05/10/2015

Tiêu chuẩn thiết kế – Câu chuyện thực tiễn & những bất cập

Hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế đóng vai trò quan trọng, không thể thiếu trong các mối quan hệ của quá trình phát triển, quản lý đầu tư xây dựng của một Quốc gia. Do vậy, nó rất cần phải có chất lượng chuẩn mực để tránh phát sinh những phiền phức làm kìm hãm quá trình phát triển, đặc biệt là không tạo ra những kẽ hở, nhằm triệt tiêu những tư tưởng tiêu cực trong việc vận dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế do không đạt chất lượng.

15

Tổ hợp nhà ở cao tầng Time City, Hà Nội

Vai trò và những nảy sinh từ quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế
Về hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế của ngành quy hoạch – kiến trúc – xây dựng trong những năm vừa qua, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo ban hành khá nhiều các tiêu chuẩn, quy phạm thiết kế nhằm đáp ứng công cuộc đầu tư xây dựng, kiến thiết đất nước đang diễn ra hàng ngày với một tốc độ rất lớn và rộng khắp. Tuy nhiên, do đặc thù của ngành, là một lĩnh vực đa dạng, phủ khắp công tác xây dựng cơ bản của tất cả các Bộ, ngành, địa phương trên cả nước. Đồng thời luôn có sự phát sinh theo nhu cầu thực tiễn của xã hội, do vậy còn rất nhiều các thể loại công trình mà công tác biên soạn tiêu chuẩn, quy phạm thiết kế chưa “phủ kín” được. Một số thể loại công trình đã có tiêu chuẩn thiết kế, song lại được xuất bản từ quá lâu, nội dung đã lỗi thời, không còn phù hợp với sự tiến bộ của xã hội và khoa học công nghệ. Đây là một thực trạng đã dẫn đến khá nhiều những bất cập. Bởi lẽ tiêu chuẩn của một loại hình công trình nào đó đều là hướng dẫn thiết kế.
Đối với nhà chuyên môn, tiêu chuẩn thiết kế là chỗ dựa để từ đó hoạch định ý đồ và các giải pháp chuyên môn của mình. Đối với nhà quản lý, tiêu chuẩn thiết kế không chỉ là chỗ dựa mà còn là thước đo cho những thẩm định phê duyệt của mình. Mặc dù, khác với quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế là khuyến khích áp dụng, chứ không hoàn toàn bắt buộc phải tuân thủ. Nhưng ở Việt Nam, không mấy khi có nhà quản lý “thoáng” với các nhà chuyên môn. Tiêu chuẩn thiết kế là tài liệu pháp lý của các nhà quản lý cũng là cầu nối cho các bên dễ dàng đi đến đồng thuận. Chính vì thế rất cần có một hệ thống các văn bản, tiêu chuẩn thiết kế có chất lượng, đầy đủ và chính xác. Điều này giúp cho các bên không gặp phải những xung đột. Hiện nay, đôi khi chỉ vì các câu chữ, cách vận dụng khác nhau, dẫn đến công việc không được thông thoát, phải giải thích, tranh luận mất nhiều thời gian, cộng thêm những phiền phức không ít. Tất cả những điều này đang diễn ra hàng ngày trong công tác tư vấn thiết kế và thẩm tra, thẩm định các dự án đầu tư xây dựng trên khắp các tỉnh thành ở đất nước chúng ta.

Câu chuyện thực tế và những bất cập từ các tiêu chuẩn thiết kế hiện nay
Đồ án quy hoạch chi tiết Trường Đại học Thành Tây, trên khu đất gần 12ha tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, TP. Hà Nội, với quy mô đào tạo 10.000 sinh viên. Trong một số vấn đề của đồ án, có vấn đề về diện tích sàn khu làm việc cho giảng viên, cán bộ của Trường và diện tích sàn khu ký túc xá sinh viên. Do sử dụng Tiêu chuẩn thiết kế trường đại học từ 1985, nên ý kiến của Sở Quy hoạch – Kiến trúc Thành phố cho rằng, các diện tích này trong đồ án quy hoạch là quá lớn so với tiêu chuẩn. Trong khi đây là dự án của tư nhân, không thuộc vốn ngân sách của Nhà nước. Chủ trương của Nhà trường muốn có đủ điều kiện làm việc và nghiên cứu tốt nhất cho cán bộ giảng viên, 100% sinh viên của Trường có chỗ ở nội trú (không ai phải thuê nhà trọ ở ngoài Trường, để giảm thiểu các tệ nạn xã hội). Đây cũng là ý đồ, để sớm có ưu thế trong cạnh tranh đào tạo của Nhà trường. Cán bộ thụ lý hồ sơ thiết kế của Sở Quy hoạch – Kiến trúc đã không phân biệt được đâu là giới hạn của việc đầu tư xây dựng theo nguồn vốn ngân sách Nhà nước và đầu tư theo các nguồn vốn khác. Đáng ra phải khuyến khích các dự án có điều kiện đầu tư cao cấp, sớm ngang tầm với các nước khác trên thế giới. Do tiêu chuẩn thiết kế đã quá cũ, không làm rõ được điều này. Sự việc cuối cùng thì đồ án cũng đã được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt, nhưng sự việc đã phải kéo dài hơn một năm sau, thời điểm có cơ hội huy động được vốn đầu tư của Nhà trường đã tuột khỏi, cho đến nay vẫn chưa có được cơ hội tiếp theo.

Đồ án quy hoạch chi tiết Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, trên khu đất hơn 17,42ha tại số 01 đường Võ Văn Ngân, phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức, thiết kế với quy mô đào tạo dự kiến khoảng 22.500 sinh viên. Đồ án đã được Sở QH – KT Thành phố trả lời như sau: Căn cứ Tiêu chuẩn thiết kế trường đại học năm 1985, căn cứ Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam 1987 và căn cứ Quyết định số 37/2013/QĐTTg của Thủ tướng Chính Phủ, Nhà trường cần tối thiểu 45ha để lập Quy hoạch chi tiết, hoặc ngược lại, với quỹ đất hiện có của Nhà trường chỉ được lập quy hoạch với quy mô đào tạo tối đa là 7.660 sinh viên. Trong khi, tại thời điểm hiện nay, với cơ sở vật chất hiện hữu (của nhiều giai đoạn lịch sử, chưa có quy hoạch) Nhà trường đang đào tạo với quy mô gần 20.000 sinh viên nhưng chỉ được nghiên cứu lập quy hoạch với quy mô tối đa là 7.660 sinh viên thì còn có ý nghĩa gì! Việc lập đồ án quy hoạch cho Trường là một chủ trương đúng đắn, thể hiện sự quyết tâm nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường. Cho đến nay, Nhà trường vẫn chưa có cách giải quyết như thế nào về đồ án quy hoạch này! Đây là câu chuyện khá phổ biến ở nhiều cơ sở đào tạo đại học ở nước ta hiện nay. Chính sách, tiêu chuẩn thiết kế cần phải như thế nào để trong mọi trường hợp đều có cách giải quyết của nó. Không thể chỉ vì sự trì trệ của những căn cứ kém chất lượng dẫn đến ngăn cản cả quy luật của sự phát triển.
Về những bất cập do chất lượng biên soạn quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế, gây nên những phiền phức không đáng xảy ra, có thể kể ra một số ví dụ như sau: Tiêu chuẩn thiết kế công trình thể thao TCVN 4205:2012. Bảng 12 – “Nội dung các công trình phục vụ trong sân vận động”, viết cho loại sân trên dưới 20.000 chỗ: 100 nam/1 chậu rửa, còn nữ 1000người/1 chậu rửa – không hiểu tiêu chuẩn này là như thế nào? Tiêu chuẩn còn viết, thông thường tỷ lệ giữa nam và nữ là 4/1. Vậy nếu, sân là 20.000 chỗ thì sẽ có khoảng 5.000 nữ. Từ đó suy ra toàn bộ sân chỉ có 5 chậu rửa cho tất cả các khu vệ sinh của nữ. Trong khi với sân quy mô khoảng 20.000 chỗ, cũng phải có khoảng 16 cửa ra vào, các cửa ra vào đều cần có khu vệ sinh, vậy khu nào có chậu rửa, khu nào không? Tại Bảng 11 – nói về “khoảng cách tầm nhìn của khán giả đến điểm quan sát”, hình vẽ minh họa của bảng này vẽ sai hoàn toàn về khoảng cách C, (hình vẽ dóng kích thước từ mắt người ngồi đằng trước tới mắt người ngồi đằng sau là không đúng, mà phải vẽ là, từ mắt người ngồi đằng trước, lấy lên một khoảng bằng C rồi kéo dài tia nhìn tới mắt người ngồi đằng sau). Nếu trong tiêu chuẩn thiết kế hướng dẫn như vậy, thì các sân vận động của chúng ta xem không tốt cũng là đúng thôi. Điều kỳ lạ là cả 3 quyển Tiêu chuẩn thiết kế (cả về Bể bơi và Nhà thể thao) đều vẽ sai như nhau. Các sai phạm trên đây có từ đời các tiêu chuẩn xuất bản trước đây nhưng tiêu chuẩn mới ban hành cũng chưa được xem xét để chỉnh sửa.
– Tiêu chuẩn khách sạn TCVN 2009 sửa đổi cho TCVN 5065: 1990. Bảng 2 về “Diện tích chỗ để xe tối thiểu tính theo số buồng ngủ của khách sạn”, viết: Đối với loại “khách sạn nghỉ dưỡng và khách sạn bên đường 25m2/buồng ngủ, thế có nghĩa là tương đương với mỗi buồng ngủ cần có 1 chỗ đỗ xe. Đây là tiêu chuẩn chưa hợp lý. Đối với khách đi nghỉ dưỡng, rất ít khi mang ô tô đi theo, đối với khách phải ngủ khách sạn bên đường, thường cũng rất ít khi đi một mình.

Để tránh lỗi thời và cập nhật với sự phát triển tiến bộ của đời sống xã hội. Cần theo chu kỳ không quá 5 năm phải bổ sung, điều chỉnh, xuất bản lại toàn bộ hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế. Thực tế ở Mỹ, qua báo cáo của Viện Kiến trúc Hoa Kỳ (AIA) theo chu kỳ 4 năm phải cập nhật lại tiêu chuẩn thiết kế để chỉnh sửa bổ sung.

TS. Kts Nguyễn Tiến Thuận

Tạp chí Kiến trúc Việt Nam