20/05/2019

Thành phố Hồ Chí Minh: Tạo không gian xanh cho người dân

Tốc độ đô thị hóa và tăng dân số cơ học diễn ra nhanh khiến thành phố Hồ Chí Minh ngày càng ngột ngạt, nhất là trong những ngày nắng nóng. Nhu cầu cây xanh của thành phố, vì thế, càng là đòi hỏi cấp thiết, yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt hơn, với những giải pháp thiết thực, hữu hiệu hơn để tạo không gian xanh cho thành phố.

Ngột ngạt vì thiếu cây xanh

Bà Trần Thị Mến (71 tuổi, trú tại đường Võ Thị Sáu, phường 7, quận 3) cho biết, nhu cầu đi bộ tập thể dục mỗi buổi sáng của bà bị hạn chế bởi công viên khá xa, trong khi bà đã lớn tuổi. Còn anh Bùi Thành Đạt (trú tại đường Xóm Chiếu, phường 16, quận 4) cho hay, ở quận 4 không có công viên nào lớn, muốn dẫn con nhỏ dạo chơi công viên phải tới quận 7 hoặc lên quận 1.

Công viên Lê Văn Tám là một trong những “lá phổi” ở khu trung tâm thành phố Hồ Chí Minh

Công viên Lê Văn Tám là một trong những “lá phổi” ở khu trung tâm thành phố Hồ Chí Minh

Trong khi quận 1 có các công viên lớn như: Công viên Tao Đàn, Công viên 23-9, Công viên 30-4, Công viên Lê Văn Tám thì quận 3 lại không có công viên lớn nào. Hiện quỹ đất dành cho công viên ở trung tâm thành phố gần như không còn nên phần lớn dự án xây dựng công viên trong quy hoạch chủ yếu nằm ở các khu vực xa trung tâm.

Tốc độ đô thị hóa và tốc độ tăng dân số cơ học của thành phố diễn ra nhanh trong khi diện tích cây xanh lại tăng chậm khiến thành phố ngày càng ngột ngạt. Nguồn ngân sách đang ngày càng hạn hẹp, phải ưu tiên đầu tư các dự án cấp bách hơn như đường giao thông, công trình chống ngập, trường học, bệnh viện… nên nhiều dự án xây dựng công viên dù đã được quy hoạch nhưng phải gác lại.

Những khu đất này đang tập trung ở các địa phương như: Quận 7, 12, Thủ Đức và các huyện: Hóc Môn, Bình Chánh… Trong đó, riêng quận 12 có 123ha, quận 7 có 120ha công viên cây xanh… đều chưa được xây dựng. Đặc biệt, Công viên Sài Gòn Safari (huyện Củ Chi) có diện tích hơn 456ha đã bị “treo” 15 năm nay, chưa biết bao giờ mới được xây dựng khi nhà đầu tư vừa tuyên bố rút lui.

Theo Sở Quy hoạch – Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh, tiến độ đầu tư xây dựng công viên cây xanh trong thời gian qua mới đạt trung bình khoảng 9,8ha/năm, rất nhỏ so với diện tích quy hoạch công viên cây xanh chưa được thực hiện là hơn 11.000ha.

Ông Trương Trung Kiên, Trưởng ban Đô thị, HĐND thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tỷ lệ đất dành cho cây xanh hiện nay của thành phố chưa tới 5% so với quy hoạch. Đây là tỷ lệ rất thấp trong khi người dân rất cần mảng xanh.

Kêu gọi xã hội hóa đầu tư

Theo đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 6-1-2010, ngoài khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, chỉ tiêu quy hoạch đất cây xanh được duyệt trên địa bàn thành phố khoảng 6,3m2/người. Tuy nhiên, trong thực tế, chỉ tiêu cây xanh công cộng tại thành phố mới đạt mức bình quân là 1,6m2/người.

Kiến trúc sư Nguyễn Đình Hòa (chuyên gia về quy hoạch đô thị) cho rằng, để tạo thêm quỹ đất cho phát triển cây xanh, đặc biệt ở khu trung tâm, thành phố cần chủ động điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 để lập các dự án quy hoạch khu nhà ở phức hợp cao tầng kết hợp khu công viên cây xanh thành các dự án trọng điểm của thành phố nhằm mời gọi đầu tư. Diện tích, quy mô của các dự án phức hợp này bảo đảm tính khả thi và hiệu quả kinh tế để các chủ đầu tư có thể triển khai dự án một cách thuận lợi.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cho biết, dự án công viên cây xanh cách ly có quy mô 322ha ở Đa Phước (huyện Bình Chánh), tổng mức đầu tư 3.150 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công, là một trong những dự án trọng điểm về phát triển mảng xanh của thành phố. Hiện các đơn vị chức năng phối hợp với huyện Bình Chánh kiểm đếm, đo đạc và lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường có thêm 214 dự án công viên cây xanh với diện tích khoảng 200ha để bổ sung vào quy hoạch công viên cây xanh.

Còn theo Sở Quy hoạch – Kiến trúc, cơ quan này vừa được UBND thành phố giao tổ chức thi tuyển ý tưởng thiết kế quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu vực Công viên 23-9 nhằm tạo lập hình ảnh đặc trưng về văn hóa, lịch sử, kết nối đồng bộ không gian ngầm công cộng và tạo điểm nhấn quan trọng về không gian cây xanh tại khu trung tâm thành phố.

Mới đây, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu Sở Giao thông – Vận tải, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp các cơ quan chức năng liên quan tiến hành di dời các cơ sở kinh doanh lấn chiếm tại một số công viên trung tâm, thu hồi mặt bằng, trả lại diện tích cho công viên.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu sớm chỉnh trang, cải tạo lại các công viên ở trung tâm như: Thảo Cầm Viên Sài Gòn, Công viên 23-9, Công viên Lê Thị Riêng… để người dân có thêm mảng xanh trong thời gian chờ kêu gọi đầu tư xây dựng các công viên mới.

Nguyên Lê/Hà Nội mới