11/11/2014

Xã hội hóa đầu tư để đổi mới đường sắt

Đây là ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại buổi làm việc với Tổng Công ty Đường sắt VN chiều qua (13/2) về tái cơ cấu đường sắt. Theo Phó Thủ tướng, xã hội hóa đầu tư và kinh doanh nhà ga, bãi hàng, kho hàng là chủ trương đúng trên con đường đổi mới ngành Đường sắt.

Đường sắt phải giảm tải cho đường bộ

Hiện tại, đường sắt mới chỉ đáp ứng được 0,8% khối lượng vận tải

Hiện tại, đường sắt mới chỉ đáp ứng được 0,8% khối lượng vận tải

Cuộc họp về tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (TCT ĐSVN) đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ. Ông Đặng Huy Đông – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết, hàng không có sức cạnh tranh ở khoảng cách từ 500km trở lên, đường sắt sẽ cạnh tranh tốt ở cự ly từ 500-800km và đường bộ cạnh tranh tốt ở khoảng cách dưới 100km, nhưng với điều kiện kỹ thuật hạ tầng tốt. Nếu đi từ Hà Nội vào Vinh bằng đường sắt chỉ mất khoảng 3 tiếng thì người dân chắc chắn sẽ đi tàu hỏa. Theo tôi, đường sắt phải là phương thức vận tải hàng hóa mạnh để giảm tải cho đường bộ, tránh tình trạng đường bộ bị xe quá tải tàn phá gây xuống cấp nhanh chóng.

Ông Đông cho biết hiện nay, mỗi năm Nhà nước phải bỏ một khoản chi phí rất lớn để duy tu sửa chữa đường bộ. Vậy nên cần có cơ chế để hàng hóa được vận chuyển bằng đường sắt. Tuy nhiên, tổng chi phí giá thành vận tải hàng hóa đường sắt cũng cần tính toán để ngang bằng đường bộ.

Cùng quan điểm này, ông Phạm Viết Muôn – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng, cho dù giá thành vận tải hàng hóa đường sắt có rẻ so với các loại hình vận tải khác, nhưng nếu không thuận lợi trong từng khâu và thủ tục đơn giản thì cũng không thể thu hút được khách hàng. Vì vậy, giá thành và chất lượng phải song hành.

Mục tiêu cho đường sắt đến năm 2020 còn thấp 

Trong quá trình tái cơ cấu, nhiều ý kiến cho rằng nên tách bạch quản lý hạ tầng và kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Thành – Chủ tịch Hội đồng thành viên TCT ĐSVN cho rằng với kết cấu hạ tầng đường sắt hiện nay, nếu tách riêng hai khối này sẽ làm tăng thêm phức tạp cho hoạt động đường sắt, gây nên sự đình trệ trong sản xuất kinh doanh, nhất là khi xảy ra thiên tai và TNGT. Vì vậy, ông Thành kiến nghị tiếp tục để TCT quản lý cả hai khối này. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, tại cuộc họp về tái cơ cấu toàn diện TCT ĐSVN mới đây, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã khẳng định quản lý hạ tầng và kinh doanh vận tải phải được tách riêng.

Theo ông Trần Văn Hiếu – Thứ trưởng Bộ Tài chính quan trọng đối với đường sắt khi đổi mới là sắp xếp lại lao động hợp lý, tinh giản gọn nhẹ nhân lực. Trong trường hợp cần thiết có thể nghiên cứu cơ chế hỗ trợ kinh phí cho số lao động này.

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, phát triển đường sắt là cần thiết để chia lửa cho đường bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Hiện tại đường sắt mới chỉ đáp ứng được 0,8% khối lượng vận tải và mục tiêu đến năm 2020 chỉ đáp ứng được khoảng 3% là quá thấp, không tương xứng với tiềm năng. Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Đường sắt xác định rõ từng mục tiêu phát triển, phân định rõ phần nào do Nhà nước đầu tư và phần nào kêu gọi xã hội hóa và từ đó đề xuất cơ chế rõ ràng, minh bạch.

Để tránh lãng phí và tăng hiệu quả đầu tư, cần xác định các dự án ưu tiên. Riêng chiến lược phát triển đường sắt Bắc – Nam, xác định làm tuyến mới như thế nào, chạy chung cả tàu hàng và khách hay không? Tuyến cũ sẽ sử dụng ra sao để tránh lãng phí nhưng cũng cần hiện đại hóa.

Về tách hạ tầng và vận tải, Phó Thủ tướng cho rằng cũng cần nghiên cứu kỹ, nhưng theo hướng sẽ hạch toán riêng. Công tác thoái vốn thực hiện trên nguyên tắc xác định những doanh nghiệp quan trọng có thể Nhà nước giữ 100% vốn, còn lại sẽ cổ phần hóa minh bạch. Đối với kiến nghị giữ nguyên 20 công ty quản lý hạ tầng đến năm 2015, Phó Thủ tướng cho biết cần có lộ trình tinh giản sớm hơn, sau đó sẽ cổ phần hóa. Đặc biệt, Phó Thủ tướng hoan nghênh Đề án xã hội hóa đầu tư và kinh doanh nhà ga, bãi hàng, kho hàng tại các thành phố lớn và yêu cầu các ngành chức năng nghiên cứu cơ chế về quỹ đất, giá cả dịch vụ… để nhanh chóng thu hút nhà đầu tư.

Định hướng phát triển ngành Đường sắt Việt Nam:

Giai đoạn đến năm 2020, đường sắt đáp ứng tối thiểu 1-2% nhu cầu về hành khách và 3% nhu cầu hàng hóa; Đáp ứng 10-15% vận chuyển hành khách đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh…

Giai đoạn 2020 – 2030, đường sắt đáp ứng tối thiểu 3 – 4% nhu cầu hành khách và 5% nhu cầu vận chuyển hàng hóa; Đáp ứng 20% – 25% vận chuyển hành khách đô thị. Khai thác hiệu quả đường sắt hiện có; Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để xây dựng đường sắt đôi khổ 1.435mm trên trục Bắc – Nam với tốc độ khai thác từ 160 – dưới 200km/h…

 

Theo GTVT