06/10/2015

Vì môi trường sống bền vững

Hướng tới Hội nghị thượng đỉnh của LHQ vào cuối năm 2015 về Biến đổi khí hậu tại Paris 2015-COP 21, Liên hiệp Hội KTS thế giới (UIA) đã chọn chủ đề cho ngày Kiến trúc thế giới năm nay (05/10/2015) là “Kiến trúc, Xây dựng, Khí hậu – Trách nhiệm và Giải pháp”.



Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nội dung này không có gì mới so với chủ đề của ngày Kiến trúc thế giới 2014 là “Đô thị hạnh phúc”, bởi tất cả cũng đều hướng tới mục tiêu xây dựng một môi trường sống an toàn, bền vững cho con người trước biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, với chủ đề của năm 2015, UIA muốn gửi tới KTS toàn thế giới một thông điệp cụ thể hơn nêu bật vai trò quan trọng của kiến trúc trong quy hoạch đô thị, thiết kế công trình để giảm thiểu tới mức tối đa hiệu ứng nhà kính, khí thải CO2 và những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến cuộc sống của con người trên hành tinh này.

Nếu như các nước có nền công nghiệp phát triển, có tiềm lực kinh tế lớn như Nhật, Trung Quốc, Mỹ và khối EU đang phải đối mặt với nạn ô nhiễm môi trường do lượng khí thải công nghiệp thải vào bầu không khí ngày càng trầm trọng, đe dọa phá vỡ tầng Ozon cái áo giáp bảo vệ trái đất, thì Việt Nam – nước có nền công nghiệp bé nhỏ và đang trên con đường hiện đại hóa, lại đang phải đối mặt với sự hỗn loạn do chính chúng ta gây ra làm suy giảm chất lượng của môi trường sống. Chúng ta may mắn (do công nghiệp chưa phát triển mạnh) tạm có được bầu không khí trong lành ít bị ô nhiễm do khí độc. Nhưng chúng ta lại phải đối mặt với nạn tàn phá, sử dụng một cách lãng phí tài nguyên rừng, nước sạch và khoáng sản.

Chúng ta có một hệ thống gần 800 đô thị các loại trải đều các vùng, miền của đất nước với tốc độ đô thị hóa cao. Đây là một thành tựu rất to lớn trong thời kỳ phát triển theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa, nhưng cũng đang tồn tại những bất cập, gây ra những hậu quả mà không phải dễ dàng khắc phục ngay được – đó là sự suy giảm chất lượng môi trường sống. Quy hoạch đô thị của chúng ta thiếu tính thực tiễn, phát triển theo số lượng hơn chú trọng đến chất lượng. Đô thị luôn có xu hướng điều chỉnh để mở rộng địa giới, xây dựng nhiều khu đô thị mới, nhiều dự án mới, nhiều tuyến đường mới… nhưng luôn thiếu hệ thống cơ sở hạ tầng phù hợp. Dân số đô thị luôn biến động theo hướng ngày càng đông, dòng người nhập cư từ nông thôn ra đô thị ngày càng lớn, cho dù chúng ta đã và đang xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống cho nông dân, để người nông dân không phải “ly hương”?! Chúng ta đang phải đối mặt với nạn tắc đường cho dù hệ thống giao thông luôn được mở rộng nhưng phương tiện giao thông công cộng lại thiếu và yếu. Chúng ta xây dựng rất nhiều khu đô thị hiện đại, sang trọng, tiện nghi nhưng lại thiếu các khu nhà ở phù hợp với điều kiện kinh tế, thu nhập, việc làm của đại đa số người nghèo đô thị và người nhập cư. Chúng ta chú trọng đến cái vỏ hào nhoáng của kiến trúc đô thị mà quên đi sự nghèo nàn của đời sống đô thị. Chúng ta xây quá nhiều công trình, cụm công trình có khối tích lớn, hiện đại, cao tầng. Có quá nhiều xe máy, ôtô cá nhân mà thiếu không gian xanh, không gian công cộng, chỗ đậu xe… Chúng ta luôn phải sống trong cảnh ngập lụt mỗi khi có mưa bão bởi hệ thống tiêu thải nước vừa yếu vừa thiếu. Biến đổi khí hậu đã và đang tác động tiêu cực đến cuộc sống trên trái đất, đến đô thị – ngôi nhà chúng ta ở. Đó là điều có thật.

Thông điệp của UIA thêm một lần nữa nhắc nhở chúng ta về vai trò, trách nhiệm của giới KTS trong việc kiến tạo môi trường sống bền vững.

KTS Phạm Thanh Tùng