11/10/2019

TS Trần Hữu Sơn: Nếu không có chính sách phát triển bền vững sẽ không thiếu những Mã Pì Lèng khác

Nếu không có chính sách quy hoạch phát triển bền vững, để người dân, doanh nghiệp đầu tư một cách tự phát thì nguy cơ phá vỡ không gian, cảnh quan, di sản là không tránh khỏi.

Câu chuyện từ Mã Pì Lèng không phải là câu chuyện lần đầu tiên ở nước ta xảy ra việc doanh nghiệp, cá nhân tự ý xây dựng các công trình tại các khu vực di sản, khu vực phụ cận… phá vỡ không gian di sản. Vấn đề phát triển du lịch cân bằng với bảo tồn di sản chưa bao giờ là bài toán dễ tìm lời giải. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với TS Trần Hữu Sơn- người nhiều năm làm công tác quản lý ngành văn hóa, thể thao, du lịch ở miền núi để làm rõ hơn vấn đề này.

TS Trần Hữu Sơn: Phát triển du lịch ở bất cứ đâu cũng phải đảm bảo nguyên tắc phát triển bền vững

TS Trần Hữu Sơn: Phát triển du lịch ở bất cứ đâu cũng phải đảm bảo nguyên tắc phát triển bền vững

+ Thưa ông, công trình xây dựng trái phép trên Mã Pì Lèng là câu chuyện gây tranh cãi giữa bảo tồn di sản, cảnh quan thiên nhiên với phát triển du lịch. Với kinh nghiệm của một nhà quản lý nhiều năm ở miền núi, ông có thể chia sẻ quan điểm về việc mâu thuẫn giữa bảo tồn cảnh quan với phát triển hạ tầng du lịch ở vùng cao?

– Trước hết phải khẳng định rằng, định hướng phát triển du lịch dù ở miền núi hay đồng bằng, miền biển, đều phải theo hướng phát triển bền vững. Những yếu tố quan trọng để phát triển bền vững gồm: phải bảo vệ được cảnh quan môi trường, bảo vệ văn hóa và làm sao cho cộng đồng người dân được hưởng lợi từ du lịch.

Nhưng thường thì các doanh nghiệp, cá nhân bao giờ cũng nhìn vào lợi ích trước mắt, cho nên họ đầu tư phát triển mà không biết là đang phá hoại không gian… Bây giờ, các doanh nghiệp đang tàn phá không gian rất nhiều. Đó là phát triển không bền vững.

Cái không phát triển bền vững nữa, ở đây, là định hướng tăng lượng khách. Tăng khách mà không đáp ứng được các yếu tố trên thì phát triển nóng.

Một điển hình nhất của không phát triển bền vững là tòa nhà xây trên Mã Pì Lèng. Tòa nhà đã phá nát toàn bộ không gian. Đây là không gian để ngắm toàn cảnh thung lũng, nơi ngắm được cảnh đẹp nhất. Và cá nhân, doanh nghiệp đã tận dụng ngay để làm. Ý đồ của họ là tăng doanh thu, nhưng lại vi phạm không gian công cộng, phá không gian đó thì coi như phá cảnh quan đó.

+ Có ý kiến cho rằng, muốn phát triển du lịch thì phải đầu tư cơ sở hạ tầng. Như công trình trái phép trên Mã Pì Lèng, theo Luật Di sản, nó không nằm trong khu vực I và II của di sản?

– Như tôi đã nói, do không vi phạm Luật Di sản nhưng công trình đó vi phạm không gian công cộng, phá không gian đó thì coi như phá cảnh quan đó. Luật du lịch có kẽ hở là không cấm, không có chế tài để bảo vệ tài nguyên du lịch. Còn Luật di sản vẫn còn khoảng trống, chỉ quy định với khu vực I và II của di tích, di sản, và một khoảng mở về cảnh quan như điều 36, thực ra không có chế tài.

Trong bối cảnh phát triển nóng như bây giờ, cần xem xét lại Luật Du lịch, Luật Di sản, để bổ sung những khoảng trống đó, để có quy định phù hợp với tốc độ phát triển, có chế tài xử lý, để làm sao các doanh nghiệp không chỉ nghĩ đến quyền lợi của bản thân mà phải nghĩ đến quyền lợi chung. Cái chung nó sẽ đem lại cái lợi riêng.

Công trình trái phép trên đỉnh Mã Pì Lèng

Công trình trái phép trên đỉnh Mã Pì Lèng

+ Có đáng tiếc không khi là chủ sở hữu của những kỳ quan thế giới nhưng người dân, đặc biệt là người dân miền núi như Hà Giang, Yên Bái vẫn rất nghèo? Nguyên tắc để người dân hưởng lợi từ di sản xem ra chưa được phát huy?

– Đúng vậy, cho nên xử lý vấn đề này, phải xử lý tổng thể toàn bộ. Trước hết là trong luật. Những gì trong luật còn hổng thì phải bổ sung, sửa đổi. Thứ hai là phải kiên trì đấu tranh, vận động với doanh nghiệp để cùng vì lợi ích lâu dài. Nhà quản lý cũng cần có những chính sách và tầm nhìn lâu dài. Quan trọng là chính quyền cơ sở và trách nhiệm của người đứng đầu.

Cũng là cảnh quan đó, nếu là người có tầm nhìn, biết về kiến trúc phát triển bền vững, sẽ thuê những kiến trúc sư đã được giải về kiến trúc sinh thái đến nghiên cứu, xây dựng. Như thế, chúng ta sẽ có một công trình kiến trúc gần gũi với thiên nhiên, quy mô nhỏ thôi, thân thiện với môi trường, sử dụng chất liệu bảo vệ môi trường. Mà như thế, tôi tin công trình đó sẽ hút khách hơn biết bao lần.

Bài học ở Sa Pa, có doanh nghiệp sử dụng chất liệu từ môi trường, họ thu được lượng khách rất lớn. Họ tổ chức được giải Maraton quốc tế để ủng hộ người nghèo, có 3-5 nghìn khách đến, ủng hộ người nghèo. Thế thì họ thu được những điều lớn hơn chứ không phải chỉ là cái lợi trước mắt.

Nếu ai nói rằng, xây dựng 1- 2 công trình ở Mã Pì Lèng hay Mù Căng Chải là nâng cao đời sống người dân miền núi thì tôi cho là ngụy biện. Những dự án nào vi phạm cảnh quan môi trường thì càng về sau càng thất bại, thất bại đau đớn mà càng về sau mới nhận ra. Những bài học về bảo vệ môi trường không thiếu. Muốn cân bằng giữa bảo tồn và phát triển phải tôn trọng nguyên tắc phát triển bền vững. Cần chính sách kiên quyết loại bỏ “Hội chứng phát triển”, nếu không sẽ nguy cấp, nếu không, sẽ không thiếu những công trình như công trình trên Mã Pì Lèng tiếp tục mọc lên.

+ Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Hà An/Báo Tổ quốc