16/07/2019

Tạp chí KTVN số 224 – 2019

Bạn đọc thân mến!

Đóng vai trò là dòng kênh lịch sử – văn hóa trong quá trình hình thành và phát triển đô thị TPHCM, nhưng nhiều năm trước đây, kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đã bị bức tử, trở thành điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Cũng nhiều năm qua, con kênh này đã được chính quyền đô thị quan tâm với nhiều hoạt động cải tạo, chỉnh trang, làm sạch dòng nước ô nhiễm…

Tháng 5/2019 vừa qua, TPHCM lại dấy lên vấn đề cải tạo, chỉnh trang phát triển tuyến đô thị dọc kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè. Giới chuyên môn đang mong muốn xây dựng một tầm nhìn khai thác 110 ha bao quanh nó thành một cấu trúc không gian xanh, đậm bản sắc văn hóa – lịch sử sông nước của sài Gòn. Đồng thời coi nó như một phần quan trọng của “trục xương sống đô thị” để bảo tồn, phát triển kiến trúc cảnh quan, tạo điểm nhấn cho đô thị.

Để đóng góp những góc nhìn, đề xuất liên quan đến vấn đề trên, KTVN số này thực hiện chuyên đề: Phát triển đô thị thế kỉ 21 từ bản sắc kênh rạch sông nước Sài Gòn (Trường hợp quy hoạch cải tạo chỉnh trang tuyến đô thị kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè).
Chuyên mục Lý luận Phê bình Kiến trúc kỳ này, PGS Lê Thanh Sơn đã chia sẻ bài viết “Sự lệch pha trong cách nhìn về việc bảo tồn di sản kiến trúc ở Việt Nam”, đề cập câu chuyện sự khác biệt trong nhận thức về bảo tồn di sản kiến trúc hiện nay. Từ đó cho thấy những tồn tại, bất cập cần quan tâm tháo gỡ.

Cũng trong số này, Tạp chí chọn giới thiệu một sáng tác của KTS Salvador với ý tưởng Vỏ cua và Xương cá để tạo nên một Cung quy hoạch Hạ Long độc đáo; Hay, ý tưởng Kiến tạo nhà ở miền Tây Nam Bộ của KTS Nguyễn Quốc Hoàng cho giải pháp nhà nổi ứng phó với nước lũ dâng đã đoạt giải thưởng cao nhất cuộc thi: Chung tay kiến tạo nhà ở nông thôn Việt Nam.

Đồng hành với kiến trúc là mảng vật liệu đang trong thời kì phát triển nhanh và mạnh. Có nhiều sản phẩm trong nước đã làm lên tên tuổi, xây dựng được thương hiệu một cách vững chắc. Tuy nhiên, thị trường cũng đang phải ứng phó với những vật liệu nhập ngoại chất lượng kém nhưng giá thành rẻ. Do vậy, bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp trong nước đã rất chú trọng đến việc nghiên cứu phát triển công nghệ tối ưu cho mỗi sản phẩm như Dulux, Eurowindow, Navado, Euroha, Luva…

Tác phẩm “Làng nổi chịu bão Oceanix City” được xem là một trong những giải pháp kiến trúc tối ưu để giải tỏa nhu cầu chỗ ở tăng nhanh ở các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là những nơi chịu tác động của biến đổi khí hậu mà Kiến trúc Việt Nam lựa chọn giới thiệu trong số này.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM