06/01/2016

Quy định mới về chức năng các cơ quan chuyên môn thuộc Sở Xây dựng

Bộ Xây dựng – Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BXD-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW, UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh về các lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc ngành Xây dựng.


Thông tư liên tịch này thay thế Thông tư liên tịch số 20/2008/TTLT-BXD-BNV của Bộ Xây dựng và Bộ Nội vụ.

Theo đó, Sở Xây dựng là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về các lĩnh vực: Quy hoạch xây dựng và kiến trúc; hoạt động đầu tư xây dựng; phát triển đô thị; hạ tầng kỹ thuật đô thị và khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao… Riêng đối với Sở Xây dựng thuộc thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh không thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND thành phố quản lý nhà nước về lĩnh vực quy hoạch xây dựng, kiến trúc.

Về nhiệm vụ và quyền hạn, Sở Xây dựng có trách nhiệm xây dựng Dự thảo các quyết định, chỉ thị, các văn bản quy định việc phân công, phân cấp và Ủy quyền trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Sở thuộc phạm vi trách nhiệm, thẩm quyền của UBND cấp tỉnh. Dự thảo quy hoạch, kế hoạch dài hạn, 05 năm và hàng năm, các chương trình, dự án trong ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Sở được UBND cấp tỉnh giao. Và các dự thảo chương trình, biện pháp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính nhà nước trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Sở trên địa bàn tỉnh, đảm bảo phù hợp với mục tiêu và nội dung chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước của UBND cấp tỉnh…

Đối với cơ cấu tổ chức, lãnh đạo Sở Xây dựng chỉ có Giám đốc và không quá 3 Phó giám đốc. Giám đốc Sở là người đứng đầu Sở, chịu trách nhiệm trước UBND cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp tỉnh và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Sở. Chịu trách nhiệm báo cáo công tác trước UBND cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp tỉnh và Bộ trưởng Bộ Xây dựng; báo cáo trước Hội đồng nhân dân, trả lời kiến nghị của cử tri, chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo yêu cầu.

Phó giám đốc Sở là người giúp Giám đốc Sở, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công; khi Giám đốc Sở vắng mặt, một Phó giám đốc Sở được Giám đốc Sở ủy nhiệm điều hành các hoạt động của Sở. Việc bổ nhiệm Giám đốc Sở và Phó giám đốc Sở do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ do Bộ Xây dựng ban hành và theo các quy định của pháp luật; việc miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và các chế độ chính sách khác đối với Giám đốc Sở và Phó giám đốc Sở thực hiện theo quy định của pháp luật.

Đối với các tỉnh, cơ cấu tổ chức của Sở Xây dựng không quá 8 đơn vị, bao gồm: Văn phòng; Thanh tra; Phòng Quy hoạch – Kiến trúc; Phòng Phát triển đô thị và Hạ tầng kỹ thuật; Phòng Quản lý xây dựng; Phòng Kinh tế và Vật liệu xây dựng; Phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản; Chi cục Giám định xây dựng.

Ông Đỗ Quang Nha, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nam cho biết: Hiện nay Sở đang xây dựng Dự thảo quy chế hoạt động trình UBND tỉnh ký theo hướng dẫn của Bộ. Theo đó UBND tỉnh đang hướng dẫn từ nay đến năm 2020 sẽ giảm 10% về biên chế tổ chức và tổ chức chia tách các phòng theo các hướng dẫn của quy chế. Việc cơ cấu lại tổ chức sẽ gặp phải khó khăn trong những năm đầu tiên, đó là việc thiếu hụt về con người. Thực tế sau khi chia tách phòng xảy ra việc phòng có 3 người thì 2 người là lãnh đạo. Ngoài ra chuyên môn nghiệp vụ sau khi tách phòng còn rất nhiều lúng túng, bởi hiện nay chuyên môn nghiệp vụ vẫn còn đang thiếu, đang yếu.

Đối với các thành phố trực thuộc TW, cơ cấu tổ chức của Sở Xây dựng không quá 10 đơn vị, cụ thể như sau: Văn phòng; Thanh tra; Phòng Quy hoạch – Kiến trúc; Phòng Phát triển đô thị; Phòng Hạ tầng kỹ thuật; Phòng Quản lý xây dựng; Phòng Cấp phép xây dựng; Phòng Kinh tế và Vật liệu xây dựng; Phòng Quản lý nhà nước và thị trường BĐS; Chi cục Giám định xây dựng.

Riêng đối với Sở Xây dựng thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh không thành lập Phòng Quy hoạch – Kiến trúc, được thành lập Phòng Kế hoạch – Tổng hợp, Phòng Tổ chức cán bộ và giữ nguyên Phòng Pháp chế như hiện nay. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo xây dựng Đề án về cơ cấu tổ chức của Sở Quy hoạch – Kiến trúc, thống nhất với Bộ Xây dựng, Bộ Nội vụ trước khi quyết định.

Đơn vị sự nghiệp gồm có Trung tâm (hoặc Viện) Quy hoạch xây dựng trực thuộc Sở Xây dựng, hoặc trực thuộc Sở Quy hoạch – Kiến trúc. Riêng đối với thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, Viện Quy hoạch xây dựng trực thuộc UBND Thành phố. Việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập khác trực thuộc Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch – Kiến trúc thực hiện theo quy định của pháp luật.

Về trách nhiệm thi hành, UBND cấp tỉnh chỉ đạo việc kiện toàn hệ thống tổ chức ngành Xây dựng trên địa bàn. Quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Xây dựng theo hướng dẫn của Thông tư liên tịch này và văn bản pháp luật có liên quan. Hướng dẫn UBND cấp huyện quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của phòng Quản lý đô thị, phòng Kinh tế và Hạ tầng cấp huyện.

Bố trí biên chế công chức, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập của Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch – Kiến trúc; của Phòng Quản lý đô thị, Phòng Kinh tế và Hạ tầng theo vị trí việc làm. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, biên chế của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện quản lý nhà nước về xây dựng.

Vũ Chiến/Báo Xây dựng