11/10/2018

Thách thức với bảo tồn cảnh quan đô thị

Mới đây, tại Hội thảo “Bảo tồn cảnh quan đô thị lịch sử trong bối cảnh toàn cầu hóa và phát triển công nghệ thông tin” ở Hà Nội, nhiều nhà nghiên cứu, kiến trúc sư và nhà quản lý trong nước, quốc tế đã cùng chia sẻ những kinh nghiệm về vấn đề này. Một ví dụ điển hình được nhắc đến là Phố cổ Hà Nội.

Nhiều bài học kinh nghiệm từ quốc tế

Vào ngày 10-11-2011, lần đầu tiên sau 35 năm, UNESCO đưa ra khuyến nghị mới về nhìn nhận môi trường lịch sử, cụ thể là khái niệm mới “Cảnh quan đô thị lịch sử”. Khái niệm này cung cấp công cụ bổ sung để ứng xử với môi trường xây dựng trong bối cảnh phát triển đô thị, nhưng vẫn tôn trọng các giá trị kế thừa được tạo dựng trong bối cảnh khác biệt về văn hóa.

Phân tích của các giáo sư đến từ Trường Đại học Đồng Tế và Đại học Nam Kinh (Trung Quốc) trong việc bảo tồn các khu phố lịch sử văn hóa của Trung Quốc, cho thấy, đã có một thời kỳ, nước này thiết lập chính sách cải cách mở cửa, tập trung vào xây dựng kinh tế (khoảng năm 1978), dẫn tới làn sóng phá hoại mang diện mạo kiến tạo. Hàng loạt công trình kiến trúc cổ, di sản văn hóa, cũng như môi trường cảnh quan đã bị ảnh hưởng nặng. May mắn là không lâu sau đó, khoảng những năm 1980, vấn đề này đã được các bậc tiền bối ngành lịch sử, địa lý, quy hoạch đô thị và bảo tồn di tích văn hóa nhìn nhận lại. Tuy nhiên, thực trạng mất kiểm soát tập trung chủ yếu ở các thành phố trực thuộc tỉnh.

Giáo sư Zhang Song, Phó Chủ tịch Hội Lịch sử quy hoạch thuộc Hội Quy hoạch đô thị Trung Quốc, chia sẻ, cơn lốc phá hủy đã thay đổi khi hội đồng nhà nước công bố danh sách “Thành phố lịch sử”…

Cùng chung những khó khăn này, Giáo sư Kubota đến từ Đại học Tokyo (Nhật Bản), cho biết, giai đoạn đầu thế kỷ XX cũng là thời điểm công nghiệp hóa bắt đầu tại Tokyo nói riêng và Nhật Bản nói chung. Diện mạo Tokyo nhanh chóng thay đổi với những kế hoạch khổng lồ nhằm hiện đại hóa đô thị. Một trong số đó là hệ thống đường sắt đầy tham vọng, khiến người dân đổ tới đây sinh sống ngày càng nhiều. Hậu quả của sự gia tăng đột biến về dân số đã dẫn tới đô thị phát triển không kiểm soát… Để giải quyết các vấn đề tồn tại đầy thách thức trong quá trình phát triển đô thị, Nhật Bản đã đi từ quy hoạch để khôi phục cảnh quan Tokyo dựa trên yếu tố mặt nước và các hành lang xanh.

Thách thức với bảo tồn cảnh quan đô thị ảnh 1

Không thể “bảo tàng hóa” phố cổ Hà Nội

 Phố cổ Hà Nội trong vòng xoáy đô thị hóa

Ở Việt Nam, việc bảo tồn cảnh quan đô thị trong bối cảnh hiện đại không phải lần đầu được đề cập, tuy nhiên, sau nhiều năm, các dự án, sáng kiến về phát triển, bảo tồn cảnh quan di sản, đô thị vẫn giậm chân tại chỗ. Nằm trong vòng xoáy của sự phát triển, khu phố cổ Hà Nội là một ví dụ. Kiến trúc sư Trần Huy Ánh – một người tâm huyết với quy hoạch của Hà Nội, phân tích, Hà Nội may mắn là tốc độ đô thị hóa chậm hơn nhiều nước ở châu Á, vì thế các giá trị về cảnh quan, văn hóa, lịch sử vẫn còn giữ được khá nhiều. Tuy nhiên, không nên và không thể “bảo tàng hóa” cả thành phố. Không gian phố phường cho dù có nhiều di tích, di sản thì vẫn có các sinh hoạt đô thị diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Và ngay cả trong các công trình di sản, vẫn có các hoạt động của cư dân sinh sống trong đó. Trong một thực thể sinh động như vậy, người quản lý phải thống kê, phân loại từng loại đối tượng để bảo tồn và khai thác phù hợp.

Ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, người nhiều năm gắn bó với khu phố cổ Hà Nội, cũng chỉ ra những thay đổi nhanh chóng của nơi này, như: tốc độ giãn dân phố cổ diễn ra một cách chậm chạp; lòng đường, hè phố bị chiếm dụng để kinh doanh; những thách thức do tăng trưởng kinh tế, biến đổi thành phần dân cư…, đã làm cho cảnh quan đô thị chịu nhiều tác động.

Với thực tiễn này, kiến trúc sư Huy Ánh nhấn mạnh, không thể lãng mạn hóa công tác gìn giữ và bảo tồn cảnh quan di sản. Phải nhìn một cách tổng thể, toàn diện, phù hợp với nhịp phát triển đương đại; không thể bỏ mặc buông trôi phát triển một cách tự phát, nhưng cũng không thể cái gì cũng giữ, mơ mộng và lãng mạn hóa việc bảo tồn, trong khi cuộc sống đang đổi thay.

Mai An/Sài Gòn giải phóng