04/11/2019

Xử lý sông Tô Lịch: Kiểm soát nguồn xả thải ra sao?

Chưa kiểm soát được nguồn xả thải thì có tốn bao nhiêu tiền, đầu tư công nghệ Mỹ hay Nhật cũng chỉ tốn tiền vô ích.

PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, Khoa Môi trường, ĐHKHTN cho rằng, nếu số tiền 58 đồng cùng chi phí đầu tư ban đầu là mức phí được tính toán để xử lý tổng thể nước thải sông Tô Lịch thì chấp nhận được.

huyên gia Nhật xử lý nước thải sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano. Ảnh NLD

Chuyên gia Nhật xử lý nước thải sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano. Ảnh NLD

Yêu cầu xử lý tổng thể phải hướng tới mục đích giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm, biến dòng sông Tô Lịch từ dòng sông thoát nước thải thành dòng sông thủy trong xanh quanh năm, có thể phục vụ du lịch chứ không đơn thuần chỉ làm nước trong, nuôi được cá là xong.

Muốn làm được như vậy trước hết phải xác định rõ mục tiêu, chức năng của sông Tô Lịch. PGS Nguyễn Đình Hòe cho hay, nếu xác định sông Tô Lịch là dòng sông trong xanh, điều hòa cho thành phố đồng thời phục vụ chiến lược phát triển du lịch trong tương lai thì việc chi tiền đầu tư công nghệ, xử lý dứt điểm một lần để có được dòng sông sạch là rất chính đáng.

Tuy nhiên, nếu vừa coi đây là tuyến giao thông đường thủy, lại vừa có chức năng là một sông thoát nước cho Hà Nội thì vấn đề xử lý nước thải không phải chỉ bỏ tiền đầu tư công nghệ làm sạch nước là có thể giải quyết được vấn đề.

“Nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp chưa được xử lý mà vẫn tiếp tục đổ về sông Tô Lịch thì công nghệ có hiện đại cỡ nào, có bỏ ra bao nhiêu tiền cũng không giải quyết được vấn đề.

Hơn nữa, công nghệ của các chuyên gia Nhật Bản rất hiện đại nhưng chỉ phù hợp với những sông, hồ khép kín như hồ Văn Chương, hồ Tây… không phù hợp với một dòng sông hở, lại có chức năng thoát nước cho thành phố như sông Tô Lịch.

Ngay cả khi sử dụng công nghệ trên cho các hồ khép kín, vấn đề gom nước thải cũng phải được thực hiện song song, nếu làm trong nước rồi nước thải lại đổ ra thì không công nghệ nào chịu nổi”, PGS Nguyễn Đình Hòe nhấn mạnh.

Từ đó, vị chuyên gia cho rằng muốn làm sạch được dòng sông Tô Lịch việc đầu tiên phải thay đổi chức năng của sông này.

Sông Tô Lịch, sông Kim Ngư, sông Lừ, sông Sét đều là những con sông được xây dựng với chức năng làm cống thải cho thành phố, do đó, tất cả các cống nước thải sinh hoạt, kể cả nước thải công nghiệp đều được đổ vào những dòng sông này sau đó được trạm Yên Sở xử lý và bơm ra sông Nhuệ.

Như vậy, muốn xử lý triệt để nguồn nước ô nhiễm từ các dòng sông này trước hết phải thay đổi chức năng của những con sông này từ dòng sông thoát nước thải chuyển sang dòng sông thủy, phục vụ du lịch.

Khi xác định rõ được mục tiêu, mục đích của các dòng sông này thì phải thực hiện xây dựng các hệ thống gom nước thải sinh hoạt ở hai bên bờ các dòng sông để xử lý riêng. Sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu… chỉ để chứa nước mưa. Làm được như vậy thì chỉ cần đầu tư một lần là có thể giải quyết triệt để được vấn nạn ô nhiễm tại các dòng sông này mà không cần tới sử dụng công nghệ Nhật, hay Mỹ.

“Hiện nay, sông Tô Lịch như miệng chứa từ hàng ngàn cống thải sinh hoạt đổ vào, làm sạch sông nước thải lại đổ về thì 2 triệu/m3 chứ có đến 200 triệu/m3 cũng chỉ tốn tiền vô ích”, PGS Nguyễn Đình Hòe nhấn mạnh.

Vị chuyên gia nói thêm, với mật độ đô thị hóa, bê tông hóa như Hà Nội hiện nay việc duy trì, tồn tại các dòng sông điều hòa cho thành phố là rất quan trọng. Do đó, việc xử lý nước thải, giữ cho các dòng sông này trong xanh, phục vụ du lịch sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội cho thành thành phố Hà Nội.

Ngoài ra, cũng đề cập tới vấn đề quy hoạch đô thị, vị chuyên gia cho rằng quy hoạch đô thị phải làm bài bản, chỉn chu, xây dựng thủ đô phải xanh – sạch – đẹp ngay từ đầu.

“Đô thị Hà Nội đang phát triển nhanh hơn cả trình độ quản lý, phát triển nhanh hơn cả sự chuyển đổi ý thức của người dân nên mới có tình trạng đô thị mọc lên bất chấp, người dân xả thải bừa bãi.

Như vậy, vấn đề ở đây còn là câu chuyện quy hoạch tổng thể từ quy hoạch xây dựng đô thị, cho tới quy hoạch thủy lợi, thoát nước và phải gắn với chiến lược phát triển đô thị của thành phố mới giải quyết được vấn đề”,  PGS Hòe bày tỏ.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng nhắc tới ý thức của người dân. Kể lại câu chuyện ở Hội An nhiều năm trước, du khách, người dân cũng từng than phiền về mùi hôi thối nồng nặc lẫn màu nước đen ngòm của khu vực kênh xung quanh Chùa Cầu (khe Ồ Ồ), TP Hội An, Quảng Nam, ông Hòe cho biết, nguyên nhân chính do nước thải trực tiếp từ hàng ngàn hộ dân, nhà hàng, khách sạn, các cơ sở sản xuất, kinh doanh hai bên bờ sông đổ ra gây nên tình trạng ô nhiễm trầm trọng này.

Nguồn rác thải sinh hoạt của người dân sinh sống xung quanh cũng là nguồn khởi phát ô nhiễm.

Sau đó chuyên gia Nhật cũng mang công nghệ sang xử lý, nước thải được cải thiện nhưng người dân bán hàng rong vẫn thản nhiên xả rác và sông vẫn ô nhiễm.

Vị chuyên gia cho rằng, có công nghệ tốt, có giải pháp hay nhưng cũng còn phải thay đổi cả thói quen xả rác bừa bãi của người dân nữa.

Thái Bình/Báo Đất Việt