30/08/2017

TP.HCM : 20.000 nhà ven kênh rạch cần di dời

Theo Phòng Phát triển đô thị thuộc Sở Xây dựng TP.HCM, hiện nay, trên địa bàn thành phố còn khoảng 20.000 căn nhà trên và ven kênh, rạch cần phải tiếp tục di dời. Trong đó, tập trung nhiều ở địa bàn quận 8 (khoảng 9.806 căn), quận Bình Thạnh (3.400 căn), quận 4 (1.629 căn), quận 7 (1.479 căn), quận 6 (986 căn) và một số quận khác như 5, 12, Phú Nhuận, Gò vấp, Bình Tân, Tân Phú…

Theo chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị của thành phố đề ra, từ nay đến năm 2020, TP.HCM cơ bản hoàn tất công tác di dời toàn bộ 20.000 căn nhà trên và ven kênh, rạch, tổ chức lại cuộc sống dân cư tốt hơn, gắn với chỉnh trang đô thị dọc hai bên bờ kênh, rạch.

Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình này đang còn gặp một số khó khăn, vướng mắc do nguồn vốn ngân sách hạn chế. Theo đó, nguồn vốn đầu tư cho chương trình này của thành phố chỉ có khoảng 2.100 tỉ đồng, trong khi theo dự kiến, để hoàn tất di dời nhà trên và ven kênh, rạch cần tổng mức đầu tư khoảng 6.600 tỉ đồng.

Chưa kể, thành phố hiện không có nhiều quỹ đất công có giá trị lớn để bù đắp phần kinh phí thiếu hụt giữa giá trị quỹ đất và chi phí đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án… đối với một số dự án thực hiện theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT).

Ngoài ra, các dự án chỉnh trang đô thị trên và ven kênh, rạch cần nguồn vốn đầu tư lớn, thời gian thực hiện lâu nên không có nhiều nhà đầu tư đủ khả năng đáp ứng về năng lực, kinh nghiệm triển khai thực hiện. Về quỹ nhà ở tái định cư, với quy mô di dời và tái định cư khoảng 20.000 hộ dân, quỹ nhà ở phục vụ công tác tái định cư cho các trường hợp bị ảnh hưởng của thành phố hiện nay là không đủ.

Hiện nay, Sở Xây dựng đã nghiên cứu và phân loại phương thức thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị dọc các tuyến kênh, rạch theo 3 nhóm: Thứ nhất, dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại kết hợp với chỉnh trang đô thị; Thứ hai, dự án chỉnh trang đô thị bằng vốn ngân sách; Thứ ba, chỉnh trang đô thị theo hình thức đối tác công – tư. Các quận, huyện phải chủ động tiến hành rà soát, phân nhóm, xác định phương thức thực hiện của từng tuyến kênh, rạch… từ đó vừa cân đối nguồn vốn ngân sách, vừa huy động nguồn lực xã hội đầu tư.

Mới đây, UBND TP.HCM cũng đã gửi tờ trình Thủ tướng Chính phủ “đề án tổ chức thực hiện chỉnh trang đô thị dọc các tuyến kênh, rạch trên địa bàn TP.HCM” với danh mục 62 dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch của TP.HCM giai đoạn 2016-2020.

UBND TP.HCM cũng kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho TP.HCM được chỉ định các nhà đầu tư đủ năng lực để làm chủ đầu tư các dự án chỉnh trang phát triển đô thị, tương tự như các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Theo quy định, áp dụng hình thức chỉ định thầu sẽ rút ngắn được 250 ngày làm thủ tục.

Trong 5 năm tới, TP sẽ giải quyết dứt điểm những tuyến kênh rạch đang thực hiện công tác bồi thường, di dời, giải phóng mặt bằng, cụ thể là tuyến Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên, cù lao Nguyễn Kiệu, công viên Hồ Khánh Hội giai đoạn 3 và 4, di dời khoảng 304 căn nhà. Ngoài ra, công tác di dời, giải phóng mặt bằng và tái định cư cũng tiếp tục thực hiện cho toàn tuyến kênh Đôi – kênh Tẻ thuộc các quận 4, 7, 8 để thực hiện dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM. Giai đoạn 3 sẽ giải tỏa, di dời khoảng 7.031 căn.

Những tuyến kênh, rạch ô nhiễm nặng hoặc có vai trò quan trọng trong giải quyết ngập úng, khơi thông dòng chảy, tiêu thoát nước như rạch Hàng Bàng giai đoạn 2 và 3, rạch Văn Thánh, rạch Bùi Hữu Nghĩa, rạch Xuyên Tâm, rạch Bàu Trâu… cũng sẽ được thực hiện với quy mô giải tỏa và di dời khoảng 13.350 căn.

Sau hơn 20 năm triển khai thực hiện việc giải tỏa di dời những nhà dân ven sông và trên kênh, rạch TP đã di dời khoảng 36.000 căn với các dự án điển hình: Dự án vệ sinh môi trường nước TP lưu vực kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè; Dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Bến Nghé – Tàu Hũ – kênh Đôi – Kênh Tẻ; Dự án cải thiện vệ sinh và nâng cấp đô thị lưu vực Tân Hóa – Lò Gốm…

Kiến Việt tổng hợp