09/10/2020

Xây dựng Thừa Thiên – Huế thành đô thị di sản trực thuộc Trung ương

Tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung xây dựng địa phương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế… 

Cố đô Huế có 7 di sản thế giới được UNESCO công nhận, trong đó, 5 di sản thuộc triều đại nhà Nguyễn, đủ cả 3 loại hình: vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu. Tỉnh Thừa Thiên- Huế là vùng đất có nhiều di sản tự nhiên độc đáo, có giá trị tiêu biểu nổi bật không chỉ trong phạm vi đất nước và khu vực. Tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung xây dựng địa phương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế…

Đô thị Huế nhìn từ trên cao

Đô thị Huế nhìn từ trên cao

Trong đề án xây dựng và phát triển không gian đô thị Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, tỉnh Thừa Thiên Huế mở rộng đô thị Huế gấp 5 lần so với diện tích thành phố Huế hiện nay. Đô thị mới bao gồm thành phố Huế hiện hữu cùng một phần thuộc các thị xã Hương Thủy, Hương Trà và huyện Phú Vang với diện tích khoảng 348 km². Đô thị Huế sẽ mở rộng theo hướng đông- tây và bắc- nam, với trục cảnh quan “xương sống” là sông Hương kéo dài từ phía tây Bình Điền về biển; kết nối biển Thuận An, đầm phá Tam Giang với trung tâm Huế.

Với hướng điều chỉnh mở rộng này, đô thị cổ với khu di sản thế giới- Kinh thành Huế ở bờ bắc sông Hương, đô thị ở bờ nam sông Hương sẽ được bảo tồn; trong khi đó, các vùng đã đô thị hóa quanh Huế sẽ trở thành đô thị. Theo ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế, quan trọng là phải tạo được hình thái đô thị đặc thù, mang đậm tính chất di sản của Việt Nam.

Đại Nội Huế về ban đêm

Đại Nội Huế về ban đêm

“Để thực hiện Nghị quyết 54 xây dựng Huế trở thành một đô thị di sản thì toàn thể chúng ta phải cụ thể hóa tất cả những cái quy hoạch chi tiết, rồi việc định hướng kinh tế xã hội phù hợp với quy hoạch đó theo nội dung của đô thị di sản mà chúng ta đã định hướng.”- Ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay.

Cố đô Huế được đánh giá là nơi bảo tồn tốt nhất các giá trị di sản truyền thống của Việt Nam, cả về di sản vật thể, phi vật thể, cảnh quan môi trường, lối sống, phong tục tập quán… Trong 5 năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát huy các lợi thế từ di sản phục vụ cho sự phát triển địa phương. Đến nay, tỉnh này đã tạo nên các thương hiệu ấn tượng như: “Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”, “Thành phố văn hóa ASEAN”… Tiến sĩ Đặng Văn Bài, nguyên Uỷ viên Hội đồng di sản thế giới cũng cho rằng, Huế là cố đô còn giữ hình hài nguyên vẹn nhất so với những cố đô khác trên toàn quốc. Người Pháp đã giữ nguyên phần phía Bắc sông Hương, xây dựng đô thị ở phía Nam Sông Hương, lại có dải cây xanh, rồi đường, rồi người ta mới xây dựng, tức là người ta đã cho ta trục quy hoạch rất rõ. Trục quy hoạch đó, có lẽ là rồi nó cũng được công nhận là một ý tưởng mang tính chất di sản. Quy hoạch là giữ cho được cảnh quan đôi bờ Sông Hương vì nó là trục quy hoạch và nó có vai trò rất quan trọng, làm nên sắc thái Thừa Thiên Huế.

Sông Hương trục xương sống trong quá trình mở rộng đô thị Huế

Sông Hương trục xương sống trong quá trình mở rộng đô thị Huế

Trong Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 nêu rõ quan điểm, cần xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Việc xây dựng Thừa Thiên Huế phải trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, của vùng như kết hợp hài hòa giữa di sản văn hóa lịch sử đặc sắc với cảnh quan tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú và con người Huế…

Ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cho biết: Tỉnh đã ban hành các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW, như: Chương trình phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; Đề án điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế; Đề án Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế; cơ chế chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế.

Nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế xác định xây dựng Huế trở thành đô thị di sản

Nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế xác định xây dựng Huế trở thành đô thị di sản

“Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 54 về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” đã đề ra phương hướng, tầm nhìn, mục tiêu phát triển cụ thể, rõ ràng, có tính khả thi. Và một xu thế là nền kinh tế phát triển theo hướng phát triển xanh, sáng tạo và bền vững; thế giới có nhiều thành phố, đô thị mà thương hiệu và sự nổi tiếng đều gắn liền với di sản. Đây là những cơ hội cho Huế với những tiềm năng, thế mạnh riêng, có thể bắt nhịp với xu thế phát triển chung đó”- Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu cho hay./.”

Lê Hiếu/VOV