16/11/2015

Xây dựng công trình xanh bắt đầu hôm nay là để cho mai sau

Với tâm huyết về những nghiên cứu ứng dụng trong các công trình xây dựng, hướng đến sự phát triển xanh và bền vững của xã hội, sáng ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Trường Cao đẳng Công nghệ, thuộc Trường ĐH Đà Nẵng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Ứng dụng công nghệ mới trong công trình xanh”.

Hội thảo có sự tham dự của các trường Đại học: Bách khoa Hà Nội, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Hàng hải, Đại học Sao Đỏ, Đại học Quảng Bình, Quy Nhơn, Tây Nguyên, Đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng, Đại học Monash-Úc; các trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, Cao đẳng Nghề Kỹ thuật-Công nghệ TP Hồ Chí Minh, Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh và Hội Khoa học-Kỹ thuật Cầu đường Việt Nam.


Phát triển xanh trong hạ tầng giao thông hiện cũng là một thách thức lớn tại Việt Nam

Đây là một diễn đàn để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các chuyên gia đầu ngành ở Việt Nam trao đổi những vấn đề quan tâm, công bố kết quả nghiên cứu, giới thiệu những ứng dụng trong thực tế. Đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm, các giải pháp đối với các yêu cầu đòi hỏi phải phù hợp với thực tế để cùng chung sức xây dựng và phát triển xanh, bền vững của đất nước.

Xây dựng công trình xanh không phải là mới

Công trình xanh đã được các nước tiên tiến trên thế giới thực hiện trong nhiều thập kỷ qua. Công trình xanh không chỉ liên quan đến lĩnh vực xây dựng mà công trình xanh trong đó với sự tham gia của nhiều lĩnh vực, nhiều ứng dụng để tạo nên một công trình xanh ở nhiều nghĩa. Thuật ngữ này phải được hiểu theo nghĩa rất rộng, bao trùm nhiều lĩnh vực, không chỉ là các công trình xây dựng nhà cửa, kiến trúc, cầu đường, thủy lợi, thủy điện mà còn là cả một đô thị xanh, khu công nghiệp xanh, nhà máy xanh, tiện nghi xanh, phương tiện xanh.

Đối với Việt Nam, khái niệm này không phải là mới nhưng hầu như ứng dụng vào thực tế cũng chỉ đếm ở đầu ngón tay, còn rất khiêm tốn. Ý thức của chủ đầu tư, của các nhà quản lý và cộng đồng về vấn đề này còn chưa nhiều do còn đặt cao tính lợi nhuận trước mắt mà không tính đến mặt lâu dài. Trên thực tế vẫn chưa hình thành được thị trường xây dựng công trình xanh. Chỉ tính riêng năm 2014, Singapore có gần 1200 công trình được cấp chứng chỉ công trình xanh, Đài Loan có 500 công trình, Malaysia cũng có 125 công trình trong khi ở Việt Nam cho đến nay mới có chưa đến 10 công trình được xem xét cấp chứng chỉ công trình xanh và phần lớn đều là các công trình có chủ đầu tư nước ngoài.

Để làm được điều này ngoài các nghiên cứu của các chuyên gia, các nhà khoa học về các công nghệ được ứng dụng xây dựng công trình xanh bền vững thì phải kèm theo là một thể chế, chính sách đồng bộ của nhà nước trong quy hoạch, thiết kế, chế tạo, thi công trong quản lý, khai thác, quy hoạch hệ thống các tiêu chuẩn, quy trình. Đồng thời phát triển cả trong hệ thống giáo dục đào tạo ở các chuyên ngành cho các KTS, kỹ sư, cữ nhân tương lai.

Đề dẫn cho vấn đề Ứng dụng công nghệ mới trong công trình xanh, PGS.TS. Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Đà Nẵng cho rằng: Chúng ta đã có được nhiều bài học kinh nghiệm từ thành công nhưng cũng trả giá không ít cho những bất cập, khiếm khuyết. Điều dễ nhận thấy là việc phát triển hạ tầng còn thiếu tầm nhìn chiến lược, phát triển chưa xanh và không bền vững, quy hoạch sử dụng đất chưa hợp lý, sử dụng vật liệu không thân thiện môi trường, khai thác tài nguyên bừa bãi, hủy hoại môi trường, quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng không theo kịp sự phát triển của nền kinh tế.

Khắc phục vấn đề này, rõ ràng không phải một sớm, một chiều mà đòi hỏi phải có thời gian và đặc biệt phải có sự đổi mới tư duy trong xây dựng chiến lược phát triển của từng ngành theo hướng phát triển xanh và bền vững.

Tìm tiếng nói chung giữa nhà khoa học và cơ quan quản lý

Phát triển xanh và bền vững phải đảm bảo 3 mục tiêu tổng quát đó là kinh tế, xã hội và môi trường. Ba mục tiêu đó phát triển hài hòa với nhau cùng hỗ trợ lẫn nhau mới đảm bảo được tính bền vững. Tăng trưởng xanh, xây dựng xanh, thành phố xanh, hạ tầng xanh, giao thông xanh, thiết kế xanh, tính toán xanh, công nghệ xanh… rồi sử dụng xanh, vứt bỏ xanh. Thực tế đã “Xanh chưa”. Làm gì để Xanh là những câu hỏi, nội dung tham luận của PGS.TS Nguyễn Quang Đạo, Đại học Xây dựng Hà Nội nhấn mạnh tại Hội thảo.


PGS.TS. Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Đà Nẵng đồng chủ trì Hội thảo với mong muốn những công nghệ mới được ứng dụng trong công trình xanh, góp phần tạo ra sự tăng trưởng xanh và bền vững

Có thể dễ thấy dù cho nhiều công trình mới được xây dựng, đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế xã hội nhưng nổi lên là những mặt yếu kém do hiệu quả thấp, lãng phí… Vì sao? Do đủ mọi thứ nhưng nổi lên là chủ trương, đường lối, chiến lược… không đi vào cuộc sống.

Phát triển xanh và bền vững liên quan đến việc xây dựng các công trình xanh, môi trường xanh, công trình tiết kiệm năng lượng… đã được các chuyên gia, các nhà khoa học nghiên cứu và đề xuất rất nhiều nhưng đến nay vẫn chưa được sự quan tâm ứng dụng hay tiếp nhận các ý kiến đóng góp này từ các cấp chính quyền và nhà quản lý.

Trong khi đó lại có sự nghịch lý từ các chủ trương chính sách với thực tế đối với vấn đề này. Nhiều chính sách được ban hành về tăng trưởng xanh, phát triển xanh nhưng lại bị bỏ quên vấn đề này khi triển khai thực tế. Ví dụ đối với phát triển hạ tầng giao thông khi sử dụng đất, tài nguyên không sản sinh có thực sự hiệu quả hay không. Có tạo ra được sự bền vững hay không khi hạ tầng giao thông phát triển nhưng tình trạng ùn tắt giao thông, ngập úng, ô nhiễm môi trường ngày càng nhiều.

Nguyễn Nam/BXD