21/08/2020

Quá tải chất thải rắn xây dựng

Các bãi chôn lấp cũ đã đầy, các bãi mới theo quy hoạch chưa được triển khai, trong khi các dự án thí điểm xử lý theo công nghệ nghiền nhằm tái chế chất thải rắn xây dựng (CTRXD) lại đang vướng rất nhiều về thủ tục, cơ chế thực hiện. Từ thực trạng này, nguy cơ TP Hà Nội có thể sẽ phải đối mặt với việc quá tải CTRXD trong thời gian ngắn tới đây.

Các khu xử lý CTR XD theo công nghệ nghiền đang dần quá tải do sản phẩm nghiền tái chế gặp khó trong vấn đề đầu ra. Ảnh: Vũ Lê

Các khu xử lý CTR XD theo công nghệ nghiền đang dần quá tải do sản phẩm nghiền tái chế gặp khó trong vấn đề đầu ra. Ảnh: Vũ Lê

3 điểm tiếp nhận sắp quá tải
Hiện nay, trên địa bàn TP chỉ còn 3 địa điểm được phép tiếp nhận xử lý CTRXD. Đó là bãi chôn lấp tại Nguyên Khê, Đông Anh nhưng hiện bãi đã đầy và dự kiến dừng tiếp nhận vào cuối năm 2020. Ngoài ra, hai điểm tiếp nhận xử lý theo công nghệ nghiền nằm tại quận Hoàng Mai là khu đất ngoài bãi sông Hồng, dưới chân cầu Thanh Trì rộng 2,5ha thuộc phường Thanh Trì, do Công ty CP Xử lý chất thải xây dựng và Đầu tư phát triển môi trường Hà Nội được giao và điểm tại nút giao 6,5ha Pháp Vân – Cầu Giẽ thuộc phường Hoàng Liệt do Công ty CP Dịch vụ Toàn Cầu thực hiện.
Tuy nhiên, cả hai khu xử lý này cũng đã bắt đầu quá tải, không còn diện tích để chứa vật liệu đã được nghiền. Ông Đặng Tiến Thành – Giám đốc Công ty CP Xử lý chất thải xây dựng và Đầu tư phát triển môi trường Hà Nội cho biết, hiện nay tại bãi xử lý dưới chân cầu Thanh Trì đang lưu khoảng 25.000m3 sản phẩm đã nghiền, trong khi công suất chứa tối đa của bãi là 100.000m3 . Nếu tình trạng đầu ra cho sản phẩm tái chế vẫn khó khăn thì đến khoảng cuối năm nay, bãi sẽ không còn sức chứa và phải dừng tiếp nhận.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Đồng Phước An thông tin, trong 6 tháng đầu năm 2020 tại hai điểm tiếp nhận, nghiền tái chế được khoảng 126.000 tấn CTRXD, trung bình 700 tấn/ngày (tương đương 300 – 400 m3 /ngày). Trong khi đó, theo ước tính, trên toàn TP Hà Nội, mỗi ngày thải ra khoảng 3.000 – 5.000m3 CTRXD, riêng chất thải có thể nghiền làm vật liệu tái chế (gạch, đá, bê tông) là khoảng 1.000m3. Như vậy, còn một lượng lớn CTRXD thải ra hàng ngày không có địa chỉ tiếp nhận.
Công trình sử dụng vốn ngân sách xả thải nhiều nhất
Mặc dù đã có quy hoạch từ năm 2014 nhưng đến nay, Hà Nội chưa triển khai được bất kỳ khu xử lý CTRXD nào do vướng mắc về địa điểm điểm và ý kiến cộng đồng. Còn lại đối với các địa điểm là trạm trung chuyển, tiếp nhận xử lý tạm thời theo công nghệ nghiền đến nay cũng đang gặp rất nhiều khó khăn như cơ chế sử dụng đất, bao tiêu sản phẩm, đơn giá xử lý sản phẩm… Ông Đặng Tiến Thành cho biết, trên địa bàn TP hiện nay, các công trình sử dụng vốn ngân sách trong các hoạt động GPMB và đầu tư hạ tầng đang là những nguồn xả thải nhiều nhất.
Tuy nhiên, giá xử lý chất thải xây dựng lại không được phê duyệt vào chi phí dự án. Bên cạnh đó, trong cấp phép xây dựng từ các công trình dân dụng đến công trình xây dựng giao thông không đưa vào tiêu chí mời thầu trong công tác GPMB phải có địa điểm chính xác để xử lý CTRXD, chỉ yêu cầu có hợp đồng với đơn vị có chức năng xử lý CTRXD. Vì những lý do này mà rất ít chủ đầu tư, chủ nguồn thải ký hợp đồng với các đơn vị xử lý CTR XD. “Từ năm 2017 đến nay, đơn vị mới ký hợp đồng xử lý CTRXD 3 công trình sử dụng ngân sách là dự án đường Vành đai 2 (đoạn cầu Vĩnh Tuy đến cầu Mai Động), dự án xây dựng lại khu tập thể 30A Lý Thường Kiệt, dự án xây dựng trụ sở Quận ủy – HĐND – UBND quận Đống Đa” – ông Đặng Tiến Thành nhìn nhận.
CTRXD từ bê tông, gạch, đá, sỏi sau khi nghiền để tái chế có thể dùng sản xuất gạch không nung, gạch block lát vỉa hè… Các sản phẩm tái chế này thường dùng trong các công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Do đó, rất cần có cơ chế bao tiêu sản phẩm nhưng đến nay chưa có chính sách. Bên cạnh đó, hiện cũng chưa có quy chuẩn Việt Nam về sử dụng vật liệu tái chế trong các công trình xây dựng. Chính vì vậy, các cấp chính quyền không thể đưa vào sử dụng tại các công trình. Đối với chất thải nghiền ra làm vật liệu cấp phối dùng trong việc san nền các công trình giao thông chịu nén tải thấp như hè đường, san lấp các công trình công cộng như công viên, vườn hoa, nhà xưởng các khu công nghiệp… phải có nơi lưu giữ hoặc mang đi chôn lấp. Tuy nhiên, các bãi chôn lấp hiện đã hết công suất, các bãi mới theo quy hoạch lại chưa được triển khai. Đây là nguyên nhân các bãi nghiền CTRXD đang rơi vào tình trạng quá tải, vì khó khăn trong khâu đầu ra.
Để sớm có phương án xử lý CTRXD, tránh tình trạng quá tải, ùn ứ giống như rác thải sinh hoạt hiện nay, theo các chuyên gia môi trường, Hà Nội cần quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc tiến độ triển khai các dự án xử lý CTR XD có công nghệ khép kín từ tái chế, tái sản xuất vật liệu xây dựng và kết hợp chôn lấp. Đồng thời, tiếp tục nhân rộng mô hình đề án thí điểm trạm trung chuyển và xử lý CTRXD tại các cửa ngõ của TP.

Sở Xây dựng vừa đề xuất và được UBND TP đồng ý, đối với các vị trí cửa ngõ Thủ đô khu vực phía Tây và Đông, giao UBND các quận, huyện: Thanh Oai, Chương Mỹ, Gia Lâm, Bắc Từ Liêm, Long Biên và thị xã Sơn Tây tiếp tục rà soát các vị trí có khả năng triển khai các trạm tiếp nhận, xử lý tái chế CTRXD. Đối với hai vị trí tại xã Dục Tú, huyện Đông Anh và xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh đã được chấp nhận chủ trương đầu tư nếu chậm triển khai, UBND TP sẽ thu hồi giao nhà đầu tư khác có năng lực thực hiện.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Đồng Phước An

Vũ Lê/Kinh tế Đô thị