21/08/2018

Quận Thanh Xuân: Kiến nghị di dời các cơ sở không khắc phục tồn tại về PCCC ra khỏi khu dân cư

Từ thực tiễn quản lý, UBND quận Thanh Xuân, Hà Nội đề nghị với những cơ sở sản xuất kinh doanh nếu chậm hoặc không khắc phục các tồn tại về PCCC thì UBND TP, các bộ, ngành cần chỉ đạo di dời khỏi khu vực nội thành, khu dân cư

Chiều 20-8, Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND TP do Trưởng ban Nguyễn Hoài Nam làm trưởng đoàn đã tiếp tục giám sát kết quả thực hiện Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐND về việc xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC trên được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC có hiệu lực thi hành địa bàn quận Thanh Xuân.

Theo lãnh đạo UBND quận Thanh Xuân, ngay khi có Nghị quyết 05, UBND quận đã rà soát lập danh sách 143 cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết.

Cụ thể, các cơ sở này không đảm bảo về bố trí mặt bằng công năng sử dụng, giao thông, nguồn nước, khoảng cách an toàn PCCC, bậc chịu lửa, lối thoát nạn, ngăn cháy lan, trang bị phương tiện, hệ thống PCCC… phục vụ công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Đồng thời, UBND quận đã phân loại đối tượng theo ngành, lĩnh vực quản lý; đối tượng trong và ngoài ngân sách Nhà nước; lập danh sách gửi các sở, ban, ngành để phối hợp rà soát, đôn đốc, triển khai thực hiện, gồm: 11 cơ sở là các đơn vị sản xuất, 9 đơn vị trường học đã hoạt động lâu năm, 121 nhà tập thể cũ tại các phường (Thanh Xuân Bắc, Kim Giang, Thanh Xuân Nam, Thượng Đình, Thanh Xuân Trung) và 2 chợ (Kim Giang, Nhân Chính).

3128_IMG_5513

Đoàn khảo sát tại nhà E8 Khu tập thể Thanh Xuân Bắc

UBND quận đã kiểm tra, làm việc và yêu cầu các chủ đầu tư, chủ cơ sở chủ động mời các đơn vị tư vấn để khảo sát, xây dựng kế hoạch, lộ trình, thời gian, dự trù kinh phí thực hiện. Đồng thời, rà soát, dự kiến bố trí ngân sách với các cơ sở thuộc nguồn vốn ngân sách quận và phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất UBND TP bố trí nguồn vốn thuộc ngân sách thành phố đảm bảo.

Tuy nhiên, một số DN sau khi cổ phần hóa thì nguồn kinh phí hoạt động gặp khó khăn nên đầu tư cho hoạt động PCCC hạn chế, hầu hết đơn vị không bố trí được nguồn kinh phí riêng phục vụ thực hiện Nghị quyết 05.

Hơn nữa, để tổ chức thực hiện Nghị quyết, khắc phục tồn tại về PCCC sẽ phải dừng hoạt động sản xuất kinh doanh, nên các đơn vị chưa chủ động.

Từ thực tiễn quản lý, UBND quận Thanh Xuân đề nghị với những cơ sở sản xuất kinh doanh nếu chậm hoặc không khắc phục các tồn tại về PCCC thì UBND TP, các bộ, ngành cần chỉ đạo di dời khỏi khu vực nội thành, khu dân cư để đảm bảo công tác PCCC (như Công ty CP cao su sao vàng, Công ty CP dây và cáp điện Thượng Đình, Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông…).

Đoàn giám sát ghi nhận, quận Thanh Xuân đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị xây dựng các phương án khắc phục các tồn tại về PCCC, phối hợp với Cảnh sát PC&CC TP tuyên truyền, diễn tập, nâng cao nhận thức của Nhân dân trong công tác này.

Qua giám sát trực tiếp tại nhà E8 Khu tập thể Thanh Xuân Bắc, Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Hoài Nam đề nghị quận Thanh Xuân chỉ đạo khắc phục, chú trọng công tác chữa cháy tại chỗ như lắp đặt hệ thống chuông báo tại các khu tập thể, lắp đặt thêm các bình bọt chữa cháy tại hàng lang các tầng và trong các hộ gia đình… để góp phần đảm bảo an toàn PCCC.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác PCCC tại các nhà chung cư, tập thể, các chợ, cơ sở kinh doanh khí hóa lỏng, karaoke… để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 05 của HĐND TP.

H.L/Pháp luật và Xã hội