02/07/2019

Quản lý chi phí xây dựng đang có xu hướng đi lùi

Công tác đổi mới quản lý chi phí có xu hướng đi lùi, chưa theo hướng thị trường. Ông Dương Văn Cận, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam nêu quan điểm khi góp ý kiến cho phương án sửa đổi liên quan đến định mức xây dựng tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Nên hình thành thị trường giá xây dựng

Tại Hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng (gọi tắt là Dự thảo Luật sửa đổi), Bộ Xây dựng đã lấy ý kiến với phương án sửa đổi các nội dung về quản lý chi phí xây dựng theo hướng Nhà nước ban hành hệ thống định mức và giá xây dựng để bắt buộc áp dụng với dự án sử dụng vốn nhà nước. Cơ quan ban hành định mức là Bộ Xây dựng, các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành và UBND cấp tỉnh. Trong khi đó, hiện đơn giá, định mức được công bố để tham khảo.

Ông Dương Văn Cận cho biết, sau khi Đề án Đổi mới quản lý chi phí đầu tư xây dựng của Bộ Xây dựng đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2007/NĐ-CP và Nghị định số 112/2009/NĐ-CP, theo đó, Nhà nước đã thị trường hóa yếu tố chi phí, chi phí tính theo giá công trình không bình quân như thời bao cấp. Luật Xây dựng 2014 đã lùi một bước khi quy định Nhà nước công bố định mức. Và đến Dự thảo Luật sửa đổi dự kiến Nhà nước ban hành bắt buộc áp dụng. Đại diện Hiệp hội Nhà thầu xây dựng kiến nghị giữ nguyên cơ chế Nhà nước công bố định mức như Luật Xây dựng 2014 để từng bước hình thành thị trường giá xây dựng như các nước trong khu vực.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, Bộ đang nghiên cứu, lấy ý kiến về vấn đề này. Sở dĩ dự kiến sửa đổi là Nhà nước ban hành để áp dụng bắt buộc là vì thực tế khi giao người quyết định đầu tư tự xây dựng định mức, thì nhiều người ngại, sợ trách nhiệm, trì hoãn thực hiện, dẫn đến chậm trễ.

Chủ đầu tư cũng cần có bảo lãnh

Theo ông Dương Văn Cận, quy định “bảo đảm có đủ vốn để thanh toán theo thỏa thuận của hợp đồng” tại Điều 138 Luật Xây dựng chỉ mang tính hình thức nếu không có chế tài đi kèm. Hiệp hội Nhà thầu xây dựng kiến nghị bổ sung vào Dự thảo Luật sửa đổi một khoản về “bảo lãnh thanh toán của chủ đầu tư”, theo hướng khi khối lượng xây lắp hoàn thành còn 25 – 30% giá trị khối lượng thì chủ đầu tư phải ký bảo lãnh để đảm bảo đủ vốn thanh toán cho công trình, gói thầu. Cơ chế này vừa đảm bảo tính công bằng giữa nhà thầu và chủ đầu tư, vừa khắc phục, giảm bớt được nợ đọng trong xây dựng cơ bản.

Ngoài ra, ông Cận cho biết có thực tế khi làm hợp đồng, nội dung nào mang tính bất lợi cho chủ đầu tư thì chủ đầu tư không chấp nhận đưa vào, ví dụ như chậm giao mặt bằng, chậm thanh toán, trả lãi vay… Từ đó dẫn đến đàm phán hợp đồng mãi không được, nhà thầu sốt ruột quá đành phải ký, rủi ro và bất lợi cho nhà thầu. Ông Cận kiến nghị bổ sung vào nội dung hợp đồng xây dựng chế tài về một số nội dung bắt buộc phải có trong hợp đồng xây dựng.

Ở góc độ khác, bà Nguyễn Thị Duyên, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam thì cho rằng, cần có thêm quy định để nâng cao vai trò của nhà thầu thi công trong quản lý thực hiện dự án, giám sát công trình, bởi chính họ là người thực hiện công trình, gói thầu, nhất là với gói thầu EPC. Ở nhiều nước, “giám đốc quản lý dự án” là người của nhà thầu, chứ không phải là của ban quản lý dự án chuyên ngành, ban quản lý dự án khu vực, hay tổ chức tư vấn quản lý dự án.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng dự kiến sẽ sửa đổi nhiều quy định để đơn giản hóa, rút ngắn thủ tục hành chính. Nhiều nội dung trong thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, thẩm định thiết kế xây dựng do cơ quan chuyên môn về xây dựng thực hiện sẽ được phân cấp, phân tách rõ cho người quyết định đầu tư, chủ đầu tư. Bên cạnh đó, tích hợp công tác thẩm định thiết kế kỹ thuật và cấp phép xây dựng; đơn giản hóa hồ sơ cấp phép xây dựng, rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng từ 30 ngày xuống 20 ngày. Sửa đổi, bổ sung quy định về hình thức tổ chức quản lý dự án theo hướng tăng quyền chủ động cho người quyết định đầu tư, giảm đối tượng dự án bắt buộc phải quản lý dự án theo hình thức Ban quản lý dự án chuyên ngành, khu vực…

Nguyệt Minh/Báo Đấu thầu