11/12/2017

Sản xuất vật liệu không nung: Cần nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển

Với nhiều điểm mạnh hơn so với vật liệu truyền thống như thân thiện môi trường, cách âm, cách nhiệt, thi công nhanh, chống cháy… việc sản xuất và sử dụng vật liệu không nung thay thế gạch đất sét nung truyền thống là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, để đưa loại vật liệu này trở nên phổ biến thì còn rất nhiều trở ngại, cần nhiều giải pháp đồng bộ để triển khai hiệu quả hơn.


Sản xuất và sử dụng vật liệu không nung thay thế gạch đất sét nung truyền thống là xu hướng tất yếu

Kết quả khả quan

Việc hạn chế sản xuất gạch nung và thay thế bằng gạch không nung (GKN) là chủ trương lớn của Nhà nước và các Bộ, ngành địa phương. Điển hình nhất là Quyết định số 567/QĐ-TTG ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) với các mục tiêu cơ bản: Gạch không nung thay thế gạch nung 20% – 25% vào năm 2015, 30% – 40% vào năm 2020; Hàng năm sử dụng khoảng 15 – 20 triệu tấn phế thải công nghiệp (tro xỉ nhiệt điện, xỉ lò cao…) để sản xuất VLXKN, tiết kiệm đất nông nghiệp và hàng ngàn ha đất chứa phế thải; Tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, thủ công cải tiến. Và sau khi triển khai Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 28/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung như một “cú hích” tạo đà cho việc sản xuất và sử dụng loại vật liệu xây dựng ưu việt này.

Trong nỗ lực thúc đẩy việc phát triển VLXKN, Bộ Xây dựng đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và quy phạm kỹ thuật, các hướng dẫn làm cơ sở cho việc sử dụng VLXKN như: Nghiên cứu, xây dựng và ban hành Tiêu chuẩn cho các loại sản phẩm VLXKN; công bố định mức dự toán liên quan đến công tác sử dụng VLXKN; ban hành Chỉ dẫn kỹ thuật “Thi công và nghiệm thu tường xây bằng block bê tông khí chưng áp”; ban hành Thông tư 09/2012/TT-BXD ngày 28/11/2012 quy định sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng…

Sau 7 năm thực hiện Chương trình theo Quyết định 567/QĐ-TTg đến nay, tổng công suất thiết kế của 3 loại sản phẩm gạch không nung (GKN) chính, gồm gạch block xi măng cốt liệu (gạch bê tông), gạch bê tông khí chưng áp, gạch bê tông bọt đạt khoảng 7 tỷ viên QTC/năm; sản xuất đạt 5,8 tỷ viên QTC/năm, chiếm khoảng 25% so với tổng sản lượng vật liệu; tiêu thụ tổng các loại khoảng trên 5,5 tỷ viên QTC/năm… Với sản lượng trên, ước tính hàng năm tiết kiệm được 8,5 triệu m³ đất sét (tương đương 412ha đất khai thác ở độ sâu 2m), 825 nghìn tấn than và giảm thải ra môi trường 3,1 triệu tấn CO2.

Hầu hết các địa phương đã nhận thức được mục đích, ý nghĩa của Chương trình Phát triển VLXKN, các cấp chính quyền của các địa phương đã chủ động hơn, quyết liệt hơn trong việc xóa bỏ các lò gạch thủ công, thủ công cải tiến và lò vòng sản xuất gạch đất sét nung; tăng cường chỉ đạo khuyến khích phát triển sản xuất và sử dụng VLXKN. Đặc biệt, tại một số địa phương đã xóa bỏ hoàn toàn lò gạch thủ công như: Bắc Ninh, Hải Dương, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai… Các chủ đầu tư, nhà thầu, đặc biệt là các KTS, các nhà tư vấn đã ý thức được trách nhiệm của mình trong việc nghiên cứu, tìm hiểu thấu đáo để tăng cường sử dụng VLXKN, hạn chế sử dụng gạch đất sét nung…

Đề xuất nhiều giải pháp

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chương trình 567 vẫn còn một số những hạn chế cần khắc phục. Theo ông Phạm Văn Bắc – Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng), nhiều chính sách đưa ra chưa cụ thể, khi áp dụng vào thực tế, địa phương không thực hiện được. Ví dụ, cơ chế ưu đãi chỉ áp dụng với các dự án đầu tư mới còn các dự án đầu tư mở rộng thì không được hưởng thụ. Một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến chương trình, hoặc chưa có giải pháp hữu hiệu nhằm tăng cường sử dụng VLXKN, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung.

Bên cạnh đó, nhận thức của nhà đầu tư, nhà tư vấn thiết kế, nhà thầu, người tiêu dùng về VLXKN còn chưa đầy đủ, thậm chí không nắm được các quy định của Nhà nước.

Còn về phía các DN sản xuất VLXKN, do các DN còn thiếu kinh nghiệm, nguồn vốn hạn chế nên phần lớn nhập các dây chuyền với công nghệ trung bình, thiếu đồng bộ. Công tác chuyển giao công nghệ, kỹ thuật sản xuất và tiếp thu công nghệ chưa tốt, các nhà máy vừa phải sản xuất vừa điều chỉnh, khắc phục các mặt yếu để ổn định sản xuất. Một số nhà máy do hiểu biết về tính năng sản phẩm chưa đầy đủ nên công tác bảo quản sản phẩm khi lưu kho và vận chuyển chưa đúng đã gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm lúc đưa vào công trình…

Nhằm tăng cường phát triển và sử dụng VLXKN trong thời gian tới, nhiều giải pháp, kiến nghị đã được đề xuất. Đại diện một số DN sản xuất VLXKN cho rằng: Để thúc đẩy việc ứng dụng VLXKN, Bộ Xây dựng cần đẩy nhanh tiến độ ban hành đầy đủ các tài liệu, cơ sở pháp lý liên quan như tài liệu hướng dẫn thi công, nghiệm thu, hệ thống định mức để tăng sức thuyết phục nhà đầu tư, nhà thầu sử dụng VLXKN.

Mặt khác, nhiều DN muốn tham gia sản xuất VLXKN nhưng không thể nào tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi. Bộ Xây dựng cũng cần kiến nghị các Bộ liên quan sớm hoàn chỉnh, ban hành các chính sách thiết thực hỗ trợ, ưu đãi đầu tư (vay vốn, thuế, chuyển giao công nghệ…) nhằm khuyến khích phát triển và tạo điều kiện cho các dự án chế tạo thiết bị sản xuất VLXKN, các dự án sản xuất VLXKN…

Nhằm thực hiện hiệu quả sản xuất VLXKN, Bộ Xây dựng tiếp tục tuyên truyền phổ biến Chương trình 567, Chỉ thị 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để các bộ, ngành, địa phương, DN và toàn xã hội thấy được lợi ích của việc sử dụng VLXKN; tăng cường đôn đốc các địa phương nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg, Thông tư 09/2012/TT-BXD về VLXKN.

Đặc biệt, Bộ đang nghiên cứu sửa đổi Thông tư 09/2012/TT-BXD theo hướng nâng tỷ lệ sử dụng gạch nhẹ trong các công trình cao tầng; quy định cụ thể chế độ nhà đầu tư, đơn vị thi công phải báo cáo Sở Xây dựng địa phương về tình hình sử dụng VLXKN hàng quý, năm và kết thúc công trình.

Bộ cũng đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định 121/2014/NĐ-CP với quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng với các mức phạt cao hơn để việc tuân thủ sử dụng tỷ lệ VLXKN trong các công trình xây dựng đi vào nề nếp…

Linh Anh/BXD