: Là khu vực có điều kiện về hạ tầng cơ sở hết sức thấp kém, đời sống – xã hội khó khăn. Đặc điểm khu vực này có địa hình đồi núi dốc, thường hay bị sạt lở, lũ quét, lũ ống, Ngoài ra hiện tượng giông lốc cũng gây thiệt hại tốc mái, đổ tường.

Giải pháp xây dựng nhà ở dựa trên nguyên tắc chống sạt lở, do đó trước hết trong công tác quy hoạch, tránh xây nhà tại các điểm có nguy cơ sạt lở cao, xây nhà trên nền cứng vững chắc, tránh bị đẩy dạt. Hình khối công trình phù hợp với địa hình, bố trí nằm ngang theo đường đồng mức, kết hợp bố trí tường hướng dòng, hào thu thoát nước, tránh xối nước trực tiếp vào công trình.

Đối với khu vực nền đất yếu, dễ sạt lở, phải có giải pháp gia cố móng, móng nhà được bố trí ở độ sâu khác nhau hoặc bố trí ở đầu dốc giữa dốc và chân dốc theo yêu cầu ổn định.


Một trong những mẫu nhà thiết kế cho vùng giữa hay các sườn núi.

Đối với nhà ở vùng cao hay rẻo núi cao: Là nơi địa hình cao, hiểm trở (trên 600m). Đây là vùng sâu nhất, xa nhất và khó khăn nhất trong vùng, cơ sở vật chất hết sức nghèo nàn. Giao thông chuyên chở vật liệu bị hạn chế, do đó chủ yếu sử dụng vật liệu sẵn có tại địa phương. Khu vực này có mùa đông lạnh, thời tiết cực đoan kèm theo sương muối, mưa đá và gió lốc.

Chính vì vậy giải pháp xây dựng chủ yếu phòng chống thiên tai do cực trị nhiệt độ biến đổi bất thường. Do đó khi thiết kế nhà thường nhỏ, xây thấp, kín, ít cửa, tường dày, mái đua rộng nhằm chống lạnh, sương muối về mùa đông và nắng nóng mùa hè.


Nhà mẫu dùng giải pháp trống tầng 1, với hình thức mái dốc kết hợp giải pháp thu gom nước mưa vào bể chứa.

Đi kèm với giải pháp trên Viện Kiến trúc quốc gia cũng đưa ra 4 thiết kết nhà mẫu tương ứng. Nhà mẫu dùng giải pháp trống tầng 1, với hình thức mái dốc kết hợp giải pháp thu gom nước mưa vào bể chứa; Mẫu nhà có hình thức mái dốc, diện mái lớn, cửa sổ, cửa ra vào nhỏ, nhằm giảm thiểu tác động của thời tiết khí hậu cực đoan kèm sương muối, mưa đá và gió lốc; mẫu nhà có hình thức nhà sàn truyền thống, sử dụng kết cấu khung dầm thép hộp hoặc thép hình, dễ dàng vận chuyển và lắp dựng.

Vật liệu bao che là các tấm panel cách âm cách nhiệt, được sản xuất công nghiệp.Thích hợp cho những khu vực vùng sâu vùng xa, khó khăn về vận chuyển vật liệu; mẫu nhà dùng phương án nhà trệt 1 tầng, với cốt nền được tôn cao, bao quanh là tường đá hộc kiên cố, hạn chế sạt lở. Diện mái rộng và thấp, kết hợp với hành lang rộng, có tác dụng thoáng mát vào mùa hè và giảm lạnh vào mùa đông.

Nguyễn Quốc Hoàng