15/04/2020

Quy hoạch ngầm Hà Nội – Cơ hội làm giàu cho Thành phố

(KTVN) – Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm Hà Nội đã được lập sẽ được đồng bộ, tích hợp trong nội dung Quy hoạch thành phố Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045 như thế nào

Tích hợp đa ngành đầu tư công trình ngầm trong đô thị:

Xây dựng và vận hành công trình ngầm phải dùng công nghệ, kỹ thuật, thiết bị phức tạp nên chi phí đắt đỏ hơn nhiều so với trên mặt đất. Giá thành xây lắp ga đường sắt đô thị (ĐSĐT) trên cao là 12-15 triệu USD, còn ga ngầm 30-35 triệu USD, cao gấp 2-3 lần. Chi phí xây lắp đường ĐSĐT trên cao 10 triệu USD/km, trong khi tunnen ngầm là 75-80 triệuUSD/1km, cao gấp 7-8 lần. Các dự án ngầm có thể giảm chi phí GPMB, nhưng vẫn phải làm lại đường dây, đường ống ngầm tốn kém, do vậy chỉ làm ngầm tại trung tâm Thành phố, nơi mật độ hoạt động cao, giá đất đắt đỏ. Để giảm chi phí đầu tư, các công trình ngầm trong các thành phố phải khai thác đa mục đích.

Hình minh họa: Trích báo cáo của đoàn chuyên gia JICA (Nhật Bản) minh họa phương án ga Hà Nôi ngầm của Nikken Seikkei và đề xuất của Nhóm tư vấn CitySolution: tích hợp nhà ga ngầm với nhiều tiện ích đô thị khác

Hình minh họa: Trích báo cáo của đoàn chuyên gia JICA (Nhật Bản) minh họa phương án ga Hà Nôi ngầm của Nikken Seikkei và đề xuất của Nhóm tư vấn CitySolution: tích hợp nhà ga ngầm với nhiều tiện ích đô thị khác

Đoàn nghiên cứu JICA đã diễn giải chi phí cho một chỗ đỗ xe ngầm kết hợp với xây dựng ga ngầm có thể tiết kiệm 75% giá thành do chia sẻ chi phí: chuẩn bị kỹ thuật/ lắp đặt tường chắn đất/hoàn nguyên bề mặt/thi công đào và vận chuyển phế thải. Nếu đề xuất tích hợp nhiều chức năng sử dụng vào một tổ hợp ngầm như: trung tâm thương mại, không gian đường dây đường ống, nơi chứa nước ngầm hay các tuyến đường bộ, đường sắt khác thì suất đầu tư được hạ thấp hơn cả công trình đơn lẻ xây trên mặt đất, dành lại không gian cảnh quan mặt đất cho hoạt động công cộng hay bảo tồn kiến trúc, đô thị lịch sử.

Ví dụ trên cho thấy lợi ích của việc lập phương pháp tích hợp, đa ngành, đảm bảo sự thống nhất và đồng bộ trong định hướng phát triển và liên kết giữa các ngành, lĩnh vực nhằm khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn lực cho phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố, phát huy được tối đa về tiềm năng, lợi thế của đa ngành, lĩnh vực nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, là mục đích đặt ra trong Kế hoạch 65/KH-UBND của Thành phố Hà Nội

Làm rõ quyền sở hữu tài sản trong tổ hợp không gian ngầm đô thị

Thành phố Hà Nội đặt ra nhiệm vụ lập Quy hoạch thành phố Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 là việc sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường để sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. Soi chiếu vào Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm Hà Nội cho thấy muốn đạt mục tiêu tích hợp các mục đích sử dụng trong không gian ngầm để chia sẻ gánh nặng đầu tư, hạ giá thành xây lắp. Như vậy, trong cùng không gia lại đa sở hữu phải đảm bảo mối quan hệ bền vững, an toàn đầu tư thì việc tối quan trọng là làm rõ quyền sở hữu tài sản trong tổ hợp không gian ngầm đô thị – Đây là tồn tại lớn, gây tắc nghẽn, thậm chí bế tắc trong các hoạt động tài chính đầu tư, an sinh xã hội hiện nay.

Thực tế tại TPHCM và Hà Nội, khi xây dựng hay khai thác các công trình giao thông ngầm lớn ảnh hưởng an không chỉ theo chiều thẳng đứng, mà còn mở rộng ra các bên, ví dụ ranh giới ảnh hưởng của tunnel có lớp đất phủ bằng 3 lần đường kính, như vậy sẽ có phạm vi mở rộng ra bên ngoài công trình ngầm 30m, trong khi văn bản pháp lý liên quan đến tài sản thuộc nhiều sở hữu trong phạm vi này rất hạn chế hoặc hầu như không có, cần phải bổ sung vào các Luật, đặc biệt là Luật Đất đai và Xây dựng. Đây cũng là những thách thức chung của tiến trình phát triển mà nhiều quốc gia trên thế giới đã phải cập nhật bổ sung. Tại Úc, các điều luật sở hữu từ mặt đất tới tâm trái đất nay chỉ còn giới hạn tới -15m, sâu dưới nữa là của Nhà nước; Tại Nhật thì cho sâu tới -40m ;Tại Pháp thì quyền tài sản tư nhân giảm dần từ -3 m, là 70%, xuống tới -30 là 0%: hoàn toàn thuộc về Nhà nước. Chính phủ Singapore cũng có chính sách “dự trữ đất đai” chuẩn bị cho các dự án quy hoạch/ phát triển phía trên cũng như phần ngầm dưới đất. Không chỉ mua trước không gian ngầm, họ quản lý các tiện ích cũng như có sẵn dữ liệu và thông tin ngầm. Chính sách “dự trữ đất đai” đã được Luật hóa tại Pháp khi hoạch định các “Vùng dự kiến quy hoạch” còn gọi là vùng trì hoãn phát triển (ZAD – Zone d’Aménagement Différée – F) để không ảnh hưởng tới các hạng mục xây dựng nổi và ngầm sẽ xây dựng theo quy hoạch. Quy trình này giúp Thành phố thu hồi được những giá trị thặng dư từ đất đai sau quy hoạch, Thành phố tiến hành quyền ưu tiên mua đất để làm chủ thời cơ thuận lợi với giá phải chăng, hạn chế đầu cơ.

Hà Nội đang đứng trước cơ hội vô cùng lớn khi bắt tay lập Quy hoạch theo phương pháp mới, đồng thời với việc khai thác mỏ vàng khổng lồ mang tên “ không gian ngầm trong trung tâm đô thị”. Tuy vậy, đây cũng là thách thức bội phần vì chưa bao giờ tiếp cận cùng lúc đối tượng lẫn công cụ tiếp cận mới. Hy vọng không gian ngầm đô thị theo quy hoạch bằng phương pháp mới sẽ không chỉ bản vẽ vời cho vui mà không cần biết sẽ phải đầu tư hết bao nhiêu tiền? Dùng như thế nào? Quản lý ra sao? Mang lại lợi ích cho ai? Làm thế nào đủ hấp dẫn, thu hút vốn đầu tư toàn xã hội? Trong muôn vàn gian khó, Hà Nội luôn ló cái khôn ngoan, điều đó đã được chứng minh khi đất nước ta, Hà Nội ta đối mặt với dịch bệnh chưa từng có, nhưng đã xuất hiện nhiều quyết sách  linh hoạt, kiên quyết và hiệu quả thế nào… Tin rằng Hà Nội ta cũng sẽ tìm ra cách hay nhất để làm ra Quy hoạch xây dựng các công trình ngầm mà Thành phố không tốn tiền mà lại còn giàu có hơn.

KTS Trần Huy Ánh