27/06/2018

Theo dấu chân em bé Hà Nội

Để nhận biết hiện tại đôi khi cần ngược lại quá khứ, đối chiếu với quá khứ. Câu chuyện bằng hình ảnh của KTS. Trần Huy Ánh chạy qua lại giữa thực tại và những kỷ niệm, giữa Hà Nội hôm nay ngột ngạt khốc liệt cùng những hồi ức ấu thơ hiển hiện an lành, trong trẻo. “Hà Nội – thành phố vì hòa bình”, khẩu hiệu này vẫn được căng cao trong một đô thị mà “người già không dám ra đường và trẻ thơ chẳng tìm được chỗ đặt chân an toàn để đến với mái trường”.

Chân đất trên đường làng: Bức ảnh do Lee Lockwood – LIFE chụp năm 1967, đó chính là chúng tôi, được cha mẹ mang tới những nơi xa như Lạng Sơn, Vĩnh Phúc hay chạy quanh Hà Nội: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì… để đi học, tránh xa bom đạn của không quân Mỹ. Làng quê Bắc bộ nơi nào cũng có cánh đồng bao quanh, có con sông nhỏ uốn lượn, những con đường đất trên mái đê sông hay men theo mương nước trong xanh, chúng tôi đi trong làng hay trên những con đường đất như thế để đến lớp học. Bom đạn chưa thấy đâu, chỉ biết ngày nắng mặt đất nóng rẫy, ngày mưa thì trơn như mỡ, mỗi bước phải bấm ngón cái xuống đường thật sâu cho khỏi ngã, bù lại là trời đất thênh thang, mặt nước long lanh ánh nắng vàng, gần xa đàn chim rung cánh, thơm đồng thoang thoảng từ ruộng lúa mênh mang.

Quê tôi làng Đại Từ, xã Đại Kim, huyện Thanh Trì (nay thì gọi là phường Đại Kim, nhập với quận Hoàng Mai, Hà Nội). Ranh giới làng Đại Từ với làng Linh Đàm là bờ kè đắp đất ngăn chuỗi hồ ao chạy suốt làng với mặt nước hồ Linh Đàm. Sau nửa thế kỷ (1967-2017) cái bờ đất ấy mở rộng thành con đường ven hồ, đường chính tắc nghẽn nên đi tràn vào đó là hàng ngàn xe máy, ô tô chạy rầm rập mỗi ngày, đứa trẻ ngồi xe bịt mặt kín mít để tránh tiếng còi inh ỏi và khói bụi khét lẹt.

Lớp học bên cánh đồng làng: Bức ảnh hãng Nihon Denpa New (Nhật Bản) chụp ngày khai giảng  năm học 1967-1968 tại sân đình làng Đại Từ – Đại Kim. Lấp ló phía sau bóng cây là một vệt sáng của cánh đồng làng Đại Từ trải dài đến tận sông Tô, làng Thanh Liệt, Bằng Liệt. Lớp học của chúng tôi nằm sau đình làng, kề bên cánh đồng. Bây giờ chỗ ấy đã bị san phẳng, san sát nhà cửa, những khối nhà cao tầng mọc lên lừng lững che khuất cả góc trời. Còn nền trời bây giờ không xanh trong nữa, mỗi ngày thêm xám đen khói xe máy ô tô… những con người vội vã, tiếng còi xe  thét giục giã, và hoàn toàn vắng bóng trẻ con trên đường.

Đường phố và làng bên phố: Mùa Hè năm 1973, tất cả trẻ em từ các nơi sơ tán  trở về Hà Nội. Chúng tôi đi mua cá chọi, cá vàng từ chợ Mơ lên chợ Bưởi, từ Bờ Hồ lên  Yên Phụ… Những toa tàu chật ních không đủ chỗ cho lũ trẻ thì chúng đứng ở bậc lên xuống hay bám bên ngoài, trông thì nguy hiểm nhưng tàu chạy chậm nên không sao. Chúng tôi vào làng Yên Phụ, Nghi Tàm… những cái làng nổi trên mặt nước Hồ Tây bồng bềnh, thần tiên, kỳ ảo (ảnh của John Ramsden).

Lối vào làng bên hồ: Đứa trẻ Hà Nội nào cũng nhớ con đường lát gạch nghiêng nghiêng, chênh vênh giữa hai bên là mặt nước Hồ Tây dẫn vào làng nuôi và bán cá cảnh (ảnh AFP). Sau 1995, một khách sạn mới xây nổi trên mặt nước chắn ngay lối vào làng, con đường xưa biết mất cùng cái làng  cá cảnh,  không còn ai vào làng mua cá, không đứa trẻ nào  đủ can đảm bước vào cái  khách sạn sang trọng, lộng lẫy,  rất  xa lạ ấy.

Hiên nhà trên phố: Bức ảnh do người Đức chụp 1991: những đứa trẻ quanh phố đang ngồi chơi dưới mái hiên Trấn Ba Đình trong đền Ngọc Sơn ở giữa hồ Hoàn Kiếm. Trên đường phố những em bé hơn được cô giáo dẫn đi chơi phố, những con phố thiếu vắng bóng cây thì  những mái hiên nhà thừa chỗ cho che mưa nắng.

Phố ven hồ: Trên phố Lê Thái Tổ bên hồ Hoàn Kiếm, nơi vỉa hè quá nhỏ không đủ chỗ trồng cây, có những mái hiên rộng, tao nhã đã được lắp dựng từ đầu TK.20 và duy trì cho đến đầu TK.21. Năm 2017, dự án khách sạn sẽ  xây dựng tại đây được công bố: mặt nhà trơ trọi, vỉa hè đã bé nhỏ lại còn bị xén vào hơn 100m2 làm lối vào ra gara ngầm 4 tầng, diện tích 14.355m2, đủ chỗ 574 xe (25m2/xe). Không chỉ trẻ em mà tất cả mọi người không còn ai dám đi qua cái vỉa hè công cộng nhưng được sử dụng cho ô tô riêng vào ra mật độ dày đặc  đến vậy.

Ngã tư Hàng Giấy Hàng Đậu: Bức ảnh do người Đức chụp năm 1990 tại ngã tư hàng Giấy –Hàng Đậu , có gần hai chục  đứa trẻ đi bộ cắp sách đến trường trên phố bình yên, ngày ấy tất cả trẻ em Hà Nội đều tự đi bộ đến trường. Bức ảnh sau chụp năm 2018: ô tô, xe máy chạy như mắc cửi khiến cho người lớn còn hoảng sợ, còn trẻ em hoàn toàn vắng bóng  trên đường phố.

Cổng trường thời 4.0: Những cuộc cải cách,  thử nghiệm  liên miên, sách vở ngày một nhiều hơn, ba lô khổng lồ không còn chỗ chứa cả chai nước uống nên phải trẻ phải  xách thêm túi đựng. Thương con đi xa,vác nặng nên cha mẹ chở con lẫn túi đến trường, cổng trường trở thành điểm tắc nghẽn giao thông triền miên. Đường phố Hà Nội không còn chỗ để đặt những bước chân học  trò.

Giấng mơ sau lưng mẹ: Mỗi năm Hà Nội xây dựng thêm hàng chục triệu m2 nhà ở, bằng tổng diện tích xây dựng trong suốt một kế kỷ 20 (1900-2000). Nhiều nhà ở thì dân số tăng, đi lại nhiều nên phải xây đường mới. Không có tiền làm đường thì đổi 10 m2 đất lấy 1m2 đường ; 10m2 đất xây nhà mấy chục tầng kinh doanh BĐS thì lại lại thiếu hàng trăm m2 đường… Chu kỳ đổi chác lặp lại: đổi mười đất lấy một đường .

Thành phố càng phình to thì đường đến trường xa hơn; đường tắc thì đi lâu hơn. Trẻ em bớt ngủ ở nhà và ngủ bù trên xe máy sau lưng mẹ. Những giấc mơ dang dở  tiếp diễn sau lưng mẹ chúng theo suốt chặng đường đến trường. Chỉ trong giấc mơ ấy chúng mới được ngủ đẫy giấc trên giường, được đi bộ tung tăng khắp nơi chốn; không có ô tô xe máy, được thấy cây xanh mặt nước; không có còi xe inh ỏi mà chỉ có tiếng chim hót trên cây, cá quẫy dưới hồ; không có khói bụi khét lẹt mà chỉ có mùi thơm hoa trái… Chúng mơ thấy được bấm ngón chân lên mặt đất như cha ông chúng đã từng như thế trước đây 50 năm.

Đi bộ đến trường – chuyện ấy có thật không?  Tại một làng ven đô Hà Nội, vì mở rộng Thủ đô nên lại trở thành trung tâm thành phố. Làng lên phố nên ô tô, xe máy chạy như mắc cửi trên đường làng, cả làng thành đại công trường xây dựng triền miên. Ngõ nhỏ bình yên nay trở thành lầy lội, nguy hiểm cho lũ trẻ đi bộ đến trường. Những KTS tình nguyện Hà Nội đã làm một đoạn đường khô ráo, dựng hàng rào tre không cho xe máy đi chen vào… thế là cả làng hân hoan dẫn trẻ đi bộ qua cái đường con con ấy đến trường. Trong con ngõ nhỏ, các kiến trúc sư lấy sơn tô mầu xanh ưu tiên cho trẻ em đi bộ, thế là xe máy, xe đạp cũng nhường nhịn tránh sang một bên …

Thật ngại ngùng khi kể vài câu chuyện nhỏ nhoi khi mà nơi nơi rền vang bàn thảo viễn cảnh “Thành phố thông minh/Sinh thái bền vững”. Những người lớn mạnh mẽ và thông minh ơi, quý vị có nhìn vào đôi mắt trẻ thơ đẹp ngời của những đứa trẻ Hà Nội:  Các em giương to đôi mắt, soi vào cuộc đời đang bước tới đấy… Quý vị có đủ can đảm trả lời chúng rằng: Hà Nội sẽ có đường đi bộ an toàn cho các em từ nhà đến trường đấy  – chuyện đó có thật đấy, hãy tin và chờ đợi…

KTS Trần Huy Ánh

Ảnh minh họa: Hanoidata ST&BT