18/11/2015

Việt Nam có thể kiểm định được công trình 45 tầng

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trong phần trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại hội trường sáng 18/11.

Về câu hỏi trước tình trạng một số công trình xây dựng mất an toàn, đặc biệt là các vụ cháy nổ xảy ra, trong đó có cháy nổ tại các nhà cao tầng, đe dọa tới tính mạng và tài sản của người dân, cơ quan nào chịu trách nhiệm kiểm định công trình cao tầng?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết: Theo Luật Xây dựng 2014, việc kiểm soát thiết kế kỹ thuật, chất lượng công trình thuộc cơ quan chuyên môn về xây dựng của Bộ Xây dựng, các Sở Xây dựng chuyên ngành ở địa phương. Như vậy, công trình cao tầng thuộc trách nhiệm của Bộ Xây dựng và Sở Xây dựng.

Trong luật cũng yêu cầu khi cơ quan chuyên môn không đủ điều kiện để thẩm định thì được thuê các tổ chức tư vấn có đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ thẩm định. Luật cũng quy định rất rõ trách nhiệm của các đơn vị tư vấn, của chủ đầu tư trong việc kiểm tra an toàn công trình. Và như vậy, công trình nhà cao tầng được kiểm tra với một quy trình hết sức chặt chẽ, cả nhà tư vấn kiểm tra trực tiếp tại chỗ rồi sau đó kiểm tra chéo. Cuối cùng là thẩm định của cơ quan quản lý nhà nước về việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức và những vấn đề liên quan đến đầu tư xây dựng.

Về vấn đề an toàn cháy nổ, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết: Bộ Công an chịu trách nhiệm thẩm định về công tác phòng cháy chữa cháy tại các công trình xây dựng nói chung, trong đó có công trình nhà cao tầng.

Trước tình hình an toàn của các công trình xây dựng như vậy, Bộ Xây dựng và Bộ Công an đã trình Chính phủ phương án rà soát tổng thể tất cả các công trình xây dựng liên quan đến nhà ở, đặc biệt là các công trình nhà cao tầng để kiểm soát về vấn đề phòng cháy chữa cháy.

Nếu công trình nào chưa đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy hoặc việc quản lý tổ chức phòng cháy chữa cháy khi khai thác sử dụng không đảm bảo yêu cầu, phải đình chỉ và xử lý nghiêm.

Trả lời câu hỏi về năng lực kiểm định nhà cao tầng của Việt Nam, Bộ trưởng khẳng định: “Các cơ quan, tổ chức tư vấn ở Việt Nam hiện nay đã làm chủ được việc tính toán, thiết kế kết cấu công trình tới 45 tầng. Ngoài ra có thể kiểm định được công trình cao hơn nhưng phải có sự hỗ trợ của các tổ chức tư vấn nước ngoài, trong trường hợp có sử dụng công nghệ đặc biệt.

Đối với công trình trên 45 tầng phải nhờ cty tư vấn nước ngoài thẩm định, và điều này hoàn toàn phù hợp với Luật của chúng ta. Như công trình thủy điện Sông Tranh đều do các cty tư vấn nước ngoài thẩm định chéo để kiểm định độ an toàn công trình. Và những người thẩm định công trình phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về ý kiến kết luận của mình”.

Trả lời câu hỏi của đại biểu về tình trạng thất thoát lãng phí trong công trình xây dựng, đặc biệt là công trình đầu tư công, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, hiện chưa có số liệu chính xác cũng như chưa có nghiên cứu toàn diện để biết thất thoát trong xây dựng công trình là bao nhiêu? Nhưng thất thoát là có thật và đây là vấn đề hết sức bức xúc.

Qua kiểm tra từ dự toán ban đầu, số liệu báo cáo năm 2013 cho thấy đã cắt giảm được 9,2%, năm 2014 cắt giảm được 5,39% và 9 tháng đầu năm 2015 cắt giảm được 5,66% tổng dự toán công trình của các tờ trình công trình để các cơ quan nhà nước thẩm định, sau đó đưa vào đấu thầu. Như vậy, cắt giảm dự toán của công trình tổng cộng vào khoảng trên 5%.

Ngoài ra, từ năm 2011 – 2015, Thanh tra Bộ Xây dựng đã tiến hành 286 đoàn kiểm tra và công bố 267 kết luận kiểm tra, ban hành 189 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, kiến nghị xử lý về kinh tế với số tiền 3.330 tỷ đồng trên tổng mức đầu tư là 8.200 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng khẳng định, đây chỉ là số liệu kiểm soát một số công trình chứ không phải tất cả, chiếm 4,3% bao gồm tiền thanh quyết toán, tiền thuế đất, áp sai đơn giá thuế đất, giảm trừ do điều chỉnh phê duyệt lại dự toán, lập dự toán chung…

Vân Anh/BXD