17/08/2020

Thêm một không gian văn hóa độc đáo cho Hà Nội?

Theo các chuyên gia, ý tưởng đưa tuyến phố Phùng Hưng trở thành không gian công cộng kết hợp thương mại – dịch vụ – du lịch là hợp lý.

Nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị

Có mặt tại khu vực phố Gầm Cầu (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), đoạn từ đường Trần Nhật Duật đến nút giao Gầm Cầu – Nguyễn Thiệp, PV ghi nhận nơi đây đã trở thành bãi tập kết trả hàng của hàng chục xe tải mỗi ngày.

Kế tiếp “bãi xe di động”, đoạn phố Gầm Cầu từ nút giao Nguyễn Thiệp đến nút giao Hàng Cót là vô số các cửa hàng gốm sứ, đồ sinh hoạt gia đình lấn chiếm gần như toàn bộ vỉa hè. Đoạn từ số 6 phố Gầm Cầu đến Hàng Giấy thì bị biến thành bãi trông giữ xe máy với hàng trăm chiếc. Nguy hiểm hơn, tại khu vực mặt cầu dẫn ở hướng ngược lại (Gầm Cầu – Trần Nhật Duật), các hộ dân còn ngang nhiên dựng ki-ốt bám vào mặt cầu, lập thành chợ lớn làm nơi kinh doanh, bất chấp nguy cơ cháy nổ.

Người dân ngang nhiên dựng ki-ốt bám vào vòm cầu lập chợ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hành lang an toàn đường sắt

Người dân ngang nhiên dựng ki-ốt bám vào vòm cầu lập chợ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hành lang an toàn đường sắt

Ông Đào Hải Đăng, Đội trưởng Đội Quản lý cầu Long Biên (Công ty CP Đường sắt Hà Hải) cho biết, tình trạng các hộ kinh dân dựng ki-ốt áp sát vòm cầu vi phạm nghiêm trọng phạm vi bảo vệ công trình và hành lang ATGT đường sắt, khiến công tác kiểm tra, duy tu công trình khó khăn, phức tạp hơn.

Theo KTS. Trần Huy Ánh, Ủy viên BCH Hội Kiến trúc sư Hà Nội, gầm cầu đoạn đường Phùng Hưng dẫn lên cầu Long Biên ban đầu là các vòm trống. Sau năm 1972, một số hộ dân bị mất nhà cửa do bom Mỹ phá, một số người đi kinh tế mới quay trở lại Hà Nội kiếm sống dưới các vòm cầu tự phát. Họ tự động đục phá làm ảnh hưởng kết cấu, tăng nguy cơ cháy nổ. Trước thực trạng đó, thành phố đã triển khai xây bịt lại toàn bộ các vòm cầu này, khoảng đầu năm 1980 thì hoàn thành.

Trải qua thời gian, đoạn đường từ phố Phùng Hưng đến cầu Long Biên từ một tuyến giao thương huyết mạch đã trở nên bệ rạc, nhếch nhác, mất vệ sinh. “Nếu không có sự chỉnh trang kịp thời, hình ảnh về những tuyến phố cổ sẽ ngày càng trở nên xấu xí trong mắt người dân và du khách”, ông Ánh nói.

Hình thành không gian văn hóa đi bộ thứ hai

Hình ảnh cuộc sống sinh hoạt nhếch nhác dưới khu vực vòm cầu thuộc tuyến cầu dẫn đường sắt lên cầu Long Biên

Hình ảnh cuộc sống sinh hoạt nhếch nhác dưới khu vực vòm cầu thuộc tuyến cầu dẫn đường sắt lên cầu Long Biên

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đặng Đình Bằng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội thừa nhận, hiện nay, trên dọc tuyến khoảng 1,2km của 131 vòm cầu có một số công trình đang bám vào mặt vòm, nằm trong phạm vi hành lang an toàn đường sắt.

Để xóa bỏ sự nhếch nhác hiện tại, trên cơ sở chấp thuận của UBND thành phố, Ban Quản lý Phố cổ đã nghiên cứu, đề xuất “Đề án tổng thể phát triển không gian thương mại, dịch vụ, du lịch định hướng văn hóa ở khu vực 131 vòm cầu”.

Theo đề án, không gian 131 vòm cầu sẽ phân ra thành các khu vực chức năng như: Khu vực thủ công mỹ nghệ; biểu diễn nghệ thuật công cộng; văn hóa ẩm thực; khu vực thương mại…

Với khu chợ tự phát hiện tại, cơ quan chức năng sẽ đề xuất phương án sắp xếp. Các vị trí vỉa hè tận dụng làm bãi đỗ xe cũng sẽ được giải tỏa để tạo không gian đi bộ kết nối giữa phố Phùng Hưng với khu vực bảo tồn cấp 1 phố cổ, khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.

Liên quan đến công tác đục thông vòm cầu, ông Bằng cho biết, qua khảo sát, trong 131 vòm dưới cầu dẫn hiện được phân thành nhiều loại: Có vòm bịt hai mặt, ở trong rỗng, có vòm bịt hai mặt ở trong chèn cát, có những vòm trồng trụ đá ở trong… Vì vậy, Ban Quản lý Phố cổ đã đề xuất thí điểm 6 vòm đại diện các thể loại vòm (số 93 và số 79 – 83) để ra phương án gia cố, cải tạo, tiến tới thực hiện phương án tổng thể.

Hiện tại, ngoài vòm 93 đã cải tạo xong, các vòm từ 79 – 83 đang được triển khai sau khi có sự chấp thuận của ngành đường sắt. Dự kiến, ngày 5/8, công tác mở thông vòm 79 sẽ bắt đầu. Việc đục thông vòm cầu sẽ làm trong 120 ngày, dự kiến tháng 11/2020 sẽ cán đích.

Theo ông Trương Minh Tiến, nguyên Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, việc cải tạo khu vực gầm cầu thành không gian văn hóa vừa góp phần tạo cho du khách đến Thủ đô có thêm một địa điểm dừng chân mới, vừa tận dụng được cơ hội thí điểm phát triển kinh tế ban đêm (Thủ tướng vừa cho phép).

Tuy nhiên, theo ông Tiến, việc phát triển không gian văn hóa công cộng mới phải có hình thức sinh động hơn, khác biệt hơn những gì đang có trên phố bích họa Phùng Hưng hay phố đi bộ của Hà Nội để tránh sự trùng lặp, nhàm chán.

“Chẳng hạn, các ki-ốt dưới gầm cầu phải được xây dựng thành một không gian giới thiệu văn hóa chuyên nghiệp. Khu ẩm thực phải bày trí thế nào để có “nét Hà Nội”, những người bán hàng phải biết hướng dẫn du khách thưởng thức đúng phong cách người Hà Nội…”, ông Tiến gợi ý.

KTS. Trần Huy Ánh lại cho rằng, cũng cần phải tính đến một giải pháp tổng thể, đa mục tiêu, đa lợi ích hơn theo hướng tích hợp đường sắt quốc gia và giao thông đô thị, đa phương tiện đi qua trung tâm Hà Nội (từ ga Hà Nội vượt cầu Long Biên sang Gia Lâm, Yên Viên). Phương án đó sẽ vừa giảm giao cắt đường bộ, vừa tận dụng được không gian mặt đất thành khu phố dịch vụ thương mại.

Thanh Thúy – Nam Khánh/Báo Giao thông