03/12/2015

Thực trạng & Định hướng phát triển nghiên cứu khoa học trong quy hoạch xây dựng

(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) – Nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực quy hoạch hiện nay cần có bước chuyển biến mạnh mẽ và được xem là nhiệm vụ trọng tâm gắn liền với đổi mới toàn diện công tác lập và thực thi các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị và nông thôn.

Công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng có vai trò cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lập quy hoạch, thực thi và quản lý sau quy hoạch đạt được hiệu quả thực tiễn, đóng góp thiết thực cho quá trình xây dựng và phát triển đô thị nói riêng và phát triển kinh tế xã hội nói chung. Dù đã có nhiều kết quả đạt được trước hiện trạng phát triển và yêu cầu từ thực tiễn, rất cần xây dựng một lộ trình cụ thể để nghiên cứu khoa học đóng góp thiết thực cho định hướng đổi mới toàn diện phương pháp và nội dung lập quy hoạch và quản lý theo quy hoạch cho các vùng đô thị và nông thôn trong thời gian tới.

Khu trung tâm hành chính mới thị trấn Sapa, Lào Cai

Khu trung tâm hành chính mới thị trấn Sapa, Lào Cai

Công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng hiện nay
Khoa học công nghệ được xác định là nền tảng, quốc sách hàng đầu trong công cuộc công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Nghiên cứu khoa học được coi là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, góp phần xây dựng luận cứ cho những chiến lược phát triển kinh tế – xã hội. Với vai trò là quy hoạch là một ngành khoa học dự báo, hoạch định phát triển trong tương lai, công tác nghiên cứu khoa học đóng vai trò quan trọng cả trong thiết lập hệ thống khung định hướng chung và các nội dung chi tiết cần thực hiện trong quy hoạch và quản lý đô thị theo quy hoạch như nhận diện những vướng mắc trong quá trình lập quy hoạch, triển khai quy hoạch trên thực địa và quản lý sau quy hoạch; Hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về quy hoạch và quản lý đô thị; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước trong việc lập và quản lý quy hoạch.
Đã có nhiều chuyên gia chỉ ra những tồn tại của công tác quy hoạch trong thời gian như: Phương pháp quy hoạch xây dựng của Việt Nam đang bị lỗi thời, còn mang nặng tư duy kinh tế tập trung; rằng chúng ta vẫn dựa trên nguyên tắc “thiết kế tĩnh”, “quy hoạch cứng”. Vì vậy quy hoạch còn thiếu sự linh hoạt trong quá trình phát triển;
– Có quá nhiều loại hình quy hoạch chồng chéo nhau, nên hiệu lực của quy hoạch xây dựng không cao. Đồ án quy hoạch xây dựng còn thiếu một chiến lược phát triển đô thị cụ thể và bài bản.
– Nhìn chung, chính quyền các địa phương và các nhà làm chính sách quan tâm chủ yếu đến khâu lập, thẩm định và phê duyệt đồ án quy hoạch mà chưa có sự chú ý đúng mức cần thiết đối với quản lý thực hiện quy hoạch. Hậu quả là có sự cách biệt khá lớn giữa quy hoạch và thực tiễn phát triển của đô thị, nói cách khác là quy hoạch mất chức năng kiểm soát quá trình phát triển của đô thị.
Mọi tồn tại trên dù đúng nhiều hay ít đều là nguyên nhân của đồ án quy hoạch không khả thi trong thực tế và trở thành “Quy hoạch treo” như công luận đã đề cập thời gian qua. Để đánh giá và có giải pháp định hướng “đúng và trúng” cho các nội dung nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng trong giai đoạn tới, cần nhận diện một cách khách quan của chuỗi hành động liên quan đến tính khả thi của đồ án quy hoạch xây dựng:
– Nhu cầu của xã hội, của thị trường hiện nay đang được chuyển hoá, sự chuyển hoá này gây nên sự phân hoá các tiêu chuẩn, tiêu chí phát triển, nên chúng ta vẫn chưa khẳng định được chuẩn đầu ra của đồ án quy hoạch.
– Các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định cho đồ án quy hoạch quá cũ, chưa đổi mới (từ thời bao cấp), không cập nhật các tiến bộ mới, hiện đại và hội nhập quốc tế.
– Công tác đào tạo nguồn nhân lực quy hoạch xây dựng không thể nằm ngoài các quỹ đạo chung; tài liệu nghiên cứu, tài liệu giảng dạy, phương pháp giảng dạy cũng chậm đổi mới theo các quy định của thể chế.
– Công tác quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng đô thị chưa có sự liên kết của một quá trình thực thi đồ án quy hoạch; từ khi lập nhiệm vụ, lập đồ án quy hoạch, triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, xây dựng công trình, hoàn thiện kiến trúc cảnh quan đô thị, và cuối là khai thác quản lý vận hành không gian đô thị (bao gồm cả vật thể và phi vật thể).
– Và còn nhiều vấn đề trong công tác quy hoạch xây dựng như: dự báo quy mô phát triển, phương pháp lập quy hoạch tích hợp giữa kinh tế xã hội với không gian đô thị, quy hoạch hành động, quy hoạch chiến lược phát triển đô thị (CDS), sự phối hợp liên ngành,…
Thực tế, đây cũng chính là những vấn đề cần được nghiên cứu khoa học một cách bài bản để có thể hoàn thiện các tồn tại trong chuỗi hoạt động quy hoạch hiện nay, góp phần đổi mới toàn diện công tác quy hoạch đô thị và nông thôn.

Hiện nay, công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực quy hoạch xây với vai trò nhận diện hiện trạng và đề xuất các hệ thống giải pháp khung cho các vấn đề thuộc lĩnh vực quy hoạch xây dựng từ khâu lập và thực thi, quản lý quy hoạch đã cơ bản được triển khai mạnh với đội ngũ đông đảo cán bộ nghiên cứu bao gồm cả các đơn vị nghiên cứu (Viện, Trung tâm nghiên cứu và các Trường Đại học chuyên ngành). Tuy nhiên, trước nhu cầu đổi mới công tác lập và thực thi, quản lý quy hoạch, trước các nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, quản lý có hiệu quả đô thị hóa mãnh mẽ ở đô thị và nông thôn, công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng cần khắc phục được một số hạn chế như sau:
– Nội dung nghiên cứu còn nghèo nàn, chưa đề cập hết các vấn đề từ nhu cầu phát triển đô thị, kinh tế xã hội đặt ra. Còn thiếu các nội dung nghiên cứu chuyên sâu và cụ thể hướng tới tăng tính khả thi và tính thực tiễn các nội dung nghiên cứu.
– Phương pháp nghiên cứu còn máy móc dập khuôn, một số trường hợp còn thiếu cập nhật các phương pháp nghiên cứu tiên tiến mới, cập nhật các hệ thống lý thuyết quy hoạch và phát triển đô thị mới, cũng như ứng dụng các công nghệ và kỹ thuật hiện đại.
– Nguồn nhân lực trong công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về trình độ chuyên sâu, các chuyên ngành hẹp và tính liên ngành.
Chính vì vậy, trong giai đoạn tới, để góp phần hoàn thiện công tác quy hoạch xây dựng đô thị và nông thôn, công tác nghiên cứu khoa học cần đẩy mạnh theo 2 hướng chính: hoàn thiện hệ thống quy trình thực hiện và cập nhật các nội dung theo thực tiễn đặt ra cho công tác hiện quy hoạch – quản lý quy hoạch đô thị.

Nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, quy trình thực hiện công tác quy hoạch và quản lý đô thị theo quy hoạch
Với vai trò khung định hướng trong công tác lập quy hoạch và quản lý đô thị, hệ thống cơ chế chính sách khung bao gồm các quy trình thực hiện về lập và quản lý đô thị cần được nghiên cứu đổi mới đi trước một bước.
Nghiên cứu cải tiến nội dung và quy trình lập quy hoạch xây dựng
Quy trình quy hoạch truyền thống dần bộc lộ các nhược điểm trong khi các xu thế mới được Thế giới áp dụng rộng rãi với các điểm nổi trội như: đa ngành, chiến lược, sự tham gia cộng đồng, công cụ quản lý… đang thể hiện các ưu việt. Cần xem xét việc bổ sung công tác quy hoạch tổng thể bằng các cập nhật quy hoạch chiến lược thường xuyên và các chiến lược quản lý thích ứng dựa trên các số liệu kinh tế xã hội hiện tại và các xu hướng thị trường thực nhằm bổ trợ và dẫn dắt quá trình phát triển theo định hướng thiết kế, nghiên cứu khả thi. Việc hợp nhất quy hoạch sử dụng đất (xác định mục đích sử dụng đất) với quy hoạch xây dựng (xác định các quyền về xây dựng), giống như ở hầu hết các quốc gia trên thế giới sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục quy hoạch và do đó sẽ tạo thuận lợi cho việc phối hợp giữa các chủ thể. Nâng cao kỹ năng mềm được coi như các công cụ hữu hiệu trang bị tốt cho các cán bộ chuyên gia làm công tác QH như: Quy trình và yêu cầu trong điều tra xã hội học và xây dựng cơ sở dữ liệu; sử dụng GIS vào phân tích hiện trạng về KT-XH; điều kiện tự nhiên đô thị, sử dụng Strada và ma trận OD để dự báo nhu cầu vận tải và thiết kế hệ thống…
Để đồ án quy hoạch xây dựng đô thị đạt được hiệu quả và khả thi nhiều hơn, cần có một nghiên cứu đổi mới cơ bản về nội dung & quy trình trong các khâu lập, thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng theo nguyên lý “lạt mềm buộc chặt”. Nội dung quy hoạch nên theo hướng quy hoạch “cấu trúc” đô thị tức là “quy hoạch mềm” để quản lý chặt chẽ.

Trong các loại đồ án cần yêu cầu một số khu vực cần thiết (khu vực trung tâm, các CT đầu mối,…) trong đô thị cần quy định các nội dung quy hoạch và thiết kế đô thị cụ thể, làm cơ sở quản lý nhất quán cho quá trình lâu dài.
Nghiên cứu hệ thống giải pháp quản lý quy hoạch xây dựng đô thị
Công tác quản lý đô thị có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức về đô thị và quản lý đô thị trong nền kinh tế thị trường đã được nâng cao. Các văn bản pháp luật về quản lý đô thị thuộc nhiều lĩnh vực đã được ban hành tương đối đồng bộ. Trong giai đoạn tới, cần đẩy mạnh hơn nữa trước tiên từ công tác nghiên cứu khoa học trong quản lý đô thị gắn với với các tiêu chí của phát triển bền vững như hoàn thiện Hệ thống pháp luật nói chung để vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường. Định hướng quá trình đô thị hóa gắn liền với công cuộc công nghiệp hóa đất nước. Giải quyết tính bền vững và cân bằng mâu thuẫn giữa quy mô và chất lượng đô thị, giữa bảo tồn và phát triển đảm bảo đô thị phát triển bền vững liên tục xẩy ra. Phá bỏ tư duy cách thực hiện quy hoạch theo tư duy của cơ chế bao cấp cũ (chủ yếu dựa vào các nguyên tắc định sẵn, thiếu linh hoạt theo hướng thị trường), nghiên cứu hoàn thiện xây dựng cách tiếp cận quy hoạch đa ngành, tráng tình trạng chồng chéo trong quản lý đô thị.
Nghiên cứu và lập kế hoạch sử dụng đất đô thị và sử dụng các công cụ quy hoạch
Do quy hoạch tổng thể đô thị hiện được lập cho thời hạn 20 – 25 năm và được thực hiện theo từng giai đoạn. Trước tiên, cần nghiên cứu lập kế hoạch khung sử dụng đất đô thị dựa trên quy hoạch tổng thể cho kỳ hạn 5 năm sắp đến theo quy định của Luật Đất đai hiện hành, để có cơ sở lập quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị phục vụ cho các dự án phát triển đô thị tại khu đô thị hiện có và khu đô thị mới, bao gồm cả hệ thống Quy định quản lý và được công bố rộng rãi để tiện theo dõi và đánh giá. Nghiên cứu thiết lập định hướng quy hoạch các mô hình quản lý đất đô thị theo nguyên tắc sử dụng đất hỗn hợp (Mixed land – use). Trong đó ba chức năng ở, làm việc và mua sắm – giải trí được kết nối với nhau bằng không gian giao thông tạo ưu thế để người dân chỉ cần di chuyển trong cự ly ngắn, thậm chí bằng đi bộ hay xe đạp. Đường phố cũng là không gian giao tiếp công cộng của người dân, có lối đi cho người tàn tật, được trang bị phương tiện vệ sinh công cộng, nơi nghỉ chân và chỗ tránh mưa nắng dưới mái hiên. Tăng cường tính thực tiễn của quy hoạch chi tiết là cơ sở để lập dự án đầu tư xây dựng và cấp giấy phép xây dựng nhằm thực hiện kế hoạch sử dụng đất trước mắt, chứ không phải để “phủ kín” đô thị khiến nảy sinh tình trạng “quy hoạch treo”. Các khu đô thị mới cần phát triển liền khoảnh để tận dụng hạ tầng khung của đô thị. Quy hoạch cải tạo, chỉnh trang đô thị là cơ sở cho việc lập các dự án đầu tư cải tạo, chỉnh trang hoàn chỉnh từng khu đô thị cũ, không để công trường xây dựng ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và việc vận hành của đô thị.
Nghiên cứu và thực nghiệm các cơ chế thu hồi, gom đất và điều chỉnh đất trong công tác quy hoạch và quản lý đô thị
Để có đất “sạch” theo yêu cầu của từng dự án phát triển đô thị hạn chế những ảnh hưởng làm cho tiến độ thực hiện dự án bị chậm trễ, tăng chi phí và giảm thiểu các bất ổn xã hội tiềm ẩn. Nghiên cứu cũng cần chỉ ra các phương án giải quyết tình trạng mất cần bằng lợi ích giữa các bên trong quá trình thực hiện trong giải phóng mặt bằng dự án phát triển đô thị. Nghiên cứu các phương thức thực hiện dự trữ đất (gom đất), tức là tạo mặt bằng đất đai liền khoảnh rộng lớn theo quy hoạch và được trang bị đầy đủ hạ tầng kỹ thuật khung phục vụ các dự án phát triển.
Nghiên cứu hoàn thiện khung quản lý cốt san nền
Nghiên cứu đẩy mạnh hiệu quả quản lý dự án phát triển đô thị ngay từ việc quản lý cốt san nền với vai trò là một đầu ra chủ yếu của việc chuẩn bị đất xây dựng đô thị và có liên quan mật thiết với quy hoạch hệ thống hạ tầng, nhất là với cốt nền đường và hệ thống thoát nước mưa. Giảm thiểu các phát sinh hạn chế của quản lý cốt san nền trong quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết giúp hạn chế hiệu quả tình trạng ngập lụt đô thị khi mưa to hay lúc triều cường.
Nghiên cứu quản lý mật độ xây dựng đô thị
Song song với quản lý về quy mô dân số, cần nghiên thiết lập các mô hình quy hoạch và quản lý mật độ xây dựng đô thị theo quy hoạch bao gồm mật độ xây dựng thuần và mật độ xây dựng gộp, mà trị số tối đa được quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng đô thị, tùy theo chức năng sử dụng và diện tích lô đất, và chiều cao công trình. Có các nghiên cứu hướng đến các mô hình quy hoạch và quản lý đô thị hiện đại như hình thái đô thị nén (Compact cities) với nhiều ưu thế về kinh tế đầu tư, phát triển bền vững – phát triển kinh tế với mật độ xây dựng và mật độ dân số rất cao.

Nghiên cứu cập nhật các nội dung mới phục vụ công tác quy hoạch xây dựng đô thị
Trong những năm vừa qua, công cuộc công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước đã thúc đẩy quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Bộ mặt các đô thị cũng như nông thôn Việt Nam ngày càng khang trang hơn. Hệ thống đô thị, làng xã nông thôn phát triển cả về số lượng cũng như chất lượng. Không gian đô thị muốn hình thành nó phải có một quá trình phát triển cùng với kinh tế, văn hóa, công tác quản lý đầu tư,… Không gian đô thị trong quá trình phát triển không bất biến nó sẽ vận động phát triển theo sự phát triển kinh tế & xã hội, nhưng trong các đồ án quy hoạch hiện nay quy định rất chặt chẽ về rất nhiều loại chỉ tiêu khống chế với khoảng thời gian đến 20 năm. Trong quá trình thực hiện có nhiều thay đổi về kinh tế, về nhu cầu của xã hội, của người dân, nên các chủ đầu tư kể cả nhà nước cũng phải “xin” điều chỉnh gần hết các chỉ tiêu quy hoạch đô thị trong các đồ án, như vậy tính khả thi của các đồ án phải thay đổi, không còn khả thi trên thực tiễn./.

TS.KTS Nguyễn Xuân Hinh
Trưởng Khoa Quy hoạch đô thị & nông thôn
Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội