01/11/2017

Sài Gòn – từ Hòn ngọc Viễn Đông đến Thành phố Hồ Chí Minh

Vào cuối năm 1994, khi nhận lời quy hoạch khu trung tâm đô thị Nam Sài Gòn, kiến trúc sư tài danh hàng đầu Nhật Bản Kenzo Tange, tuổi đã gần 90 vẫn muốn đích thân bay đến TP.HCM một lần cho biết. Theo cụ nói thì ở Châu Á chỉ có 3 thành phố có tầm quan trọng nổi bật đối với thế giới thôi, đó là Tokyo, Thượng Hải và TP Hồ Chí Minh. Nói xong cụ dỡ bản đồ ra và chỉ vào Sài Gòn: “Các bạn có thấy không? Sài Gòn chính là ngã ba đường lên Bắc xuống Nam, qua Đông sang Tây kể cả đường không và đường biển. Đây chính là nơi hội tụ và là nơi xuất phát của mọi yếu tố liên quan đến sự phát triển và tồn tại của toàn khu vực rất quan trọng này. Sài Gòn là tâm điểm của một vùng đất đầy tiềm năng phát triển mà cho đến bây giờ vẫn chưa khai phát được bao nhiêu cả !”

Các kiến trúc sư Kenzo Tange và Ngô Viết Thụ tại TP.HCM, 1994 

Các kiến trúc sư Kenzo Tange và Ngô Viết Thụ tại TP.HCM, 1994

Tập sách này nhắm lý giải và kể lại câu chuyện hình thành Sài Gòn, thành phố ngã ba đường mà KTS Kenzo Tange vừa đề cập ở trên, chủ yếu từ khi vùng đất bị thực dân Pháp xâm chiếm và xây dựng thành một thành phố hiện đại kiểu phương Tây, kể từ giữa thế kỷ 19.

Bắt đầu với tham vọng của các Đô đốc hải quân Pháp mong muốn biến Sài Gòn thành “Hòn ngọc Viễn Đông”, tiền đồn thịnh vượng của đế quốc Pháp ở Châu Á. Kinh qua các bước thăng trầm của hai cuộc Thế chiến, các cuộc chiến tranh Đông Dương với Pháp và Mỹ, rồi trở thành trung tâm kinh tế lớn nhất nước sau 1975. Bước vào kỷ nguyên mới và trong xu thế hình thành một Vùng Đại Đô thị nằm tại ngã ba đường giao thương quốc tế hàng đầu ở Đông Nam Á, phải chăng TP.HCM đang chuyển mình thành một Thượng Hải khác ?

 

Với tư thế một nhà nghiên cứu kiến trúc-đô thị, một nhân chứng sống về các sự kiện lịch sử diễn ra dồn dập tại thành phố này suốt trên nửa thế kỷ qua, kiến trúc sư – nhà quy hoạch Nguyễn Hữu Thái, nguyên chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn sẽ trình bày di sản quy hoạch-kiến trúc Sài Gòn-TP.HCM dưới góc nhìn xã hội-nhân văn, nghiên về lịch sử-văn hóa hơn là thuần kiến trúc-đô thị. Nội dung các bài viết do đó sẽ không dừng lại ở sự phát triển cơ sở vật chất của thành phố mà đồng thời ghi lại  những bối cảnh, sự kiện, nhân vật lịch sử gắn liền với các giai đoạn phát triển đó.

Mong rằng câu chuyện sẽ vẽ lên được một bức tranh toàn cảnh các bước  chuyển mình của thành phố, cũng như gửi gắm được các bài học kinh nghiệm cho các thế hệ trẻ trong ý hướng xây dựng một TP.HCM tương lai bền vững và tốt đẹp hơn.

Với trên dưới 20 chương nằm trong 3 phần: (1) Sài Gòn – Hòn ngọc Viễn Đông, (2) Cuộc bùng nổ đô thị trước 1975 và (3) Thành phố Hồ Chí Minh – một Thượng Hải mới, mong rằng  cuốn sách sẽ giúp bạn đọc ngoái nhìn lại quá khứ để từ đó vững tin hơn khi hướng bước về tương lai. 

Bìa sách NHT - SÀI GÒN- TP.HCM 17

Mục lục

Lời giới thiệu

Thay lời mở: Một thời Gia Định Thành   

Phần I- Sài Gòn – thời Hòn ngọc Viễn Đông  

-Sài Gòn thời Pháp thuộc (1859-1954) 

-Tại sao có tên “Hòn ngọc Viễn Đông”?

-Phương án quy hoạch Coffyn và các công trình kiến trúc tiêu biểu Pháp

-Biểu tượng văn minh Pháp: Dinh Phó Toàn quyền

-Hébrard với phong cách “Kiến trúc Đông Dương”

-Từng có đến 3 kiến trúc sư “Giải lớn La Mã” tham gia quy hoạch Sài Gòn

-Villa và nhà phố thời Pháp

Phần II- Sài Gòn và cuộc bùng nổ đô thị lần thứ nhất 

-Sài Gòn thời Mỹ trước năm 1975

-Từ Dinh Norodom đến Hội trường Thống nhất

-Những kiến trúc sư tài danh Sài Gòn trước 1975

-Mở hướng đông bắc qua xa lộ Sài Gòn-Biên Hòa

-Từ nhóm quy hoạch quốc tế Doxiadis đến các phương án hậu chiến

-Hướng phát triển về bán đảo Thủ Thiêm

-Biệt thự kiểu mới, chung cư, nhà ổ chuột

Phần III- TP.HCM và xu thế hình thành một Vùng đại đô thị

-Cuộc bùng nổ đô thị lần thứ hai

-các phương án phát triển mới ở TP.HCM

-Nhà ở đô thị trong giai đoạn mới

-Đối mặt với các vấn nạn ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm

-Điểm đến của các kiến trúc sư hàng đầu thế giới

-TP.HCM sẽ là một Thượng Hải khác

Thay lời kết:

Đi tìm cái hồn đô thị Sài Gòn 

Về tác giả Nguyễn Hữu Thái

Đào tạo tại các trường Kiến trúc và Luật khoa, Viện Đại học Sài Gòn (trước 1975)

Đào tạo tại các trường Kiến trúc và Luật khoa, Viện Đại học Sài Gòn (trước 1975)

Kiến trúc sư – đô thị gia Nguyễn Hữu Thái nguyên là chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (1963-1964), thành viên Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nghiên cứu Việt Nam học. Đã có trên 40 năm kinh nghiệm hợp tác nghiên cứu, thiết kế và giảng dạy tại Việt Nam, Đông Á, Bắc Mỹ và Tây Âu. Hiện thỉnh giảng chuyên đề kiến trúc-đô thị tại các đại học trong nước, tham luận tại các hội thảo quốc tế.

Đã viết các sách về kiến trúc-đô thị và thanh niên:

Hành trang bước vào thiên niên kỷ (2001), Những vấn đề kiến trúc đương đại Việt Nam (2002), Xu hướng mới kiến trúc-đô thị thế giới & Việt Nam thời hội nhập (2003), Thư gửi bạn trẻ – khơi dậy nguồn lực để vươn lên (2007), Chuyện ít biết về ngày giải phóng Sài Gòn 30/4/1975 (2013), Hành trình của một sinh viên Sài Gòn từ chiến tranh đến hòa bình (2013), 30/04/75, Saigon – sự kiện & đối thoại (2015).

Đồng tác giả:

Nhà ở nông thôn Nam Bộ (1984), Thế hệ kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên (2008), Nửa thế kỷ kiến trúc Việt Nam (2010).