05/08/2016

Xây dựng, sửa chữa nhà liền kề trong phố: Bao giờ mới hết nỗi ám ảnh đổ sập?

Khoảng 3h15 sáng nay (4/8), ngôi nhà 3 tầng kinh doanh nem Xuân Dần ở 43 Cửa Bắc (Ba Đình, Hà Nội) bất ngờ đổ sập, làm 2 người chết và 6 người bị thương. Hiện công tác xử lý sự cố đã hoàn tất. Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra sự cố sập nhà liền kề trong phố khi có công trình bên cạnh đang thi công xây dựng.


Mái tum được đưa ra để giải phóng hiện trường, tìm kiếm người mắc kẹt.

2 người bị chết do nhà bỗng dưng đổ sập

Theo thông tin từ công an phường Trúc Bạch, cơ sở nem Xuân Dần 43 Cửa Bắc do ông Trần Anh Tuấn sinh năm 1964 làm chủ. Cửa hàng này có diện tích 30m2 được xây dựng 3 tầng. Tầng 1, 2 để kinh doanh; tầng 3 là nơi ngủ của nhân viên, bếp ăn. Trong cửa hàng có tổng cộng 8 nhân viên tạm trú bao gồm 6 nam và 2 nữ.

Ngôi nhà 43 Cửa Bắc được xây dựng những năm 80, móng hầu như không có. Bên cạnh là nhà 41 Cửa Bắc của bà Nguyễn Thị Vân đang sửa chữa đào móng. Nhà bà Vân đã xin phép sửa chữa và có công văn số 1123/UBND-QLĐT của phòng quản lý đô thị quận Ba Đình, ngày 2/8/2016 về việc chấp thuận khôi phục lại nhà cũ. Công an phường Trúc Bạch đang phối hợp cùng đội điều tra công an quận Ba Đình xác minh làm rõ vấn đề này.

Ngay sau khi xảy ra sập nhà, lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường để nỗ lực tìm kiếm, cứu nạn và đưa được hết nạn nhân ra ngoài. Tuy nhiên, đã có 2 người tử vong là anh Nguyễn Văn Thành và chị Nguyễn Thị Hằng.


Nạn nhân được lực lượng cứu hộ đưa ra khỏi đống đổ nát. (Ảnh: Vnexpress.net)

Với chức năng quản lý nhà nước, đoàn kiểm tra Bộ Xây dựng do Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng dẫn đầu đã trực tiếp có mặt tại hiện trường xác định nguyên nhân vụ việc.

Ông Phạm Minh Hà, Cục trưởng Cục Giám định cho biết, trong khi chờ có kết luận chính thức của cơ quan điều tra về sự cố này, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng sẽ kiến nghị với Bộ Xây dựng đề xuất biện pháp siết chặt công tác cấp phép xây dựng tại các địa phương, yêu cầu phải đánh giá công tác cấp phép cũng như đánh giá chất lượng công trình bên cạnh, để có biện pháp đảm bảo an toàn công trình thi công cũng như công trình lân cận. Đây cũng là hành động thực tế thực hiện Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hà Nội và các địa phương phải tăng cường rà soát các biệt thự cũ, chung cư cũ, công sở… Bộ Xây dựng sẽ có ý kiến sớm cảnh báo sự việc này.

Thách thức trong sửa chữa, xây mới nhà liền kề trong phố cũ

Theo nhận định của nhiều chuyên gia xây dựng, việc xây dựng các công trình liền kề luôn là một thách thức mà không phải ai trong nghề cũng có thể thực hiện được, nhất là trong các khu phố cũ. Sự thiếu hiểu biết đầy đủ về những ảnh hưởng của quá trình cải tạo, xây mới công trình liền kề đã để lại quá nhiều bài học đau lòng. Có rất nhiều sự cố nhà liền kề trong phố bị đổ sập khi có công trình bên cạnh đang thi công. Mới đây nhất là khoảng 3h ngày 17/4/2016, ngôi nhà 5 tầng của ông Nguyễn Hữu Điếm phường Hợp Giang, TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng bị đổ sập hoàn toàn do công trình liền kề đang thi công đào móng. Vụ việc đã khiến 3 người trong gia đình ông Điếm bị chết, 3 người bị thương nặng và hư hỏng tài sản.


Vụ sập nhà ông Điếm (Cao Bằng) khiến 3 người chết, 3 người bị thương nặng, hư hỏng toàn bộ tài sản.

PGS.TS Trần Chủng, Trưởng ban Chất lượng (Tổng Hội Xây dựng Việt Nam) đã từng có bài trả lời trên Báo Xây dựng đã chỉ ra một số biện pháp thi công an toàn cho nhà phố liền kề. Theo đó, PGS.TS Trần Chủng cho rằng, các đô thị ở Việt Nam, đặc biệt là ở các đô thị như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng … đều nằm trên vùng có địa chất yếu với tầng bùn rất sâu sau lớp đất sét chịu lực có bề dày từ 3,5-7m. Các ngôi nhà cũ cỡ 2-3 tầng đều nằm trên các móng nông và truyền tải trực tiếp vào lớp đất này.

Sau rất nhiều năm, hệ cân bằng giữa khả năng chịu tải của nền và công trình đã ổn định, chỉ cần có một tác động nào đó như xây công trình mới hay thậm chí tháo dỡ công trình đang tồn tại sẽ phá vỡ trạng thái cân bằng này. Nền đất có thể bị chồi lên (khi tháo dỡ công trình) hoặc lún xuống khi công trình mới xuất hiện. Sự lún hoặc chồi của nền khiến công trình liền kề chịu ảnh hưởng. Những công trình liền kề bị ảnh hưởng sẽ xuất hiện các dấu hiệu như nứt, vỡ tường, dầm, sàn hay nghiêng đều xuất hiện trước khi sập đổ.

Vì vậy, để không xảy ra các sự cố đau lòng, các cơ quan chuyên về xây dựng cần theo dõi thường xuyên các loại công trình xây dựng liền kề trong đô thị để có cảnh báo kịp thời. Mặt khác cũng cần kêu gọi người dân theo dõi và khi đã nhận thấy những “triệu chứng” không bình thường cần thông báo cho chính quyền hoặc các đơn vị có liên quan để kịp thời can thiệp.

Theo PGS.TS Trần Chủng thì việc lựa chọn giải pháp móng chưa đủ mà cần có giải pháp thi công không ảnh hưởng tới công trình lân cận như cách hạ cọc (ép tĩnh cọc, ép cọc có khoan dẫn). Việc đào hố móng cũng cần giải pháp cừ để không bị sạt lở hay dịch chuyển của đất nền nhà liền kề.

Vì bài toán khó và phức tạp như vậy, PGS.TS Trần Chủng đề nghị các chính quyền địa phương cần có quy định cấp phép đặc biệt cho khu vực phố cũ và cần có hướng dẫn, kiểm tra đặc biệt hơn đối với các loại công trình khác.

Ngọc Hà/Báo Xây dựng