24/09/2018

Tính “cách mạng” cho nhà phố hiện đại

(Tạp chí KTVN) – Nhà phố là một thuật ngữ để chỉ những ngôi nhà liền kề, nhà chia lô được xây dựng – hình thành trên các tuyến phố mới trong các khu đô thị, các tuyến đường mới, các khu ở được quy hoạch triển khai. Ở nước ta, tại các thành phố đã và đang trong quá trình phát triển, nhà phố cũng góp mặt trong giai đoạn hình thành và phát triển đô thị như một yếu tố cấu thành hữu cơ. Trước các yêu cầu thực tế đặt ra trong bối cảnh phát triển và hội nhập, cần có các định hướng trong thiết kế và quản lý để nhà phố thực sự là một trong những nhân tố tạo dựng tính “cách mạng” cho đô thị Việt Nam.

 Thiết kế nhà phố với không gian thương mại ở tầng 1 và phù hợp với điều kiện khí hậu


Thiết kế nhà phố với không gian thương mại ở tầng 1 và phù hợp với điều kiện khí hậu

Một quá trình phát triển lâu dài

Trong các giai đoạn trước đây, khái niệm nhà phố được hiểu là nhà mặt phố, gắn liền với hình ảnh những ngôi nhà theo phong cách kiến trúc cũ có quy mô 1-2 tầng trên nhiều tuyến phố di sản giai đoạn Pháp thuộc cho tới nhiều năm sau ngày giải phóng. Trong vài thập kỷ gần đây, thời “mở cửa”, nhiều tuyến đường mới được triển khai xây dựng – cùng với khái niệm khu đô thị mới xuất hiện, lại thêm một lần nữa xuất hiện loại hình nhà phố mới. Các công trình loại này (còn được gọi theo các tên khác như “nhà chia lô, nhà lô…”) để chỉ dãy nhà được quy hoạch phân ô xây dựng chạy theo mặt phố (thường được bao quanh một khu phía sau là các khối nhà chung cư cao tầng…) thuần túy để đáp ứng chức năng ở, có chiều cao 3-5 tầng trên các khu đất quy mô đất nhỏ, trung bình (khoảng 4.5m), rất phù hợp với quy mô kinh tế nhỏ và vừa (được xây dựng ở nhiều khu dân cư mới tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM…). Trải qua nhiều tranh luận thăng trầm bởi chính sách quy hoạch đất đai, sự hội nhập về kiến trúc, sự bùng nổ trong phát triển đô thị, sự hoàn thiện về hệ thống quy định quản lý, những ngôi nhà lô phố này đã góp phần tạo ra những tuyến phố mới thân quen cho đô thị, trở thành thế hệ nhà phố 2.0 tại Việt Nam. Như tại Hà Nội, tiêu biểu cho các kiểu nhà lô phố dạng này có thể bao gồm: Nhà phố trong khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính, nhà phố khu Thái Hà, nhà phố trong khu đô thị Hoàng Cầu (nay đã hình thành nhiều nhánh đường phố khá quen thuộc…).

Tới nay sự phát triển của các nhà phố đã có phần phong phú hơn cả về hình thức kiến trúc, công năng sử dụng rành mạch và quy định tuân thủ trong công tác quản lý trật tự đô thị (nếu nhìn nhận trên địa bàn Hà Nội thì có thể ví dụ tuyến phố Nguyễn Chánh quận Từ Liêm, tuyến phố Tố Hữu quận Hà Đông, đường Khuất Duy Tiến…). Nhìn chung nguyên tắc nhà phố cũng vẫn là những căn nhà thấp tầng (1-5 tầng) xây dựng chạy theo mặt đường, song những năm gần đây, các mẫu thiết kế được nghiên cứu đồng bộ hơn tuân thủ mọi yêu cầu của quy hoạch và quản lý trật tự đô thị. Công năng sử dụng cũng được phong phú hơn cho người dân lựa chọn:

+ Shophouse (nhà ở và có cửa hàng ở tầng 1): đường Chùa Bộc, đường Tố Hữu.

+ Nhà phố xây dựng có vườn (biệt thự liền kề): trên đường Nguyễn Chánh, đường Nguyễn Văn Lộc.

+ Nhà phố (đô thị mới): mặt phố trong khu đô thị Văn Quán, Văn Phú.

+ Nhà liền kề (xây dựng tại các thị trấn, thị xã, khu đô thị xa trung tâm thành phố): khu Trung Hòa – Nhân Chính, đô thị Hoàng Cầu.

Rất đa dạng về thể loại cũng như phong cách kiến trúc.

Trong sự hình thành và phát triển, có thể liệt kê một số phong cách kiến trúc nhà phố tại các đô thị bao gồm:

– Phong cách kiến trúc theo “phong cách Pháp” và phong cách kiến trúc cũ: nhà có mặt đứng có ban công ô văng và cửa sổ để tạo đường nét gọn ghẽ, đơn giản, xây dựng sạch sẽ, không màu sắc có tường chắn mái…

– Phong cách đổi mới: xuất hiện trong 2 thập niên đầu của thế kỷ 21, được thấy nhiều trong các phố của khu đô thị mới (Hà Nội, TPHCM và cả các đô thị các tỉnh). Ban đầu nhận diện rất bắt mắt với nhiều điểm ưu thế về khoe – phô trương vật liệu, kết cấu mới. Sau dần chỉ một số ít vùng ở Việt Nam thành công, còn đại đa số dần dần bị xuống cấp hóa bởi 2 lí do: Không đáp ứng tốt yếu tố phù hợp khí hậu; Vật liệu, điều kiện kinh tế, điều kiện kỹ thuật xây dựng chưa đồng bộ…

– Phong cách kiến trúc ngoại lai – pha trộn trường phái, có thể nhìn thấy trên một dãy phố mới hoặc lẫn vào một đoạn phố.

Sử dụng vật liệu và giải pháp ngăn che để tạo môi trường sống tiện nghi cho không gian hiện đại

Sử dụng vật liệu và giải pháp ngăn che để tạo môi trường sống tiện nghi cho không gian hiện đại

Nhìn chung, kiến trúc nhà phố ở các khu đô thị Hà Nội hay như các thành phố lớn trên cả nước, những năm gần đây đã có nhiều thay đổi. Công cuộc xây dựng và quản lý đô thị đã có nhiều thay đổi tốt, cách nhìn nhận phát triển không gian chung được nhiều tiến bộ. Cái thời xây dựng và thiết kế nhà chia lô, có mặt tiền rộng hơn 3m, 4m giờ đây đã hạn chế hơn. Thay vào đó là những bố cục một tổng thể dãy phố, nhà ở được xây dựng khang trang hơn, cao tầng hơn, đặc biệt là không còn hiện trạng nhấp nhô theo số tầng cao, theo cốt cao độ của mỗi nhà. Khái niệm nhà “chia lô” bây giờ được thay bằng khái niệm nhà lô phố, nhà ở đô thị, Shophouse… khang trang với các nhóm nhà ở có mặt nhà lớn hơn 5-6m, có cây xanh, chi tiết kiến trúc được xây dựng với kỹ năng vượt trội khi hoàn thiện, cây xanh và nhà tạo nên một gắn kết hữu cơ; do vậy công trình được tôn đẹp lên nhiều lần.

Đối với các khu đô thị mới các tuyến nhà mặt phố luôn được quy hoạch tốt. Còn với các khu ở cũ nay cũng đều được chuyển đổi sử dụng, bởi nhu cầu sinh hoạt và quá trình phát triển mở rộng đô thị. Những không gian nhà ở tiếp cận với mặt đường luôn được cải tạo xây mới – chỉnh trang, trường hợp đường Lê Trọng Tấn, quận Đống Đa, Hà Nội làm ví dụ khi được mở rộng tuyến phố. Hình ảnh không gian đô thị rất gọn – sạch tuy còn nhiều yếu tố cần điều chỉnh cho phù hợp hơn, song tuyến nhà ở được quản lý chặt chẽ về kiến trúc, chiều cao công trình và các chi tiết chi phối được nảy sinh từ cuộc sống xã hội như: biển quảng cáo, vật liệu, kiểu dáng… đã được bố cục rất tốt, đồng đều, hòa nhập cuộc sống.

Đề xuất cho kiến trúc nhà phố mới

Trên cơ sở những phong cách thường thấy của nhà phố, để tiến tới một tuyến phố gọn đẹp, có thể cảm nhận thấy mọi ngôi nhà, mọi phong cách kiến trúc cho nhà mặt phố đều là rất đẹp, đáng trân trọng khi được thiết kế đúng liều lượng. Trên mọi mặt phố, nếu can thiệp sắp đặt thì đi tới cứng nhắc khiên cưỡng, nếu phó mặc tự nhiên thì mất tính định hướng, tính quản lý. Như vậy, cần có định hướng mở nhưng cụ thể cho nhà phố trên cơ sở một giải pháp hoàn chỉnh bộ mặt đường phố, bộ mặt đô thị, nhưng uyển chuyển và tránh khiên cưỡng áp đặt.

Sử dụng màu sắc tạo cá tính riêng cho nhà phố trong đô thị hiện đại Singapore

Sử dụng màu sắc tạo cá tính riêng cho nhà phố trong đô thị hiện đại Singapore

Nhà mặt phố hiện nay đang trong tình trạng “trăm hoa đua nở”, nên tính định hướng chính là vấn đề chỉ dẫn quy hoạch, quản lý đô thị ở các khu vực với các tiêu chí gợi ý bao gồm:

(1) Thống nhất – đồng bộ về chiều cao công trình;

(2) Cho phép tổ chức công năng sử dụng theo nhu cầu thực tế sử dụng tại khu vực xây dựng (Mặt phố có những ngôi nhà chuẩn bị được xây dựng thiết kế nằm trong khu kinh doanh, bán hàng hay dịch vụ ăn uống, thì nhà mặt phố sẽ tự điều chỉnh phù hợp với công năng xã hội định hướng);

(3) Đề cao tính đồng bộ thống nhất tổng thể. Khi đã trong một cảnh quan có công năng riêng, khả năng tách biệt đơn độc của một vài ngôi nhà là rất hiếm kể cả phong cách cũng như công năng sử dụng ngôi nhà;

(4) Đề cao tính đặc trưng vị trí và tính bản địa. Mặt phố có yếu tố vị trí địa lý thế nào sẽ quyết định khá lớn vào yếu tố chi tiết kiến trúc mặt đứng (điều này ở các đường phố khu đô thị mới những thành phố lớn thì xử lý bình thường) đối với một số tuyến nhà mặt phố chạy theo đường quốc lộ của tỉnh, xã thì chưa được hoàn toàn tốt. Rất nhiều ngôi nhà để chống nắng hướng Đông Tây đã nghĩ thêm một số phụ kiện làm cho bộ mặt đường phố rất bi hài và nhếch nhác;

(5) Thống nhất giữa nội và ngoại thất. Để có định hướng đồng bộ, cần nhấn mạnh yếu tố ý thức từ các bên chủ thể: Nhà thiết kế và người sử dụng. Tránh tình trạng ý thức chủ quan, chèo lái ngôn ngữ kiến trúc đi tới sự không đồng bộ, kiến trúc phong cách đa dạng, kiến trúc phi khí hậu và nhiều kiến trúc có ngôn ngữ lạ, kiến trúc ngoại lại.

Hiện nay, trên một số trục phố mới nhiều dãy nhà phố được xây dựng, tuy mới song đã thấy có sự xuống cấp về cảnh quan kiến trúc bởi xấu về tỉ lệ kiến trúc và hình thức. Thiết kế nhà phố mới cần đưa ra sự thống nhất giữa “đặc điểm kiến trúc và sự tiết kiệm”, cắt giảm chi phí của các nhà đầu tư xây dựng. Chú ý tới đặc điểm khí hậu vùng như: hướng nắng, hướng gió đối với trục phố, dãy nhà để hình thức kiến trúc phong phú hiệu quả có đặc thù mà không cần tô đắp thêm các chi tiết kiến trúc rườm rà, yếu tố nhịp điệu, có quy luật cũng là một giải pháp nên bổ sung vào trong quá trình thiết kế nhà phố, thực tại yếu tố này trên nhiều trục phố là chưa có và không rõ ràng.

Để những ngôi nhà mặt phố góp phần tạo ra diện mạo mới trong sáng tạo ra những nhịp điệu sống động cho tuyến phố – đô thị, rất cần những đóng góp hình khối và phối cảnh thật hợp lí, phù hợp cảnh quan chung của các nhà thiết kế dựa trên 04 yếu tố cơ bản nhất liên quan kiến trúc bao gồm: Công năng, khí hậu, kinh tế, văn hóa – vật liệu.

Cần đề cao nhiều hơn vai trò tạo nhịp điệu cho cảnh quan đô thị, nói rộng hơn đó là tính chất vần luật. Nhìn một cách tổng quát, nếu một tuyến phố, nhà cửa được xây dựng đều tắp thì tạo ra sự buồn tẻ, vậy cần có tính vần luật nhịp điệu để làm giàu thêm cảm thụ thị giác hướng tới các ngôi nhà chạy dọc phố. Tính vần luật còn là sự bố cục ngẫu nhiên, đặc – rỗng – cây xanh cho một cụm công trình hay cả một tổng thể. Để không gian phố cần không chỉ đẹp, mà còn thoáng… đến từ việc tổ chức các khoảng lùi hợp lý của công trình.

Hiện nay cũng có nhiều khu nhà ở phố trong những khu đô thị chỉ được khoác lên mình một lớp áo màu trắng nhàm chán. Cần có những quy định quản lý về mầu sắc uyển chuyển dựa vào yếu tố vùng, vị trí địa lý và lịch sử đã có. Màu sắc làm cho kiến trúc nhà phố, đường phố trở nên sống động, cũng có thể làm cho nó trở nên rối rắm, nát vụn. Hãy để sự pha trộn màu sắc kiến trúc theo quy luật tạo nên một nhịp điệu cuộc sống. Màu sắc là cây – hoa, là vật liệu ngôi nhà, là màu sơn trang trí, là nhịp sống đường phố, cũng còn là dấu ấn riêng cho một không gian đường phố nào đó.

Ngày nay, khi hình thức kinh doanh thương mại dịch vụ đã có nhiều thay đổi và có ảnh hưởng nhiều đến không gian kiến trúc nhà mặt phố, không nhất thiết cứng nhắc, kiến trúc nhà phố có thể được lựa chọn theo nhiều loại phong cách kiến trúc mới, cũ hay mang đặc điểm hoài cổ, và đều có thể phù hợp với bản chất công năng của dãy phố đó. Tuy nhiên, cần tránh lạm dụng sự “cóp – nhặt” để đưa lại những phương án “na ná” ở đâu đó, tỉ lệ kiến trúc thiếu hụt, “nhái ngoại” như đã từng xảy ra thời gian qua.

Ưu tiên kiến trúc nhà phố đạt được sự ngăn nắp đơn giản, phù hợp với khí hậu, phù hợp với vị trí địa lý. Nếu có sự phân tích trên cơ sở đặc trưng về khí hậu và yếu tố kỹ thuật xây dựng, sẽ có nhiều giải pháp đổi mới phù hợp với một diện mạo lâu bền cho kiến trúc nhà phố. Thiên nhiên khí hậu cũng là một cơ sở tốt để tạo nên các “không gian nhà phố độc đáo và thân thiện đến ngỡ ngàng”.

Tính đổi mới của những ngôi nhà phố trong giai đoạn mới sẽ là một cuộc cách mạng mới trong tư duy tạo hình, được tạo nên không chỉ với từng ngôi nhà riêng lẻ mà đạt được từ tổng thể để tạo nên một nhịp điệu đường phố, mang đến ấn tượng của từng đoạn phố với nhiều công năng sử dụng. Với cấp độ từng công trình, kiến trúc nhà phố đổi mới được tạo nên khi nhà thiết kế biết buông bỏ, thêm, bớt những chi tiết những cái tôi không cần thiết để hài hòa với tổng quan xung quanh, thông qua các giải pháp sử dụng vật liệu, hoặc chi tiết kiến trúc quá độc đáo, đặc biệt trong một tổng thể đơn giản và ứng dụng tốt độ gọn gàng, ít diện tích thì tăng diện tích sử dụng hết cỡ, giảm chi phí phi công năng.

Ngày nay công nghệ xây dựng có nhiều tiến bộ, cùng với việc có nhiều những vật liệu xây dựng phong phú đã giúp cho việc xây dựng những ngôi nhà phố ngày càng đẹp và có giá trị sử dụng cao. Tuy nhiên một vấn đề cần chú ý chính là ý thức sử dụng vật liệu cho công trình. Sẽ rất khổ sở khi sử dụng mà bị ảnh hưởng bởi những yếu tố như mưa hắt, nắng nóng nếu thiết kế quá lạm dụng phương châm gạt bỏ ô văng, sử dụng nhiều kính công trình ở các vị trí có thời tiết bất lợi (phương Đông – Tây).

Cuối cùng, để quản lý thật tốt bộ mặt kiến trúc đô thị cho tuyến phố nhà phố, không thể ban hành quy định hay hạn chế cứng nhắc mà cần hướng đến quản lý thật tốt một số yếu tố liên quan đi kèm với công trình như khoảng đệm, không gian cây xanh. Như vậy sẽ hạn chế được kiểu kiến trúc nhà phố “tường rào” của các trục phố chính trong nội thành.

Kết luận

Xuyên suốt quá trình phát triển kiến trúc “nhà mặt phố”, để phát triển bền vững, định hướng và quản lý, tạo ra những diện mạo riêng cho từng không gian đường phố, cần một sự đổi mới trên nhiều phương diện như một cuộc cách mạng về quy định không gian – chiều cao, hình thái kiến trúc mỗi khu vực cũng như tạo ra những nhịp điệu vần luật cho một tuyến công trình, được xử lý đúng chỗ về khoảng lùi sân – công trình – lề đường, sự đan xen hài hòa giữa vật liệu, màu sắc và cây xanh. Nhà phố sẽ luôn tồn tại và là một đặc trưng của đô thị phát triển sinh động, tràn đầy sức sống./.

KTS Cao Chí Hoàng/Khoa Kiến trúc – Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội