12/07/2019

Quá tải hạ tầng giao thông Hà Nội: Bất cập từ quy hoạch

Hướng tới mục tiêu giảm áp lực giao thông, từng bước hạn chế ùn tắc và tai nạn, tăng cường kết nối, TP Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong việc đầu tư, cải thiện hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hạ tầng giao thông dẫn đến những hệ lụy như ùn tắc, quá tải vẫn là thách thức TP đang phải đối diện.

Quá tải do… quy hoạch
Theo thống kê, mỗi năm, dân số Hà Nội tăng thêm khoảng 200.000 người, trong khi đó, tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ chỉ tăng khoảng 3%/năm, quỹ đất dành cho giao thông tăng chưa đến 1%/năm. Trong khi đó, số lượng phương tiện cá nhân gia tăng chóng mặt và đa số di chuyển đều hướng đến hoặc xuyên qua khu vực lõi đô thị, nơi mà diện tích đất dành cho giao thông rất hạn chế. Đường sá chưa đáp ứng được lưu lượng phương tiện, cùng với việc mất cân đối trong quy hoạch hạ tầng giao thông, tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông mới đạt 8,65% diện tích đất đô thị. Điều này khiến Hà Nội đang phải đối diện với tình trạng thiếu hạ tầng giao thông. Tình trạng ùn tắc, thiếu điểm đỗ… vẫn đang là vấn đề nan giải.
Các chuyên gia đã chỉ ra nguyên nhân lớn nhất dẫn đến thực trạng này đó là quy hoạch giao thông không đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất. TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội cho rằng, giữa giao thông và quy hoạch luôn có sự kết hợp chặt chẽ. Hà Nội có đồ án Quy hoạch chung xây dựng từ tháng 4/2011 nhưng phải đến tháng 3/2016 mới phê duyệt Quy hoạch GTVT. Ngay từ khâu làm quy hoạch đã bất cập như vậy nên đương nhiên quá trình phát triển đô thị của Hà Nội sinh ra nhiều hệ lụy.
Cũng theo ông Đào Ngọc Nghiêm, Hà Nội có quy hoạch 30 năm nhưng thậm chí chưa có sự gắn kết giữa quy hoạch phát triển không gian với kết cấu hạ tầng, đặc biệt là quy hoạch mạng lưới giao thông. Khu đô thị thường do tư nhân đầu tư, giao thông lại do Nhà nước đảm nhận. Do nguồn vốn khó khăn nên hiện TP vẫn chưa thực hiện được đồng thời. Điều này dẫn tới nhiều bất cập. Đơn cử, tuyến đường Lê Văn Lương dự kiến mở rộng từ năm 2003 nhằm kết nối với hai tuyến đường vành đai để giảm tải giao thông tại khu vực này nhưng việc bố trí ngân sách rất chậm. Trong khi đó, do thiếu chính sách quản lý, từ 2011 đến nay có trên 20 dự án cao tầng được xây dựng, dẫn tới những ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng hơn… Như vậy để thấy rằng, bất cập giữa quy hoạch và kế hoạch, đặc biệt là thiếu nguồn lực để làm hạ tầng kỹ thuật khung.
Quy hoạch phát triển đô thị theo hướng mở rộng giao thông công cộng. Ảnh: Thanh Hải

Quy hoạch phát triển đô thị theo hướng mở rộng giao thông công cộng. Ảnh: Thanh Hải

Giải pháp từ quy hoạch hạ tầng
Có thể thấy trong những năm gần đây, hệ thống hạ tầng giao thông của Hà Nội được đầu tư xây dựng, mở rộng khá nhiều, đã từng bước kết nối đồng bộ giữa các khu vực, địa phương. Tuy nhiên, PGS. TS Hồ Ngọc Hùng – Khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Đại học Xây dựng Hà Nội) cho rằng, các giải pháp quy hoạch giao thông thời gian qua chưa đáp ứng được nhu cầu giao thông thực tế đang ngày một tăng nhanh. Để giải quyết vấn đề này, theo kinh nghiệm các nước, việc lập quy hoạch phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng hay tích hợp quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch phát triển giao thông là điều bắt buộc. Để có dự báo tương đối chính xác về phát triển dân số và nhu cầu giao thông đô thị phục vụ cho công tác lập quy hoạch, Hà Nội cần xây dựng và định kỳ cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu cần thiết để tiếp tục phục vụ cho giai đoạn lập quy hoạch các phân khu và quy hoạch chi tiết theo định hướng giao thông công cộng.
Đồng quan điểm trên, PGS. TS Vũ Hoài Nam – Trưởng bộ môn Đường ô tô, đường đô thị (Đại học Xây dựng Hà Nội) cho rằng, ưu tiên cho giao thông công cộng là giải pháp sống còn cho Hà Nội. Để đạt tỷ lệ giao thông công cộng gánh 50% – 60% thị phần vận tải hành khách như mục tiêu đề ra, giao thông công cộng cần được ưu tiên nguồn vốn tương xứng, bố trí quỹ đất phát triển sẵn hạ tầng như đường, làn dành riêng hoặc trục vận tải hành khách chính… Thay vì đầu tư mở nhiều tuyến đường mới, Hà Nội nên đầu tư mở đường dành riêng cho giao thông công cộng. Đặc biệt là những hành lang kết nối đầu mối giao thông lớn như khu công nghiệp, khu đô thị, trung tâm dịch vụ, các trường đại học… “Chúng ta không cần những con đường nhiều làn xe hoành tráng đầy ắp xe con và xe máy mà chỉ cần hai làn xe cho xe buýt tốc độ cao vận chuyển với số lượng lớn hành khách. Chi phí đầu tư chắc chắn sẽ nhỏ hơn rất nhiều” – ông Vũ Hoài Nam nhấn mạnh.
Các chuyên gia đều cho rằng, trong tương lai Hà Nội sẽ phát triển trên cơ sở cấu trúc đa trung tâm, vì vậy cần được hỗ trợ hiệu quả bởi hệ thống vận tải công cộng sức chở lớn. Bên cạnh đó, phương tiện giao thông cá nhân hiện có phải được nghiên cứu sử dụng hiệu quả, xem như loại hình trung chuyển, kết nối với phương tiện công cộng trong điều kiện hạ tầng đô thị đang quá tải.
Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm trước Kỳ họp HĐND TP lần thứ 9, Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, xây nhà cao tầng là một xu hướng tất yếu các nước đang làm. Điều này cũng hoàn toàn đúng với kế hoạch phát triển đô thị mà Thủ tướng đã phê duyệt. Nhưng nhà đầu tư chỉ làm phía trong hàng rào, còn ngoài hàng rào là TP phải đầu tư nhưng do nguồn lực có hạn nên đang có sự vênh nhau. TP đã phát hiện vấn đề này và đang cố gắng đấu nối những khu vực hạ tầng còn khập khiễng để giảm ùn tắc giao thông.