19/07/2016

Xây dựng khách sạn Intimex ở sát cạnh di sản quốc gia đặc biệt Hồ Gươm: Các chuyên gia nói gì?

Mới đây, Văn phòng UBND TP Hà Nội đã có văn bản số 5584/VP-ĐT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng về việc triển khai thực hiện kết luận của Thường trực Thành ủy về quy hoạch kiến trúc dự án đầu tư xây dựng công trình khách sạn tại số 22-32 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm. Theo đó, Thường trực Thành ủy đồng ý chủ trương theo đề xuất của Ban Cán sự Đảng UBND TP về quy hoạch kiến trúc Dự án đầu tư xây dựng công trình khách sạn tại số 22-32 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm… Công văn này đã làm “nóng” lại vấn đề đã được nêu trước đó: Công trình ảnh hưởng như thế nào đến không gian Hồ Gươm?


Khi xây dựng khách sạn Intimex tại “đất vàng” số 22-32 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, các chuyên gia e ngại sẽ xuất hiện xung đột giao thông

Kiến trúc cầu kỳ nhưng đơn điệu và tạo nên ấn tượng xa lạ

Dự án tổ hợp công trình khách sạn và dịch vụ tại 22-32 Lê Thái Tổ do Cty CP Intimex Việt Nam làm chủ đầu tư, có quy mô các công trình phía trong cao 6 tầng và tầng áp mái (tương đương 24m), công trình phía ngoài cao khoảng 16m và có 5 tầng hầm. Dự án dự kiến được khởi công vào tháng 9/2016. Theo panô mặt đứng mà chủ đầu tư căng trong quá trình chuẩn bị đầu tư dự án, công trình được xây dựng mới theo kiểu kiến trúc Pháp.

Dự án hiện đang gây chú ý trong dư luận vì được đầu tư xây dựng trên “đất vàng” trong trung tâm lịch sử của Thủ đô và nằm ngay sát Di sản quốc gia đặc biệt Hồ Gươm.

Dự án càng gây chú ý hơn bởi trước đó, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã tổ chức lấy ý kiến của các thành viên, chuyên gia góp ý về kiến trúc công trình. Theo đó, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng công trình có chức năng dịch vụ, thương mại và khách sạn là phù hợp. Tuy nhiên, nhịp điệu mặt đứng kiến trúc mới không hòa nhập với đặc trưng kiến trúc đô thị và cảnh quan của khu vực. Do mặt đứng mới là một khối đồng nhất kéo dài liên tục không chú ý đến nhịp điệu mặt phố cũ nhờ sự giãn cách của 3 khối kiến trúc Pháp vốn đã trở thành hình ảnh quen thuộc có giá trị văn hóa kiến trúc Hồ Gươm. Tổ hợp kiến trúc mặt đứng về phân vị, tỷ lệ giữa các phần cột, cổng, cửa chưa chuẩn mực, đặc biệt là các chi tiết kiến trúc và mầu sắc; cầu kỳ nhưng đơn điệu và tạo nên ấn tượng xa lạ.

Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề nghị UBND TP Hà Nội đặc biệt quan tâm đến các ý kiến nêu trên để bảo tồn và phát huy giá trị hiệu quả nhất những giá trị của không gian kiến trúc và cảnh quan khu vực Hồ Gươm, Di sản quốc gia đặc biệt.

E ngại xảy ra xung đột giao thông trong khu vực

Trở lại thời điểm này, một lần nữa, câu chuyện đầu tư xây dựng dự án lại được các chuyên gia kiến trúc nhắc đến. Theo KTS Trần Huy Ánh, không nên bàn luận việc xây hay không xây khách sạn nữa bởi cơ quan lãnh đạo cao nhất của TP có ý kiến thì cũng có thể hiểu đây là công trình có quyết định rồi.

Song cá nhân KTS Trần Huy Ánh cũng cho rằng: Công trình trước đây là công trình thương mại, sau đầu tư xây dựng công trình thương mại thì không có vấn đề gì lớn. Tuy nhiên, chức năng của công trình khách sạn thì mật độ cư trú nhiều hơn, lưu lượng đi lại, giao thông tại đây cũng lớn hơn.


Liệu khách sạn Intimex có tạo nên một bức tường bằng bê tông và kính ngay sát Di sản quốc gia đặc biệt Hồ Gươm

KTS Trần Huy Ánh nhấn mạnh: Có 2 vấn đề. Vấn đề thứ nhất là không gian Hồ Gươm, làm sao để cải thiện tốt hơn chứ đừng làm cho nó xấu đi. Vấn đề thứ 2, về mặt giao thông, thì rõ ràng, áp lực giao thông sẽ tăng lên rất nhiều. Đây là một tuyến đường nhỏ ven hồ, một chiều. Trong định hướng của Hà Nội thì khu vực Hồ Gươm sẽ trở thành một không gian đi bộ. Vậy công trình có chức năng gì đi chăng nữa thì nó phải đáp ứng được nhiệm vụ lâu dài là không gian giải trí, nghỉ dưỡng và đi bộ của Hà Nội. Nếu khách sạn để ô tô dừng đỗ, đón trả khách ở ngay mặt phố này như một số khách sạn thông thường thì không nên. Cần có giải pháp khác, như đưa đầu mối giao thông đi vào lòng công trình để tránh cái việc ùn tắc, gây gia tăng áp lực giao thông tại đây.

Về kiến trúc công trình, KTS Ánh cho rằng: Các công trình kiến trúc Pháp được xây dựng trong khu vực có tỷ lệ vừa phải, đã ổn định về mặt khối tích, chi tiết vì vậy mỗi một lần can thiệp thì phải cân nhắc. Nếu như can thiệp tốt hơn thì nên ứng dụng. Nhưng nếu tỷ lệ đấy bị phá vỡ, những chi tiết đấy không phù hợp thì cần cân nhắc. Không nên để các chi tiết quá lớn, tạo mặt phẳng và những chi tiết trang trí rườm rà, rối mắt, ảnh hưởng đến thị giác trong khung cảnh chung.

Về khối tích công trình, KTS Ánh cho rằng có lẽ không nên tăng tỷ lệ chiếm dụng mặt bằng, tỷ lệ chiều cao, diện tích sàn. Vì tăng diện tích là tương ứng tăng thêm áp lực về con người sử dụng, các phương tiện đi lại, làm cho một không gian vốn đã phải đáp ứng nhiều chức năng thêm nhiệm vụ mới.

Cũng đề cập đến khối tích công trình, KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng: Công trình chưa tính đến khối tích. Khi nằm dài ra khoảng vài chục mét, công trình tạo thành một bức tường bê tông và kính ở sát Hồ Gươm.

Cũng như KTS Ánh, KTS Phạm Thanh Tùng cũng cho rằng, không gian Hồ Gươm, vỉa hè rất hẹp. Sau này, khi chuyển đổi thành phố đi bộ thì Hồ Gươm phải là một không gian công cộng, phải có không gian mở, ở đấy có biểu diễn nhóm nhạc, nghệ sỹ đường phố, thậm chí có cả café vỉa hè…

Chia sẻ quan điểm cá nhân, KTS Phạm Thanh Tùng cho biết: Tôi quan tâm công trình ở 3 khía cạnh. Thứ nhất, kinh doanh khách sạn, công trình đóng góp gì cho khu vực Hồ Gươm? Về lợi ích kinh tế là chắc chắn nhưng về văn hóa, về hoạt động cộng đồng, công trình giúp gì? Thứ hai, có hình thành bức tường bằng bê tông và kính không? Thứ ba, tôi lo ngại sẽ xảy ra xung đột giao thông. Đây là bài toán khó, nhất là khi phố Lê Thái Tổ sẽ là phố đi bộ. Phố đi bộ phải bình yên, kể cả khi đi lại, ngồi nghỉ, biểu diễn cộng đồng. Phố đi bộ không có lối đi riêng cho khách sạn. Ở đây, không gian công cộng, mọi người đều bình đẳng.

Đưa công trình vào khu vực Hồ Gươm, vấn đề văn hóa lên cao hơn lợi ích kinh tế

Đặt câu hỏi, công trình được xây dựng đặt lợi ích vì ai? KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng: Công trình không chỉ được xây dựng vì mục đích thu tiền cho chủ đầu tư mà còn cần vì cộng đồng, cho con cháu nữa. “Vì đất Hồ Gươm là đất hiếm, rất rất hiếm”. “Hồ Gươm là vô giá, chúng ta không có Hồ Gươm thứ 2, kể cả khi Hà Nội phát triển. Chúng ta đã mất đi tàu điện.., đừng để mất nốt những cái gì của Hà Nội, không gian của Hà Nội. Kiến trúc không chỉ để phục vụ kinh doanh, kiến trúc là văn hóa, để các thế hệ mai sau nhìn lại”.

KTS Tùng nhấn mạnh: “Không gian Hồ Gươm là di sản sống. Di sản này luôn có hoạt động, phản ánh tình cảm của người Hà Nội. Mỗi một công trình đưa vào đây thì phải vấn đề văn hóa lên cao hơn lợi ích kinh tế.

Còn KTS Lê Văn Lân, mặc dù thừa nhận là chưa nghiên cứu kỹ về dự án, song ông cũng bày tỏ ước vọng: Thiết kế cái gì xung quanh Hồ Gươm phải có quy nghĩ, cân nhắc, cẩn thận hơn những chỗ khác rất nhiều. Công trình đó phải thực sự ăn nhập với không gian Hồ Gươm. Giá trị kiến trúc của công trình không phải ở độ cao, sự hiện đại, trang trí sang trọng mà người Hà Nội đánh giá, quý mến công trình ở chỗ công trình nằm vừa đúng với tầm vóc, xứng đáng với vị trí đó ở Hồ Gươm.

KTS Lê Văn Lân cho rằng cần lưu ý nhất vẫn là không gian Hồ Gươm. “Công năng, hình thức công trình phải phù hợp với không gian Hồ Gươm” – KTS Lân nói.

Hòa Bình/Báo Xây dựng