24/10/2016

Thiết kế ban công, lô gia: Tiện ích & an toàn

(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) – Tại các đô thị, các chung cư cao chót vót vài chục tầng được xây dựng ngày càng nhiều. Tuy nhiên, gần đây nhiều tai nạn trẻ em bị rơi từ trên tầng cao xuống đất qua ban công, lô gia hay cửa sổ cho thấy cần xem xét lại thiết kế, tổ chức không gian này, để đảm bảo các vấn đề an toàn trong thiết kế và xây dựng ban công, lô gia cho các căn hộ chung cư cao tầng. Hiểu đúng vai trò chức năng và thiết kế đúng không gian ban công logia để đảm bảo các giá trị Tiện ích – An toàn – Thẩm mỹ là một điều cần thiết lúc này.

Thiết kế ban công lan can kính cho căn hộ cao cáp tại TP Hồ Chí Minh

Thiết kế ban công lan can kính cho căn hộ cao cáp tại TP Hồ Chí Minh

Không gian “phụ – riêng” trong không gian căn hộ chung cư
So với các không gian lớn thường được người sử dụng quan tâm nhiều như phòng khách, phòng ngủ, phòng sinh hoạt chung, bếp… ban công – logia trong nhà chung cư được xem là phần không gian phụ. Do vậy tổ chức không gian ban công – logia trong tòa nhà và căn hộ chung cư phần nhiều còn bị xem nhẹ. Bản thân người sử dụng dù bỏ số tiền lớn cho phần không gian này khi mua nhà nhưng cũng không nắm rõ cụ thể các tính năng và yêu cầu thiết kế, cách sử dụng hiệu quả đối với phần không gian phụ này.
Do bị coi nhẹ trong thiết kế không gian phụ nên có thể thấy, hệ thống ban công – logia trong các căn hộ chung cư hiện nay được tổ chức còn rất thiếu tính an toàn. Thực tế những vụ tai nạn thương tâm trên phạm vi cả nước đã cướp đi sinh mạng của người sử dụng (đặc biệt là trẻ nhỏ) khi bị rơi từ ban công nhà cao tầng khiến chúng ta phải quan ngại. Điều đáng nói là những tai nạn đau thương ấy có thể tránh được khi thiết kế, xây dựng ban công, lô gia, cửa sổ đúng quy định. Có thể điểm qua một số các vụ tai nạn thương tâm mà báo chí đã thông tin gần đây.
Năm 2011, một bé trai 4 tuổi (khu đô thị Pháp Vân – Tứ Hiệp, Hà Nội) ra ban công chơi và bị rơi từ tầng 9 xuống lan can tầng 2 và không qua khỏi. Người mẹ cho biết khi đưa cô con gái lớn đến trường, thấy con trai vẫn nằm ngủ nên chị chỉ đóng cửa ra ban công mà không khóa lại dẫn đến em bé tự mở và ngã xuống từ ban công.
Trước đó, tại khu đô thị Dịch Vọng đã từng xảy ra vụ trẻ nhỏ rơi từ tầng 5 xuống đất, ngoài nguyên nhân do gia đình bất cẩn, việc thiết kế lan can ngoài ban công còn thấp, khiến trẻ hiếu động có thể dễ dàng trèo qua.
Chiều 14/6/2013, người dân tòa nhà No 9B cao 11 tầng thuộc khu đô thị bán đảo Linh Đàm (Hà Nội) hoảng hốt nghe tiếng hét có người tử vong ở phía sau tầng 2 của tòa nhà. Nạn nhân là bé gái khoảng 4 tuổi, quê Bắc Giang, được bà nội đưa lên nhà người thân sống ở tầng 11 tòa nhà để chơi. Trước đó, vào năm 2008, một bé trai từng ngã từ ban công tầng 9 của tòa nhà xuống bãi cỏ phía trước và tử vong do ban công của căn hộ thiết kế không có hệ thống nan bảo vệ.
Trưa 15/7/2016, tại Linh Đàm (Hà Nội), một bé trai 6 tuổi sống trên tầng 11 của tòa nhà Rainbow đã rơi xuống mái tầng 2 khi ở nhà một mình. Lúc cứu hộ tới, bé đã tử vong. Cũng tại chung cư bán đảo Linh Đàm, tháng 8/2015, một bé trai khoảng 8 tuổi rơi ở độ cao hơn 30m, từ ban công xuyên qua mái tôn của quán cà phê ở tầng một, nhập viện trong tình trạng đa chấn thương.
Ở nhiều địa phương khác cũng xảy ra không ít tai nạn rơi ngã khỏi ban công. Tháng 8/2014, một bé trai 5 tuổi sống tại căn hộ tầng 15 chung cư Bình Khánh, TP HCM đã tử vong khi ngã từ lan can xuống đất trong lúc ở nhà một mình. Cuối năm 2003, một bé trai rơi từ tầng 7 chung cư Lý Thường Kiệt, quận 11, TP HCM và tử vong. Khi đó nhà vắng người lớn…
Ngày 12/12/2012, bé Hậu 5 tuổi được mẹ để ở nhà một mình rồi đi chợ, cậu bé chạy ra ban công khu tập thể 137 Ngô Gia Tự (quận 10, TP HCM) để chơi và bị rơi xuống vỉa hè tử vong.
Bên cạnh các tai nạn thương tâm, việc sử dụng lãng phí các phần không gian này không những làm mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến mặt tiền tòa nhà chung cư cũng diễn ra phổ biến. Ban công logia thiếu các thiết kế hợp lý khiến mặt tiền công trình thường bị “bám bẩn” bởi quần áo treo phơi, các cục nóng điều hòa, thiết bị sinh hoạt… để tràn lan. Thậm chí nhiều khu ban công bị bỏ quên cho bụi bẩn và rác rưởi hay tận dụng thành một kiểu kho lộ thiên ngoài trời.
Có thể nhận thấy những quy định trong thiết kế, xây dựng ban công hay lô gia đảm bảo an toàn đã được quy định khá chi tiết trong QCXDVN 05:2008 “Nhà ở và công trình công cộng – an toàn sinh mạng và sức khoẻ” do Bộ Xây dựng ban hành và TCXDVN 323: 2004 “Nhà ở cao tầng – tiêu chuẩn thiết kế”. Rõ ràng, những quy định liên quan đến thiết kế xây dựng ban công hay lô gia đều được quy định khá chặt chẽ, chi tiết. Tuy nhiên, thực tế không ít chủ đầu tư phớt lờ quy định. Nhà cao từ 9 tầng trở lên, để tiết kiệm diện tích dành phần xây dựng phòng khách hay nhà bếp, thay vì thiết kế lô gia, nhiều chủ đầu tư chọn phương án xây dựng ban công đưa ra ngoài. Và khi ban công được thiết kế không đúng quy chuẩn thì những người sống trong chính chung cư đó phải chịu hậu họa khi tai nạn xảy ra.
Thiết kế lan can tại nhiều KĐTM của Hà Nội như Trung Hòa – Nhân Chính, Dịch Vọng, Linh Đàm, Đền Lừ… và nhiều khu chung cư, tòa nhà khác đã và đang được xây dựng ban công cao hơn 1m nhưng không an toàn như phía dưới là tường xây, phía trên gắn 3 thanh sắt nằm ngang, mỗi thanh cách nhau 10cm hoặc lan can chỉ được bảo vệ bằng những thanh sắt khoảng cách khá rộng, hệ thống cửa sổ không có lưới sắt bảo vệ…

 Hệ thống ban công lan can kính tại chung cư cao tầng Golden Westlake Hà Nội

Hệ thống ban công lan can kính tại chung cư cao tầng Golden Westlake Hà Nội

Hiểu đúng vai trò và tính an toàn của ban công logia trong căn hộ chung cư
Theo khái niệm chung, về mặt cấu trúc thì ban công và lô gia là những không gian được thiết kế để nghỉ ngơi và hóng mát và có thể là nơi phơi đồ vì cả 2 đều tiếp xúc với thiên nhiên như nắng, gió… Ban công là phần đưa ra khỏi mặt bằng nhà, có thể có hoặc không có mái che, kết cấu thường kiểu console. Nhược điểm là ban công dễ bị mưa hắt, nắng chiếu… có 2, 3 mặt tiếp xúc với thiên nhiên. Trong khi đó, lô gia là phần ăn sâu vào mặt bằng nhà nên được che chắn cẩn thận, chỉ có 1 bề mặt tiếp xúc với thiên nhiên. Lô gia chỉ có thể nhìn ra ngoài qua 1 hướng vì 2 hướng còn lại là xây tường cao tận đáy sàn. Thực tế thì diện tích lô gia và ban công không chênh lệch nhiều.
Với các tòa nhà và căn hộ chung cư hiện đại, xét về công năng sử dụng, ban công – logia không chỉ là phần không gian lấy sáng hay trồng cây xanh, hoa cảnh thông thường mà đóng vai trò như một không gian phụ trợ đa năng. Với vai trò là không gian mở cho các căn hộ chung cư, tiếp cận trực tiếp với thiên nhiên, ban công – logia là không gian giúp lấy ánh sáng và thông gió tự nhiên vào các không gian sinh hoạt chính thường là phòng khách, phòng ngủ, bếp. Đồng thời với cấu trúc hợp lý, ban công – logia còn đóng vai trò giúp làm giảm bức xạ nhiệt cho không gian sinh hoạt nội thất, đặc biệt với những tòa nhà căn hộ chung cư sử dụng nhiều hệ vách – cửa kính.
Bên cạnh đó, ban công – logia là nơi bố trí các tiện ích phụ trợ như chỗ để máy giặt và phơi phóng. Cùng với sự xuất hiện của các thiết bị phục vụ tiện nghi sinh hoạt mới, ban công – logia là nơi bố trí các hệ thống kỹ thuật như quạt thông gió và hệ thống cục nóng điều hòa. Điều này giúp giảm đáng kể việc treo cục nóng điều hòa tràn lan ra mặt tiền công trình làm ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ kiến trúc của cả tòa nhà cũng như cảnh quan đô thị.
Và đặc biệt, với các căn hộ chung cư mới, giúp tái tạo sức lao động các cho các thành viên trong gia đình, ban công còn có thêm một chức năng là nơi thư dãn giữa thiên nhiên cho gia chủ, giảm áp lực và cảm giác nặng nề cho gia chủ khi phải sống giữa các bức tường bê tông trên cao khô cứng. Rất nhiều các hoạt động chung gia đình và bạn bè có thể được tổ chức ở không gian ban công logia.
Cuối cùng, cần nhấn mạnh vai trò là lối thoát hiểm của ban công – logia trong trường hợp căn hộ và tòa nhà có tai nạn đặc biệt là cháy nổ xảy ra. Trong rất nhiều trường hợp cháy nổ tại các tòa nhà chung cư cao tầng, do tắc nghẽn và ngạt khói tại các tầng dưới, lực lượng cứu hỏa chỉ có thể tiếp cận để cứu người và chữa cháy trực tiếp qua lối ban công – logia của các căn hộ cao tầng. Rất cần tính đến vai trò này trong các tính toán thiết kế cho ban công và logia cho căn hộ chung cư cao tầng.

Hướng đến một thiết kế tiện ích và an toàn
Để chấn chỉnh và hạn chế các hiện tượng tai nạn thương tích cho người sử dụng tại các khu nhà ở chung cư cao tầng, Sở Xây dựng TP.HCM vừa qua đã có văn bản hướng dẫn các bên liên quan (bao gồm Ban quản lý các khu đô thị, tổng công ty địa ốc – xây dựng và UBND các quận – huyện về xử lý lan can công trình nhà chung cư cao tầng và các công trình xây dựng). Theo đó, các đơn vị có liên quan phải bố trí lan can che chắn tại vị trí, những nơi con người có khả năng rơi ngã từ độ cao trên 1m; lan can phải có độ cao phù hợp, cao từ 1,1m trở lên, có kết cấu vững chắc và an toàn.
Ban công, hành lang ngoài, hành lang trong, giếng trời, mái có người lên, cầu thang ngoài nhà… đều phải bố trí lan can bảo vệ. Chiều cao lan can không được nhỏ hơn 0,9m tính từ độ cao mặt sàn đến phía trên tay vịn, trong khoảng cách 0,1m tính từ mặt nhà hoặc mặt sàn của lan can không được để hở, nơi có nhiều trẻ em hoạt động lan can phải có cấu tạo khó trèo. Từ tầng 6 trở lên các công trình xây dựng không được thiết kế ban công, chỉ được thiết kế logia. Để đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ, khoảng cách giữa các thanh gióng đứng không lớn hơn 0,1m…
Làm thế nào để xây dựng được những ban công hay lô gia đảm bảo tính tiện tích và an toàn cho người sử dụng trong các khu chung cư cao tầng không chỉ là trách nhiệm của các nhà thiết kế mà còn là trách nhiệm của chủ đầu tư, bởi nó liên quan đến tính tiện nghi và cả tính mạng của người sử dụng.
Do các đặc tính tiện nghi và đặc biệt chỉ có một mặt tiếp xúc nên có an toàn cao hơn, trong kiến trúc nhà ở cao tầng hiện đại, lô gia luôn được khuyến khích sử dụng với tỉ lệ lớn thay vì ban công. Đặc biệt, đối với nhà cao tầng không nên sử dụng ban công mà nên dùng lô gia bởi sự đảm bảo an toàn.
Theo các quy định hiện hành, để đảm bảo tiện nghi và an toàn, tổ chức thết kế lan can, ban công của các công trình nhà ở, cơ quan, trường học… từ 9 tầng trở lên phải đảm bảo độ cao tối thiểu là 1,4m. Các toà nhà cao từ 9 tầng trở lên, trong đó có chung cư, phải đảm bảo lan can chắn các cạnh trống của sàn, ban công, mái (bao gồm cả giếng trời và các lỗ mở khác) và các nơi có người đi lại, thậm chí cả ở ga-ra ôtô. Còn đối với công trình có trẻ em dưới 5 tuổi sử dụng thì lan can phải cấu tạo không cho trẻ em dễ trèo qua và không có lỗ hổng đút lọt quả cầu đường kính 100mm. Với lan can hoặc lô gia được sử dụng bằng vật liệu kính thì kính được bảo vệ bởi vật cố định, đảm bảo chắc chắn, không có khe hở nào nhét lọt quả cầu đường kính 75mm, khó trèo qua để ngăn ngừa chống rơi ngã. Từ tầng 6 trở lên không được thiết kế ban công, chỉ được thiết kế lô gia. Lan can lô gia không được hở chân và có chiều cao không nhỏ hơn 1,2m.
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những quy định rất chung, nếu người thiết kế không nằm rõ tường tận về bản chất thì vẫn có những sai sót xảy ra gây nên những ảnh hưởng về mặt tiện nghi và đặc biệt an toàn tính mạng cho người sử dụng. Cần hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn quy chuẩn thiết kế tổ chức không gian ban công – logia tòa nhà và căn hộ chung cư cao tầng. Đặc biệt có thể xây dựng các sổ tay thiết kế với các thiết kế điển hình mẫu đảm bảo các tiêu chí hướng dẫn cho người thiết kế. Thực tế nhiều nước tiên tiến trên thế giới trong thiết kế xây dựng đã sử dụng các quy chuẩn chung như quy chuẩn chung châu Âu, quy chuẩn của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương… Để hướng đến hội nhập, sắp tới chúng ta sẽ chuyển một số tiêu chuẩn xây dựng thành quy chuẩn, khuyến khích áp dụng. KTS và chủ đầu tư sẽ được quyền lựa chọn các quy chuẩn trong nước hoặc nước ngoài để áp dụng sao cho phù hợp với điều kiện, yêu cầu của người sử dụng.
Khi thiết kế xây dựng ban công, lô gia cần chú ý đến độ cao, các ô thoáng dọc cũng như thiết kế cửa mở ra lô gia cho phù hợp để đảm bảo an toàn khi sử dụng. Thiết kế lan can ban công có thể đảm bảo chiều cao và các thanh chắn dọc, nhưng vô ý cho thêm một số họa tiết trang trí phụ, dù nhỏ nhưng khiến trẻ em có thể bám được trèo lên, gây mất an toàn. Hoặc lan can kính, tuy đủ chiều cao nhưng cần quy định rõ tiêu chí chủng loại và tính năng kỹ thuật của kính để chịu được va chạm của lực mạnh xô ngang do gió bão hay trẻ em nghịch ngợm, khi vỡ không tạo nên mảnh sắc. Quy định rõ cấu trúc khung để đỡ và bắt kính vào tường đảm bảo an toàn.
Đối với các tòa chung cư cao tầng thường thiết kế lô gia để đặt máy giặt, phơi quần áo hay cục điều hòa, vừa có tính thẩm mỹ cao và vừa đảm bảo an toàn theo các quy chuẩn thiết kế. Thiết kế cần chỉ rõ vị trí tối ưu để đặt các loại thiết bị này bởi đi kèm đó là các hệ thống ống và dây kỹ thuật đi kèm cần được thiết kế và lắp đặt đồng bộ. Về kiến trúc tại các vị trí này nên bố trí các hệ thống lam chắn đi kèm hạn chế tối đa sự ảnh hưởng về hình khối của thiết bị tới thẩm mỹ chung của tòa nhà và cảnh quan đô thị.
Nếu lô gia gắn liền với phòng bếp hay phòng sinh hoạt chung thì thường được dùng để đặt dàn phơi quần áo, cục nóng lạnh điều hòa, máy giặt. Nếu mà lô gia gắn liền với căn phòng ngủ thì thường chỉ được dùng để đặt cây cảnh, chậu hoa, đồ trang trí… Lô gia được thiết kế sao cho ẩn vào trong sàn nên không làm mất đi tính thẩm mỹ của công trình.
Đối với cánh cửa để ra ban công hoặc lô gia, thì nhiều người vẫn còn có thói quen là sử dụng cánh cửa mở quay ra phía ngoài. Tuy nhiên, thực tế đây lại là kiểu mở rất vướng khi mà ở phía bên ngoài đặt máy giặt, cục điều hòa, chậu hoa hay cây cảnh. Do đó, giải pháp hợp lý đó là nên sử dụng cửa mở trượt hay mở quay vào trong. Mỗi loại cửa đều có các ưu điểm riêng, nhưng mà loại cửa mở quay lật vào phía trong là lựa chọn tối ưu nhất.
Bởi vì loại sản phẩm cửa mở quay lật vào phía trong có thể được mở theo ba chế độ khác nhau như là: mở 90 độ hoặc 180 độ để mà thông phòng, mở thông hơi 1-2 độ và mở thoáng khí 15 độ. Chế độ mở thông hơi có thể tạo được sự thoáng khí, đảm bảo an toàn và chống đột nhập từ phía ngoài cho căn phòng.
Khác với cửa đi chính, cửa ra ban công hoặc lô gia đóng mở ít hơn nhưng lại có yêu cầu về mức độ an toàn cao hơn, vì rất dễ có nguy cơ bị đột nhập từ bên ngoài vào, nên với loại cửa mở quay lật vào phía trong thì có thể mở được ở chế độ mở thông hơi, như vậy sẽ đảm bảo được an toàn như khi đang khóa cửa.
Ngoài ra, cửa ra ban công hoặc lô gia không cần phải khóa khi mà có người ở bên ngoài, cho nên chỉ cần sử dụng một tay nắm ở phía trong nhà (loại khóa một chiều), mục đích là để tránh trường hợp khi bị kẻ gian đột nhập từ phía bên ngoài.
Để đảm bảo được độ chống thấm, do vị trí lắp đặt cửa phải chịu tác động trực tiếp của điều kiện tự nhiên, yêu cầu độ kín khít tốt và cách âm lẫn cách nhiệt phải cao, nên kết cấu của hệ thống cửa cần phải sử dụng kiểu khuôn bốn bề và cần sử dụng thanh khóa đa điểm giúp tăng độ kín khít của cánh cửa nhằm tránh nước mưa sẽ rò rỉ vào trong nhà làm hỏng đồ dùng, sàn gỗ.. .
Đối với các ngôi nhà có thiết kế ban công thì cao độ của sàn ngoài phải thấp hơn cao độ ở trong nhà trung bình từ 1,5 – 4cm, để đề phòng trường hợp nếu nước mưa ở ban công mà không thoát kịp, chúng sẽ bị tràn qua khe hở giữa sàn nhà và khuôn cửa vào trong nhà.
Đối với những ngôi nhà cao tầng, do phải thường xuyên chống chọi với mưa bão hay gió lớn, nên chủ đầu tư cần sử dụng kính dán an toàn, kính hộp hoặc kính cường lực để đảm bảo an toàn.
Đối với những nhà có cửa quay về hướng tây, thì chủ nhà cần dùng kính hộp đã được bơm khí trơ, chúng có khả năng giúp giảm sự truyền nhiệt từ phía bên ngoài vào nhà và giảm thất thoát nhiệt từ ở trong nhà ra môi trường bên ngoài.
Một giải pháp tối ưu lẽ ra các gia đình sống trong khu cao tầng nên lựa chọn để hạn chế những nguy hiểm rình rập đó là lắp lưới an toàn bảo vệ ban công, bảo vệ cửa sổ. Hiện nay hệ thống ban công của nhà mình được làm theo dạng lưới chuyên dụng, có kính chắn gió. Những sợi cáp inox được đan chặt chẽ gắn trên thanh nhôm hợp kim chuyên dụng. Yêu cầu kỹ thuật đối với thanh định vị này phải là hợp kim nhôm tốt khi cầm trên tay cứng và chắc, điều này bạn có thể cảm nhận bằng trực giác. Đồng thời thanh định vị này phải được phun sơn tĩnh điện để tránh oxy hóa. Việc kiểm tra chất liệu sợi dây cáp là rất quan trọng. Bởi vì lưới an toàn được đặt ngoài không khí, nên những sợi cáp bằng inox bọc nhựa chuyên dụng sẽ ngăn việc gỉ sét. Lực căng dây cáp từ 50 – 80 kg/1 dây, đảm bảo khi dùng hai tay giãn hai dây về 2 phía khác nhau thì khoảng mở rộng không quá 10cm, người lớn làm việc hay trẻ nhỏ vô tình ngã vào lưới đều bật ngược trở lại chứ không bị ngã sang phía bên kia của lưới.
Ở góc độ ngược lại, rất nhiều ý kiến lại cho rằng không nên quy định cứng nhắc, bởi thiết kế kiến trúc đòi hỏi phải sáng tạo, nếu quy định quá chặt chẽ sẽ làm giảm tính thẩm mỹ cho ban công và logia. Cần ban hành các sổ tay hướng dẫn thiết kế ban công logia. Tùy từng điều kiện khí hậu thổ nhưỡng, tùy từng vị trí cũng như yêu cầu sử dụng để đưa ra giải pháp thiết kế ban công hay lô gia phù hợp.
Từ kinh nghiệm trên thế giới, thiết kế nhà ở chung cư ở các nước Á Đông như Việt Nam, Singapore, Malaysia… yếu tố gần gũi với thiên nhiên được đề cao. Vì vậy, chung cư không thể thiết kế “đóng hộp” mà cần có lô gia, ban công để tiếp cận với thiên nhiên với các diện tích có thể phát triển lớn hơn nhiều so với hiện nay, có thể từ 10 – 12m2. Hiện nay, xu hướng tổ chức “vườn trên cao” đã cho phép thiết kế các không gian xanh tại các ban công logia để có thể mang tối đa thiên nhiên vào các không gian sống để trở thành các không gian thư giãn cho gia đình và bạn bè. Với cách tổ chức này, quan trọng nhất là thiết kế nền, hệ thống thoát nước. Tiến đến là bạn cần làm gia tăng cảm giác tiếp cận thiên nhiên, vườn ở khắp nơi trong căn hộ. Có rất nhiều phong cách để bạn tạo dựng cho khu vườn nhỏ trên cao của mình: Phong cách thiền, phong cách hiện đại, phong cách cổ điển, phong cách mộc…. Lưu ý vị trí lỗ thoát nước, hướng đánh dốc nền để không bị ảnh hưởng khi có lượng nước mưa lớn và thoát nước tốt khi muốn xây dựng các tiểu cảnh hồ nước.
Các chi tiết cửa đi, cửa sổ hướng ra ban công cũng cần được thiết kế đồng bộ đi kèm như thiết kế mở rộng diện cửa ra ban công không chỉ với tác dụng lấy gió tươi mà còn tạo ra sự kết nối tốt hơn với những không gian rộng, mở tối đa tầm nhìn ra thiên nhiên./.

Kts Nguyễn Vinh Thăng

TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM