12/08/2020

Quan điểm và hệ thống tiêu chí về môi trường ở nông thôn mới vùng đồng bằng sông Hồng

(Tạp chí KTVN 229) – Chương trình thực hiện “Bộ tiêu chí xây dựng Nông thôn mới”trong 10 năm qua đã giúp cho đời sống người nông dân được nâng cao, đây là một chủ trương lớn đúng đắn của Chính phủ trong chiến lược CNH – HĐH nông nghiệp – nông thôn. Cùng với sự phát triển về kinh tế – xã hội, cơ sở hạ tầng làng xã phát triển một cách nhanh chóng, nhu cầu xây dựng nhà ở trong nông thôn ngày một tăng cao, nhưng do xây dựng còn tự phát, có tính chất manh mún… làm cho môi trường ở bị xáo trộn, đang là mối lo ngại. Do vậy cần phải có sự quan tâm của các cấp chính quyền về những tác động của công tác quy hoạch, kiến trúc và cảnh quan các làng xã tới môi trường sống của người dân nông thôn. Nội dung bài viết dưới đây đã đưa ra quan điểm, hệ thống tiêu chí về môi trường ở nông thôn mới theo hướng hiện đại phù hợp với xu thế mới nhằm góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như điều kiện sản xuất của người nông dân nông thôn.

Khuôn viên nhà ở phù hợp với môi trường xanh

Khuôn viên nhà ở phù hợp với môi trường xanh

Thực trạng về môi trường ở nông thôn vùng ĐBSH thời kỳ đổi mới

Sau gần 30 năm đổi mới, đất nước ta nói chung và vùng ĐBSH nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Bộ mặt nông thôn thay đổi rất nhanh, thậm chí diễn ra từng ngày..

Cùng với những kết quả đạt được phải thừa nhận rằng sự thay đổi này đang tồn tại những vấn đề không nhỏ về quy hoạch xây dựng và kiến trúc nhà ở trực tiếp liên quan đến môi trường ở hiện nay trong nhiều địa phương như: Các công trình công cộng bố trí phân tán, xen kẽ trong các điểm dân cư, không hình thành không gian tập trung. Nhiều khu ở mới phân tán, bám dọc đường giao thông để kinh doanh buôn bán. Các công trình nhà ở với kiến trúc pha tạp, không phù hợp với môi trường, văn hóa ở nông thôn. Hệ thống sản xuất tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm và ảnh hưởng mỹ quan môi trường do nằm đan xen với khu dân cư.

Đối với ngôi nhà ở nông thôn nói chung và nông thôn vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng (ĐBSH) nói riêng đã thay đổi rất nhiều. Xu hướng chia nhỏ khu đất của một gia đình thành nhiều lô cho con cái và xây dựng những ngôi nhà ống đang tăng lên, thói quen sống nhiều thế hệ trong cùng ngôi nhà ở truyền thống không còn nhiều.

Những khoảng sân dùng để phơi và làm mùa trong mỗi gia đình ít dần đi do quỹ đất ngày một thu hẹp, người dân thu hoạch và phơi sản phẩm nông nghiệp ngay trên đường quốc lộ hay đường làng đã làm ảnh hưởng nhiều đến giao thông và môi trường sống đang là một hiện tượng tiêu cực.

Kiến trúc nhà ở nông thôn cho đến nay chưa được định hướng và quản lý rõ ràng chưa được các cấp chính quyền quan tâm cụ thể. Thực tế, dưới tác động của đô thị hóa, kiến trúc nông thôn đang diễn ra những vấn đề cần được xem xét để định hướng phát triển như hiện tượng “phố trong làng”, nhà ống bám đường, chia lô bán nền…

San mặt bằng không phù hợp với địa hình gây ảnh hưởng đến môi trường ở

San mặt bằng không phù hợp với địa hình gây ảnh hưởng đến môi trường ở

Quan điểm về môi trường ở nông thôn mới vùng ĐBSH

Qua khảo sát thực tế tại khu vực vùng ĐBSH, có thể thấy trong việc tổ chức môi trường ở nông thôn làng – xã, các yêu cầu về nhà ở có tính chất kiên cố lâu dài đáp ứng các nhu cầu về ăn ở, phát triển kinh tế, phù hợp các công nghệ mới, có tính thống nhất về kiến trúc, giảm thiểu các phát sinh tạm bợ, tăng cường cây xanh, khôi phục lại ao hồ mặt nước do san lấp để xây nhà là rất cần thiết.

Do đó quan điểm về môi trường ở là gắn liền với mô hình sản xuất kinh tế và theo xu hướng hiện đại. Môi trường tốt sẽ phát huy được các giá trị truyền thống và phù hợp với sự phát triển trên cơ sở không gian làng – xã hiện hữu đã có. Hơn thế môi trường ở phải phù hợp với hạ tầng xã hội trước mắt cũng như lâu dài. Môi trường ở phải phù hợp với hạ tầng kỹ thuật để phục vụ dân sinh và thúc đẩy sản xuất kinh tế. Môi trường ở phải đảm bảo vệ sinh và phù hợp với các chính sách bảo vệ môi trường bền vững của quốc gia cũng như thế giới…

Như vậy, cần phải đáp ứng và phù hợp được các yêu cầu như: (1) Môi trường nhà ở tận dụng tối đa các tác dụng có lợi và hạn chế cái xấu của thiên nhiên; (2) Bảo vệ môi trường và hệ sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và tình trạng nước biển dâng hướng tới kinh tế phát triển bền vững cả về khía cạnh tự nhiên và xã hội; (3) Đưa bộ mặt kiến trúc nông thôn trong tương lai hướng đến sự thống nhất, hài hòa, thuận mắt, hòa nhập với cảnh quan thiên nhiên. Sử dụng tài nguyên hợp lý, tiết kiệm năng lượng; (4) Các giá trị về văn hóa truyền thống được bảo vệ và gìn giữ để bảo tồn bản sắc văn hóa bản địa. Tiếp nhận những văn hóa văn minh hiện đại có lợi trong thế giới hội nhập, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân nông thôn.

Đề xuất tiêu chí môi trường nông thôn mới vùng ĐBSH

Theo bộ tiêu chí của Chính Phủ về xây dựng nông thôn mới, trong đó có các nhóm I (Quy hoạch), II (Hạ tầng kinh tế – xã hội), IV(Văn hóa – xã hội – môi trường) là các nhóm liên quan đến môi trường ở, tuy nhiên các tiêu chí này còn có tính dự báo ngắn hạn, hoặc mang tính vĩ mô.

Sau khi khảo sát, đánh giá về nông thôn mới vùng châu thổ sông Hồng, tác giả thấy cần thiết đề xuất một số nội dung hệ thống tiêu chí có tính cụ thể hơn hoặc bổ sung đối với các nhóm có liên quan tới môi trường ở làng – xã như sau:

Tiêu chí quy hoạch 

Quy hoạch lưu giữ ao hồ tạo cân bằng sinh thái

Quy hoạch lưu giữ ao hồ tạo cân bằng sinh thái

Tiêu chí chung: Phạm vi nghiên cứu phải sử dụng được tối thiểu hơn 10 năm, có sự kết hợp nghiên cứu chuyên môn của đa ngành tích hợp trên một quy hoạch, ranh giới quy hoạch theo địa giới hành chính làng – xã, gồm các nội dung:

Quy hoạch mạng lưới điểm dân cư đạt chuẩn mới, bản vẽ tỷ lệ 1/2000 -1/5000 thể hiện đầy đủ: Hệ hống các công trình hạ tầng kỹ thuật; Hệ thống các công trình tâm linh, Hệ thống các công trình văn hóa, thể thao cộng đồng ở các thôn; Hệ thống các công trình sản xuất.

Quy hoạch khu trung tâm làng – xã có tính đồng bộ cao, bản vẽ 1/1000 – 1/2000: Hệ thống các công trình hành chính, công cộng (hành chính, văn hóa, giáo dục, y tế); Hệ thống các công trình dịch vụ thương mại (chợ, khu dịch vụ, bưu điện, ngân hàng); Hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ khu trung tâm (giao thông, điện, cấp thoát nước).

Tiêu chí riêng cho các làng – xã đặc thù: Làng – xã có đặc trưng làng cổ, di tích văn hóa cảnh quan (nông nghiệp kết hợp du lịch): Cần quy hoạch thêm khu làng cổ, di tích văn hóa cảnh quan bản vẽ tỷ lệ 1/1000 – 1/2000. Đảm bảo có không gian cây xanh, hồ nước, vùng bảo vệ di tích lịch sử, kiến trúc cảnh quan; Có không gian khu vực dịch vụ (nhà ban quản lý, tiếp khách, khu nghỉ, khu tổ chức các hoạt động lễ hội, khu bán đồ cúng lễ, nhà hàng ăn uống, bãi đỗ xe, bán vé).

Làng – xã chuyên trồng trọt, chăn nuôi (thuần nông): Cần quy hoạch riêng khu vực chuồng trại hoặc khu chế biến nông sản, bãi thông thương sản phẩm. Quy hoạch đồng ruộng theo tiêu chuẩn mới có khả năng cơ giới hóa cao tích hợp hệ thống sản xuất thông minh, có hệ thống cấp nước, xử lý nước thải cho khu vực chuồng trại và chế biến.

Làng – xã có nghề truyền thống kết hợp nông nghiệp: Quy hoạch một khu vực sản xuất làng nghề bản vẽ tỷ lệ 1/1000 – 1/2000, có không gian sản xuất tập trung, có không gian giao dịch quảng cáo giới thiệu sản phẩm và hệ thống kho tập kết hàng hóa, bãi phế liệu, có hệ thống cấp điện, cấp thoát nước và xử lý nước thải cho sản xuất.

Làng – xã ven biển (nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản): Quy hoạch khu nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản, khu chế biến sản phẩm, khu xử lý chất thải theo tiêu chuẩn mới về an toàn thực phẩm và môi trường.

Tiêu chí khuôn viên và nhà ở:

(1) 100 % đạt tiêu chuẩn Bộ Xây dựng về nhà ở. Đáp ứng đầy đủ các nhu cầu: nghỉ ngơi, sinh hoạt, sản xuất, học tập, giải trí, tín ngưỡng …một cách thuận tiện, tiện nghi nhất trong khuôn khổ kinh tế và cấu trúc của mỗi gia đình;

(2) Không xây dựng nhà ống trong khuôn viên đất lớn hơn 500m2, chỉ nên xây nhà hai đến ba tầng cả mái dốc, khuôn viên đảm bảo xanh hóa để môi trường trong sạch;

(3) Đảm bảo ngôi nhà ở phải được thông gió và chiếu sáng tự nhiên 100% cho các phòng ngủ và sinh hoạt;

(4) Đảm bảo 50% bếp hiện đại có sử dụng khí ga hoặc các dạng năng lượng khác (điện, tiện từ,…), kết hợp với bếp truyền thống (đun nấu bằng củi, rơm rạ). Tiến tới 100% bếp hiện đại có tích hợp đầy đủ các tiện ích và loại bỏ bếp đun nấu rơm rạ truyền thống để giảm khí CO2, cải thiện môi trường ở trong sạch hơn;

(5) 100% khu vệ sinh (tắm giặt, đại tiện, tiểu tiện) ốp lát gạch men, đưa khu vệ sinh vào trong nhà ở, nhưng đặt cuối hướng gió để đảm bảo tiện dụng và vệ sinh môi trường, có bể tự hoại 100% trước khi thải ra môi trường;

(6) Đảm bảo tính thống nhất của bộ mặt kiến trúc, sử dụng tối đa vật liệu địa phương và các loại vật liệu thân thiện môi trường;

Nhà ở nông thôn sử dụng nước sạch, nhà vệ sinh theo xu thế mới

Nhà ở nông thôn sử dụng nước sạch, nhà vệ sinh theo xu thế mới

Tiêu chí cấp nước sinh hoạt:

(1) Đảm bảo 100% các hộ gia đình trong làng – xã có đủ nước cấp cho sinh hoạt, chất lượng nước cấp cho ăn uống và sinh hoạt đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế;

(2) Đa dạng hóa nguồn nước cấp, trữ nước mưa, trạm xử lý nước ngọt, xử lý nước mặn thành nước ngọt bằng các công nghệ mới (cho các địa phương ven biển);

(3) Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước và kiểm soát ô nhiễm môi trường nước.

Tiêu chí xử lý nước thải sinh hoạt:

(1) Đảm bảo 100% các hộ gia đình trong làng – xã đều có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt;

(2) Áp dụng công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt đã được kiểm nghiệm, thực hiện các hướng dẫn quản lý sử dụng nước để giảm lượng nước thải phải xử lý;

(3) Tái sử dụng lại nguồn nước sau xử lý.

Tiêu chí xử lý chất thải rắn:

(1) Đảm bảo 100% phân loại và thu gom chất thải rắn trong các hộ gia đình;

(2) Giảm từ 30 – 50% phát sinh chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn;

(3) Xử lý 100% chất thải rắn an toàn hợp vệ sinh và đúng kỹ thuật.

Kiến trúc nhà ở nông thôn bám mặt đường lộn xộn

Kiến trúc nhà ở nông thôn bám mặt đường lộn xộn

Tiêu chí giao thông:

(1) Đảm bảo giao thông thuận lợi, giao thông kết nối ngoại làng, nội làng, nội đồng và các hộ gia đình;

(2) Các tuyến đường không bị ngập lụt, hay chiều cường (đối với khu vực ven biển);

(3) Đáp ứng được xe cơ giới tiếp cận 100% để phục vụ sản xuất, thông thương sản phẩm nông nghiệp và phục vụ dân sinh. Đảm bảo bền vững, đi lại an toàn.

Tiêu chí năng lượng, chiếu sáng:

(1) Các công trình trong làng – xã phải tận dụng các thiết kế “xanh”, đảm bảo phù hợp với điều kiện khí hậu và vật liệu xây dựng địa phương;

(2) Tận dụng tối đa thông gió tự nhiên, ánh sáng tự nhiên, cách nhiệt, che nắng, xanh hóa công trình để tiết kiệm cho điều hòa không khí nhân tạo;

(3) Giảm tiêu thụ năng lượng trong sinh hoạt từ 5 – 10%;

(4) Phát triển, ứng dụng năng lượng tái tạo: năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng thủy triều;

(5) Các khu vực công cộng như đường thôn xóm, nhà văn hóa, sân tập thể thao có hệ thống chiếu sáng;

(6) Hệ thống chiếu sáng sử dụng điện lưới, năng lượng sạch, tận dụng nguồn năng lượng mặt trời, năng lượng gió,…;

(7) Thiết bị chiếu sáng có hiệu quả, tiết kiệm năng lượng.

Tiêu chí cây xanh:

(1) Trồng cây xanh cho các khu vực công cộng đạt tỉ lệ 100%;

(2) Trồng thêm hoặc tái tạo cây xanh trong các hộ gia đình: cây ăn quả, cây lấy gỗ;

(3) Duy trì hệ thống cây xanh để cải thiện vi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học và cảnh quan cho làng – xã.

Tiêu chí sinh hoạt cộng đồng:

(1) Duy trì và phát triển 100% thôn xóm có nhà văn hóa thôn, có sân thể thao để đảm bảo không gian hội họp và sinh hoạt văn hóa thể thao;

(2) Tận dụng các không gian công cộng trước đây như đình, nhà thờ,… làm không gian sinh hoạt cộng đồng để giảm kinh phí và quỹ đất xây dựng;

(3) Các công trình sinh hoạt cộng đồng đảm bảo vừa là nơi sinh hoạt cộng đồng, vừa là nơi ứng cứu các thảm họa thiên tai;

(4) Có sự tham gia của cộng đồng trong việc xây dựng và bảo trì.

Tiêu chí khoa học – kỹ thuật:

(1) Đưa khoa học – kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tăng năng suất sản lượng nông nghiệp. Gồm cung cấp nghiên cứu khoa học, trang thiết bị máy móc hiện đại trong sản xuất nông nghiệp;

(2) Đưa khoa học – kỹ thuật vào tổ chức không gian nhà ở, gồm cung cấp trang thiết bị hiện đại trong nội thất ngôi nhà ở, sử dụng thiết bị tiết kiệm và tái tạo năng lượng của nhà ở;

(3) Đưa công nghệ xây dựng hiện đại vào thiết kế, xây dựng và vận hành, bảo trì ngôi nhà ở nông thôn;

(4) Đưa khoa học – kỹ thuật vào tổ chức thiết kế, xây dựng, vận hành, bảo trì hệ thống giao thông nông thôn, nhất là giao thông nội đồng đáp ứng điều kiện sản xuất công nghệ cao;

(5) Đưa công nghệ thông tin vào tất cả các lĩnh vực cuộc sống, sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

(6)  Đưa khoa học – kỹ thuật vào các lĩnh vực bảo vệ môi trường như xử lý nước thải, chất thải rắn, chất thải khí cũng như các vấn đề môi trường khác.

Kết luận

Môi trường ở nông thôn truyền thống vùng ĐBSH tự thân nó có thể được coi là một “môi trường ở xanh” thể hiện ở một số điểm như cách chọn nơi định cư, chọn hướng nhà, khuôn viên ngôi nhà ở có tính sinh thái khép kín (bởi vườn – ao – chuồng), không gian làng – xã nhiều cây xanh, mặt nước… nên cần thiết phải gìn giữ và phát huy các giá trị đó trong cách tổ chức không gian nông thôn vùng ĐBSH hiện nay và những giai đoạn tiếp theo.

Về mặt chuyên môn cần phải nghiên cứu xây dựng, ban hành bộ tiêu chuẩn cho môi trường ở nông thôn mới vùng ĐBSH với các quy định hướng dẫn cần thiết. Cần nghiên cứu và kèm theo các mẫu nhà có tính thực tế cao và xây dựng thử để làm cơ sở pháp lý thuyết phục người dân áp dụng. Nghiên cứu để tạo nguồn vật liệu và phương thức xây dựng từng địa phương phù hợp, hạ giá thành và thân thiện với môi trường. Cần lựa chọn các loại hình nhà ở phù hợp với nhu cầu phát triển và phù hợp với cơ cấu sản xuất cũng như cấu trúc của mỗi hộ gia đình nông thôn hiện tại và tương lai./.

TS.KTS Đỗ Trọng Chung – Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, Đại học Xây dựng

ntm (2)

Tag: kiến trúc nông thôn, môi trường, nông thôn mới,