03/06/2021

Thỏa thuận về dịch vụ kiến trúc giữa các nước Asean

(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) – Thời điểm hội nhập đang mở ra những thị trường hành nghề mới cho giới kiến trúc sư Việt Nam. Tuy nhiên, tham gia một sân chơi mới cũng đồng nghĩa với kiến trúc sư Việt Nam phải tuân thủ đầy đủ các luật chơi, trong đó đăng ký Danh hiệu Kiến trúc sư Asean là một trong những yêu cầu bắt buộc. Thỏa thuận về dịch vụ kiến trúc giữa các nước ASEAN được thống nhất thực hiện là bước chuẩn bị tích cực cho hành nghề của Kiến trúc sư trong Cộng đồng kinh tế ASEAN, mang lại chìa khóa hội nhập và cơ hội phát triển cho các kiến trúc sư Việt Nam trong thời gian tới.

DSC_1758-1024x681

Trao chứng nhận danh hiệu kiến trúc sư ASEAN đợt 1 năm 2015

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AsianEconomic Community – AEC) chính thức ra đời vào ngày 31/12/2015. Việc hình thành AEC sẽ tạo nên một thị trường đơn nhất với 05 yếu tố được lưu chuyển tự do giữa 10 nước: hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động. Lĩnh vực hành nghề tư vấn của Kiến trúc sư thuộc nhóm dịch vụ, là một trong 05 yếu tố nêu trên và sẽ chịu tác động trực tiếp từ sự hội nhập khu vực này. Sau khi AEC hình thành, các KTS trong không gian 10 quốc gia ASEAN sẽ được quyền di chuyển cho mục đích hành nghề tại nước khác trong khu vực một cách tự do hơn. Chuẩn bị tham gia vào một môi trường rộng lớn với trên 600 triệu dân là một thách thức không nhỏ của KTS các nước và của KTS Việt Nam.

Trong quá trình chuẩn bị cho hội nhập và hình thành AEC, các nước thành viên ASEAN đã tiến hành đàm phán và đi đến ký kết “Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ Kiến trúc trong ASEAN” (ASEAN Multual Recognition Arrangement on Architectural Services – MRA), sau đây viết tắt là Thỏa thuận về dịch vụ Kiến trúc. Thỏa thuận về dịch vụ Kiến trúc này đã được đại diện các nước thành viên ASEAN ký kết tại Singapore ngày 20/11/2007.
Mục tiêu chính của Thỏa thuận về dịch vụ Kiến trúc nhằm phù hợp với tinh thần hoạt động hợp tác của ASEAN trên cơ sở phân phối công bằng các nguồn lực, lợi ích thông qua các tiêu chuẩn nghiên cứu, thiết lập hợp tác và cam kết chuyển giao công nghệ trong kiến trúc giữa các nước thành viên ASEAN. Thỏa thuận Kiến trúc sẽ tạo thuận lợi cho sự di chuyển của các Kiến trúc sư trong ASEAN và tăng cường trao đổi thông tin, vận dụng kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất trên cơ sở các tiêu chuẩn về đào tạo kiến trúc, hành nghề và trình độ chuyên môn. Có thể tìm hiểu thêm các thông tin bằng cách truy cập Website của Hội đồng Kiến trúc sư ASEAN tại: http://www.aseanarchitectcouncil.org.
Điều kiện cần để một Kiến trúc sư Việt Nam đăng ký hành nghề tại một quốc gia ASEAN là phải được công nhận là Kiến trúc sư ASEAN (ASEAN Architect), gọi tắt là AA. Ủy ban Giám sát của Việt Nam để thực hiện Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ Kiến trúc trong ASEAN (gọi tắt là Ủy ban Giám sát của Việt Nam về Kiến trúc) là cơ quan được ủy quyền xem xét và đệ trình hồ sơ công nhận Kiến trúc sư ASEAN.
Nội dung của Thỏa thuận về dịch vụ Kiến trúc gồm 08 điều hướng tới các mục tiêu sau:
– Tạo thuận lợi cho việc di chuyển của các KTS;
– Trao đổi thông tin để xúc tiến việc chấp thuận thông lệ tốt nhất về các tiêu chuẩn đào tạo KTS, việc hành nghề và các tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn;
– Phù hợp với tinh thần ASEAN (spirit of ASEAN) trên cơ sở phân phối công bằng các nguồn lực là lợi ích thông qua các nghiên cứu cùng hợp tác;
– Động viên, tạo thuận lợi và tạo sự công nhận lẫn nhau của các KTS và xây dựng các cam kết chuyển giao công nghệ giữa các nước thành viên ASEAN.
Như vậy, việc trở thành Kiến trúc sư ASEAN là một bước chuẩn bị có ích, giúp Kiến trúc sư Việt Nam tiếp cận thuận lợi đến các thị trường hành nghề tại các nước trong AEC.
Danh hiệu Kiến trúc sư ASEAN (ASEAN Architect)
Danh hiệu Kiến trúc sư ASEAN Hội đồng Kiến trúc sư ASEAN do chấp nhận và cấp cho một Kiến trúc sư thông qua một quy trình đánh giá chặt chẽ. Các Kiến trúc sư sau khi được công nhận sẽ được ghi tên vào Đăng bạ Kiến trúc sư ASEAN và công bố trên Website chính thức của Hội đồng Kiến trúc sư ASEAN.
Điều kiện để được đăng ký là Kiến trúc sư ASEAN như sau:
– Đã hành nghề liên tục không dưới 10 năm kể từ khi tốt nghiệp, trong đó phải có ít nhất 5 năm kể từ ngày được cấp chứng chỉ hành nghề;
– Đã có ít nhất hai năm đảm nhận trách nhiệm chủ trì công việc kiến trúc quan trọng;
– Đáp ứng các yêu cầu về phát triển nghề nghiệp liên tục (CPD) ở mức độ thỏa đáng theo quy định tại quốc gia xin đăng ký;
– Đáp ứng và bắt buộc tuân thủ các quy định hiện hành về đạo đức hành nghề tại quốc gia xin đăng ký.
Việc cấp và thu hồi danh hiệu Kiến trúc sư ASEAN thuộc thẩm quyền của Hội đồng Kiến trúc sư ASEAN (ASEAN Architect Council – AAC). Thẩm quyền này đôi khi có thể được Hội đồng Kiến trúc sư ASEAN giao cho Ủy ban giám sát (Monitoring Committee – MC) được ủy quyền thành lập ở mỗi Quốc gia thành viên ASEAN.
Một Kiến trúc sư ASEAN chỉ được hành nghề trong một dự án cụ thể khi được công nhận là đủ năng lực hành nghề theo Thỏa thuận này.
Để hành nghề ở một quốc gia khác trong ASEAN, Kiến trúc sư ASEAN phải đăng ký với Cơ quan quản lý nghề nghiệp của nước sở tại là một Kiến trúc sư nước ngoài có đăng ký.
Khi được chấp thuận và được hành nghề, Kiến trúc sư ASEAN phải luôn tuân thủ các luật pháp và các quy chế của quốc gia sở tại.
Hội đồng Kiến trúc sư ASEAN (ASEAN Architect Council – AAC).
Hội đồng Kiến trúc sư ASEAN được thành lập bởi đại diện được đề cử từ mỗi Ủy ban Giám sát của các quốc gia thành viên ASEAN tham gia (01 đại diện mỗi quốc gia thành viên).
Chức năng của Hội đồng Kiến trúc sư ASEAN (AAC) được quy định tại Mục 4.3.2 Khoản 4.3 Điều 4 trong Thỏa thuận.
Các hoạt động của Hội đồng Kiến trúc sư ASEAN được thông tin tại Website: http://www.aseanarchitectcouncil.org
Ủy ban giám sát (Monitoring Committee – MC).
Theo quy định của Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ Kiến trúc, Ủy ban giám sát được mỗi Quốc gia thành viên ASEAN thành lập để triển khai, xử lý và duy trì một Đăng bạ quốc gia các Kiến trúc sư ASEAN (ASEAN Architect Register – AAR) tại nước mình. Ủy ban Giám sát của Việt Nam để thực hiện thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ Kiến trúc (viết tắt là UBGS của Việt Nam về Kiến trúc) được Bộ trưởng Bộ Xây dựng thành lập theo Quyết định số 815/QĐ-BXD ngày 06/8/2009 (sau đó được kiện toàn tại Quyết định số 156/QĐ-BXD ngày 08/02/2014 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng). Cơ cấu của UBGS của Việt Nam về Kiến trúc gồm 07 thành viên là đại diện của Bộ Xây dựng, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, các trường đào tạo Kiến trúc sư và Viện Kiến trúc Quốc gia; Bộ Xây dựng giữ trách nhiệm Chủ tịch UBGS của Việt Nam về Kiến trúc.
Chức năng, nhiệm vụ của UBGS của Việt Nam về Kiến trúc được quy định tại Quyết định số 334/QĐ-BXD ngày 28/3/2011 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành Quy chế Tổ chức hoạt động của Ủy ban Giám sát của Việt Nam để thực hiện Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ Kiến trúc trong ASEAN.
Ủy ban giám sát của Việt Nam về Kiến trúc.
Trên cơ sở Thỏa thuận, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã thành lập Ủy ban giám sát của Việt Nam để thực hiện Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ kiến trúc giữa các nước ASEAN tại Quyết định số 815/QĐ-BXD ngày 06/8/2009 (gọi tắt là Ủy ban giám sát của Việt Nam về Kiến trúc). Quy chế tổ chức và hoạt động của Ủy ban giám sát của Việt Nam về Kiến trúc cũng đã được ban hành kèm theo Quyết định số 334/QĐ-BXD ngày 28/3/2011 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Ngày 14/6/2011, Bộ Xây dựng có Quyết định số 554/QĐ-BXD về việc ban hành Quy chế đánh giá Kiến trúc sư ASEAN. Quy chế này cũng đã được các nước thành viên thảo luận và thông qua tại các phiên họp của Hội đồng Kiến trúc sư ASEAN (AAC Meeting) trước đó.
Ngày 08/02/2014, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 156/QĐ-BXD về việc kiện toàn và bổ nhiệm các Thành viên UBGS của Việt Nam để thực hiện thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ Kiến trúc trong ASEAN.
Cùng với đại diện của Bộ Xây dựng tại Ủy ban điều phối về hợp tác dịch vụ ASEAN (CCS), đại diện được phân công của UBGS của Việt Nam về Kiến trúc đã tham gia các cuộc họp định kỳ của Nhóm dịch vụ về kiến trúc trong ASEAN, bao gồm đại diện đến từ các Nước thành viên ASEAN nhằm rà soát các công việc đã triển khai tại mỗi nước và thảo luận, đàm phán tiếp tục các nội dung trên cơ sở Thỏa thuận đã được ký kết./.

Ths.TKS Vũ Anh Tú
Vụ Kiến trúc Quy hoạch , Bộ Xây dựng