19/11/2015

Văn hóa bản địa & Kiến trúc công trình Du lịch – Nghỉ dưỡng

Sự hình thành, phát triển kiến trúc du lịch nghỉ dưỡng luôn gắn với các điều kiện tự nhiên (địa hình, khí hậu, cảnh quan) và văn hóa bản địa. Các đặc trưng văn hóa bản địa luôn là nguồn cảm hứng cho việc thiết kế kiến trúc, nội thất, cảnh quan… góp phần tạo nên tính hấp dẫn, sự đa dạng cá tính riêng cho các công trình kiến trúc du lịch nghỉ dưỡng (DLND). Nghiên cứu, khai thác đặc trưng văn hóa bản địa trong kiến trúc công trình DLND là cần thiết, nhằm góp phần tạo lập và nâng cao hơn chất lượng quy hoạch, kiến trúc công trình DLND, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.

Vinpearl Resort - Nha Trang

Vinpearl Resort – Nha Trang

Văn hóa và văn hóa bản địa
Văn hóa theo nghĩa chung nhất là “tất cả những gì không phải từ thiên nhiên mà từ con người”. Trong cuốn Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, PGS.TSKH Trần Ngọc Thêm cho rằng: “Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình”. Văn hóa gồm có văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Văn hóa tinh thần (phi vật thể) là sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu giữ bằng trí nhớ, chữ viết, được lưu truyền bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức lưu giữ, lưu truyền khác, bao gồm tiếng nói, chữ viết, tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân gian, lối sống, nếp sống, lễ hội, trò chơi dân gian, nghề thủ công truyền thống, ẩm thực, … và những tri thức dân gian khác. Văn hóa vật chất (vật thể) bao gồm tất cả những sáng tạo hữu hình của con người có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, bao gồm di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, kiến trúc, điêu khắc, hội họa, các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ …
Văn hóa bản địa được hiểu là văn hóa của một cộng đồng, một dân tộc trong một địa phương, khu vực, vùng, miền nhất định. Đặc trưng của văn hóa bản địa là các bản sắc văn hóa của địa phương ấy. Bản sắc văn hóa là cái chung nhất, cơ bản nhất của một nền văn hóa, mọi yếu tố nằm trong bản sắc của một nền văn hóa đều thuộc về chính nền văn hóa đó, nhưng không phải mọi yếu tố của nền văn hóa đều nằm trong bản sắc của nó. “Bản sắc văn hóa là tổng thể sống động các hoạt động sáng tạo của con người đã diễn ra trong quá khứ cũng như đang diễn ra trong hiện tại. Qua hàng thế kỷ, các hoạt động sáng tạo đấy đã cấu thành hệ thống giá trị, truyền thống, thị hiếu, thẩm kỹ và lối sống mà dựa trên đó, dân tộc khẳng định bản sắc riêng của mình” (theo định nghĩa của UNESCO).

Kiến trúc khu Resort Banyan Tree - Lăng Cô, Huế

Kiến trúc khu Resort Banyan Tree – Lăng Cô, Huế

Kiến trúc công trình DLND
Kiến trúc công trình DLND được xác định ra đời ở phương Tây vào những năm 200 trước công nguyên, thời La Mã cổ đại với các công trình là Theame La Mã (Nhà tắm La Mã). Ngay từ khi hình thành, Theame La Mã đã chịu ảnh hướng lớn của văn hóa bản địa. Hình ảnh này thể hiện rõ qua cách tổ chức không gian chức năng và hình thức kiến trúc cũng như các họa tiết công trình.
Trải qua hàng nghìn năm, kiến trúc công trình DLND đã phát triển và thay đổi nhiều so với mô hình ban đầu. Hiện nay, sự phát triển của kiến trúc du lịch nghỉ dưỡng dựa trên các nhu câu về hoạt động nghỉ dưỡng của xã hội. Nhu cầu xã hội phát triển càng đa dạng thì quy mô, chức năng các khu du lịch nghỉ dưỡng cũng phát triển theo. “Theo truyền thống, các khu du lịch nghỉ dưỡng đã được xây dựng để kết nối các mối quan hệ trong xã hội, nhằm tổ chức các hoạt động văn hóa, xã hội và nâng cao sức khỏe, thể chất cho mọi người. Các định hướng xã hội truyền thống đã được mở rộng để bao gồm các hoạt động giới thiệu các nền văn hóa khác tới du khách” (Margaret Huffadine).
Du lịch nghỉ dưỡng là loại hình đi du lịch kết hợp với nghỉ ngơi, thư giãn giúp cho con người phục hồi sức khoẻ và lấy lại tinh thần. Kiến trúc DLND phụ thuộc vào các hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng của du khách. Các hoạt động du lịch nghỉ dưỡng gồm: Dựa vào thiên nhiên gồm nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe, tham quan, mạo hiểm, thể thao, thắm cảnh…; Dựa vào văn hóa gồm tham quan, giao lưu văn hóa, nghiên cứu, lễ hội…; Dựa vào hạ tầng kỹ thuật gồm hội nghị, hội thảo, mua sắm, triển lãm thương mại, tổ chức sự kiện, vui chơi giải trí…

Mối quan hệ giữa văn hóa bản địa và kiến trúc công trình DLND
Kiến trúc công trình DLND được tạo dựng bởi chức năng cơ bản là đáp ứng các nhu cầu về hoạt động nghỉ dưỡng của xã hội. Một trong các nhu cầu của hoạt động nghỉ dưỡng là tìm hiểu, trải nghiệm các nền văn hóa khác nhau. Do vậy việc tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa bản địa tại các khu DLND là nhu cầu, mục đích không thể thiếu của khách trong các chuyến du lịch nghỉ dưỡng.
Mặc khác, đặc tính cơ bản của du lịch nói chung và du lịch nghỉ dưỡng nói riêng là phải tạo ra sự mới lạ, khác biệt, độc đáo và có đặc trưng (hay là tính duy nhất) của các sản phẩm du lịch. Để tạo ra những đặc trưng, khác biệt đó trong kiến trúc DLND, ngoài cảnh quan thiên nhiên thì nét đặc trưng văn hóa cũng góp phần rất quan trọng. Chính những nét đặc trưng của văn hóa bản địa đã tạo ra sự khác biệt giữa các địa phương, khu vực, các vùng miền trên thế giới. Vì vậy việc khác thác tốt các nét đặc trưng văn hóa bản địa sẽ tạo ra được sự độc đáo cho kiến trúc công trình DLND, qua đó tạo nên sự hấp dẫn khách du lịch, đáp ứng nhu cầu của du lịch nghỉ dưỡng.
Hơn nữa, kiến trúc công trình DLND khai thác tốt các đặc trưng văn hóa bản địa sẽ đóng góp đáng kể vào việc giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa địa phương, qua đó góp phần vào việc bảo tổn, phát triển các giá trị văn hóa bản địa.
Mối quan hệ giữa văn hóa bản địa với kiến trúc công trình du lịch nghỉ dưỡng là mối quan hệ biện chứng, qua lại bổ sung và hỗ trợ nhau cùng phát triển. Chỉ có sự kết hợp tốt giữa văn hóa bản địa với kiến trúc công trình DLND mới tạo ra được những sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng đích thực, đáp ưng nhu cầu của khách hàng và thúc đẩy sự phát triển của xã hội.
Tuy nhiên, giải quyết mối quan hệ này phải rất thận trọng và hài hòa, như GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính đã nói: “Bản sắc kiến trúc chỉ có thể được tạo lập, khi chúng ta làm chủ được những tinh hoa của văn hóa đích thực dân tộc. khi chúng ta nắm vững và đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của xã hội và con người đương đại”.
– Văn hóa bản địa thể hiện trong tổ chức không gian kiến trúc. Trong tổ chức không gian kiến trúc công trình DLND, ngoài những không gian cơ bản như không gian nghỉ ngơi, dịch vụ, vui chơi giải trí thì không gian văn hóa nghệ thuật cũng hết sức quan trọng, đóng vai trò là thành phần không thể bỏ qua trong kiến trúc công trình DLND. Các không gian đó là nơi thể hiện các hình thức biểu diễn nghệ thuật, giao lưu văn hóa với các loại hình nghệ thuật, văn hóa bản địa, là nơi tổ chức biểu diễn các điệu múa, các lễ hội, ẩm thực truyền thống địa phương. Tổ chức các không gian văn hóa để sử dụng cho biểu diễn văn hóa, lễ hội, ẩm thực hay tổ chức các sự kiện, nghi lễ theo phong tục, truyền thống địa phương chính là lồng ghép không gian văn hóa bản địa trong không gian kiến trúc du lịch nghỉ dưỡng.

– Văn hóa bản địa thể hiện trong tổ chức cảnh quan. Cảnh quan trong kiến trúc DLND đóng vai trò hết sức quan trọng, đó là môi trường chuyển tiếp giữa cảnh quan thiên nhiên, văn hóa bản địa với không gian bên trong, không gian kiến trúc công trình. Không gian cảnh quan là nơi du khách có thể cảm nhận tạo rõ nhất hình ảnh và tinh thần của văn hóa bản địa. Những bóng dáng của kiến trúc bản địa, những sản phẩm của các làng nghề địa phương được khai thác đưa vào làm các thành phần trong tổ chức cảnh quan. Một số những hoạt động văn hóa bản địa như nghệ thuật, diễn xướng, trò chơi dân gian cũng được tổ chức tại các không gian cảnh quan. Các sản phẩm tiêu biều, mang nét văn hóa địa phương như các sản phẩm từ gốm, gỗ, tre, mây… cũng được đưa vào để sắp đặt, thiết kế ngoại thất, sân vườn trong kiến trúc DLND.
– Văn hóa bản địa thể hiện qua hình thái kiến trúc công trình. Thiết kế kiến trúc công trình du lịch nghỉ dưỡng đều hướng tới khai thác kiến trúc nhà ở dân gian bản địa. Một số kiến trúc du lịch nghỉ dưỡng sử dụng những nét đặc trưng cơ bản của kiến trúc truyền thống, nhà ở dân gian bản địa để làm cảm hứng thiết kế kiến trúc công trình. Kiến trúc truyền thống bản địa cũng phù hợp với kiến trúc du lịch nghỉ dưỡng vì nó phù hợp với các không gian nghỉ dưỡng, phù hợp với điều kiện khí hậu địa phường và giữ được nét văn hóa bản địa. Văn hóa bản địa còn được thể hiện trong việc sử dụng vật liệu xây dựng, phương thức xây dựng kiến trúc công trình. Các vật liệu và phương thức xây dựng truyền thống địa phương phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương, phù hợp với các không gian nghỉ dưỡng và gìn giữ được nhưng nét văn hóa truyền thống bản địa.
– Văn hóa bản địa thể hiện trong thiết kế nội thất công trình. Nhưng sản phẩm của các làng nghề địa phương được khai thác đưa vào làm các thành phần trong trang trí nội thất. Màu sắc, đồ thủ công mỹ nghệ của địa phương cũng được quan tâm khai thác, một số sản phẩm tiêu biều, mang nét văn hóa địa phương như các sản phẩm từ gốm, gỗ, tre, mây… cũng được đưa vào thiết kế nội thất trong kiến trúc du lịch nghỉ dưỡng.
Việc thể hiện được bản sắc văn hóa trong kiến trúc công trình DLND đòi hỏi phải được nghiên cứu, thẩm thấu để truyền tải được những nội dung của tinh thần và hình thức của văn hóa bản địa vào công trình kiến trúc. Và qua công trình kiến trúc lại lan tỏa được những không gian, hình ảnh của văn hóa bản địa tới xã hội. Văn hóa bản địa thể hiện trong kiến trúc công trình DLND phải được “Kế thừa chứ không phải mô tả, sao chép “(Hoàng Đạo Kính – Văn hóa kiến trúc).

Kết luận.
Văn hóa bản địa đóng vai trò quan trong trong việc hình thành và phát triển Kiến trúc công trình DLND.
– Văn hóa bản địa góp phần làm cơ sở để tổ chức không gian kiến công trình DLND. Thành phần chức năng và không gian kiến trúc DLND phụ thuộc vào các hoạt động nghỉ dưỡng, phụ thuộc vào các yếu tố bản địa tạo nên các hoạt động nghỉ dưỡng.
– Văn hóa bản địa góp phần tạo dựng nét độc đáo, đặc trưng, khác biệt của kiến trúc DLND ở các khu vực khác nhau. Sự đa dạng và nét độc đáo, khác biệt của kiến trúc du lịch nghỉ dưỡng là yếu tố không thể thiếu để hấp dẫn khách du lịch mà trong đó yếu tố bản địa đóng vai trò quyết định. Mỗi một địa phương, một khu vực đều có nét đặc trưng riêng và việc khai thác các đặc trưng đó để tạo nên kiến trúc du lịch độc đáo là một nhiệm vụ cần thiết trong việc tổ chức không gian kiến trúc DLND tại khu vực đó.
– Văn hóa bản địa góp phần hình thành nên kiến trúc cảnh quan trong kiến trúc du lịch nghỉ dưỡng. Trong kiến trúc du lịch nghỉ dưỡng, kiến trúc cảnh quan là một phần hết sức quan trọng, đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, ngắm cảnh của du khách – một trong các nhu cầu cơ bản của khách du lịch nghỉ dưỡng.
– Văn hóa bản địa còn góp phần tạo nên hình thái kiến trúc cho các công trình trong kiến trúc du lịch nghỉ dưỡng. Sử dụng hình thức kiến trúc truyền thống, vật liệu địa phương và không gian văn hóa bản địa sẽ góp phần tạo nên sự hấp dẫn, khác biệt trong kiến trúc DLND.
– Khai thác các yếu tố văn hóa bản địa trong kiến trúc DLND cũng góp phần vào việc giới thiệu, bảo tồn và phát huy những giá trị đặc trưng, những tinh hóa văn hóa của địa phương, khu vực./.

Ths. KTS Vũ Đức Hoàng
Phó trưởng Bộ môn Cấu tạo & Trang thiết bị Công trình
Khoa Kiến trúc – Đại học Kiến trúc

TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM