21/12/2016

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Sơ kết công tác quản lý phát triển VLXD

Sở Xây dựng TP.HCM vừa cùng Sở Xây dựng của 7 tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vừa tổ chức hội nghị sơ kết đánh giá 2 năm thỏa thuận hợp tác trong công tác quản lý, phát triển vật liệu xây dựng (VLXD) giai đoạn 2014 – 2020. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh dự và phát biểu tại hội nghị.


Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh phát biểu tại hội nghị sơ kết công tác hợp tác quản lý, phát triển VLXD các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Liên kết tạo nên thế mạnh

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm 7 tỉnh là Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh, được xác định là vùng kinh tế phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Ngoài ra, đây còn là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao ứng dụng KHCN hàng đầu của cả nước. Phát huy lợi thế và tiềm năng của từng vùng với quy hoạch công nghiệp vật liệu tập trung tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh và Long An. Việc triển khai quy hoạch xây dựng vùng do TP.HCM chủ trì thể hiện mối quan hệ hợp tác lâu dài, bền vững cũng như tăng cường trao đổi chia sẻ kinh nghiệm quản lý, tìm hiểu khả năng hợp tác, đầu tư phát triển. Theo đó, TP.HCM (cụ thể là Trung tâm Xúc tiến thương mại đầu tư thành phố) đã có phòng trưng bày sản phẩm xuất khẩu của TP.HCM luôn sẵn sàng hỗ trợ, hướng dẫn DN của 7 tỉnh tham gia phòng trưng bày sản phẩm xuất khẩu, cách thức nắm bắt thông tin về thị trường để xuất khẩu. Ngoài ra, 8 tỉnh, thành phố đang có những hoạt động hiệu quả để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất vật liệu, nhất là vật liệu không nung. Bà Nguyễn Thị Thanh Hảo, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương cho biết: Là địa phương có thế mạnh về nguyên liệu như đá, cát, đất sét… Tỉnh đã rất quyết liệt khi vận động được 70 lò gạch sản xuất gạch đỏ từ lò hoffman, dừng sản xuất và chuyển sang đầu tư vật liệu không nung (30 doanh nghiệp). Tỉnh đã nâng mức cho vay của quỹ khoa học công nghệ từ 2 tỷ lên 15 tỷ đồng, với mức lãi suất ưu đãi 2,3%/năm nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sang vật liệu mới không nung. Bên cạnh đó, Sở làm triệt để từ khâu truyền thông từ những người có chuyên môn thông qua Hội Kiến trúc sư tỉnh làm sao trong thiết kế phải tính toán ngay từ đầu để công trình tiết kiệm nhất khi sử dụng vật liệu không nung (VLKN). Bên cạnh đó, Sở cũng đã ký kết với Đài PT-TH Bình Dương có một chương trình về vật liệu không nung để tuyên truyền đến người dân.

Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM đánh giá sau 2 năm thỏa thuận hợp tác này đã thu được một số kết quả. Cụ thể, chương trình phát triển VLKN đến năm 2020 tại các địa phương qua tuyên truyền đã nhận được sự quan tâm tích cực của các chủ đầu tư, tư vấn và thi công xây dựng. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh VLXD của vùng đã tiếp cận được nhiều kênh thông tin về quy hoạch, khoáng sản, quy hoạch ngành, các chính sách do một số sở đã quan tâm đến lĩnh vực này nhiều hơn trước.

Mở rộng, nâng cao năng lực

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh đánh giá cao việc liên kết này, qua đó, ông cũng cho rằng, sự kiên kết này đã tạo cơ hội chia sẻ trong quản lý sẽ phát huy lợi thế và nâng cao được năng lực cho những tỉnh chưa phát triển. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh cũng đề xuất nên mở rộng cho cả các tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng để có đánh giá toàn diện hơn trong công tác quản lý và phát triển VLXD cho khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Tuy nhiên, để thị trường này phát triển ổn định, các đơn vị cũng kiến nghị Bộ Xây dựng điều chỉnh một số văn bản, chính sách chưa phù hợp. Kiến nghị nên tăng thuế tài nguyên đất sét để tạo thế cạnh tranh công bằng cho VLKN vì giá bán của gạch nung quá rẻ. Một điểm quan trọng là quy định tất cả các công trình nhà cao tầng phải sử dụng VLKN không nên giới hạn độ cao để VLKN đi vào cuộc sống.

Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị khi soát xét Nghị định số 121/2013/NĐ-CP phạt hành vi không sử dụng VLKN phải tương ứng với giá trị khối xây vi phạm không đánh đồng giữa các quy mô công trình.

“Hiện nay phát triển VLKN đang là xu thế, do đó, Bộ cũng nên chú ý đến giải pháp cấu kiện bê tông đúc sẵn cũng là một giải pháp phát triển bền vững trong ngành Xây dựng. Vì chúng giảm thiểu chất thải và giảm chi phí sản xuất. Nên phát triển sản phẩm này để hợp với xu hướng của thế giới”, đại diện Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị.

Sở Xây dựng Đồng Nai cho thấy việc liên kết 7 tỉnh hiện nay vẫn còn đơn lẻ chưa mang tính chất vùng, các Sở không biết kế hoạch, chương trình công tác lẫn nhau nên việc cung cấp thông tin vẫn còn thụ động. Do vậy, đơn vị này mong mỗi tỉnh cần thông báo các chương trình, kế hoạch quản lý, phát triển VLXD của tỉnh mình để các đơn vị bạn nắm bắt kịp thời, sự phối hợp sẽ hiệu quả hơn.

Mai Thanh – Bùi Hiền/Báo Xây dựng