17/06/2015

Sở Xây dựng Hà Nội nói gì về cây xanh bị đổ còn nguyên bầu bọc nilon?

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong khẳng định đơn vị thực hiện trồng cây sai quy trình nếu kiểm tra phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm.

Chiều 16/6, thông tin tại cuộc giao ban báo chí Thành ủy về việc Hà Nội khắc phục hậu quả cơn giông lốc chiều 13/6, ông Võ Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, cơn giông lốc vừa qua số cây xanh gãy đổ nằm ngoài phương án đối phó khắc phục hậu quả thiên tai khi có mưa bão của Sở Xây dựng.

Theo đó, phương án của Sở  Xây dựng nếu trường hợp thiên tai cây đổ gãy sẽ xử lý giải quyết 300 cây xanh. Tuy nhiên, cơn mưa giông vừa qua số cây gãy đổ khoảng 1.300 cây, mức độ gấp hơn 4 lần phương án được xây dựng. Cho nên việc giải quyết đối phó với số cây gãy đổ cần có thời gian ưu tiên phương tiện, nhân lực đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật, an toàn, để giải phóng những cây đè vào nhà dân những điểm ùn tắc giao thông.

 Cây xanh bị đổ chiều 13/6 trên đường Lê Duẩn còn nguyên bầu được bọc lưới và chằng dây

Cây xanh bị đổ chiều 13/6 trên đường Lê Duẩn còn nguyên bầu được bọc lưới và chằng dây

Hệ thống cây xanh gẫy đổ đè lên cáp điện, ống cáp ngầm gây mất điện sinh hoạt và chiếu sáng đường phố. Hệ thống thoát nước, thời điểm mưa tại các khu vực đã xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đang đô thị hóa không có hệ thống thoát nước như: Phạm Văn Đồng, Quan Nhân, Vũ Trọng Phụng, Vĩnh Hưng… đã xảy ra úng ngập từ 0,1-0,2m.Tính đến chiều 16/6, số lượng cây gãy đổ ở 12 quận nội thành là 998 cây và khoảng trên 400 cây khu vực ngoại thành. Số cây đổ trong nội thành tập trung vào các loại cây có rễ ăn ngang, dễ nông như muồng, bằng lăng và một số cây xà cừ. Theo thống kê muồng, bằng, lăng gãy là 572 cây. Nhiều cây gãy đổ ngang đường ở các nút giao thông ngã tư Quang trung- Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hương, Minh Khai, Trương Định… gây cản trở giao thông. Hậu quả đáng tiếc làm 2 người thiệt mạng, ít nhất 7 người bị thương, hàng ô tô và hàng trăm xe máy bị hỏng.

Hệ thống chiếu sáng chập cáp mành lưới dẫn đến nổ cầu chì, nhảy at-to-mat 42 vụ, mất nguồn 172 trạm, trong đó mất nguồn điện lưới 165 trạm, do sự cố điện chiếu sáng 7 trạm, gãy đổ cột bê tông và cột thép 40 cột. Sự cố đèn 272, đứt cáp treo các loại là 57 trường hợp và một số thiệt hại khác.

Việc xử lý sau cơn dông, UBND thành phố đã chỉ trước và sau cơn dông đến tất cả các lực lượng của thành phố tập trung thực hiện các phương án đảm bảo xử lý hậu quả của cơn dông lốc.

Tính đến sáng 16/6, tất cả cây xanh ảnh hưởng đến giao thông đã được khắc phục. Đã khắc phục xong 541 trường hợp cây đổ, 189 cành gãy và đảm bảo giải phóng xong toàn bộ cây đổ trên hè đường. Các trường hợp khác phối hợp với các lực lượng chủ động xử lý cành nhỏ, kéo cây đổ vào sát lề đường. Các khu vực vườn hoa, công viên các đơn vị cũng đang tiếp tục xử lý sẽ cơ bản xong trong ngày 16/6.

Cũng trong hôm nay, tất cả sự cố của hệ thống chiếu sáng cũng đã được khắc phục xong; thu dọn toàn bộ cành cây, phế thải trong 4 quận nội thành. Qua báo cáo của người dân cũng như chính quyền phường tiếp tục xử lý như cây nghiêng, mục nguy hiểm.

“Hiện nay để phát hiện cây sâu mục trên địa bàn Hà Nội được làm theo phương thức trực quan, kiểm tra bằng mắt thường nên đối với cây phát hiện có biểu hiện sâu mục ra bên ngoài thì dễ dàng phát hiện. Tuy nhiên, đối với cây sâu mục ở bên trong thân việc kiểm tra theo dõi bằng trực quan và chuyên gia việc phát hiện được ra là có nhưng hạn chế”, ông Phong cho biết.

Trao đổi với báo chí về việc sau cơn giông phát hiện nhiều cây mới trồng ngã đổ lộ ra bầu lưới, thậm chí là nilon làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây, ông Võ Nguyên Phong khẳng định: “Việc này thành phố biết, Sở Xây dựng biết, chúng tôi được biết theo thông tin phản ánh của người dân, của báo chí.

UBND thành phố đã có chỉ đạo, phía Sở Xây dựng cũng đã giao cho các đơn vị kiểm tra việc này, nếu đơn vị nào có vi phạm các quy trình trồng cây sẽ bị xử lý theo đúng quy định”.

Ông Võ Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội

Ông Võ Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội

Để ước tính số tiền thiệt hại do cơn giông lốc gây ra, đến nay thành phố đã có chỉ đạo Ban phòng chống thiên tai tiến hành tổng hợp thống kê cụ thể tổng thể mức độ thiệt hại. Bên cạnh đó, việc thay thế cây gãy đổ cũng cần có thời gian chuẩn bị giống cây, cùng thời gian và thời tiết thuận lợi để đảm bảo cây khi trồng phải sinh trưởng tốt. Sau khi thống kê sẽ có chương trình kế hoạch tổ chức trồng lại. Theo ông Võ Nguyên Phong, việc trồng cây theo chủng loại nào để phù hợp với đô thị hiện nay thành phố cũng đang chỉ đạo thực hiện rà soát các cây đô thị để xác định ra nhóm cây phù hợp. Để làm được thì cần có nghiên cứu, đồng thời có thêm ý kiến của các nhà khoa học và người dân.

“Việc trồng cây nếu không sống được thì đơn vị thực hiện phải trồng lại cây khác thay thế. Chúng tôi chỉ tiếp nhận đưa vào quản lý  những cây sống”, ông Võ Nguyên Phong nhấn mạnh./.

Theo VOV