21/06/2019

Ra mắt cuốn sách Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (1979-1989) – Góc nhìn báo chí

Sáng 19/6, tại Hà Nội, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam (MT&ĐTVN) phối hợp với Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông tổ chức ra mắt cuốn sách Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc (1979-1989) – Góc nhìn báo chí.

Sự kiện hướng tới kỉ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2019) và 72 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2019)

Chủ trì buổi gặp gỡ báo chí có tiến sĩ Đồng Xuân Thụ – Tổng biên tập MT&ĐTVN và tiến sĩ Lê Quang Long (đồng chủ biên); Đại tá, cựu chiến binh, Nhà văn Đặng Vương Hưng; Đại tá, cựu chiến binh, nhà báo Ngô Văn Học, nguyên Tổng biên tập Báo Quân khu 1 và các cựu chiến binh trực tiếp tham gia cuộc chiến vệ quốc bảo vệ biên giới phía Bắc.

Tiến sĩ Đồng Xuân Thụ Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phát biểu tại buổi ra mắt sách

Tiến sĩ Đồng Xuân Thụ Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phát biểu tại buổi ra mắt sách

Tiến sĩ Đồng Xuân Thụ chia sẻ, để làm nên cuốn sách này, các nhà văn, nhà báo, nhóm sưu tầm, biên soạn đã phải trải qua một quá trình chuẩn bị và biên soạn công phu.

Tháng 1/2019, Tạp chí MT&ĐTVN đã phối hợp với nhóm cựu chiến binh quân đoàn 14 tổ chức giới thiệu cuốn sách Những người đi giữ biên cương và đã gây được tiếng vang lớn trong dư luận xã hội. Tuy nhiên cuốn sách chỉ giới hạn một số tác phẩm theo thể loại văn học đã xuất bản trong giai đoạn 1979-1989 và nội dung chỉ phản ánh trong địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Tháng 2/2019, tạp chí tổ chức buổi gặp mặt đồng đội, các cựu chiến binh đến từ 6 tỉnh biên giới phía Bắc. Tại buổi gặt mặt, các cựu chiến binh đã đề xuất ý tưởng về tập sách Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc để ghi lại lịch sử và tri ân hàng ngàn cựu chiến binh đã tham gia bảo vệ đất nước.

Những bài viết trong cuốn sách không liệt kê con số, hay thông tin về nhân vật, sự kiện xung quanh cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới (1979 – 1989) mà hầu hết đều có “vấn đề” của lịch sử. Các tác giả đồng thời cũng là những nhà nghiên cứu đã cung cấp cho bạn đọc những “góc khuất” của sự kiện, đằng sau số phận nhân vật và những nội dung mang tính “thâm cung bí sử,” giải mã những bí ẩn của lịch sử. Cuốn sách được coi là một nguồn tư liệu lịch sử để sử dụng trong giảng dạy, nghiên cứu.

Đại tá, cựu chiến binh, nhà báo Ngô Văn Học, nguyên Tổng biên tập Báo Quân khu 1 đánh giá: Cuốn sách Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc (1979-1989) – Góc nhìn báo chí với hướng đi mới, cung cấp cho độc giả cái nhìn toàn cảnh, đa chiều về chân dung những người lính bình dị và kiên cường trong cuộc chiến, những mất mát, hi sinh của những người đã nằm lại. Bên cạnh đó là tầm ảnh hưởng của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới. Cuốn sách như một món quà tri ân tới các cựu chiến binh, các gia đình thương binh liệt sĩ, những người đã từng trực tiếp tham gia vào cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.

Trong buổi gặp mặt, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy – Quyền tư lệnh Quân khu 2 cho rằng, cuốn sách là một tư liệu lịch sử đáng tin cậy để chúng ta nhìn nhận lại lịch sử một cách không lảng tránh. Đồng thời, cuốn sách là sự ghi nhận công lao của những người chiến sĩ chống xâm lược và là nguồn năng lượng khổng lồ cho thế hệ sau nuôi dưỡng truyền thống yêu nước, quật cường trong sự nghiệp xây dựng đất nước.

Bình Nguyên/Văn nghệ quân đội