13/06/2017

Quy hoạch xây dựng đã có sự tích hợp cao độ mọi ngành kinh tế xã hội

Chiều 12/6, Quốc hội biểu quyết việc điều chỉnh chương trình kỳ họp thứ 3. Một trong những nội dung được Quốc hội thống nhất là lùi việc thông qua dự thảo Luật Quy hoạch tại kỳ họp này. Lý do là qua thảo luận còn nhiều ý kiến khác nhau, dự thảo Luật có nhiều vấn đề, liên quan đến ít nhất 45 Luật hiện hành, cần có thời gian tham gia sâu, đánh giá của các cơ quan liên quan chịu tác động. Do đó, dự thảo Luật này cần được nghiên cứu sâu để hoàn thiện và tiếp tục xem xét vào kỳ họp thứ 4 của Quốc hội.

Trước đó, ngày 8/6, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam (VUPPA) Trần Ngọc Chính đã có công văn gửi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về việc góp ý dự thảo Luật Quy hoạch trình Quốc hội tháng 5/2017.

Trong công văn, ông Trần Ngọc Chính cho biết: Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam là tổ chức xã hội nghề nghiệp về công tác quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị, được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập theo Quyết định số 24/1998/QĐ-TTg ngày 02/02/1998 hoạt động trong phạm vi cả nước.

Hội thống nhất cần ban hành Luật Quy hoạch trên cơ sở quán triệt tinh thần Nghị quyết 13/NQ-TW ngày 16/01/2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI để giải quyết những tồn tại về quy hoạch đang diễn ra trong thực tiễn, để tạo thuận lợi cho hội nhập, phát triển trong giai đoạn tới.


Ảnh: KTS Nguyễn Phú Đức

Trong quá trình 5 năm vừa qua, dự thảo Luật Quy hoạch đã được Hội tham gia, đóng góp ý kiến, song qua nghiên cứu dự thảo lần này, Hội thấy vẫn còn tồn tại và cần được xem xét trước khi trình Quốc hội thông qua. Bởi vậy, Hội đã tổ chức hội thảo, mời các chuyên gia trao đổi và mong muốn được báo cáo với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội một số nội dung.

Thứ nhất, về nhận thức và khái niệm quy hoạch, kế hoạch: Đối với nước ta “kế hoạch” và “quy hoạch” là hai phạm trù khác hẳn nhau. Hơn nửa thế kỷ qua (1954-2005), nước ta chỉ có Quy hoạch vùng (mà nay gọi là Quy hoạch xây dựng vùng), Quy hoạch đô thị và Quy hoạch nông thôn (mà nay gọi là Quy hoạch xây dựng nông thôn).

Loại hình quy hoạch này phù hợp với thông lệ quốc tế, được gọi là quy hoạch không gian hoặc quy hoạch vật thể, mà ở nước ta những năm gần đây gọi chung là Quy hoạch xây dựng để phân biệt với Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội. Thời kỳ này, nước ta không có Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, mà chỉ có Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.

Ngày 07/9/2006, Chính phủ ban hành Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có quy định loại hình Quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, Quy hoạch phát triển ngành, Quy hoạch phát triển nhóm sản phẩm chính, mà trước đó loại hình này chính là Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Loại hình quy hoạch mới này thuộc loại quy hoạch phi vật thể, kế hoạch phi vật thể, ít phù hợp với thông lệ quốc tế và dẫn đến sự chồng chéo giữa các loại quy hoạch.

Trong quy hoạch vật thể (gồm quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn), khi lập quy hoạch đã là sự tích hợp cao độ mọi ngành kinh tế xã hội (nhân khẩu học, dân số, đất đai, tài nguyên, giao thông, cấp nước, thoát nước, quản lý chất thải, nhà ở, công sở, bệnh viện, công trình văn hóa, thể dục thể thao, du lịch, trường học, đại học, cao đẳng, nhà máy, xí nghiệp, công viên, cây xanh, cấp điện, chiếu sáng, kinh tế, tài chính, an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đối khí hậu…).

Hơn 60 năm qua, nhiều đồ án quy hoạch xây dựng vùng (hệ thống đô thị-nông thôn), quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn góp phần làm cho bộ mặt các đô thị ngày càng khang trang, hiện đại, đóng góp tới trên 70% cho GDP của đất nước.

Đối với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, sự phối hợp với quy hoạch phát triển ngành còn thiếu đồng bộ, cần có sự phối kết hợp chặt chẽ và đồng bộ hơn. Mặc dù loại quy hoạch này ít theo thông lệ quốc tế, song đang tồn tại song hành với quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng ở nước ta.

Do đặc thù khác nhau giữa Quy hoạch vật thể (được lập bởi các kiến trúc sư, các nhà quy hoạch vùng – đô thị – nông thôn, được đào tạo từ các trường đại học, cao đẳng về kiến trúc, xây dựng trong và ngoài nước) và Quy hoạch phi vật thể (được lập bởi các nhà kinh tế, kế hoạch, kinh tế ngành, các ngành về xã hội, văn hóa được đào tạo từ các trường đại học, cao đẳng về kinh tế quốc dân, văn hóa, xã hội trong và ngoài nước) nên 2 loại hình này cần được phát triển song hành, trên cơ sở quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương, phù hợp chức năng, nhiệm vụ của mỗi Bộ, ngành được Chính phủ giao.


Ảnh: KTS Nguyễn Phú Đức

Tuy nhiên, dự thảo Luật Quy hoạch (tháng 5/2017) chưa phản ánh đúng tinh thần của Nghị quyết số 13/NQ-TW về sự song hành chủ quan và khách quan của 2 loại hình quy hoạch vật thể/quy hoạch xây dựng và quy hoạch phi vật thể/quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, phát triển ngành ở Việt Nam.

Thứ hai, về tính khả thi của Luật Quy hoạch, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam thống nhất cần tích hợp một số nội dung trong dự thảo Luật Quy hoạch, song trong giai đoạn sắp tới cần chọn nội dung tích hợp ở cấp độ nào để đảm bảo hợp lý về thời gian lập, thẩm định, phê duyệt với sự thống nhất cao của ngành liên quan. Hội đồng thẩm định cần xác định rõ vai trò của các Bộ, Ngành trong quá trình tích hợp để không tác động lớn đến tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước hiện nay.

Luật Quy hoạch nếu ban hành như dự thảo hiện nay thì sẽ phải điều chỉnh không chỉ là 32 Luật với 192 điều như đề xuất mà sẽ tác động đến hơn 50 Luật, gần 60 Nghị định. Như vậy, với Dự thảo này thì hiệu lực thi hành của Luật Quy hoạch đề xuất từ 01/01/2019 là không khả thi và sẽ làm xáo trộn hệ thống pháp luật hiện hành.

Từ tồn tại của dự thảo Luật Quy hoạch nêu trên, Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng bản dự thảo tháng 5/2017 cần sửa đổi nhiều nội dung (tích hợp, cấp độ quy hoạch cần tích hợp, hội đồng thẩm định, hiệu lực thi hành…) để đảm bảo tính khả thi của Luật.

Ảnh: KTS Nguyễn Phú Đức

Thứ ba, về cải cách thủ tục hành chính, theo cách tiếp cận của dự thảo Luật Quy hoạch sẽ dẫn đến việc tập trung một đầu mối là Bộ Kế hoạch và Đầu tư từ khâu lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch. Điều đó thể hiện sự tập trung quyền lực về một Bộ, ngành, không kế thừa thực tiễn quản lý ở nước ta hơn 60 năm qua, có thể nảy sinh các bất cập trong quá trình triển khai thực hiện. Đồng thời sẽ kéo dài thời gian lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch và phát sinh các thủ tục hành chính khi quy hoạch tích hợp phải thực hiện các quy trình góp ý kiến từ các Bộ, ngành, địa phương.

Với những lý do trên, Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam kiến nghị: Trong dự thảo Luật Quy hoạch trình Quốc hội lần này, mặc dù đã tiếp thu ý kiến góp ý, song vẫn còn một số nội dung chưa rõ ràng, chưa hoàn chỉnh. Để quán triệt đầy đủ tinh thần của Nghị quyết 13/NQ-TW, phát huy kết quả quá trình nghiên cứu công phu vừa qua, Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc việc hoàn chỉnh dự thảo Luật Quy hoạch trước khi trình Quốc hội thông qua.

Quý Anh/BXD