02/06/2021

Quy hoạch phân khu Sông Hồng – Để mục tiêu không chỉ là lời ca trên bản vẽ!

(KTVN 234) – Sau 13 năm mở rộng Hà Nội, 34/35 đồ án quy hoạch phân khu đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Đến nay, Sông Hồng – Đồ án quy hoạch phân khu (QHPK) cuối cùng được Mong ước và Khó khăn nhất cũng đang đi đến hồi kết. Mặc dù đồ án QHPK Sông Hồng lần này mới chỉ là định hướng cho các quy hoạch chi tiết và các dự án cụ thể triển khai sau này, nhưng nếu định hướng không rõ hoặc mới chỉ dừng ở các con chữ dạng khẩu hiệu thì tính khả thi sẽ không có cơ hội chạm đến với cuộc sống thật của cư dân cũng như sự phát triển bền vững của đô thị Hà Nội với trọng trách là Thủ đô của đất nước Việt Nam. 

Đồ án Quy hoạch phân khu (QHPK) Sông Hồng có ba mục tiêu chính, đó đều là những bài toán hóc búa, liên hệ chặt chẽ với nhau mà nếu không giải quyết được chuỗi mắt xích liên kết này thì mục tiêu vẫn sẽ nằm lại cùng bản vẽ. Đó là: (1) Chỉnh trị dòng sông; (2) Xây dựng trục cảnh quan không gian cây xanh – mặt nước và (3) Nâng cao chất lượng đời sống dân cư khu vực.

Có rất nhiều chuyên gia đa lĩnh vực, nhà quy hoạch, hoạch định chính sách, cơ quan quản lý chuyên ngành các cấp đề xuất và đóng góp ý kiến cho đồ án QHPK này. Bài viết là suy nghĩ riêng với mong muốn các mục tiêu của đồ án khả thi, tiếp cận gần và dễ dàng trở thành hiện thực hơn.

CHỈNH TRỊ DÒNG SÔNG

Đây có thể coi là yếu tố mang tính tiên quyết của đồ án. Mặc dù Sông Hồng được đưa vào tất cả quy hoạch chung (QHC) trước đây của Hà Nội nhưng để nghiên cứu bài bản, cụ thể, thực sự chỉ có thể tính từ Dự án “Quy hoạch cơ bản phát triển Sông Hồng đoạn qua Hà Nội” hợp tác giữa hai thành phố Hà Nội và Seoul tháng 9/2006, cách đây 15 năm (trước khi Hà Nội mở rộng ranh giới hành chính, sáp nhập tỉnh Hà Tây và một phẩn của tỉnh Hòa Bình tháng 8/2008).

Bãi giữa sông Hồng với phù sa màu mỡ

Bãi giữa sông Hồng với phù sa màu mỡ

Khác với nhiều dòng sông trên thế giới, tuy vị trí cũng nằm giữa lòng đô thị nhưng Sông Hồng lại không phải lúc nào cũng hiền hòa và dễ chế ngự. Khu vực hai bên Sông Hồng đoạn qua Hà Nội luôn bị hư hại, yếu ớt khi có lũ. Người dân cư trú tại khu vực sông và lòng sông biến đổi mạnh. Chính vì vậy, trong nghiên cứu ý tưởng về quy hoạch cơ bản Sông Hồng thì tiêu chí chỉnh trị Sông Hồng được đưa lên hàng đầu, mang tính quyết định trước 03 tiêu chí khác là phát huy lợi thế cảnh quan, sắp xếp ổn định dân cư khu vực và khai thác hiệu quả quỹ đất hai bên Sông Hồng xây dựng phát triển đô thị bền vững.

Từ khi con Sông Hồng hình thành đến nay vẫn còn những dấu tích sự biến thiên dòng chảy trên địa bàn Hà Nội như Hồ Tây, Hồ Hoàn Kiếm, các bãi bồi, bãi giữa, bên lở, bên bồi. Liên quan đến sự thay đổi mực nước, dòng chảy và hành lang thoát lũ là hệ thống đê, đặc biệt là thủy điện đầu nguồn trước khi chảy vào Việt Nam cũng như các thủy điện, hồ đập chứa nước phía thượng lưu Sông Hồng trước khi chảy vào Hà Nội. Trước khi phê duyệt các dự án xây dựng này đều có các kịch bản ngập lụt cho các vùng ảnh hưởng, trong đó có Hà Nội.

Liên quan đến Sông Hồng, phải sau nửa thế kỷ chúng ta mới hoàn thành việc xây dựng các công trình thủy điện quy mô lớn: Thác Bà (1964-1971), Sông Đà (1979-1994), Sơn La (2005-2012)… nhưng từ khi có chính sách phát triển thủy điện vừa và nhỏ, chỉ trong vòng chưa đầy chục năm trở lại đây, với trên 115 thủy điện lớn nhỏ (Sông Đà 47, Sông Lô 17, Sông Gâm 16, Sông Chảy 14, các ngòi Phát, Bo, Nhù 17 và các phụ lưu khác 8) đã ngăn Sông Hồng thành các khúc và lưu vực, phá hỏng giao thông thủy trên Sông Hồng. Đồ án QHPK lần này là cơ hội làm rõ kịch bản tổng thể ngập lụt của hệ thống thủy điện Sông Hồng và các lưu vực để xác định hành lang thoát lũ, trong đó có đoạn qua Hà Nội (13 quận huyện, 11 ngàn ha và trên 40km chiều dài hai bên sông).

Kinh nghiệm chỉnh trị dòng sông, tăng cường lưu thoát nhanh, giảm thiểu tác động của dòng chảy, hạn chế việc xói lở như sông Danube chảy qua các nước Đông Âu đã được uốn thẳng… cũng nên được tham khảo để có quy hoạch thủy lợi, đê điều khoa học, đồng thời biến khoảng không gian uốn lượn hiện nay của Sông Hồng thành các không gian chức năng mới phục vụ cộng đồng, nâng cao chất lượng sống dân cư, nhất là khu vực trong đê thuộc đô thị lịch sử hiện hữu (các quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng) bờ Nam Sông Hồng cũng như khu sạt lở bên quận Long Biên, các huyện Đông Anh, Gia Lâm… bên bờ Bắc đối diện.

Cốt cao độ hai bên sông phần trong đê thuộc hành lang thoát lũ (từ đê +11.000m dốc thấp dần ra bờ sông 4-5m) là những dữ liệu cho việc nghiên cứu sâu hơn các tuyến đường ngang xương cá, vuông góc với Sông Hồng, thấp hơn các đường dọc đê để vừa là chức năng giao thông, vừa là hệ thống thoát khi có mưa, lũ. Giải pháp này khả thi hơn quy định hiện nay (tầng 1 cột trống để thoát nước) mà không công trình nào thực hiện được ngay cả các công trình xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách ở khu vực này.

Khi xác định được kịch bản ngập lụt, hành lang thoát lũ tối đa, nắn dòng chảy sông giảm thiểu tác động bờ lở, thoát lũ nhanh… thì đồ án quy hoạch mang giá trị tổng thể này có thể hoạch định được tuyến đê mới, vật liệu bê tông an toàn, thay thế đê bằng đất đắp cũ, mở ra không gian đất mới cho các chức năng giao thông liên kết dọc đê, quy hoạch khu đất mới thành công viên hoặc đơn vị ở tạm cư – tái định cư tại chỗ cho cư dân hiện hữu theo hướng hiện đại, chất lượng như mục tiêu của đồ án.

Thực tế hiện nay, một số khu vực đê (đoạn đường Âu Cơ từ Yên Phụ lên phía Lạc Long Quân) đã thay thế đê đất đắp bằng vách đê bê tông, hạ cốt mặt đê cũ để cải tạo thành tuyến giao thông dọc ven đê nhưng cách làm này mới chỉ là giải pháp đáp ứng nhu cầu về giao thông.

Tổng quan quy hoạch không gian hai bên Sông Hồng

Tổng quan quy hoạch không gian hai bên Sông Hồng

XÂY DỰNG TRỤC CẢNH QUAN KHÔNG GIAN CÂY XANH – MẶT NƯỚC

Đây là yếu tố quan trọng, đặc trưng của đồ án QHPK Sông Hồng.

Nguyên tắc xây dựng đồ án QHPK Sông Hồng là phù hợp QHC xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, theo đó đã xác định “Khu vực hai bên Sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm của Thủ đô, là nơi bố trí các công viên, công trình văn hóa, giải trí lớn để tổ chức những sự kiện có ý nghĩa của Thủ đô. Khai thác, kế thừa Quy hoạch Cơ bản phát triển Sông Hồng đoạn qua Hà Nội, tiếp tục nghiên cứu phát triển đồng bộ hai bên đoạn tuyến chảy qua Thành phố, ảnh hưởng tới trục không gian cảnh quan văn hóa – đô thị Hồ Tây – Cổ Loa. Trên dọc tuyến Sông Hồng, phần đất đoạn tuyến đi qua Tứ Liên không xây dựng công trình cao tầng làm ảnh hưởng tới trục không gian cảnh quan kết nối Hồ Tây – Cổ Loa”.

Phần thuyết minh trên thể hiện rất rõ cảnh quan nghiên cứu theo các phương diện Chiều dọc hai bên sông và Liên kết ngang: Sông Hồng với đô thị hiện hữu của Hà Nội.

Về cụ thể, cảnh quan lại bao gồm 02 yếu tố tạo thành: Cảnh quan tự nhiên (mặt nước, dòng chảy của sông, cốt cao độ, tầm nhìn từ các phía từ sông và đến sông…); Cảnh quan nhân tạo (công trình kiến trúc, công trình giao thông: cầu, đường, đê, cây xanh…).

Vậy hướng nào cho việc liên kết giữa QHPK Sông Hồng và đô thị QHC Hà Nội theo cả chiều dọc và chiều ngang. Định hướng: Đô thị ven sông, đô thị bên sông, đô thị quay mặt hay ngoảnh mặt với sông? Tất cả cần được làm rõ trên cơ sở các dữ liệu hiện có và khả thi trong tương lai.

Đình Chèm (Di tích cấp quốc gia đặc biệt tại Hà Nội) hướng ra Sông Hồng Đình Chèm (Di tích cấp quốc gia đặc biệt tại Hà Nội) hướng ra Sông Hồng

Đình Chèm (Di tích cấp quốc gia đặc biệt tại Hà Nội) hướng ra Sông Hồng

Cảnh quan tự nhiên

Sông Hồng gắn chặt và là một trong các yếu tố hình thành và phát triển của Thăng Long – Hà Nội.

Về địa lý và long mạch, thế đất “long chầu hổ phục” tại vùng đất Thăng Long – Hà Nội được tạo nên bởi hai mạch núi chính xuất phát từ đỉnh núi Ba Vì (phía Tây) và đỉnh núi Tam Đảo (phía Đông), cùng với dòng Sông Hồng chảy dọc theo trục Tây Bắc – Đông Nam, song song với mạch Tam Đảo tạo nên hình thế như một con rồng hùng vĩ, thả mình xuôi xuống phía đồng bằng châu thổ Sông Hồng. Theo đó, khu vực bờ Nam (bên bồi) của ngã ba Sông Hồng – sông Đuống nằm trong dải đất Phú Thượng – Nhật Tân quanh Hồ Tây chính là “Đầu rồng”, nơi sinh khí ngưng tụ và có các yếu tố cát tường được xem là đẹp nhất Hà Nội về phương diện phong thủy.

Phản ánh vị trí địa lý, tên gọi “Hà Nội” bắt đầu được dùng làm địa danh ở Việt Nam từ năm Minh Mạng thứ 12 (năm 1831) của tỉnh Hà Nội được “bao quanh bởi các con sông”: Sông Nhị (Sông Hồng) phía Đông Bắc và sông Thanh Quyết (sông Đáy) phía Tây Nam. Với quan niệm: Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cần lộ thì việc buôn bán theo đường thủy tại khu vực ven Sông Hồng thuận tiện và phát triển mạnh (khi chưa xây dựng đê ngăn). Các làng xóm, di tích lịch sử văn hóa, tín ngưỡng dọc hai bên sông cũng đã chứng minh sự phát triển của các điểm dân cư hai bên Sông Hồng.

Tuy nhiên, từ khi có đê đến nay thì về cốt hiện trạng khu vực trong đê (gồm lòng sông, hành lang thoát lũ và đê) và khu ngoài đê (khu đô thị lịch sử của Hà Nội), dễ dàng nhận thấy khu vực sát bờ sông thấp, cao dần lên phía đê (cốt +12.000) rồi lại xuống thấp ra khu dân cư đô thị lịch sử của Hà Nội nằm ngoài đê, chênh nhau đến tối thiểu 4-5m và khoảng cách rộng cả hàng trăm mét.
Việc xây dựng quá nhiều thủy điện với thiết kế đập thủy điện không có cửa xả đáy không chỉ làm mất đi lượng phù sa cung cấp cho các cánh đồng lúa hai bên sông khu vực đồng bằng Sông Hồng, mà còn làm thấp dần đáy sông và mất đi yếu tố chính của cảnh quan – Đó là lượng nước mặt, ảnh hưởng cả tưới tiêu cũng như giao thông thủy.

Việc nghiên cứu tổng thể chỉnh trị sông (dòng chảy, phạm vi hành lang thoát lũ, phần giữa đê mới – đê cũ) như phần trên cũng sẽ mở ra hướng tạo ra các không gian hoán đổi, điều tiết hoặc bổ sung khoảng trống giữa dòng sông nắn thẳng và khu dân cư hiện nay, tạo ra các công viên hai bên sông, vừa xây dựng hình ảnh cảnh quan cây xanh mới thu hút khách du lịch, vừa nâng cao chất lượng môi trường sống dân cư khu vực. Những hình ảnh này rõ nét và dễ nhìn hơn viễn cảnh về trục không gian cảnh quan văn hóa – đô thị Hồ Tây – Cổ Loa mà kể cả đi trên cầu hay máy bay cũng không thể bao quát hay hình dung được như cách miêu tả trên bản vẽ tỷ lệ 1/5.000 hiện nay của các nhà hoạch định, quy hoạch.

Việc đắp đất tôn cao cốt hai bên sông, tạo thành triền dốc cũng cần nghiên cứu chủng loại cây trồng phù hợp cảnh quan, điều kiện khi ngập nước; hình thức triền dốc tự nhiên không khô cứng, phù hợp với chức năng chủ yếu của khu vực.

Cầu Nhật Tân hiện đại

Cầu Nhật Tân hiện đại

Cảnh quan nhân tạo

Về phía bờ Nam Sông Hồng: Thực tế khi nhìn từ Sông Hồng thì các khu vực dân cư trong đê của các quận đô thị lịch sử có mật độ xây dựng cao, đa phần tự phát, lộn xộn mất mỹ quan, kể cả các khu tập thể của các đơn vị Nhà nước, khu phân lô phục vụ giải phóng mặt bằng (Đầm Trấu – Hai Bà Trưng).

Như vậy, nếu đề xuất xây dựng công trình theo hướng quay mặt ra sông ở ngay trên các tuyến phố dọc phía ngoài đê: Trần Khánh Dư, Trần Quang Khải, Yên Phụ, Âu Cơ… thì tầm nhìn khi giao thông thủy trên Sông Hồng cũng chỉ nhìn thấy các công trình có quy mô khoảng từ 9 tầng trở lên (công trình cao tầng). Điều này không phù hợp với quy định tại Quy chế quản lý khu phố cổ Hà Nội – quận Hoàn Kiếm liền kề (lớp ngoài 3 tầng 12m, lớp trong 4 tầng 16m). Nếu xây cao tầng trên các tuyến phố này ở các quận còn lại: Tây Hồ, Ba Đình, Hai Bà Trưng (đều nằm trong đô thị lịch sử) lại chất tải thêm hạ tầng kỹ thuật (giao thông) vốn đã yếu và thiếu hoặc hạ tầng xã hội (nếu chức năng nhà ở) đi ngược việc “Hạn chế phát triển nhà cao tầng và kiểm soát sự gia tăng dân số cơ học, giảm từ 1,2 triệu người xuống khoảng 0,8 triệu người” được xác định trong đồ án QHC Hà Nội đã phê duyệt năm 2011.

Nói như vậy, không có nghĩa không được xây dựng công trình cao tầng, cần xác định ở vị trí nào làm điểm nhấn, xây dựng thành biểu tượng, nơi nào thành tổ hợp, các yếu tố tạo nên nhịp điệu trong hình ảnh đô thị trong sự liên kết chung với đô thị Hà Nội.

Về bờ Bắc Sông Hồng: Sự liên kết Sông Hồng với không gian Hà Nội tương lai khu Phương Trạch là chưa rõ nét trong liên kết chung toàn đô thị. Tại khu đất phát triển liền kề cầu Nhật Tân (Tàm Xá, Vĩnh Ngọc), tổ chức không gian cần lưu ý hướng tới các dự án lớn cao tầng phía Bắc Sông Hồng, có thể tham khảo thêm ý tưởng năm 1998 trong việc khai thác yếu tố nước khi ngăn đập tại bãi Tàm Xá thành hồ chứa, tạo mặt nước soi bóng quanh năm, kể cả khi Sông Hồng cạn nước.

Việc tổ chức không gian các công trình tại Yên Phụ – Nhật Tân (bờ Nam) cũng như Tàm Xá (bờ Bắc) không đạt được mục tiêu tạo thành trục “ảo” kết nối không gian “xuyên tâm” từ đường Láng – Hòa Lạc qua hồ Tây đến Đông Hội, Xuân Canh sang Cổ Loa. Đây là một trục không gian quan trọng, có thể nhận biết khi có điểm nhìn từ các công trình cao tầng dọc sông hay quan sát từ trên máy bay.

Hai bên sông đã có những khu vực di tích văn hóa, lịch sử… nhưng cũng cần nghiên cứu tại các khu vực bãi nổi, bãi bồi, bãi giữa, đặc biệt là tại mũi Bắc Cầu – nơi phân luồng Sông Hồng và Sông Đuống để bổ sung các hình ảnh, biểu tượng thể hiện hào khí Thăng Long, Sông Hồng như cách làm của các nước khác.

Cảnh quan nhân tạo còn là hình ảnh của những cây cầu qua sông, cầu đi bộ… Kiến trúc nào cho cầu để vừa đáp ứng nhu cầu về giao thông, vừa tạo hình ảnh kiến trúc của Thủ đô theo định hướng Hiện đại và Đậm đà bản sắc dân tộc mơ hồ nhưng chắc chắn phải là các công trình tiêu biểu, đánh dấu thời đại xây dựng, chứ không thể là nhại cổ, nhang nhác bắt chước như hình ảnh đề xuất thời gian qua về cầu Trần Hưng Đạo.

Về giao thông: Việc tăng cường năng lực giao thông (mặt cắt lớn) dọc sông là cần thiết trong kết nối, nhưng cũng cần lưu ý, cân nhắc giữa các yếu tố: môi trường, độ ồn, bụi, cảnh quan. Nhìn chung, tổ chức giao thông trong nghiên cứu này mới chỉ khai thác chủ yếu hai tuyến giao thông “xương sống” dọc sông, còn lại các đầu mối giao thông của các tuyến giao thông “xương cá” từ Sông Hồng đấu nối các tuyến giao thông khu vực kế cận lại chưa được tính toán kỹ.

Kinh nghiệm Hàn Quốc trong đồ án cải tạo phục hưng sông Hàn đến nay cũng đang phải khắc phục hạn chế của quy hoạch trước như việc tổ chức giao thông cơ giới sát bờ sông làm cản trở sự tiếp xúc tự nhiên giữa con người và cảnh quan, dòng sông; Các dãy nhà cao tầng với mặt nhà dài bám chạy dọc mặt sông ngăn cản tầm nhìn và án ngữ cảnh quan sông; Triền đê không được chia thành nhiều cốt và được tổ chức cây xanh cảnh quan tự nhiên…

Sông Hàn (Seoul)

Sông Hàn (Seoul)

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỜI SỐNG DÂN CƯ KHU VỰC

Đây có thể coi là yếu tố thể hiện sự nhân văn, ưu việt của đồ án.

Bài toán cần lời giải đáp là chỉ rõ mỗi khu vực dân cư trong đê hiện có (đặc biệt là trong đô thị lịch sử) sẽ được giải quyết thế nào, có xây dựng mới để tái định cư hay vẫn giữ nguyên giao thông, công trình hiện có? Có bổ sung vành đai xanh phía ngoài, các công trình công cộng, dịch vụ tiện ích hỗ trợ khu ngoài đê (như quy chế quản lý khu phố Cổ đã nêu) hay không? Nếu di dời, tái định cư thì tại chỗ hay chuyển đến khu vực nào? Kế hoạch thực hiện lộ trình đó ra sao? Nguồn vốn thực hiện?

Hà Nội là đô thị đặc biệt nhưng cũng thật “đặc biệt” là sau 13 năm mở rộng địa giới hành chính và 10 năm phê duyệt QHC xây dựng Thủ đô lại không có bản tổng thể kế hoạch phát triển đô thị nên sự phát triển không kiểm soát như hiện nay làm cho đô thị nén càng bị chất tải. Các nhà đầu tư chỉ tập trung khai thác lợi thế các khu đất trong đô thị lịch sử, gần trung tâm để có được lợi nhuận riêng cho họ mà mất đi nguồn lực đầu tư các khu vực hoạch định theo QHC. Toàn bộ các khu đô thị vệ tinh, đô thị sinh thái đã không thể được thực hiện.

Đây cũng là điều mà các nhà hoạch định QHPK Sông Hồng lần này cần có những định hướng, kế hoạch cụ thể để các cấp chính quyền quản lý việc đầu tư xây dựng ngay từ bây giờ, đồng thời trình cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, tài chính, kêu gọi đầu tư thực hiện thành công các dự án đúng QHPK xác định. Nếu quy hoạch chỉ tập trung khai thác các quỹ đất hiện có 2 bên Sông Hồng thành các dự án, đơn vị ở mới (kể cả quy định mật độ xây dựng thấp) mà không có quy hoạch chỉnh trị (phần 1) và luôn quan tâm đến yếu tố cảnh quan chủ đạo (phần 2) thì ý đồ xây dựng trục cảnh quan cải tạo môi trường – Dải lụa XANH trên thực tế sẽ chỉ là mảnh vải vá hợp thức, ghép các dự án đã có, kể cả công trình xây dựng sai phép của mọi nhà đầu tư và người dân.

Việc khai thác các quỹ đất hai bên sông này nếu có cũng cần tính toán để đảm bảo sự kết nối ăn nhập với không gian hình thái tổng thể đô thị Hà Nội cũng như các khu vực phố phường, làng xóm liền kề. Mỗi khu đất cũng nên xem xét phân bổ các chức năng trọng yếu, quyết định theo tinh thần phục vụ cộng đồng chung, chức năng công cộng là chủ yếu, tạo cực hút phát triển đô thị. Có thể lợi nhuận của các nhà đầu tư sẽ giảm hoặc không có, nhưng bù lại, Thành phố có cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư “dũng cảm” đầu tư vào các khu chức năng này bằng cơ chế khuyến khích hoặc được ưu tiên khi đầu tư dự án tại các khu vực khác ngoài Sông Hồng.

Việc căn cứ các dữ liệu hành lang thoát lũ, tính toán kịch bản lũ lụt như phần 1 và phần 2 đã nêu để định hình tuyến đê mới sẽ tạo ra quỹ đất lớn giữa hai khu vực đê cũ – mới làm nguồn lực cho việc cải tạo, tái định cư khu dân cư trong đê cũng như bổ sung công viên cảnh quan hai bên sông, công trình dịch vụ hỗ trợ khu dân cư ngoài đê (phố cổ, phố cũ).

Khó khăn của dự án là sự quyết tâm và thời gian phê duyệt. Quốc hội, Thủ tướng sẽ phải có ý kiến chấp thuận về hành lang thoát lũ, việc điều chỉnh tuyến đê mới. Các vấn đề lớn khác như việc giải quyết số lượng lớn dân cư, vốn đầu tư xây dựng tuyến đê mới, công viên cây xanh phục vụ cộng đồng dân cư đều cần được làm rõ và có phương án cụ thể, khả thi. Những đề xuất như tập trung giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ chế kêu gọi và đầu tư xây dựng; lập một đơn vị đầu mối, đa quốc gia để tiến hành đầu tư xây dựng.

Mặt công trình nhà dân xây dựng tự phát tại quận Hoàn Kiếm quay ra sống

Mặt công trình nhà dân xây dựng tự phát tại quận Hoàn Kiếm quay ra sống

Càng rõ và kỹ bao nhiêu ở đồ án QHPK thì Quy hoạch chi tiết, dự án triển khai sau này mới không thể đi chệch hướng và kiểm soát phát triển mới đúng kế hoạch hoạch định. Với mục đích xây dựng một hình ảnh đô thị Thủ đô Hà Nội, tạo ra trục không gian chính của thành phố an toàn với lũ, đem lại sức sống mới với hướng phát triển thành phố quay mặt ra Sông Hồng và xây dựng thành phố tương lai đại diện vị thế của Thủ đô, có sức cạnh tranh quốc tế; Biến Sông Hồng thành không gian nghỉ ngơi của người dân thành phố, thuận tiện cho mọi người dân Thủ đô tiếp cận với tự nhiên… Mặc dù đồ án QHPK Sông Hồng lần này mới chỉ là định hướng cho các quy hoạch chi tiết và các dự án cụ thể triển khai sau này. Nhưng nếu định hướng không rõ hoặc mới chỉ dừng ở các con chữ dạng khẩu hiệu thì tính khả thi sẽ không có cơ hội chạm đến với cuộc sống thật của cư dân cũng như sự phát triển bền vững của đô thị Hà Nội với trọng trách là Thủ đô của đất nước Việt Nam.

Đây là một đồ án có độ phức tạp cao, đa mục tiêu, liên quan đến các Bộ, Ngành Trung ương và Hà Nội về thoát lũ, an toàn đê điều, an ninh quốc phòng, dân cư, du lịch, môi trường và phát triển đô thị. Khó chứ không phải là không thể. Hy vọng tầm nhìn hôm nay về cảnh quan Sông Hồng ngày mai xứng với năm 2050 mà QHC Hà Nội hướng tới. Tất cả các bài toán khó nếu được tập trung với tinh thần “Hà Nội cùng cả nước, cả nước vì Hà Nội” sẽ tháo gỡ, giải quyết được mọi nút thắt, hướng tới đô thị thông minh, phát triển bền vững./.

KTS Nguyễn Phú Đức