14/01/2015

Thuê mặt bằng khống để rút tiền nhà nước

Vụ việc xảy ra tại Công ty CP địa ốc dầu khí, thuộc Tổng công ty xây lắp dầu khí VN – Tập đoàn dầu khí quốc gia VN. Theo cơ quan điều tra, số tiền bị chiếm đoạt trong vụ án lên đến hàng chục tỉ đồng.

 

Ngày 12.1, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an có kết luận điều tra vụ tiêu cực lớn xảy ra tại Công ty CP địa ốc dầu khí (PVL), đồng thời chuyển hồ sơ đề nghị Viện KSND tối cao truy tố 2 bị can Hoàng Ngọc Sáu, nguyên Tổng giám đốc, nguyên Chủ tịch HĐQT PVL về tội “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”; Hà Văn Sơn, nguyên Tổng giám đốc Công ty CP bất động sản VN (VNland), về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Ông Hoàng Ngọc Sáu bị Cơ quan An ninh điều tra khởi tố, bắt tạm giam đầu năm 2014 sau khi cơ quan này nhận được đơn tố cáo từ nhiều cán bộ công nhân viên PVL.

Bỏ túi 10 tỉ trong phi vụ thuê mặt bằng khống

Quá trình điều tra làm rõ, năm 2008 khi đang là Phó tổng giám đốc Công ty CP xây dựng Sông Hồng, ông Sáu thành lập Công ty VNland và giao Hà Văn Sơn làm Tổng giám đốc. Đến năm 2009, ông Sáu được điều chuyển về Tổng công ty xây lắp dầu khí VN, sau đó được tổng công ty này giao làm người đại diện phần vốn nhà nước tại PVL với chức vụ tổng giám đốc. Tháng 9.2010, Sáu chỉ đạo Sơn ký hợp đồng dịch vụ khai thác vận hành tòa nhà trung tâm thương mại và căn hộ chung cư An Phú (Petro Vietnam Landmark) thuộc P.An Phú (Q.2, TP.HCM) do Công ty cổ phần bất động sản xây lắp dầu khí VN (PVC Land) làm chủ đầu tư. Đến tháng 12.2010, Sáu với tư cách Tổng giám đốc PVL lại ký hợp đồng với Sơn thuê lại 1.090 m2 sân vườn của dự án này để làm sàn giao dịch bất động sản trong thời hạn 5 năm, tổng trị giá 11,2 tỉ đồng. Sau khi ký hợp đồng, Sáu chỉ đạo nhân viên cấp dưới chuyển toàn bộ tiền giá trị hợp đồng cho VNland. Dù hợp đồng các bên ký là thật, tiền để thực hiện đã chuyển, nhưng qua xác minh tại PVC Land thì đến tháng 10.2013, tòa nhà Petro Vietnam Landmark chỉ mới thi công đến tầng 9/17 và chưa được chủ đầu tư bàn giao cho VNland quản lý khai thác. Mặt khác, trong dự án này không có diện tích nào để thuê và cho thuê như hợp đồng đã nêu.

petro

Tòa nhà Petro Vietnam Landmark đến năm 2013 còn dang dở, nhưng trước đó Hoàng Ngọc Sáu đã thuê khống mặt bằng để chiếm đoạt 10 tỉ đồng – Ảnh: Đình Sơn

Sau khi VNland nhận được tiền do PVL chuyển, Sáu chỉ đạo Sơn cắt lại 10 tỉ đồng đưa cho Sáu. Cơ quan điều tra xác định Hoàng Ngọc Sáu đã chiếm đoạt số tiền này. Ngoài ra, trong “thương vụ” này, Sáu còn ký hợp đồng với một doanh nghiệpthiết kế sàn giao dịch và đã trả cho đơn vị này hơn 33.000 euro (tương đương 900 triệu đồng), gây thất thoát cho PVL.

Tuồn hợp đồng cho sân sau 

Trong quá trình PVL thực hiện dự án chung cư Linh Tây, Q.Thủ Đức, TP.HCM với quy mô 1 tầng hầm và 18 tầng nổi, đã được cơ quan chức năng phê duyệt, năm 2011 khi đã thi công xong phần móng và tầng hầm thì Sáu có tờ trình HĐQT xin phê chuẩn điều chỉnh lên 22 tầng. HĐQT PVL sau đó đã có nghị quyết đồng ý cho ký hợp đồng thiết kế điều chỉnh phương án 22 tầng làm cơ sở trình UBND TP.HCM và các cơ quan chức năng phê duyệt. Trong khi cơ quan chức năng đang xem xét hồ sơ thì Sáu ký hợp đồng thuê Công ty cổ phần thiết kế VNland (VNland design) thiết kế cơ sở điều chỉnh dự án với giá hơn 557 triệu đồng. Theo cơ quan điều tra, Công ty VNland design do Sáu thành lập và để cháu ruột nắm giữ cổ phần, còn bản thân Sáu điều hành toàn bộ hoạt động tại đây. Tiếp đó, Sáu ký hợp đồng thuê VNland design thiết kế bản vẽ thi công theo phương án 22 tầng, trị giá hợp đồng hơn 9 tỉ đồng và đã thanh toán hơn 8 tỉ đồng. Đến nay, bản thiết kế điều chỉnh phương án 22 tầng không được UBND TP.HCM chấp thuận.

Cơ quan điều tra cho rằng, việc Sáu cố ý ký hợp đồng thiết kế bản vẽ thi công khi thiết kế cơ sở điều chỉnh chưa được phê duyệt là trái quy định nhà nước, sau đó chuyển 90% giá trị hợp đồng cho đơn vị thiết kế gây thất thoát cho PVL số tiền hơn 8,1 tỉ đồng.

 

Theo Thanh niên