02/05/2018

TP.HCM: Cần trung tâm hành chính hay cải cách hành chính?

Chỉ còn 1 ngày nữa, ngày 1.5, TP.HCM sẽ kết thúc quy trình lấy ý kiến người dân về công trình nâng cấp, mở rộng UBND TP.HCM, trước khi triển khai xây dựng trên thực tế. Vẫn còn nhiều tranh cãi nên hay không nên xây dựng tòa nhà quy mô này trong lòng đô thị với nhu cầu bảo tồn và phát triển hài hòa. Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra ở đây, theo nhiều chuyên gia, ngoài khía cạnh kiến trúc, quy hoạch, trước hết cần đặt lại vấn đề công năng tòa nhà, trong bối cảnh cải cách mô hình chính quyền đô thị hiện nay.

TP.HCM đang trưng cầu ý kiến người dân về công trình mở rộng và nâng cấp trụ sở HĐND, UBND thành phố.

 

Theo phương án của Công ty GENSLER (đề xuất từ đầu tháng 11.2017 và được chọn), diện tích khuôn viên dự án mở rộng và nâng cấp trụ sở HĐND, UBND thành phố rộng hơn 18.000 m2, bốn phía là mặt tiền đường Lê Thánh Tôn – Pasteur – Lý Tự Trọng – Đồng Khởi.

Trung tâm hành chính: chưa phải lúc

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM cho biết, phương án được chọn là “công trình được thiết kế để tăng tối đa tính năng tương tác với người dân và tăng tối đa tính tương tác nội bộ; kết nối với không gian xanh của công viên Chi Lăng, công viên Bảo tàng Lịch sử, cùng trục đường Nguyễn Huệ tạo thành điểm đến cho người dân.

Theo ông Toàn, những ưu điểm này là nhằm “phát huy tối đa tính tương tác giữa kiến trúc với cộng đồng, xã hội, tạo điều kiện tốt hơn trong việc phục vụ dân, người dân tiếp cận dễ dàng, nhất là khi người dân đến làm việc, tham quan trụ sở”.

Dự kiến, đây sẽ là nơi làm việc của 8 cơ quan nhà nước với 90 phòng ban trực thuộc, khoảng 1.700 người (gồm: Văn phòng UBND thành phố, Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố, Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương, Ban đổi mới doanh nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông và Vận tải).

“Trụ sở UBND, HĐND thành phố hiện nay còn khiêm tốn, chứa khoảng 100 – 200 khách là không thở nổi. Vì vậy quy mô dự án tại đây mang tính chất là một trung tâm chính trị văn hóa, lại có ý nghĩa lịch sử; yếu tố “trung tâm hành chính” là sau cùng. So với các công trình văn phòng khác, mật độ 1.700 người làm việc trên diện tích gần 2 ha còn thấp lắm.”, ông Huỳnh Xuân Thụ, giám đốc Trung tâm Thông tin quy hoạch TP.HCM (Sở Quy hoạch và kiến trúc TP.HCM) trao đổi thêm với Người Đô Thị.

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, nhiều chuyên gia cho rằng, tính công năng công trình cần được làm rõ, và tách bạch giữa “trung tâm chính trị” và “trung tâm hành chính” (dịch vụ công).

Diện tích khuôn viên dự án rộng hơn 18.000 m2, bốn phía là mặt tiền đường Lê Thánh Tôn – Pasteur – Lý Tự Trọng – Đồng Khởi.

 

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) phân tích, thực tế trung tâm hành chính mới, được xây hàng loạt ở các tỉnh thành thời gian qua, thực chất mới chỉ là “tòa nhà” mới, kéo chỗ ngồi cơ học với nhau; còn hiệu quả quy trình hành chính thì không được nâng cao.

Bài học này cho phép TP.HCM trước khi nói đến một “trung tâm hành chính” thì trước mắt cần quyết liệt thực hiện ứng dụng chính quyền điện tử và mô hình đô thị thông minh, để tăng hiệu quả quản trị, điều hành, cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến. Điều này sẽ giảm tải được nhu cầu con người (chỗ làm việc), hồ sơ, giấy tờ, giảm tải được việc tiếp công dân, giao dịch hành chính.

Đồng thời, đặt trong bối cảnh cải cách mô hình chính quyền đô thị, dịch vụ hành chính công nên được phân về các trung tâm cung cấp dịch vụ.

“Cải cách quy trình và phối hợp làm việc trước; ứng dụng chính quyền điện tử, quy trình liên thông (hồ sơ điện tử, dòng chảy thông tin giữa các sở ngành) hợp nhất, thông suốt mới là quan trọng. Thành phố cần chứng tỏ giải quyết được bài toán kết nối thành công trước, khi đó nói đến việc xây trung tâm hành chính cũng chưa muộn”, ông Nguyễn Quang Đồng tư vấn.

Cũng nhận định việc nhồi nhét thêm các sở ngành vào trụ sở cải tạo và mở rộng UBND và HĐND thành phố là sai ngay từ cách đặt vấn đề, trao đổi với Người Đô Thị, KTS. Ngô Viết Nam Sơn cho rằng: đất UBND thành phố có thể mở rộng nhưng chỉ mở rộng ra cho UBND và UBND, là cơ sở họp hành và tiếp khách cho UBND và HĐND. Nếu còn dư đất thì nó sẽ là những công trình thông tin văn hóa, hoặc là nơi sinh hoạt cộng đồng để thành phố đối thoại với người dân.

Có nên xóa bỏ di sản 300 năm để tạo di sản mới? 

Theo phương án của Công ty GENSLER, tòa nhà Dinh Thượng Thơ (130 tuổi, là trụ sở Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Công thương hiện nay, 59-61 Lý Tự Trọng) sẽ bị đập bỏ, nhường đất cho dự án mở rộng và nâng cấp trụ sở HĐND và UBND thành phố. Ủng hộ và nhận định xây dựng công trình này là phù hợp với vị trí vốn rất có ý nghĩa chính trị văn hóa lịch sử như hiện nay, ông Huỳnh Xuân Thụ cho rằng: “Chúng ta cần tạo những di sản mới.”

Phối cảnh góc nhìn tổng thể từ trục đường Lý Tự Trọng – Pasteur. Ảnh: TL

 

Điều này có nghĩa là, theo ông Thụ, Sài Gòn 300 năm đã có những di sản của Sài Gòn 300 năm, nhưng Sài Gòn 400 năm và sau đó cũng cần tạo ra những di sản mới, mà công trình hiện nay là “một đóng góp dấu ấn của giai đoạn lịch sử phát triển mới”.

“Tôi nghĩ rằng cần hết sức thận trọng bởi những cái gọi là giá trị văn hóa. Không phải cái nào xưa cũng được cho là có giá trị văn hóa, mà cần được thẩm định một cách nghiêm túc. Tất nhiên chúng ta đang cố gắng giữ lại các di sản, nhưng những cái được gọi là di sản cũng cần được xem xét hết sức kỹ lưỡng. Cá nhân tôi cho rằng, Dinh Thượng Thơ ở góc độ nghệ thuật kiến trúc không có gì đặc biệt để phải giữ lại. Nó chỉ là một công trình hành chính của thời thực dân đế quốc, mà xây dựng cũng khá vội vàng. Không phải nồi niêu xoong chảo nào cũng cần giữ lại hết.”, ông Thụ nói thêm.

Ngược lại, KTS. Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, tòa nhà Dinh Thượng Thơ là một công trình lịch sử cần giữ lại; kỹ thuật Việt Nam hoàn toàn có khả năng bảo tồn, và có thể chuyển đổi chức năng phù hợp. Đồng thời, kiến trúc ở đây có thể hiện đại nhưng không nên quá tương phản, mà cần hài hòa với kiến trúc hiện hữu của UBND thành phố.

Nhiều kiến trúc sư, bao gồm chuyên gia bảo tồn, chưa hiểu ý nghĩa sâu sắc của việc bảo tồn di sản bản địa (vernacular heritage preservation), nên chỉ xem xét bảo tồn di sản chỉ dựa trên giá trị xây lắp hoặc mức độ phức tạp của công trình. Việc Dinh Thượng Thơ không nằm trong danh sách bảo tồn thể hiện sự yếu kém kéo dài nhiều năm trong quản lý bảo tồn di sản của TP.HCM, không thể là lý do để đập bỏ công trình này.

Theo ông Sơn, phát triển khu lõi trung tâm TP.HCM cần dựa trên một triết lý bảo tồn và phát triển minh bạch, nhất quán, bao gồm: (1) bảo tồn và cải tạo khu lõi trung tâm hiện hữu bờ Tây sông Sài Gòn, chỉ phát triển cao tầng ở nơi nào có thể mà không tổn hại giá trị lịch sử; và (2) ưu tiên phát triển cao tầng tại khu lõi trung tâm mới Thủ Thiêm bờ Đông sông Sài Gòn.

Dinh Thượng Thơ, nay là Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Công thương. Ảnh: X.Hưng/Tuổi Trẻ

 

Thủ Thiêm và sự kết nối đô thị liên thông thế kỷ 16 – 21

Vì vậy, nếu trung tâm hành chính được xây dựng trong tương lai, KTS. Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, cơ sở nên được đưa sang khu đô thị Thủ Thiêm. Phù hợp nhất là vị trí đối diện bên kia sông Sài Gòn, so với trục Nguyễn Huệ dẫn tới UBND thành phố.

Vị trí này vừa có sự liên hệ về không gian lịch sử, bên này sông Sài Gòn là thế kỷ 18, 19, 20, bên kia là thế kỷ 21; lại không quá xa, khi các sở ban ngành vẫn cần liên hệ với UBND và HĐND thành phố.

Vị trí mới này cũng sẽ tránh được tình trạng kẹt xe như phương án đề xuất; kể cả khi tuyến metro hoàn thành, tòa nhà ở vị trí quận 1 sẽ làm bế tắc hoạt động đầu não của thành phố, trong khi đây là một siêu đô thị.

Theo đó, theo KTS. Ngô Viết Nam Sơn, việc xây dựng thêm cầu nối từ đầu đường Hàm Nghi sang Thủ Thiêm là cần thiết (quy hoạch Thủ Thiêm trước đây có phương án cầu này). Đây sẽ là cầu huyết mạch quan trọng nhất; tạo động lực phát triển Thủ Thiêm từ kết nối cầu cho xe bus và đi bộ trực tiếp giữa hai khu lõi trung tâm mà chỉ mất 10- 15 phút. (Cầu tại Hàm Nghi bắc qua Thủ Thiêm cũng được cho là một phương án góp phần không phải hy sinh hàng cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng, như Ngưi Đô Th đã thông tin trưc đây – PV)

“Tôi cho rằng đây là vị trí tốt nhất cho trung tâm hành chính khi cần; tạo nên một bản sắc đô thị liên thông giữa thế kỷ 16 – 20 và bên kia sông là thế kỷ 21. Nó có thể được quy hoạch theo mô hình thường thấy ở nước ngoài: một quảng trường hành chính, không cần phải là 1 tòa nhà mà có thể là một khu nhà nối với nhau; xung quanh là các cơ sở dịch vụ thương mại, văn phòng.

Cùng với cầu Hàm Nghi, quyết sách này có thể tạo động lực phát triển cho khu vực, như dự án mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ của thành phố trước đây. Khi đó, kinh phí cho xây dựng trung tâm hành chính và cơ sở hạ tầng tại đây sẽ đến từ nguồn xã hội hóa, chưa chắc là từ ngân sách”, ông Sơn nói.

Trụ sở UBND TP.HCM hiện tại, có tuổi đời ngang tuổi đời Dinh Thượng Thơ. Ảnh: Đình Phú/Thanh Niên 

 

Được biết, trước đây trung tâm hành chính được quy hoạch tại khu vực đại lộ Đông Tây của khu đô thị Thủ Thiêm. Tuy nhiên, do vấn đề kinh phí xây dựng và vị trí quá xa UBND thành phố, phương án này đã được thay đổi sang vị trí quận 1 như hiện nay.

Còn theo “Quy định về quản lý quy hoạch chung đô thị theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2025” đã được UBND TP.HCM ban hành vào tháng 3.2014, TP.HCM được quy hoạch mở rộng trung tâm tổng hợp hành chính sang Quận 2, với khu đô thị trung tâm của Thành phố là khu vực nội thành hiện hữu, khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Lê Quỳnh