08/01/2021

Thành phố Hồ Chí Minh: Siết chặt quản lý quỹ nhà đất công

Hiện trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh còn nhiều nhà đất thuộc sở hữu nhà nước nhưng đang bị bỏ trống hoặc sử dụng không đúng mục đích, gây thất thu cho ngân sách, lãng phí nguồn lực đất đai. Thành phố đang rà soát quỹ nhà đất công, từ đó xây dựng phương án xử lý phù hợp, hiệu quả, siết chặt công tác quản lý.

Một khu đất công ở quận 5 (thành phố Hồ Chí Minh) bỏ trống nhiều năm nay, gây lãng phí tài nguyên đất đai

Một khu đất công ở quận 5 (thành phố Hồ Chí Minh) bỏ trống nhiều năm nay, gây lãng phí tài nguyên đất đai

Sử dụng sai mục đích, lãng phí

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn thành phố còn hơn 11.000 căn hộ và nền đất tái định cư bỏ trống, chưa được bố trí sử dụng; gần 200 khu đất công đã sử dụng sai mục đích và 110 khu đất công còn bỏ trống. Đơn cử, địa chỉ nhà đất tại số 387 Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, quận 1; số 86 Trần Đình Xu, phường Cô Giang, quận 1; số 400 Nguyễn Duy, phường 9, quận 8… thuộc sở hữu nhà nước nhưng hiện đã bị lấn chiếm, sử dụng không đúng mục đích.

Còn theo Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Hồ Chí Minh, qua khảo sát, đơn vị này đã ghi nhận có 1.104 khu đất do 28 đơn vị là tổng công ty và công ty vốn nhà nước quản lý. Trong số này, có hàng trăm khu đất bị sử dụng sai mục đích như hợp tác kinh doanh, cho thuê, bố trí nhà ở không đúng quy định… Ông Võ Công Lực, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Hồ Chí Minh thông tin, thành phố có chủ trương thu hồi nhà đất thuộc sở hữu nhà nước nhưng việc thu hồi đang gặp nhiều khó khăn. Nhiều nhà, đất do các tổ chức, cá nhân sử dụng sai mục đích nhưng không chấp hành bàn giao lại cho cơ quan nhà nước được giao nhiệm vụ thu hồi, hoặc cố ý khiếu nại, khiếu kiện nhằm kéo dài thời gian sử dụng.

Trong khi đó, ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh nêu thực trạng, nhà đất thuộc sở hữu nhà nước được doanh nghiệp thuê và trả tiền thuê hằng năm, sau đó cho thuê lại với giá rất cao. Hành vi này là sai quy định nhưng hình thức xử lý hiện chỉ dừng ở mức xử phạt vi phạm hành chính nên không đủ sức răn đe. Thực tế có doanh nghiệp sau 3 năm cho thuê lại đã hưởng chênh lệch 4 tỷ đồng, song chỉ bị xử phạt 25 triệu đồng.

Cũng về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố hiện có 158 mặt bằng, dự án sử dụng quỹ đất có nguồn gốc do sắp xếp lại, xử lý tài sản công đã dừng các hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh. Điều này khiến ngân sách nhà nước bị giảm nguồn thu và đây là một trong những nguyên nhân làm giảm nguồn cung nhà ở trên thị trường.

Quản lý hiệu quả, công khai, minh bạch

Ông Võ Công Lực, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Hồ Chí Minh thông tin, trong 5 năm qua, cơ quan này đã bán đấu giá thành công 8 khu đất, thu về ngân sách nhà nước hơn 1.700 tỷ đồng. Số nhà đất còn lại được giao cho các đơn vị khác quản lý theo chỉ đạo của UBND thành phố Hồ Chí Minh. Hiện Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố đang quản lý 123 khu đất thuộc đối tượng xử lý, sắp xếp theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 31-12-2017 quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Trong số này, Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố đã khai thác tạm thời 41 khu đất bằng hình thức cho thuê ngắn hạn. Đến nay, số tiền thu được từ việc cho thuê ngắn hạn đạt trên 110 tỷ đồng. Toàn bộ nguồn thu này được nộp vào ngân sách nhà nước.

Hiện thành phố Hồ Chí Minh đang tăng cường công tác kiểm tra, giám sát sau khi giao, cho thuê nhà đất. “Nếu đủ cơ sở pháp lý, thành phố sẽ thu hồi nhà đất thuộc sở hữu nhà nước để tiến hành bán đấu giá. Tuy nhiên, về lâu dài, cần có thêm hình thức đấu giá tiền thuê đất để bảo đảm thu đúng, thu đủ, không để thất thoát, lãng phí nguồn lực đất đai”, ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh cho hay.

Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện thành phố có hơn 900ha đất chưa sử dụng cần rà soát lại, xác định vị trí cụ thể và cơ sở pháp lý để đưa vào kế hoạch sử dụng đất trong thời gian tới. UBND thành phố đã yêu cầu Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố xây dựng phương án xử lý cho từng nhóm nhà đất, trong đó có phương án bán đấu giá theo quy định của pháp luật. Đối với nhà đất sử dụng sai mục đích hoặc để trống, cần xây dựng phương án, kế hoạch quản lý, sử dụng đúng mục đích, tránh lãng phí; đồng thời khắc phục những bất cập trong việc giao đất, cho thuê đất.

“Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố phải phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu cập nhật lên bản đồ các danh mục nhà đất thuộc sở hữu nhà nước để quản lý hiệu quả, công khai, minh bạch”, bà Phan Thị Thắng nhấn mạnh.

Trọng Ngôn/Hà Nội mới