01/03/2021

Sớm gỡ vướng cho doanh nghiệp bất động sản

Ngày 27-2, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong và Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình đã chủ trì Hội nghị gặp gỡ và trao đổi giữa lãnh đạo chính quyền TP HCM với lãnh đạo doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS). Lãnh đạo các sở, ngành TP HCM và đại diện 16 DN BĐS đã đưa ra nhiều hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN BĐS trong thời gian tới.

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM Huỳnh Thanh Khiết cho biết năm 2020, nguồn cung dự án nhà ở BĐS giảm 34%. Việc nguồn cung hạn hẹp đã làm cho tốc độ giao dịch trên thị trường giảm mạnh, đặc biệt không có dự án nào được cấp phép chuyển nhượng. Chưa kể, nhà ở trong các phân khúc đã có sự lệch pha rõ rệt khi chủ đầu tư những dự án được cấp phép lại chọn phát triển phân khúc cao cấp. Vì vậy, tỉ lệ căn hộ phân khúc trung bình giảm từ 51% còn 1%; phân phúc trung cấp tăng từ 23,8% lên gần 57%; căn hộ cao cấp tăng từ hơn 25% lên hơn 41%.

Đại diện các DN đã nêu nhiều kiến nghị cũ nhưng chưa được tháo gỡ. Ví dụ, với Novaland, 10 dự án đang gặp vướng mắc chủ yếu liên quan việc sớm cấp phép xây dựng (dự án 100 Cô Giang, quận 1), duyệt giá tiền sử dụng đất (dự án 151-155 Bến Vân Đồn, quận 4), 7 dự án khu vực Phú Nhuận vẫn chưa được cấp sổ hồng, nên kiến nghị hỗ trợ để giải quyết quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân. Riêng dự án tại quận 2 có diện tích hơn 30 ha lâu nay được kiến nghị nhiều vì liên quan việc rà soát thủ tục pháp lý của khu đô thị mới Thủ Thiêm nên chưa được tháo gỡ.

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghịẢnh: HOÀNG TRIỀU

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị (Ảnh: HOÀNG TRIỀU)

“Chúng tôi mong muốn Chính phủ, lãnh đạo TP HCM và các sở, ngành sớm đưa ra các hướng dẫn, chỉ đạo để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc hiện tại; cho phép chủ đầu tư tiếp tục triển khai dự án nhằm giúp bổ sung nguồn cung cho thị trường BĐS, đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân; qua đó nâng cao đời sống và an sinh xã hội, góp phần làm tăng nguồn thu ngân sách nhà nước” – đại diện Novaland bày tỏ.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty BĐS Lê Thành, nêu nhiều vấn đề về nhà ở xã hội mà công ty ông triển khai đã bị “tắc” thời gian qua, từ thủ tục đến chính sách thuế. Không ít thủ tục đã làm “khổ” DN, như trường hợp phải mất 3-5 năm chờ hoàn thiện thủ tục dự án nhà ở xã hội. Dù thời gian làm thủ tục dự án đã rút ngắn xuống 11 tháng nhưng các vướng mắc có thể kéo dài, nhất là việc các văn bản phối hợp giữa các sở, ngành, quận, huyện cũng làm kéo dài thời gian.

Đại diện Công ty CP Địa ốc Thảo Điền cho biết đã hoàn tất tất cả thủ tục theo yêu cầu của các cấp, cơ quan thẩm quyền. Song, đã 10 năm nay, công ty vẫn chưa được giao đất để làm nhà ở xã hội cho cán bộ, công nhân viên và người dân cũng như khu vực lân cận.

Giải quyết từng vấn đề

Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM Lê Hoàng Châu cho rằng từ đầu năm đến nay đã có sự chuyển biến rất tích cực, rất rõ nét và đáng hoan nghênh trong hành động và thái độ, tinh thần phục vụ người dân, DN của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, từ TP đến các sở, ngành, quận, huyện, phường, xã so với trước.

Nhiều vướng mắc được ông Châu kiến nghị cụ thể giải pháp để tháo gỡ cho DN. Trong đó, việc rút ngắn các thủ tục cấp phép đầu tư có thể chỉ còn 4 bước để giảm khó khăn, tiết kiệm chi phí cho DN cũng như đẩy mạnh nguồn cung dự án ra thị trường là điều rất quan trọng.

Lắng nghe khó khăn của DN BĐS, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh ông biết DN chậm trễ thủ tục một ngày là rất tốn chi phí. Thời gian qua, do công tác thanh – kiểm tra, kiểm toán nên TP phải làm việc rất nhiều. Thanh tra Chính phủ cũng đã thanh tra 164 dự án nên phải tạm dừng, việc này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của DN. Chưa kể, một số dự án liên quan đất công cũng phải dừng lại.

Trên cơ sở 7 kiến nghị trọng tâm của các DN liên quan đến giấy phép, thủ tục thuế, sổ hồng…, ông Nguyễn Thành Phong giao Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình phối hợp các sở, ngành để giải quyết từng vấn đề. Đối với 61 dự án đang gặp khó khăn, Sở Xây dựng sẽ cung cấp thông tin đầy đủ để tháo gỡ cho DN. Vấn đề nào thuộc thẩm quyền, TP sẽ tháo gỡ ngay, nếu thuộc trung ương thì TP sẽ trình và sớm tháo gỡ nhưng DN phải chịu khó đợi. Chủ tịch UBND TP HCM chỉ đạo các sở, ngành phải nghiên cứu kỹ, trả lời DN một lần còn hơn trả lời lần này không xong rồi trả lại chờ lần khác, sẽ tạo tâm lý không ổn cho DN.

“61 dự án đang gặp vướng mắc cố gắng phải tháo gỡ trước ngày 15-4. Có phần nào cần xin ý kiến trung ương thì TP sẽ xin để giải quyết sớm” – ông Nguyễn Thành Phong nêu rõ. Chủ tịch UBND TP HCM cho biết thời gian tới, TP sẽ xem quy hoạch là công cụ để quản lý hoạt động xây dựng, bởi nếu quy hoạch không vững sẽ gây nhiều hệ lụy. TP sẵn sàng hỗ trợ nhân lực để Sở Quy hoạch – Kiến trúc thực hiện tốt công tác quy hoạch – kiến trúc, thậm chí mời chuyên gia thế giới để làm cho tốt, nhất là khi có TP Thủ Đức.

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh toàn TP hiện có 10.200 DN có vốn từ 100 tỉ đồng trở lên. Trong 9 nhóm ngành dịch vụ quan trọng đóng góp 56,5% GRDP của TP HCM thì BĐS chiếm 4,2%, đóng góp 8,2% thu nội địa cho ngân sách. Vì thế, lãnh đạo TP rất trăn trở khi nghe các DN BĐS gặp khó khăn. Tháo gỡ những khó khăn này cho DN cũng là tháo gỡ khó khăn cho TP.

Sơn Nhung/Người lao động