27/05/2016

Xây dựng “Làng đô thị xanh” từ góc độ hình thái học đô thị

(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) – Tại Việt Nam, các cụm từ “Tăng trưởng xanh”, “Đô thị xanh”, “Kiến trúc xanh” nhắc đến nhiều vào những năm gần đây như là những tiêu chí hàng đầu khi nghiên cứu phát triển xây dựng. Đặc biệt mô hình “Làng đô thị xanh” là khái niệm hoàn toàn mới trong điều kiện ở Việt Nam. Để có cơ sở lựa chọn mô hình, tiêu chí, cơ chế, chính sách phù hợp nhằm triển khai xây dựng thí điểm “Làng đô thị xanh”,… đang trở thành mối quan tâm chung. Mô hình “Làng đô thị xanh” TP Đà Lạt với mục tiêu phát triển kinh tế hài hòa với tài nguyên thiên nhiên và môi trường gắn với duy trì văn hóa truyền thống bản địa nhằm tìm ra một lối sống bền vững không chỉ là mối quan tâm riêng của TP Đà Lạt. Để việc nghiên cứu, xây dựng, phát triển và áp dụng có tính thực thi hơn cần nghiên cứu phát triển mô hình này theo góc độ “Hình thái học đô thị”.

Đô thị xanh Virginia Bech (Hoa Kỳ)

Đô thị xanh Virginia Bech (Hoa Kỳ)

Hiểu đúng về các khái niệm
Làng Đô Thị: Khái niệm “Làng đô thị” chính thức ra đời ở Anh những năm 80 của thế kỷ 20 với sự thành lập Nhóm các làng đô thị (Urban Village Group, viết tắt là UVG). Có thể hiểu “Làng đô thị” là một phân khu đô thị nên có kết cấu của một đô thị và cũng có các đặc điểm của làng.
Theo các nhà phê bình đô thị thì “Làng đô thị” không phải là một khái niệm mới, chỉ đơn giản là một sự cấu trúc lại ý tưởng trong việc quy hoạch đô thị nhằm mục đích giữ gìn môi trường thiên nhiên trong sự bành trướng đô thị đang diễn ra quá mạnh như nhiều thập kỷ qua.

Picture1 copyPicture3 copy Picture2 copy
Làng đô thị được thiết lập dựa trên 10 nguyên tắc: Mọi hoạt động trong tầm đi lại 10 phút; Tính kết nối cao của mạng lưới giao thông chất lượng; Dịch vụ tích hợp đáp ứng nhu cầu đa dạng; Công trình kiến trúc phức hợp và nhà ở đơn lẻ kết hợp; Thiết kế đô thị tiện nghi, thẩm mỹ và nhân văn hướng đến cộng đồng; Cấu trúc đô thị rõ ràng với khu vực trung tâm và vùng vành đai; Các nguyên tắc thiết kế của đô thị mới được áp dụng đầy đủ ở các khu vực tập trung; Khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng hoặc không gây ô nhiễm do phát thải; Phát triển bền vững dựa trên công nghệ sinh thái, tôn trọng giá trị các hệ thống tự nhiên và tác động của các hoạt động đô thị đến môi trường ở mức tối thiểu. Những nguyên tắc này được kết hợp cùng nhau vì một cuộc sống có chất lượng cao.
Đô Thị xanh: Khái niệm “Đô thị xanh” được hiểu là đô thị đạt 7 tiêu chí: Không gian xanh; Công trình xanh; Giao thông xanh; Công nghiệp xanh; Chất lượng môi trường xanh; Bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, công trình lịch sử, văn hóa; Cộng đồng dân cư sống thân thiện với môi trường và thiên nhiên.
Làng Đô Thị Xanh: Như vậy, mô hình “Làng đô thị xanh” là sự kết hợp giữa 2 mô hình “Làng đô thị” và “Đô thị xanh”.
Khái niệm “Làng đô thị xanh” là một phân khu đô thị có quy mô hợp lý, có kết cấu phức hợp của một đô thị đồng thời có tất cả các đặc điểm của làng; Không gian quy hoạch kiến trúc công trình hạ tầng đô thị hài hòa đáp ứng nhu cầu phục vụ đời sống xã hội của người dân theo xu hướng xanh, thân thiện với môi trường; Thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu phát triển mô hình làng đô thị xanh cho TP Đà Lạt cần theo góc độ hình thái không gian
Sẽ là thiếu sót trong phương pháp khi nghiên cứu về đô thị gắn liền giữa thiết kế với thực tế xây dựng hoặc lên kế hoạch cho tương lai phát triển làng đô thị xanh TP Đà Lạt mà không thực hiện theo góc độ nghiên cứu về hình thái không gian đô thị.
Hình thái không gian đô thị là công cụ cần thiết cho các kiến trúc sư, nhà thiết kế đô thị, nhà quy hoạch, nhà quản lý và bất cứ ai muốn tìm hiểu không gian đô thị. Nói cách khác, phân tích hình thái là cách nghiên cứu tiếp cận đô thị theo dạng cắt lớp nhằm hạ bậc phức tạp của bức tranh đô thị rộng lớn, hướng việc đánh giá về đô thị từ định tính sang định lượng chuẩn xác hơn.
Về dự thảo tiêu chí “Làng đô thị xanh” của sở Xây dựng Lâm Đồng
Các tiêu chí tuy rất sát với yêu cầu thực tế cho một mô hình “Làng đô thị xanh” nhưng vẫn còn tính chất tĩnh và tách biệt như vậy vẫn tồn tại một khoảng hổng lớn trong nghiên cứu về đô thị nhất là muốn việc nghiên cứu gắn liền giữa thiết kế với thực tế xây dựng hoặc lên kế hoạch cho tương lai phát triển bởi sự thật là đô thị luôn trong trạng thái của một dòng chảy tiến hóa và lưu chuyển không ngừng.
Một thành phố sẽ không bao giờ tồn tại mãi mãi theo một dạng thức, chúng sẽ thay đổi không chỉ về hình thức mà thậm chí còn thay đổi cả về bản chất vốn dĩ của chúng. Do đó, chúng ta cần phải tôn trọng “hơi thở và nhịp đập” của đô thị, phải nhận diện đô thị trong bối cảnh liên kết hệ thống các mối quan hệ và trong trạng thái vận động của đô thị.
Từ đó, các mối tương quan giữa các tiêu chí sẽ được xác lập như hệ thống các lớp cấu trúc nội hàm của đô thị. Một cấu trúc mạch lạc, rõ ràng và có nguồn gốc từ chính mô hình của một đô thị cụ thể có thể dự báo khá chính xác về tương lai đô thị, nói cách khác là giúp cung cấp cho chúng ta tầm nhìn chính xác và xa hơn cho những vấn đề “thực tế chưa xuất hiện” của đô thị.
Chúng ta sẽ dễ dàng kiểm soát được mọi động thái phát triển của đô thị, từ đó dễ tìm thấy cách thức thiết lập sự cân bằng giữa các nhu cầu và các phát sinh, giữa bảo tồn và phát triển,… và cũng từ đó có thể phát huy hoặc ngăn chặn các nguy cơ trong quá trình phát triển của đô thị.
Có thể thấy rằng, bằng cách nhìn vào hệ thống tiêu chí được thiết lập trong mối liên kết hệ thống của các tính năng đô thị, chúng ta có thể hiểu sâu sắc về các yêu cầu đa dạng, phức tạp và phát triển đầy định tính của đô thị với phương cách phân tích định lượng theo vòng lặp. Đây chính là ý nghĩa của việc xây dựng tiêu chí cho “Làng đô thị xanh” cho TP Đà Lạt trên tinh thần nghiên cứu về hình thái không gian.

Không gian chợ trung tâm TP Đà Lạt

Không gian chợ trung tâm TP Đà Lạt

“Cấu trúc xanh bền vững” cho mô hình “Làng đô thị xanh” TP Đà Lạt từ góc độ nghiên cứu hình thái không gian
Câu chuyện giữa phát triển đô thị với bảo tồn văn hóa truyền thống và môi trường thiên nhiên vừa là một câu chuyện tình yêu vừa là một trận chiến. Thực tế là hầu hết các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam hiện nay đều nhập cuộc nghiên cứu để tìm giải pháp sao cho vẫn phát triển được đô thị nhưng việc tác động đến môi trường là ở mức tối thiểu, bên cạnh đó các hoạt động của đô thị phải có khả năng hội nhập quốc tế nhưng vẫn giữ được bản sắc địa phương.
Lý do là, từ những năm 1960, khi mà bùng nổ đô thị đã cho thấy các hệ lụy gọi chung là các căn bệnh đô thị, nhất là “Bệnh đầu to đô thị” thì các nước nhận ra rằng cần nghiên cứu phát triển chất lượng đô thị hơn là số lượng.
Tiên phong là các nước phát triển đã thấy sự cần thiết phải nghiên cứu, hiểu rõ hơn về diễn biến phát triển, sự tiến hóa, chuyển đổi các tính năng kinh tế, xã hội môi trường của đô thị … nhằm giải mã luôn các cấu trúc tiềm ẩn thuộc dạng thức đô thị, điều không dễ quan sát thấy được kết quả phản ánh thông qua hình thức xây dựng đô thị.
Lúc này, Hình thái học đô thị như một phương pháp mới để tiếp cận nghiên cứu đô thị, có vai trò nhận diện đô thị vừa chi tiết vừa toàn diện trong suốt cả quá trình vận động của đô thị.
Đồng thời để bảo vệ địa cầu trước sự biến đổi ngày càng khắc nghiệt của khí hậu các xu hướng phát triển đô thị gắn liền với các khái niệm: Thích ứng, Sinh thái, Xanh,… hướng đến phát triển bền vững ra đời.
Hiện nay “Cấu trúc xanh và quy hoạch đô thị” đang là ý tưởng mới nhất được áp dụng vào thực tiễn các nước phát triển dưới sự chấp thuận của Ủy ban châu Âu trong tháng 2 năm 2000 và bắt đầu triển khai từ tháng 9 năm 2000. Đã có 15 quốc gia đã tham gia vào chương trình, gồm: Áo, Bỉ, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Ý, Lithuania, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Vương quốc Anh. Các chuyên gia từ các trường đại học, các cơ quan chính phủ, thành phố và các cơ quan tư vấn, các chuyên gia độc lập, … tham gia vào công việc thực nghiệm thiết kế xây dựng, trao đổi kinh nghiệm và nhân rộng mô hình giúp các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Không nằm ngoài các quy luật chung đó, Việt Nam đang triển khai “Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng xanh” như là phương thức mới để phát triển bền vững. Như vậy, để xây dựng mô hình làng đô thị xanh TP Đà Lạt trong xu hướng phát triển bền vững trên cả ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường theo chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng xanh của Việt Nam, cần xây dựng một “Cấu trúc xanh bền vững” riêng cho mình nhằm biến câu chuyện giữa phát triển đô thị và bảo tồn văn hóa truyền thống và môi trường thiên nhiên chỉ còn là một câu chuyện tình yêu.
“Cấu trúc xanh” không phải là một thuật ngữ quen thuộc đối với nhiều quốc gia, thậm chí còn khó khăn để dịch đúng ra một số ngôn ngữ. Nhưng ý tưởng cơ bản của nó có thể hiểu là: chúng ta cần phải xem xét các khía cạnh xanh của đô thị như là một cấu trúc vật lý tạo thành một phần không thể thiếu của thành phố (ví dụ như vành đai xanh hoặc hành lang xanh), là một mạng lưới của các yếu tố “xanh” kết hợp lại thành hệ thống có tầng bậc và có tương tác qua lại giữa các yếu tố (ví dụ yếu tố cơ sở hạ tầng trong vai trò quản lý nguồn nước, hay trong vai trò điều tiết vi khí hậu đô thị và đa dạng sinh học hoặc là một cơ sở hạ tầng xã hội để phục vụ nhu cầu giải trí, thư giãn, và các hoạt động xã hội khác). Do đó, cấu trúc xanh được hiểu không tương đương với khu vực xanh hoặc đơn thuần là vành đai xanh.
Ở góc độ không gian, cấu trúc xanh là liên kết tầng bậc các yếu tố xanh của cá nhân với đô thị và với quốc gia hay khu vực. Cấu trúc xanh có nghĩa là chú ý tới mạng liên kết không gian: từ cấp độ không gian mở của tư nhân, đến mảng xanh công viên đô thị, đến vùng nông thôn ven đô cho tới vườn quốc gia và các mạng lưới rừng cây, sông suối… trên địa cầu. Cấu trúc xanh làm nổi bật vai trò liên kết các hệ sinh thái.
Cấu trúc xanh nối liền quá khứ với tương lai. Từ góc độ thời gian, cấu trúc xanh thể hiện một lịch sử lâu dài và một chính sách kế hoạch dài hạn để thực hiện các cấu trúc không gian của không gian xanh làm cơ sở cho phát triển đô thị bền vững. Kết quả là di sản thiên nhiên và văn hóa trở nên hữu hình trong một bản sắc xanh mới của đô thị.
Cấu trúc xanh đòi hỏi sự hợp tác của các bên liên quan. Từ góc độ quản lý, cấu trúc xanh được đề cập đến như cơ sở hạ tầng xanh và được duy trì như một chức năng của phát triển đô thị đa chức năng.
Từ góc độ sử dụng, cấu trúc xanh đơn thuần là không gian xanh như: Khu xanh ven sông, quảng trường, các tuyến đường cho người đi bộ và đi xe đạp, … thậm chí là khu đồng bằng ngập lũ để quản lý nước, ….
Mỗi thành phố có cấu trúc xanh đặc biệt của riêng mình. Thông thường các lớp cơ bản của cấu trúc xanh được thiết lập từ các yêu cầu cụ thể có nguồn gốc từ chính đô thị đó. Chẳng hạn như các con sông và đồng bằng ngập lũ của Munich, Warsaw, và Ceske Budejovice sẽ là nguồn gốc để thiết lập cấu trúc xanh cho những đô thị này. Ở các thành phố như Oslo và Helsinki thì bờ biển xanh là nguồn gốc cơ sở thiết lập mạng cấu trúc xanh. Lớp thứ hai của cấu trúc xanh có nguồn gốc trong sự phát triển của một mạng lưới cơ sở hạ tầng như: các con đường lịch sử, các khu vực lao động sản xuất, ven đường sắt, ven đường cao tốc tạo ra hành lang xanh. Lớp thứ ba của cấu trúc xanh là kết quả cố tình tạo ra các điểm xanh cho đô thị như: công viên, vườn hoa, sân chơi và khu vườn tư nhân. Đôi khi đất bỏ hoang và chờ đợi cho tái phát triển cũng là một yếu tố của cấu trúc xanh. Ba lớp cấu trúc xanh trên tương ứng với các yếu tố cơ bản cấu thành đô thị là: điều kiện Tự nhiên, Kinh tế và Xã hội).
Với thực tế của TP Đà Lạt, cấu trúc xanh có sức mạnh tổng hợp từ tiềm năng của điều kiện tự nhiên. Lâm nghiệp là một đồng minh tự nhiên cho các chính sách cấu trúc đa chức năng xanh, lâm nghiệp không chỉ cung cấp nguồn kinh tế mà sẽ giữ vai trò lớp chủ đạo cho các khu vực xanh. Lâm nghiệp thương mại hiện nay phù hợp với nhu cầu đa dạng của các đô thị và đô thị rừng đa chức năng đang rất phổ biến ở các nước trên thế giới (Ví dụ: Rừng là những yếu tố cốt lõi của cấu trúc xanh trong các thành phố như Warsaw, Virginia Beach, Cleveland, …)
Mối quan hệ của nông nghiệp trong cấu trúc xanh đô thị không đơn thuần là vấn đề kinh tế. Trong trường hợp canh tác hữu cơ có thể kết hợp với đa dạng sinh học và giải trí. Ví dụ người nông dân có trực tiếp bán sản phẩm địa phương cho người dân đô thị và có thêm thu nhập từ các hoạt động khác cho khách du lịch và các học sinh tham quan học tập,… Điều này cho thấy những khu vườn tư nhân cũng có thể trở thành một phần của cấu trúc xanh.
Ở góc độ môi trường thì cấu trúc xanh chính là mạng lưới hệ thống các dòng chảy tự nhiên của khí hậu và nước, là 2 yếu tố chính ảnh hưởng đến khí hậu đô thị và tiện nghi nhiệt trong thành phố.
Cấu trúc xanh cũng là một công cụ hữu ích để cơ cấu lại các hệ thống hạ tầng kinh tế kỹ thuật đô thị: hành lang giao thông, công trình xây dựng và hoạt động sản xuất có nghĩa là tham gia bảo vệ các không gian xanh dễ bị tổn thương bởi sự gia tăng áp lực từ giao thông và các hoạt động năng động của đô thị.
Cấu trúc xanh cũng là cơ sở để dung hòa các quyền lợi trong đô thị: lợi ích cho người giàu và người nghèo, giữa chung và riêng, giữa mới và cũ,… từ sự hiện diện của một mạng lưới xanh, có thể xem đây như một chính sách để tạo điều kiện cho câu chuyện tình yêu giữa các thành phần trong cộng đồng đô thị, giữa phát triển hiện đại với bản sắc truyền thống của lịch sử.
Cấu trúc xanh cũng là cầu nối giữa nông thôn và đô thị vì “cảnh quan xanh” thực sự tồn tại như một sự liên tục trên cả 2 khu vực nông thôn và thành thị và hơn nữa có thể tạo ra hình thái đồng điệu cho cả 2 khu vực.
Tóm lại, cấu trúc xanh trong nghiên cứu phát triển đô thị là tập trung vào thiết lập cơ cấu xanh tạo ra một nền tảng cho việc đảm bảo các yêu cầu đa dạng của đô thị: Đa dạng về thành phần xã hội; Đa dạng về nhu cầu; đa dạng về sinh thái môi trường và cũng đồng thời phấn đấu tạo sự cân bằng trong đô thị: dựa trên tất cả các yếu tố tự nhiên, kinh tế và văn hóa xã hội.

Như vậy có thể nói mô hình Làng đô thị xanh là một lựa chọn thông minh cho TP Đà Lạt. Cách giải quyết khi xây dựng Làng đô thị xanh là tìm ra một phương thức để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, mà quan trọng nhất là phát triển nông – lâm – công nghiệp gắn với điều kiện văn hóa bản địa của từng vùng, nhằm nâng cao đời sống của người dân chính là đặc điểm khiến mô hình Làng đô thị xanh không chỉ thích hợp với riêng Tp. Đà Lạt mà còn có thể nhân rộng cho nhiều vùng trong cả nước.
Tuy vậy, quá trình nghiên cứu hoàn thiện và áp dụng mô hình “Làng đô thị xanh” vốn rất mới này vẫn cần tham khảo kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới nhưng cũng đặc biệt lưu ý đến các điều kiện thực tế cùng các đặc điểm riêng của địa phương và cũng cần một tầm nhìn rộng, dài hạn hơn cho một quá trình phát triển lâu dài và luôn biến động theo thời gian của đô thị thế nên phương pháp nghiên cứu phát triển mô hình đô thị theo góc độ “Hình thái không gian” có thể đáp ứng các yêu cầu này. Xây dựng Cấu trúc xanh bền vững cho mô hình Làng đô thị xanh TP Đà Lạt cũng là một phương cách “Đưa đô thị vào thiên nhiên” (Một quan điểm phát triển đô thị của Cựu thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu)./.

TS.KTS. Lê Văn Thương & Ths.KTS. Trương Thị Thanh Trúc
Trường ĐH Kiến Trúc TP HCM

TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM