30/04/2020

Rút gọn các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong xây dựng là việc làm cấp thiết

Chỉ tính riêng trong lĩnh vực xây dựng – bất động sản, có tới 12 luật và trên 20.000 tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan chi phối. Để tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong giai đoạn khó khăn này, việc rút gọn các quy chuẩn, tiêu chuẩn trong xây dựng là việc làm cấp thiết, cần sớm hoàn thiện.

“Bội thực” về quy chuẩn?
Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Trần Nam cho biết, xây dựng – bất động sản là lĩnh vực chịu nhiều ảnh hưởng từ điều chỉnh của Luật và các quy chuẩn. Các hoạt động đầu tư xây dựng chịu sự điều chỉnh của khoảng 12 Luật khác nhau và rất nhiều Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành.
“Ngoài ra, còn có hơn 20.000 tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, từ khâu xác định chủ trương đầu tư, nhu cầu vốn, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư xây dựng và kết thúc đầu tư xây dựng đưa dự án vào vận hành khai thác, khiến cho áp lực về quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với mỗi dự án là rất lớn” – ông Nam cho hay.
Rút gọn các quy chuẩn, tiêu chuẩn sẽ giúp DN tiết kiệm chi phí, giảm thời gian thực hiện dự án. (Ảnh: Doãn Thành)

Rút gọn các quy chuẩn, tiêu chuẩn sẽ giúp DN tiết kiệm chi phí, giảm thời gian thực hiện dự án. (Ảnh: Doãn Thành)

Theo KS Lê Hồng Hiếu – Tổng hội Xây dựng Việt Nam, việc có quá nhiều quy định về pháp lý đang gây ra nhiều hệ quả lớn, gia tăng thời gian và chi phí tuân thủ, làm lỡ cơ hội đầu tư, tăng rủi ro đối với hoạt động kinh doanh của DN. Các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, kinh doanh, vận hành BĐS còn nhiều điểm chồng chéo, mâu thuẫn.
“Những quy chuẩn, tiêu chuẩn chồng chéo nhau gây bất lợi cho người dân và DN, bất cấp trên cần phải sớm được sửa đổi, hoàn thiện, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay dịch bệnh đang làm đình trệ tất cả các hoạt động của nền kinh tế. Để giúp cho DN sớm khôi phục lại được hoạt động sản xuất, kinh doanh thì sự hỗ trợ về tài chính từ Chính phủ là chưa đủ, việc giảm bớt các thủ tục liên quan đến giấy tờ hành chính” – ông Hiếu nhìn nhận.
Xã hội hóa công tác thẩm định
Mới đây, Bộ Xây dựng đã có báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của Đề án hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng theo Quyết định số 198/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (hay còn gọi là Đề án 198 – PV).
Từ năm 2018 đến nay, Ban Chỉ đạo đã phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án, bao gồm 11 nhiệm vụ cụ thể của Đề án. Trong đó, 2 nhiệm vụ quan trọng, có tính căn bản là lập danh mục hệ thống quy chuẩn kỹ thuật xây dựng tới năm 2025 và lập quy hoạch hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ngành Xây dựng tới năm 2030.
Vụ trưởng Vụ KHCN&MT (Bộ Xây dựng) Vũ Ngọc Anh cho biết, các Bộ, ngành đã họp bàn và thống nhất sẽ rút gọn 29 quy chuẩn xây dựng hiện hành xuống còn khoảng 13 quy chuẩn (QCVN), các tiêu chuẩn cũng được rà soát để rút gọn lại.
“Về hệ thống tiêu chuẩn, số liệu do Tổng cục Đo lường Chất lượng và Viện Khoa học công nghệ xây dựng cung cấp có khoảng 1.504 tiêu chuẩn xây dựng (TCVN). Nhưng qua rà soát đã phát hiện 256 tiêu chuẩn trùng lặp nên thực tế chỉ còn 1.248 tiêu chuẩn. Trong đó, Bộ Xây dựng sẽ chịu trách nhiệm biên soạn khoảng 1.068 tiêu chuẩn. Các bộ, ngành khác sẽ biên soạn khoảng 180 tiêu chuẩn còn lại” – ông Vũ Ngọc Anh cho hay.
Đánh giá về việc rút gọn các quy chuẩn, tiểu chuẩn kỹ thuật trong xây dựng, KS Lê Hồng Hiếu cho rằng, việc sửa đổi ở thời điểm này không phải là sớm nhưng cũng chưa phải là quá muộn. Khi những quy chuẩn mới được ban hành cần tiếp tục có sự phân cấp cho các địa phương để thực hiện.
“Việc tăng cường phân cấp cho các địa phương là cần thiết, nhưng theo tôi Nhà nước nên cân nhắc việc xã hội hóa công tác thẩm định, để giảm thời gian cho các DN. Cũng không phải quá lo lắng về việc chất lượng các công trình trôi nổi nếu để xã hội hóa công tác thẩm định kỹ thuật, vì Nhà nước vẫn nắm khâu hậu kiểm” – ông Hiếu nói.
Doãn Thành/Kinh tế Đô thị