19/08/2019

Thu phí xe hơi vào khu trung tâm TPHCM: Chủ trương 10 năm mới dừng ở… ý tưởng

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM cho hay, thời gian qua, các thông tin liên quan đến đề xuất của Sở về thu phí ô tô lưu thông vào trung tâm thành phố để hạn chế ùn tắc giao thông đang được nhìn nhận chưa đầy đủ, chưa phản ánh được tính chất sự việc. Điều này gây tâm lý lo ngại cho người dân, gây bất lợi cho quá trình thực hiện theo chủ trương phát triển chung của thành phố.

Việc thu phí ô tô lưu thông vào trung tâm TP HCM để hạn chế ùn tắc giao thông đang có nhiều ý kiến trái chiều

Việc thu phí ô tô lưu thông vào trung tâm TPHCM để hạn chế ùn tắc giao thông đang có nhiều ý kiến trái chiều

Gần 10 năm thai nghén

Phía Sở GTVT khẳng định, hiện nay, dự án mới ở bước đề xuất xin chủ trương nghiên cứu.

Trước đó, năm 2010, TPHCM được Chính phủ đồng ý về nguyên tắc “thu phí xe ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố để hạn chế ùn tắc giao thông” nên đã có Kế hoạch xây dựng và triển khai đề án triển khai hệ thống thu phí điện tử đối với xe ô tô sử dụng đường trong khu vực trung tâm thành phố theo thời gian phù hợp, với mức phí đảm bảo tác động đến hành vi sử dụng phương tiện.

Trên cơ sở này, Sở phối hợp với nhà đầu tư đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, hội nghị phản biện lấy ý kiến xã hội. Tuy nhiên do còn nhiều vấn đề vướng mắc (về công nghệ thu phí không dừng chưa được phố biến, chưa thống nhất trên toàn quốc và chưa ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật; pháp lý về loại phí chống ùn tắc giao thông chưa được quy định trong các văn bản pháp lý; các giải pháp phụ trợ đi kèm khi thực hiện đề án….) nên đề án tạm thời dừng lại từ năm 2012.

Đến tháng 4/2017, khi triển khai thực hiện Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016 – 2020, UBND TP đồng ý chủ trương cho phép nhà đầu tư tự cân đối kinh phí để tiếp tục nghiên cứu lập đề xuất đề án nêu trên.

Hai năm sau, năm 2019, trước một số tình hình mới như tình hình gia tăng phương tiện ô tô (hàng năm tăng trên 10% và trong 6 tháng đầu năm 2019, tăng 15,99% so với cuối năm 2018); tình trạng ùn tắc giao thông khu vực trung tâm thành phố giờ cao điểm xảy ra thường xuyên…; Sở đã tổng hợp và báo cáo Hội đồng tư vấn giao thông đô thị thành phố sự cần thiết phải thực hiện đề án này. Tham dự cuộc họp có 13/19 thành viên Hội đồng; các thành viên dự họp cơ bản thống nhất hai nội dung:

Thứ nhất, ủng hộ chủ trương và cần sớm triển khai thực hiện đề án Thu phí xe ô tô lưu thông vào trung tâm thành phố để hạn chế ùn tắc giao thông. Thứ hai, đề xuất không thực hiện bằng hình thức PPP mà triển khai thực hiện đề án theo hình thức đầu tư công, giao một đơn vị của TP làm chủ đầu tư triền khai thực hiện theo quy định và nguồn thu sẽ nộp về Ngân sách TP.

Lại chờ chấp thuận chủ trương nghiên cứu

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho hay, trên cơ sở đó, Sở đã có Văn bản số 4772 ngày 28/6/2019 trình UBND TP xin chủ trương thực hiện nghiên cứu lập đầu tư dự án Thu phí xe ô tô lưu thông vào trung tâm TP để hạn chế ùn tắc giao thông, với các nội dung:

Về mục tiêu: Góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông ở khu vực trung tâm TP, thúc đẩy người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng, giảm ô nhiễm môi trường và bổ sung nguồn ngân sách để phát triển giao thông công cộng của TP.

Quy mô dự kiến: Triển khai xây dựng hệ thống thu phí điện tử tự động không dừng theo công nghệ RFID khu vực trung tâm TP và một số trục giao thông chính bên ngoài đang thường xuyên ùn tắc giao thông (các thiết bị thu phí tự động và hệ thống giám sát được gắn trên các giá long môn, các phương tiện vẫn lưu thông bình thường khi đi qua vị trí thu phí); một hệ thống xử lý thông tin và điều hành quản lý các hoạt động thu phí của hệ thống. Tổng mức đầu tư dự kiến: 250 tỉ đồng, vốn từ ngân sách TP.

Như vậy, theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TPHCM, hiện công tác của Sở chỉ dừng lại ở bước đề xuất xin chủ trương nghiên cứu. Nếu được chấp thuận, Sở sẽ thực hiện các thủ tục bổ sung dự án vào danh mục dự án đầu tư công theo Luật Đầu tư công (thông qua Hội đồng thẩm định của TP và trình HĐND TP xem xét).

Nếu được HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư công, mới được bố trí vốn chuẩn bị đầu tư để lập dự án đầu tư. Trên cơ sở đó, đơn vị được giao làm chủ đầu tư sẽ tiến hành đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn có năng lực tiến hành khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định.

Kết quả nghiên cứu phải làm rõ các vấn đề: Phạm vi thu phí, mức thu phí, thời gian thu phí, công nghệ thu phí, các chính sách hỗ trợ đối với người dân bị ảnh hưởng, có thu chiều xe ra hay không. Tiếp đến là phương tiện thay thế trong vùng thu phí, các loại hình vận tải khi kết nối từ vành đai thu phí vào khu vực trung tâm, các chính sách hỗ trợ khác để giảm thiểu ùn tắc giao thông khu vực vành đai… Đồng thời đưa ra lộ trình triển khai thực hiện dự án cho phù hợp cùng với các giải pháp hỗ trợ khác.

Tiếp theo, Sở tiến hành lấy ý kiến các sở, ban ngành của thành phố và báo cáo UBND TP, HĐND TP xem xét, quyết định.

Nếu dự án khả thi được cấp thẩm quyền phê duyệt, mới có thể triển khai các bước tiếp theo bao gồm: lập thẩm định và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công – dự toán; triển khai công tác đấu thầu; tiến hành thi công lắp đặt thiết bị và đưa vào vận hành (dự kiến thời gian từ khi có chủ trương đầu tư đến khi thực hiện khoảng 3 năm).

Cuối cùng, ông Lâm mong muốn Sở sẽ nhận được những góp ý tích cực, góp phần hoàn chỉnh các giải pháp nghiên cứu tại thời điểm thích hợp (khi đã có đầy đủ kết quả nghiên cứu).

Gia Nguyễn – Cao Phong/Báo Pháp luật