07/09/2017

Rào cản trong tiếp cận công trình cho người Điếc và người Khiếm thính

Với 2.5 triệu người Điếc và Khiếm thính ở Việt Nam quan tâm tới những khía cạnh nào của xây dựng và thiết kế công trình? Giải pháp nào cho nhóm người này ?

Trên thế giới có khoảng 1 tỷ người khuyết tật, chiếm 7.3% tổng dân số, trong đó có khoảng 70 triệu người Điếc và Khiếm thính. Ở Việt Nam con số này là 7.3 triệu người khuyết tật, bao gồm 2.5 triệu người Điếc và Khiếm thính. Cộng đồng người Điếc là những người hoàn toàn không “nghe, nói” và chỉ sử dụng ngôn ngữ ký hiệu như phương tiện để giao tiếp chính. Trong khi đó người nghe kém, người suy giảm thính lực, hay theo cách gọi trong Quan điểm Văn Hóa – người Khiếm thính, người Một nửa là những người vẫn có khả năng “nghe, nói” và giao tiếp bằng ngôn ngữ lời nói, đồng thời có thể sử dụng hoặc không sử dụng ký hiệu ở mức phụ trợ.

Việc phân định rõ giữa người Điếc và người Khiếm thính là rất quan trọng vì nó giúp chỉ ra sự khác biệt trong nhu cầu về kiến trúc giữa hai nhóm đối tượng này. Trong khi kiến trúc dành cho người Điếc chú trọng vào độ tương phản màu sắc giữa sàn, trần và tường cũng như khả năng mở rộng tầm quan sát và các phương tiện báo hiệu bằng ánh sáng thì kiến trúc dành cho người Khiếm thính tập trung khai thác tính năng cách âm của vật liệu xây dựng…

Hình 2 – Lớp học tại trường Khiếm Thính tỉnh Lâm Đồng. Cách bố trí chỗ ngồi cho học sinh theo hình chữ U giúp tăng cường khả năng tiếp thu của trẻ.

 

Hình 3 – Trường Elb dạy trẻ Điếc và Khiếm thính Hamburg, CHLB Đức là một công trình tiêu biểu cho kiến trúc tiếp cận.
Hình 4 – Màu sắc, kết cấu không gian, chất liệu của ngôi trường có ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của học sinh người Điếc và Khiếm thính.

Theo khảo sát về “Thực trạng kiến trúc tiếp cận dành cho người Điếc và Khiếm thính trên địa bàn Hà Nội” do dự án Hòa nhập Xã hội thực hiện vào tháng 4 vừa qua tại Chi hội người Điếc Hà Nội, ở Việt Nam hiện nay kiến trúc tiếp cận dành cho người khuyết tật nói chung và người Điếc, người Khiếm thính nói riêng rất khó để phát triển. Vì ngay đến kiến trúc thông thường để người tham gia giao thông tiếp cận được như vỉa hè cho người đi bộ còn bị lấn chiếm thì điều này càng khó khăn hơn với các nhóm đối tượng yếu thế. Tuy nhiên thực tế này sẽ không gây trở ngại cho triển vọng phát triển các công trình kiến trúc thân thiện, đáp ứng nhu cầu của người Điếc và người Khiếm thính trong tương lai.

Sự ra đời của quy chuẩn Xây dựng Việt Nam áp dụng đối với thiết kế công trình không rào cản QCXDVN 10:2014 Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng là khởi đầu cho việc nhìn nhận đúng mức nhu cầu của nhóm đối tượng yếu thế này, cùng với hàng loạt cam kết của chính phủ Việt Nam đối với việc thực thi Công ước Quốc tế về Quyền của Người Khuyết tật. Những bước tiến về chính sách và phát luật nói trên vô hình chung mở ra một xu hướng mới cho các kiến trúc sư “dấn thân khai phá”. Kỳ vọng trong tương lại không xa, các trường học, các công trình công cộng và dân sinh với thiết kế đột phá cho người sử dụng là người Điếc và Khiếm thính sẽ xuất hiện ở Việt Nam đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng xã hội và rất có thể mang lại danh tiếng cho quốc gia trong xu thế kiến trúc tiếp cận toàn cầu.

Nhằm góp phần thúc đẩy môi trường xây dựng đảm bảo tiếp cận và đem lại cuộc sống độc lập, hạnh phúc cho người khuyết tật nói chung và cộng đồng người Điếc và người Khiếm Thính nói riêng, đồng thời chia sẻ về công trình tiêu biểu – trường Elb dạy trẻ Điếc và Khiếm thính Hamburg, CHLB Đức, dự án Hòa nhập Xã hội tổ chức Hội thảo “Kiến trúc với người Điếc & người Khiếm thính – Các giải pháp Kiến trúc và Kỹ thuật thúc đẩy hòa nhập cuộc sống cho người Điếc và người Khiếm thính”.

Hội thảo được tổ chức vào 8 giờ 30 – 12 giờthứ Bảy – 16/09/2017 tại Panasonic Risupia Vietnam, tầng 2, tòa nhà Sunrise, 90 Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội với sự tài trợ của Công ty TNHH Panasonic Việt Nam và tổ chức phi chính phủ Schmitz-Stiftungen CHLB Đức. Để tham gia hội thảo, vui lòng đăng ký tại http://bit.ly/HoiThaoKienTrucTiepCan

Nguồn: Dự án Hòa nhập xã hội