24/11/2017

Vì sao các Kiến trúc sư trẻ không nên vội vàng?

Có lẽ khi mới cầm tấm bằng KTS trên tay, đa số các KTS trẻ háo hức và tự tin lao vào cuộc sống với niềm mong mỏi sớm có được những tác phẩm đầu tay – những đứa con tinh thần mà mình đã ấp ủ từ lâu trong suốt những năm tháng còn là sinh viên. Tuy nhiên, những gì xảy đến lại không như họ nghĩ…

Ra trường, xin được vào làm trong một công ty thiết kế dù của nhà nước hay tư nhân, quy mô lớn hay nhỏ… chỉ dành cho một số bạn thực sự có chút năng lực sáng tác và kỹ năng khá giỏi về CAD, PTS, 3DMAX…. Xin được vào cơ quan làm chuyên môn thiết kế đã khó, nhưng rồi công việc được giao thì … : nào là “bổ” chi tiết: khu Wc, thang, cửa..; nào render phối cảnh ngoại thất, nội thất … cứ túi bụi, bận bịu như thế suốt 2-3 năm liền, liên miên đến phát ớn, mà mãi chẳng thấy được sếp giao những công việc như mình vẫn mong mỏi : tìm ý, sáng tác, chủ nhiệm đồ án … lại thấy các lứa đàn anh/chị có vẻ khá thảnh thơi, thi thoảng đến chỉ bảo chỗ này chỗ kia, sau đó thì đi đâu mất hút. Còn về thu nhập, thì khỏi phải nói … không thể chấp nhận được, cứ “năm cọc ba đồng” suốt mãi.

Vì vậy, sự lo lắng cho tương lai cứ lớn dần lớn dần, mỗi ngày qua lại một ngày “tâm lý” hơn. Cho đến một ngày đẹp trời, khi mà không còn đủ kiên nhẫn được nữa, ta quyết ra đi để tìm tương lai cho mình. Người nhiều tự tin ra ngoài mở văn phòng thiết kế riêng, chí ít thì cũng là chung với vài đứa bạn “thân” cùng mở công ty để “rộng cánh chim bay”. Người ít tự tin hơn thì xin sang văn phòng khác, mà nghe đâu là lãnh đạo ở đó biết “chiêu hiền đãi sĩ”, hy vọng được đãi ngộ tốt hơn… Đơn giản nhất thì cũng là vì chỗ mới hứa trả lương cao hơn chỗ mình đang làm… Cứ thế, các bạn bắt đầu một bước ngoặt mới của cuộc đời, mà thường được gọi là thời kỳ “nhảy việc” …

Trong một công ty/hãng thiết kế kiến trúc có bao nhiêu cấp bậc chuyên môn và quản lý . Nguồn ánh: Fb Nguyen Huy Khanh

Nhưng đó không phải là điều mà tôi muốn đề cập chính ở bài viết này ! 
Với mong muốn góp cho các bạn KTS trẻ có thêm hành trang tốt hơn trong cuộc đời hành nghề, và trước khi ra những quyết định có tính bước ngoặt, tôi xin đưa ra 1 tài liệu để các bạn trẻ cùng tham khảo, đó là:

1. Trong một công ty/hãng thiết kế kiến trúc có bao nhiêu cấp bậc chuyên môn và quản lý

2. Định nghĩa các mức độ chuyên môn Kiến trúc

Đây là số liệu của AIA (Hiệp hội KTS Hoa kỳ ) công bố sau khi tiến hành Khảo sát thu nhập từ năm 2011. AIA đã gửi phiếu khảo sát đến 10.059 hãng thiết kế, nhận được phản hồi từ 1,023 hãng vào ngày cuối cũng 25 tháng 2, 2013.
Theo số liệu được công bố, thì trong 1 công ty tư vấn kiến trúc có đến 18 cấp bậc nhân sự, trong đó cấp bậc chuyên môn trực tiếp tham gia thiết kế là 9 bậc, cấp tham gia quản lý dự án thiết kế là 5 bậc, cấp quản lý công ty là 4 bậc.

Định nghĩa các mức độ chuyên môn Kiến trúc. Nguồn ảnh: Nguyen Huy Khanh

Và cụ thể hơn, cấp bậc tham gia thiết kế được phân cấp như sau:
#1. Achitect 3 – KTS hạng 3: trên 10 năm công tác, có chứng chỉ hành nghề, thực hiện các dự án vừa và lớn
#2. Nhân viên thiết kế hạng 3: chưa có chứng chỉ hành nghề
#3. Achitect 2 – KTS hạng 2: trên 8 năm công tác, có chứng chỉ hành nghề, có trách nhiệm hoàn thành các bản vẽ, phụ trách nhóm thiết kế
#4. Nhân viên thiết kế hạng 2: chưa có chứng chỉ hành nghề
#5. Achitect 1 – KTS hạng 1: trên 5 năm công tác, có chứng chỉ hành nghề, chủ động thực hiện các dự án/ công việc độc lập , những tuân theo những chỉ dẫn khi thực hiện các dự án/ công việc phức tạp.
#6. Nhân viên thiết kế hạng 1: chưa có chứng chỉ hành nghề
#7. Intern 3- Nhân viên thực tập hạng 3: làm việc fulltime theo hướng dẫn để lấy chứng chỉ, 3 đến 6 năm kinh nghiệm, chịu trách nhiệm về thiết kế kỹ thuật của đồ án.
#8. Intern 2- Nhân viên thực tập hạng 2: làm việc fulltime theo hướng dẫn để lấy chứng chỉ, 2 đến 3 năm kinh nghiệm, triển khai thiết kế của người khác chịu sự giám sát
#9. Intern 1- Nhân viên thực tập hạng 1: làm việc fulltime, bước khởi đầu của việc lấy chứng chỉ.

Hy vọng, đây sẽ là câu trả lời hữu ích cho các bạn !!!

KTS Nguyễn Huy Khanh