31/01/2018

Thủ tướng ban hành “Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030”

 Ngày 19/1/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 84/QĐ- TTg về việc ban hành “Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030” (Kế hoạch).


Kế hoạch thúc đẩy chuyển dịch mô hình tăng trưởng kinh tế đô thị theo hướng tăng trưởng xanh.

Báo cáo xây dựng đô thị tăng trưởng xanh hàng năm

Kế hoạch có mục tiêu chung là thúc đẩy chuyển dịch mô hình tăng trưởng kinh tế đô thị theo hướng tăng trưởng xanh (TTX); nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo phát triển kinh tế khu vực đô thị nhanh, hiệu quả, bền vững, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; nâng cao năng lực chống chịu ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) của hệ thống các đô thị, đóng góp cho cam kết quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính.

Mục tiêu cụ thể, trong giai đoạn đến năm 2020, hoàn thành rà soát, điều chỉnh các định hướng, chiến lược và quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị quốc gia, quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, vùng liên tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch một số lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị tại các đô thị lớn, lồng ghép mục tiêu phát triển đô thị (PTĐT) TTX và ứng phó BĐKH, nước biển dâng (NBD).

Lồng ghép các chính sách xây dựng đô thị TTX, ứng phó BĐKH và NBD trong Luật Quản lý PTĐT và các văn bản quy phạm pháp luật; ban hành chỉ tiêu xây dựng đô thị TTX, đô thị có khả năng chống chịu, ứng phó BĐKH.

Kế hoạch yêu cầu triển khai thực hiện báo cáo xây dựng đô thị TTX hàng năm và theo giai đoạn, thực hiện một số dự án đầu tư PTĐT TTX tại các đô thị. Theo đó, 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát hoặc ban hành Chương trình PTĐT toàn tỉnh, lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về PTĐT TTX, ứng phó BĐKH và NBD.

100% các Sở Xây dựng, các đô thị trực thuộc tỉnh từ loại II trở lên được đào tạo bồi dưỡng về PTĐT TTX, ứng phó BĐKH và NBD.

Hình thành cơ chế đối thoại chính sách định kỳ với các doanh nghiệp, các đối tác phát triển về PTĐT TTX, ứng phó BĐKH và NBD và các chính sách PTĐT.

Kế hoạch phấn đấu thực hiện thí điểm xây dựng đô thị TTX tại ít nhất bình quân 01 đô thị trên mỗi vùng kinh tế – xã hội.

Trong giai đoạn từ năm 2020 – 2030, hoàn thành việc lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về PTĐT TTX, ứng phó BĐKH trong điều chỉnh quy hoạch chung đô thị được phê duyệt trước năm 2015 và các quy hoạch chung đô thị được phê duyệt mới.

Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện đồng bộ các cơ chế chính sách, quy định quy phạm pháp luật về PTĐT TTX; nghiên cứu và triển khai thực hiện PTĐT thông minh.

Tiếp tục triển khai thực hiện đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực cán bộ quản lý và chuyên môn xây dựng và PTĐT trong lĩnh vực xây dựng đô thị TTX, ứng phó BĐKH; tiếp tục triển khai thực hiện thí điểm và đẩy mạnh thực hiện xây dựng đô thị TTX.

14 nhiệm vụ hành động ưu tiên

Kế hoạch cũng đã đưa ra danh mục các hoạt động thuộc gồm 03 chủ đề và 14 nhiệm vụ hành động ưu tiên.


Bộ Xây dựng là cơ quan đầu mối, phối hợp các Bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch.

Cụ thể, chủ đề 1, rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị và chương trình PTĐT theo hướng TTX và ứng phó với BĐKH, gồm 4 hành động ưu tiên là đánh giá thực trạng PTĐT theo hướng TTX; rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông đô thị, các chương trình PTĐT, lồng ghép mục tiêu PTĐT TTX và ứng phó BĐKH, NBD; lồng ghép PTĐT TTX trong quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, vùng liên tỉnh; rà soát, điều chỉnh các định hướng, chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị quốc gia lồng ghép mục tiêu TTX, ứng phó BĐKH và NBD.

Chủ đề 2, lập kế hoạch huy động nguồn lực, ứng dụng khoa học công nghệ và đầu tư xây dựng PTĐT TTX hàng năm và theo giai đoạn, gồm 5 hành động ưu tiên là đầu tư phát triển hệ thống đô thị theo các chương trình mục tiêu, nâng cao hiệu quả kết nối đô thị – nông thôn; đầu tư hạ tầng kỹ thuật giao thông xanh, xử lý rác thải, nước thải đô thị; đầu tư xây dựng, cải tạo các khu dân cư thu nhập thấp; xây dựng kế hoạch và đầu tư xây dựng không gian công cộng đô thị, xanh hóa cảnh quan đô thị; xây dựng kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ công trình xanh vào quá trình quy hoạch, thiết kế, thi công công trình.

Chủ đề 3, quản lý PTĐT TTX, gồm 5 hành động ưu tiên là hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và ban hành cơ chế chính sách thúc đẩy PTĐT TTX, ứng phó BĐKH và NBD; kiểm tra đánh giá việc thực hiện PTĐT TTX; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ PTĐT TTX; tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về PTĐT TTX; đẩy mạnh trao đổi kinh nghiệm, kết nối mạng lưới, đối thoại chính sách về PTĐT TTX, ứng phó BĐKH

Kế hoạch cũng đề xuất danh mục 23 đô thị thí điểm thực hiện PTĐT TTX thuộc 6 vùng kinh tế. Các TP trực thuộc Trung ương thực hiện theo chương trình và kế hoạch hành động về TTX của từng TP đã ban hành theo thẩm quyền.

Kinh phí thực hiện Kế hoạch được huy động từ các nguồn vốn tài trợ quốc tế và trong nước, vốn vay ODA, vốn doanh nghiệp, vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Đối với nguồn vốn ngân sách Nhà nước, thực hiện theo phân cấp ngân sách Nhà nước hiện hành.

Bộ Xây dựng là cơ quan đầu mối, phối hợp các Bộ, ngành, địa phương, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, các Hội, Hiệp hội chuyên ngành, tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này…

Định kỳ hàng năm, Bộ Xây dựng tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch trên cả nước, đề xuất sửa đổi bổ sung Kế hoạch khi cần thiết; báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban quốc gia ứng phó BĐKH. Bộ Xây dựng đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương định kỳ sơ kết, tổng kết mô hình thí điểm và nhân rộng toàn quốc.

Ngoài ra, Kế hoạch cũng đề cập đến các nhiệm vụ cụ thể của các Bộ, ngành liên quan, các địa phương trong công tác thực hiện triển khai Kế hoạch.

Quý Anh/BXD