14/08/2017

Quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long cần có tầm nhìn chiến lược

Đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, có hoàn chỉnh nhưng cũng cần cẩn trọng để không gây lãng phí với các dự án hạ tầng lớn. Điểm chủ chốt vẫn là khắc phục các khu vực thường xuyên ngập lụt, mở rộng mạng lưới giao thông với các tuyến đường xuyên suốt, đảm bảo mở rộng giao lưu với các cửa khẩu quốc tế.


Bản đồ quy hoạch vùng ĐBSCL.

Định hướng quy hoạch hạ tầng cho vùng ĐBSCL trong thời gian tới sẽ được điều chỉnh hài hòa, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) và đặc điểm dễ bị tổn thương của lãnh thổ. Sự chọn lọc cẩn trọng để không xây dựng mới các hạ tầng lớn quá tốn kém tại các khu vực thường xuyên chịu ngập lụt. Một số lượng lớn đường cao tốc được Bộ Giao thông Vận tải quy hoạch có thể không được coi là đầu tư tối ưu khi mà năm 2050 sẽ bị ngập.

Quy hoạch đề xuất tạo ra kết nối không đồng đều về tiếp cận và mạng lưới đơn điệu trên toàn vùng, thay vào đó là hệ thống giao thông tầng bậc với một trục cao tốc chính – trục xương sống nằm trên các dải đất cao trung tâm vùng, kết nối các trọng điểm kinh tế – xã hội như TP.HCM, cao tốc xuyên Á, các cảng biển và cửa khẩu quốc tế.

Mô hình phát triển phi tập trung tăng cường sự đa dạng, chuyên môn hóa theo sáu tiểu vùng sinh thái nông nghiệp, hình thành các trung tâm cấp vùng thúc đẩy sự phát triển theo thế mạnh của từng tiểu vùng sinh thái nông nghiệp, hình thành ba vùng hình thái phát triển đô thị, nông thôn và cảnh quan để thích ứng BĐKH, nước biển dâng, tác động thượng nguồn sông Mê Kông.

Theo ông Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, các tác giả lập bản quy hoạch đã bám sát và nêu rõ tác động do BĐKH, chính vì vậy đưa ra nội dung điều chỉnh quy hoạch năm 2009 cho phù hợp với yêu cầu BĐKH và tác động kép.

Việc lập tổ chức không gian vùng theo ý tưởng phân vùng ĐBSCL thành 6 tiểu vùng sinh thái nông nghiêp, dựa trên đặc trưng về sinh thái, điều kiện thổ nhưỡng, các ảnh hưởng của BĐKH, tiềm năng khai thác phát triển kinh tế, đặc điểm tài nguyên thiên nhiên, sự ngập lụt khác biệt theo mùa là phù hợp và mang tính đột phá hướng tới sự bền vững trong tương lai.

Các giải pháp phát triển hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật khung của vùng theo phương án chú trọng và đề cao vai trò hệ thống giao thông thủy, điều chỉnh hệ thống giao thông vùng so với quy hoạch phát triển hệ thống giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL và quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL lập năm 2009.

Trong đó các tuyến đường cao tốc xương sống được điều chỉnh để ít chịu tác động bởi ngập lụt và nước biển dâng đồng thời giảm phát triển hạ tầng dàn trải, tiết kiệm đất đai, giảm chi phí đầu tư hệ thống giao thông đường bộ là cần thiết và tương đối hợp lý.

Đồ án đã đề xuất tạo kết nối giao thương giữa vùng ĐBSCL với Quốc tế không phải thông qua TP.HCM, bằng phương án xây dựng cảng biển nước sâu tại vùng rìa thềm lục địa gắn với chương trình lấn biển Bạc Liêu là đột phá và cần thiết.

Ông Lê Đỗ Mười – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển giao thông Vận tải cho rằng: Trong định hướng phát triển không gian vùng đồ án đã điều chỉnh mô hình phát triển phù hợp với kinh tế – xã hội so với quy hoạch cũ được phê duyệt năm 2009, đó là mô hình phát triển phi tập trung, tăng cường sự đa dạng chuyên môn hóa theo 6 tiểu vùng sinh thái nông nghiệp, hình thành các trung tâm cấp vùng thúc đẩy sự phát triển theo thế mạnh của tiểu vùng sinh thái nông nghiệp, hình thành ba vùng hình thái phát triển đô thị, nông thôn và cảnh quan để thích ứng với BĐKH và nước biển dâng, tác động từ thượng nguồn sông Mê Kông.

Ông Trần Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật nhận định về thoát nước và cao độ nền cần chia ra những vùng ngập khác nhau và đề xuất 6 vùng sinh thái.

Đại diện Bộ NN&PTNT cho rằng: Về các căn cứ luật quy hoạch cần dự thảo nên cập nhật Nghị định 42 về sử dụng đất lúa đã được thay bằng Nghị định 35. Quy hoạch nên có sự gắn kết với các vùng và các khu nông nghiệp công nghệ cao đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt. Các chương trình trọng điểm cũng cần sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, phân kỳ phân nguồn để có các chương trình huy động nguồn vốn đầu tư.

Hà Đào