20/08/2018

Triển khai hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo vẫn gặp khó

Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội vừa làm việc với các Bộ, ngành về kết quả thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo giai đoạn 2011 -2015 gặp nhiều khó khăn.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, tình hình triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo giai đoạn 2011 -2015 còn nhiều hạn chế. Theo quy định, tính đến tháng 6/2018, phải hoàn thành hỗ trợ cho 42,5% tổng số hộ của Đề án trên cả nước. Tuy nhiên, đến nay cả nước mới đạt 28%, chậm so với kế hoạch đề ra.

Triển khai hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo vẫn gặp khó - Ảnh 1

Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo chưa đạt kế hoạch đề ra.

Về tình hình triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt theo Quyết định số 48 của Thủ tướng Chính phủ, tính đến tháng 06/2018 các địa phương này đã thực hiện hỗ trợ được khoảng 14.200/23.500 hộ nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở phòng tránh bão, lụt. Vốn ngân sách trung ương đã cấp 233 tỷ đồng, đạt khoảng 70%; vốn ngân hàng Chính sách xã hội đã huy động được là 202 tỷ đồng. Đến nay, tổng vốn đã giải ngân là khoảng 565 tỷ đồng. Về tình hình triển khai thực hiện các chính sách, chương trình phát triển Nhà ở xã hội khu vực đô thị gồm nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp; nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp; xây dựng ký túc xá sinh viên đã đạt nhiều kết quả khả quan.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở cho người nghèo đã được nghiên cứu, xây dựng điều chỉnh phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa phương, từng khu vực theo từng giai đoạn phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Kết quả thực hiện đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo ở nông thôn có nhà ở an toàn, ổn định, giúp các hộ nghèo yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Các chính sách hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, hộ gia đình sống tại vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai như bão, lũ, lụt… có ý nghĩa về kinh tế, chính trị, xã hội, nhân văn sâu sắc, được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của các cấp, các ngành và tầng lớp nhân dân.

Đáng chú ý, cùng với các chương trình hỗ trợ nhà ở xã hội cho người nghèo khu vực nông thôn, các mô hình khu đô thị nhà ở xã hội với hạ tầng đồng bộ dành cho người nghèo, người thu nhập thấp như các dự án nhà ở xã hội tại khu đô thị Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội của Viglacera, tại thành phố Bình Dương của Becamex IDC… đã góp phần khẳng định một hướng đi mới trong việc kết hợp giữa phát triển kinh tế với đảm bảo an sinh xã hội.

 

Triển khai hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo vẫn gặp khó - Ảnh 2

Huy động cộng đồng, người thân cùng tham gia hỗ trợ hộ nghèo làm nhà.

Theo Bộ Tài chính, trong 2 năm 2017 – 2018, mặc dù ngân sách Nhà nước còn khó khăn nhưng mức cân đối hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách giảm nghèo là khá lớn khoảng gần 340.000 tỷ đồng (bình quân khoảng 170.000 tỷ dồng/năm), chiếm 11.7% tổng chi ngân sách Nhà nước.

Để lồng ghép triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo hiểu quả, các thành viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị các bộ, ngành tiếp tục thực hiện rà soát, đánh giá tổng thể toàn bộ các chính sách giảm nghèo, loại bỏ chính sách chồng chéo, không hiệu quả. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc tích hợp chính sách, thu gọn đầu mối quản lý và tập trung nguồn lực để bảo đảm có chính sách là có nguồn lực thực thi.

Đặc biệt, tập trung ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước (bao gồm cả vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA) cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế – xã hội các vùng khó khăn; ngân sách Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên để thực hiện các chính sách hỗ trợ các đối tượng ổn định đời sống, phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo.

Vân Khánh/Báo Dân sinh